Thứ sáu, 04/10/2024

Đôi điều về thơ

Thứ hai, 01/04/2019

LÂM XUÂN VI

Bài thơ hay, nhất thiết phải có tứ độc đáo, đạt tính đa chiều, đa ngữ nghĩa. Tứ thơ càng sâu sắc, hóm hỉnh mới lạ càng hay
Có nhiều cách định nghĩa về tứ thơ. Với tôi, Tứ thơ là cái gì đó mà khi nhà thơ chưa chạm tới thì vẫn là một phong kín.

Vầng trăng của trời đất muôn loài có từ thuở khai thiên lập địa, đã có lớp lớp thi nhân, cổ kim, đông tây khai thác nhưng có ai, giống ai. Có khi 1 câu thơ, 1 cặp câu thơ cũng nhờ cái tứ sắc sảo mà trở nên độc đáo, đâu cần nhiều  lời: Một mình Đàn lạnh dưới trăng/ Tiếng kêu chim Hạc đóng băng giữa trời; Vầng trăng ai sẻ làm đôi/ nửa in gối chiếc nửa phơi dặm trường.  Cùng nói về dòng sông: Anh ngồi uống cạn dòng sông/ Lo em nhan sắc về không có đò (Trương Nam Hươmg); Ước gì ta được là sông / Để ra đến biển là không còn mình. (Lâm Thị Mỹ Dạ)


Ngày thơ Việt Nam Lần thứ 17 năm 2019                                                                   Ản: MINH TUYỀN

Bài tứ tuyệt Đợi đêm lá mới lìa cành của Trần Mạnh Hảo tứ thơ thật độc đáo, khác lạ: Suốt ngày sao lá không rơi? / Ngỡ anh đã ngủ lá rời cành êm/ Vi sao lá níu cây thêm?/ Sợ anh buồn lá chọn đêm lìa cành. Tôi đã bình  cả 5 trang in khổ 13x19 chưa hết cái hay bởi cái tứ quá độc đáo của bài thơ. Thế thì hà cớ gì bài thơ cứ phải kéo dài lê thê, nhất là thơ lục bát nghiêm vần luật, nếu non tay dễ thất vận thì sao gọi là thơ được, người ta nói lục bát dễ làm, khó hay là vậy. Chẳng những thế dài dòng dễ bị vần rê dắt, thành lảm nhảm dễ dãi, càng không thể thành thơ. Nên phải tùy nội dung thơ mà chọn hình thức thơ thích hợp. Phải sử dụng các loại thể thơ truyền thống, hay tự do cho đắc địa. Truyền thống loại (4, 5, 6, 7) chữ, có vần luật riêng của nó. Thơ tự do có luật tổ chức âm thanh: trọng âm, phụ âm và nhạc tính chứ không tù mù, xuống dòng vô lối, cho là cách tân, hay tự do đều là nhảm nhí.

Thơ hay phải là thơ đa chiều, đa ngữ nghĩa. Có bài tựa như thơ mà chẳng bao giờ thành thơ, chưa vượt qua "vũ môn" thơ, gọi là thơ mặt phẳng, đơn nghĩa và có khi vô nghĩa vì lảm nhảm rối rắm.

Thơ đa chiều (nghĩa lặn vào trong chữ). Ông cha ta xưa gọi "Ý tại ngôn ngoại". Ngày xưa học vị, học hàm, phong quan căn cứ vào kết quả thi thơ. Được lựa chọn, định giá trị bằng thơ, nên mới có câu "thơ là người" là vậy.

Thơ đa chiều theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tiềm có 7 chiều không gian (Chiều Trực cảm, Tâm cảm, Liên tưởng, Tâm tình, Chiêm nghiệm, Tâm linh).

Bác Hồ sở dĩ được nhân loại phong là danh nhân văn hóa, Người không chỉ là nhà cách mạng lỗi lạc, mà còn là nhà thơ của "Nhật ký ngục trung" dịch ra nhiều thứ tiếng hay những câu thơ đa chiều, đa ngữ nghĩa của Bác: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi ghé nghiên soi ...

Hội đã đạt nhiều thành tựu VHNT trong đó có thơ. Thơ Ninh Bình còn được bạn đọc "phong tặng" danh hiệu "miền lục bát Ninh Bình". Hàng năm mở nhiều trại sáng tác, nhiều chuyến đi thức tế rất thành công, Biểu hiện cụ thể, từ 1 vùng trũng về thơ chúng ta đã sánh vai được với các tỉnh lớn, các Trung tâm văn hóa. Thơ cũng gặt hái nhiều giải thưởng Trung ương và địa phương.

Đã xuất bản được Văn học Ninh Bình ngàn năm; Miền lục bát Cố đô, Văn thơ thiếu nhi Ninh Bình, Văn thơ Ninh Bình mười năm (1995 -2005) và hàng trăm tập thơ của hội viên. Đó là những thành tựu vô giá cho mai hậu. Cho hội nhập với thi đàn Viêt Nam và quốc tế.

Tuy vậy chúng ta còn có những non kém cần phải tiếp tục vượt lên, và phải hiểu rằng "Thơ càng đi càng xa vời cái đích''. Chỉ có lao động sáng tạo quên mình cho đọc và viết "phu chữ". (theo cách nói của Lê Đạt) mới nâng mình lên được.

Hãy quên đi kiểu tư duy mở trại ở Biển thì thơ viết về biển, mở trại ở rừng lại viết về rừng, lại toàn là em, anh. sóng cồn, bão tố, nguyên sinh, rừng xanh, núi thẳm, đa số là lục bát nhàn nhạt tối nghĩa, thất vận v.v .. vv

Địa điểm mở trại chỉ là nơi tạo được môi trường sáng tác tốt: ăn, nghỉ, gặp gỡ để có không khí sáng tác, có thời gian trao đổi, để viết. Tất cả để có được cảm hứng, cảm xúc, tìm tòi ra tứ thơ hay, mã hóa ngôn ngữ đời sống vào thơ về con người phía khuất lấp, thiếu hụt mang nặng trách nhiệm thi sĩ - công dân. "Nói lời vũ trụ thiên hà/ Vẫn nghiêng khuất lấp sâu xa phía người".       

Chọn tứ thơ phải có sự suy ngẫm, vật vã tìm tòi từ mọi mặt đời sống xã hội đeo đuổi thường nhật để chọn lựa, chứ không phải đến trại mới nghĩ, thậm chí đến trại để chỉ để sửa chữa, nâng cao, hoàn chỉnh tác phẩm.  

Những viện dẫn ở trên đều là thơ có tứ hay, đa chiều, đa ngữ nghĩa.

Nên tìm đọc những gì tinh túy ở những tập thơ hay, ở những tập phê bình thơ sắc sảo.

Nhân đây tôi muốn trao đổi thêm với các nhà phê bình thơ của ta, nên tập trung hơn phê bình thơ hội viên Hội nhà, nhằm góp phần nâng cao chất lượng thơ cho hội viên. Nếu dư dật sức viết  hãy viết  các tập thơ tỉnh ngoài và công bố ở địa phương họ, hay ở Trung ương. Bởi hội viên ta đâu có tập thơ ấy mà đọc. Hơn nữa tập thơ hàng trăm bài thơ chỉ có (3-4) trang phê bình toàn những lời có cánh thì sao người đọc cảm nhận được đâu hay, đâu dở... Như thế ảnh hưởng của phê bình được mở ra chiều kích rộng lớn hơn, còn giao lưu hiệu quả nhất là chuyên mục Đến với bài thơ hay. Chữ hay toàn bích, cả hình thức lẫn nội dung. Thực tế có tác giả phê bình bài thơ lục bát có hàng chục lỗi vần luật, hoặc có bài thơ tầm tầm câu lạc bộ sao gọi là bài thơ hay được.

Thời gian có hạn cho chương trình Ngày thơ, tôi có đôi điều tâm sự chân thành và cởi mở với các nhà thơ, nhà phê bình, các bạn yêu thơ. Mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông, bỏ qua cho những gì chưa đúng, chưa phải, để cùng thơ, cùng nhau đón một mùa xuân mới nhiều niềm vui cho người thơ và cả nền thơ Ninh Bình thật giàu hương sắc.

    Ninh Bình ngày 11 tháng giêng năm Kỷ Hợi

Bài viết khác