Thứ sáu, 11/10/2024

Kịch chèo của Đăng Thanh

Thứ sáu, 07/02/2020

TS. NGUYỄN MẠNH QUỲNH 

Tên tuổi của nhà viết kịch Đăng Thanh có lẽ đã rất quen thuộc với những ai yêu thích nghệ thuật Chèo. Ông vốn xuất thân là một nghệ sỹ chèo, vì thế, chèo đã trở thành máu thịt, cốt tủy trong ông.

Cũng bởi thế mà khi chuyển sang soạn kịch, Đăng Thanh thường nghiêng về phô bày những ngón nghề của chèo, ưa chuộng những tình tiết hoạt cảnh hơn là dày công tạo tác những kịch bản đầy đặn, đa lớp lang, nhiều mâu thuẫn, xung đột, nhiều tuyến nhân vật, tính cách phức tạp… Lại nữa, cả đời Đăng Thanh gắn bó với Ninh Bình, với ngành văn hóa của miền đất Cố đô, nên các kịch bản của ông, ít hay nhiều, đều có bóng dáng, dấu ấn của lịch sử, truyền thống văn hóa của quê hương như một thứ dứt khoát không thể thiếu vắng. Cho nên, nói tới văn học địa phương Ninh Bình, ở thể loại kịch chèo, sẽ phải nhắc đến ông trước tiên, dù rằng bên cạnh ông, vẫn còn một kịch gia khác cũng rất nổi tiếng, là cố nghệ sĩ An Viết Đàm.

Đã là người Việt Nam, không ai lại không biết đến nghệ thuật chèo. Riêng tôi, từ thuở ấu thơ, những làn điệu chèo trong Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Xúy Vân giả dại, khi thì được nghe qua sóng phát thanh, lúc lại được xem biểu diễn, đã trở thành một phần ký ức không thể nhạt phai. Thú thật là khi ấy, tâm hồn bé dại chả hiểu mấy về nội dung, ý nghĩa sâu xa của các vở chèo, nhưng lòng thì thấy mê, từ những làn điệu mà mãi sau này mới biết ấy là hát lệch, vãn cầm, vãn canh, xẩm dựng, xe tơ, xuông hời… cho đến những vũ điệu bay bướm, lả lướt của các diễn viên, đặc biệt là hành động và ngôn ngữ kéo theo tiếng cười giòn giã của các nhân vật hề. Sự biến đổi của cuộc sống đất nước, kéo theo sự đổi mới trong văn nghệ, kịch chèo cũng không thể nằm ngoài, nó bám sát hơn các đề tài hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống hiện thực và được cải biên theo xu hướng xích lại gần hơn với kịch nói. Nhưng dù thế nào thì những gì đã trở thành kinh điển, là đặc trưng của nghệ thuật chèo cũng không bao giờ là cũ, chứ đừng nói là mai một đối với những ai còn tha thiết với văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. 

Viết về kịch chèo nói riêng, cũng như nghệ thuật kịch hát truyền thống nói chung là thật khó, bởi lẽ, cái hay của chèo không phải chỉ là nội dung, mà còn nằm chính ở nghệ thuật biểu diễn, ở những làn điệu réo rắt, du bổng đầy mê hoặc (cố nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng có tới khoảng 300 làn điệu), ở sự cách điệu hóa sân khấu, ở hệ thống đạo cụ mang đậm tính ước lệ, ở sự hòa âm, phối khí của các loại nhạc cụ mà mới chỉ nghe tên không thôi, đã thấy hồn dân tộc hiện về đâu đây như đàn bầu, đàn nguyệt, sáo, trống con… Ấy là chưa kể đến tài năng biểu diễn của diễn viên và năng lực dàn dựng của đạo diễn. Chèo vì thế là một thứ nghệ thuật tổng hợp và những yếu tố ngoài kịch bản như đã nói ở trên, sẽ là đối tượng phân tích của các nhà phê bình sân khấu, phê bình nghệ thuật, tức là từ góc độ nghệ thuật biểu diễn. Từ góc độ nghiên cứu kịch như là một thể loại văn học, thông thường nhà nghiên cứu chỉ có thể xem xét trên phương diện văn bản. 

Tôi nghĩ, kịch bản chèo viết ra là để công diễn, thưởng thức kịch chèo phải xem biểu diễn trên sân khấu (chiếu chèo) mới cảm nhận hết cái hay của nó. Cho nên, nếu có tiếp nhận nó dưới hình thức đọc thì nhất định là phải đọc trong môi trường diễn xướng giả định, tức là trong sự “hình dung” về các làn điệu chèo, các động tác trữ tình - sân khấu, thậm chí trong cả sự tưởng tưởng về sự hòa âm, phối khí nữa, mới hợp lẽ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng giải thưởng Nhà nước
 về Văn học cho Nhà viết kịch Đăng Thanh         Ảnh: TL

1.Chất thơ của nghệ thuật diễn xướng

Đọc kịch của Đăng Thanh, rồi xem những tác phẩm kịch của ông, ấn tượng đầu tiên của tôi trước hết vẫn là những lời ca cùng với âm hưởng, giai điệu của nó, cứ dặt dìu, cuốn quyện, lay thức mãi trong tâm tưởng. Vẫn biết kịch là xung đột, là hành động một mất một còn, là mâu thuẫn gay gắt với những là thắt nút, phát triển, cao trào… thì chất thơ vẫn là yếu tố đầu tiên làm nên cái hay, cái đẹp của kịch Đăng Thanh, tạo nên sức hút khó cưỡng trong nhiều sáng tác của ông. 

Chất thơ là cái ý ở ngoài lời, là khoảng trắng giữa các câu chữ, khoảng lặng giữa các lời, do hình ảnh, nhịp điệu, vần điệu… gợi nên. Nó toát ra từ nghĩa mặt chữ, từ ý nghĩa của hình tượng. Cho nên, thơ là sự chưng kết, gạn lọc, thanh lọc để chắt lấy cái tinh túy, hồn cốt của đời sống qua lăng kính tâm hồn của chủ thể trữ tình. Kịch gần với trữ tình ở phương diện chủ quan trong phương thức mô tả hiện thực, ấy là để cho con người cá nhân tự bộc lộ mình, tự biểu hiện mình. Thế mạnh của kịch hát nói chung, và của chèo nói riêng chính là ở chỗ, lời thoại trong chèo chủ yếu lại là ca từ (nếu có nói thì cũng theo điệu nói) kết hợp với làn điệu, giai điệu đặc thù của thể loại và các phương tiện biểu diễn khác, nó mang một sức hấp dẫn riêng, nó mê hoặc rồi dẫn dụ người thưởng thức đi vào cõi đời riêng của nghệ thuật và do đó, nó thấm đẫm chất trữ tình. Có lẽ vì thế mà trong chèo cổ, thân phận con người thường được nổi lên hàng đầu chăng?

Kịch Đăng Thanh trước hết hút hồn người tiếp nhận ở một chất thơ như thế. Chất thơ trong các kịch bản của ông được thể hiện từ những động tác trữ tình đến đến ngôn ngữ, ở cách xử lý tình huống, trạng huống của nhân vật, ở đó ta luôn cảm nhận được rất rõ xúc cảm mãnh liệt được ý thức của chủ thể nhân vật, với trí tưởng tượng bay bổng. Hãy nghe lời hát “sử truyện” của Quế trong Hoa Trường Sơn: “Áo anh, áo xanh tươi nhẹ nhàng/ Này là màu áo quân nhân/ Màu xanh chứ màu xanh đất nước vai gánh núi sông đất trời/thảo cánh tay dài gạt bão táp với mưa sa/ Khâu đường kim chỉ, tay em còn vụng/ Nhưng vẫn đẹp đường tơ”. Lời hát đẹp và mượt mà như những vần thơ lay động, và khi kết hợp với âm điệu hát sử, chất thơ nhạc hòa quyện với nhau chắc chắn sẽ chạm đến trái tim của người yêu chèo đang hòa mình vào sống với nhân vật.

 Một trong những đặc điểm quan trọng của thể loại trữ tình là bày tỏ xúc cảm mãnh liệt của cái tôi cá nhân – cá thể. Cái khách quan bên ngoài nếu có, cũng chỉ là cái cớ để người ta bộc lộ tình cảm, hoặc sẽ được chuyển hóa vào bên trong, để rồi nó mang đậm dấu ấn cá nhân. Có thể cảm nhận rõ điều này trong các nhân vật kịch của Đăng Thanh. Đây lời của Huy trong Tình đất mẹ: “Nắng chang đổ giọt mồ hôi/ Mưa dầm ướt sũng mặt người tái tê/ Tình đời lấn biển quai đê/ Tưới cho đất mở xanh rì cói thơm/ Bỏ đi lòng dạ vấn vương”. Đây là cuộc đấu tranh nội tâm của con người đã gắn bó sâu nặng với miền đất bãi bồi Kim Sơn. Nay phải chuyển đi, lòng dạ cồn lên bao nỗi niềm trăn trở, buồn bã, khó nói. Hãy chú ý thể lục bát được tác giả sử dụng cho lời nhân vật. Dù rằng tác giả không có chú thích sân khấu cho lời nhân vật, nhưng chúng ta hiểu rằng, đấy không thể là điệu nói mà phải là điệu ngâm, nó mang dáng dấp của những khúc ngâm, nó như lời hát ru cho tình đời tình người miền biển nồng ấm và diệu vợi. 

 Cũng như thế là lời ca của Nga trong tác phẩm cùng tên: “Những đêm đứng ngồi/ Trăng soi cửa sổ/ Nghe tiếng gió thổi lùa đầu ngõ/ Tiếng chim kêu cứ ngỡ anh về/ Giật mình ruột héo như dưa/ Mắt trong thức suốt đèn khuya một mình”. Một tâm trạng mà nghe như nỗi sầu héo của người chinh phụ khi xưa, những khúc ca đã lấy đi rất nhiều hoài cảm của người đọc.

 Chúng ta sẽ bắt gặp nhiều, rất nhiều những lời ca như thế trong kịch Đăng Thanh. Đây là lời bà mẹ (Trang): “Mẹ lại tưới cây đời xanh biếc/ Tiếng ru hời tha thiết/ Như tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng bầu/ Lắng vào đất vút cao trời biển”. Lời của Tố Hoa trong Lý Thái Tổ dời đô: “Em quen với núi với đồi/ Với sông với biển với người đồng chiêm/ Tình sâu thôn ổ rạ rơm/ Với luồng cá chạy, với cơn mưa đồng/ Không màng ở chốn cấm cung…”. Còn đây là lời ca ngợi vẻ đẹp phồn thực của Tố Hoa: “Em như trong ngọc trắng ngà/ Thịt thơm, da mát, nõn nà tóc mây/ Hồng hồng tháp bút cổ tay/ Trái đào tiên nở hây hây ngực trần/ Mắt nhìn thăm thẳm mây xanh/ Miệng cười hoa bưởi hoa chanh cũng cười…”. Lời ca hào hùng của Lê Hoàng hậu khi nói về kinh đô Hoa Lư, nơi gắn với những công tích lừng lẫy của Đinh Tiên Hoàng đế, người khai sáng cho đất nước non sông: “Ta là máu thịt Hoa Lư/ Ta là hồn cốt của kinh đô tiên rồng/ Ta là sông nước Hoàng Long/ Cho Hoa Lư đẹp muôn năm đất trời” (Lý Thái Tổ dời đô), hay lời than vãn bi phẫn của chính bà khi bắt buộc phải dời xa kinh đô, nghĩa là phải từ bỏ một cái gì xưa cũ, đã gắn bó máu thịt, với bao nỗi niềm trăn trở ẩn ức, không thể nói ra thành lời: “Kinh đô rồi có còn không/ Ra đi để lại ngóng trông sớm chiều/ Hoa Lư ủ dột tiêu điều/ Ngựa xe vắng bóng, tường xiêu lối mòn/ Bông lau phủ trắng nỗi buồn/ Đinh Lê công đức hỏi còn hay không?”. Người thưởng thức không thể không đồng cảm với vua Lê trong cái nhìn và giọng nói hào sảng, đầy hùng tâm tráng trí về một Thăng Long tươi mới, với những biểu tượng bất diệt của khí thế Đại Cồ Việt, mở ra phúc hạnh lớn lao của dân tộc: “Kìa Tản Viên sơn, Tam Đảo Ba Vì đang nằm lẫn trong mây/ Phù Đổng Thiên vương dẹp giặc Ân xong, vút ngựa sắt lên trời biến mất/ Đây có phải khí thiêng trời đất/ Của ngàn xưa tụ lại hôm nay/ Từ Hoa Lư dời đô về đây/ Đại Cồ Việt sẽ muôn đời tươi sáng”

Dễ dàng nhận thấy lời của các nhân vật là ngôn ngữ của nghệ thuật, nhiều biểu tượng, ý tượng, ví von, ngầm ẩn, không phải là lối nói thông thường, hằng ngày, và bởi thế, nó thấm đượm chất thơ ngay từ cấu trúc lời văn, cho nên rất kiệm lời mà ý tứ vẫn vang xa, nổi bật. Trong Lý Thái Tổ dời đô, có nhiều khúc hát của nhân vật mà ca từ như một đoạn thơ trữ tình, với những hình ảnh tràn đầy cảm xúc: “Em quen với núi với đồi/ Với sông với biển với người đồng chiêm/ Tình sâu thôn ổ rạ rơm/ Với luồng cá chạy với cơn mưa đồng” (lời Tố Hoa); “Hoa Lư lau trắng/ Hang động trăng soi/ Gió thoảng hiên ngoài rơi sáo trúc/ Ai về chài lưới gõ thu không/ Những mong sải cánh chim bằng/ Đáp nghĩa đền ơn vua trước” (lời Lý Công Uẩn); “Hoa Lư ủ dột tiêu điều/ Ngựa xe vắng bóng tường xiêu lối mòn/ Bông lau phủ trắng nỗi buồn/ Đinh Lê công đức hỏi còn hay không” (Lời Lê Hoàng hậu) 

Cái hay của lời văn trong kịch chèo là hình thức là của khẩu ngữ (đối đáp, đưa đẩy, ví von vần vè, chêm xen…) nhưng bên trong lại là lời của ngôn từ nghệ thuật, là lời ca tiếng hát tự nhiên. Cho nên ngôn ngữ đối thoại trong kịch chèo của Đăng Thanh dù có căng thẳng đến đâu, bất ngờ thế nào thì vẫn ngầm ẩn cái khoan thai vốn dĩ trong những những nốt lặng của ngữ điệu, làn điệu, thông qua lối so sánh đầy hình ảnh, qua cách đưa đẩy, lãng đãng, nhặt khoan rất đặc trưng của nghệ thuật Chèo.

Trong thể loại tự sự, người kể chuyện sẽ khám phá, diễn tả tâm trạng của nhân vật thông qua việc sử dụng luân phiên các loại điểm nhìn khác nhau như điểm nhìn của tác giả, của người kể chuyện, của nhân vật… Còn trong kịch, do đặc trưng của thể loại, nhân vật kịch chỉ có thể tự bộc lộ mình qua ngôn ngữ và hành động của chính nó, không ai làm thay được nó. Nhân vật kịch của Đăng Thanh là con người tự do, con người của khát vọng, ý chí lớn lao, tình cảm và cảm xúc mãnh liệt. Tính cá thể hóa trong tình cảm, nhận thức cộng với đặc thù của thể loại ca kịch đã đưa nhân vật kịch Đăng Thanh xích lại gần gũi nhất với nhân vật trữ tình trong thơ ca. Mỗi nhân vật kịch là một cái tôi, nói đúng hơn, mang cấu trúc tinh thần của một cái tôi trữ tình. Các nhân vật như Huy, Nga trong Tình đất mẹ, Tố Hoa, Lê Hoàng hậu trong Lý Thái Tổ dời đô là những ví dụ tiêu biểu.

2.Tính kịch và chất văn xuôi  

Chất văn xuôi là cái hàng ngày, những sự việc, sự kiện hàng ngày, đang diễn ra cùng thời, đang sinh thành, chưa hoàn kết. Đó là đời sống với tất cả sự bề bộn, đa dạng, phồn tạp của nó.

 Nhân vật chèo trong kịch Đăng Thanh là một cá tính với nhiều nỗi niềm, khi thì hạnh phúc khôn tả lúc lại khổ đau tột cùng; phấn khích, hừng hực với ưu tư, trăn trở; phẫn nộ, giận dữ  cùng với ngọt ngào và yêu thương. Ở trên, chúng tôi đã nói về cái tôi nhân vật kịch Đăng Thanh. Cái tôi ấy giữ vai trò thống ngự trong tác phẩm và chính nó tạo ra sự kiện, biến cố. Những con người ấy hành động theo ý chí, khát vọng, niềm tin của riêng mình nên sẽ không chấp nhận những gì trái với khuynh hướng của nó. Đây chính là nguyên nhân cho các xung đột kịch. Mỗi vở kịch của Đăng Thanh giống như một hoạt cảnh được giãn nở, kéo dài và dường như chỉ xoay quanh một mâu thuẫn, một xung đột trọng tâm do một hoặc một vài nhân vật tạo ra.

Không thể phân tích hết nội dung này trong các sáng tác kịch của Đăng Thanh, do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin dừng lại ở ở một sáng tác kịch khá hay của ông: vở chèo Lý Thái Tổ dời đô. Chuyện dời đô đã đi vào sử sách với áng văn Thiên đô chiếu bất hủ. Nếu ta biết rằng, người Hàn Quốc có ý định di dời thủ đô đã nhiều năm nay nhưng rồi dự án đã tự đi vào quên lãng thì mới hiểu việc dời đô lúc đó, dẫu có là ý chỉ của vua đi chăng nữa cũng không dễ gì thực hiện chứ chưa kể chỉ là ý tưởng của một vị đại thần. Đăng Thanh chọn điểm xuất phát ở đó và trao cho nhân vật của mình sứ mệnh tạo xung đột, mà phải gay gắt, sống còn, quyết liệt đến hừng hực. Cứ nghe những lời ghen tức này của Lê Hoàng hậu cũng đủ thấy cái sự hừng hực ấy: “Chẳng qua mày trẻ mày xinh/  Được Vua chiều chuộng dám khinh con này/ Biết tay, cái con này! Rồi mày sẽ biết tay/ Công bà vun đắp bấy nay cho chồng/ Bỗng dưng về, mày nuốt hưởng không”.

 Xung đột đột chính của tác phẩm là mâu thuẫn giữa Lê Hoàng hậu, quan Thái úy Đinh Tòng với vua Lý Thái Tổ, Đào Cam Mộc trong sự kiện dời đô, và xung đột phụ là xung đột cá nhân, với một bên là Lê Hoàng hậu và bên kia là Đinh Hoàng hậu. Hai xung đột này bổ sung cho nhau để hoàn thiện tính cách của các nhân vật. Một bên là khát vọng vươn tới tương lai một đất nước hùng cường, kinh đô tráng lệ cho muôn đời, một bên là khư khư ôm giữ quá khứ đã qua mà thực chất là phục vụ cho lòng tham và thú hưởng lạc với những mưu mô thâm độc, thậm chí là hèn hạ. Có điều, cái cá nhân đen tối, phản trắc ấy lại đội lốt, nhân danh gìn giữ những giá trị xưa cũ: “Ngàn lau trắng bạc phơ phơ/ Hoa Lư lộng lẫy sắp thành tiêu vong”, trong cái vỏ tấm lòng trung hiếu: “Ngẫm mình thẹn với cha ông”. Còn khát vọng lớn lao kia thì bị xem là phản tặc, làm loạn. Lịch sử đã cho thấy một kết thúc có hậu và ở vở kịch này là sự lên ngôi của chính nghĩa, gian tà, xảo trá bị trừng trị.

Nhưng có lẽ không nên hiểu Lý Thái Tổ dời đô đơn giản chỉ là làm mới một tích truyện, kiểu như “truyện cũ viết lại” đơn thuần. Dụng ý của Đăng Thanh là hướng đến một chủ đề có tính phổ quát hơn nhiều. Ấy là xung đột giữa cái mới và cái cũ, giữa đổi mới, sáng tạo, năng động với trì trệ, bảo thủ, lạc hậu; giữa nhạy cảm với trơ cùn, yêu thương và tội ác, cống hiến và hưởng lạc… Tóm lại là giữa cái cao cả, trác việt với cái thấp hèn, đen tối - những phạm trù trong mỹ học mà chúng ta luôn có thể tìm thấy những biểu hiện cụ thể của nó trong cuộc đời này, trước kia, hôm nay và cả mai sau, chừng nào con người còn bị chi phối bởi danh lợi, ngôi thứ, đẳng cấp, sang hèn… Nó là cái hàng ngày, đập vào mắt ta, khiêu khích, thách thức và có thể nhấn chìm, hoặc chí ít là làm tổn thương lương tri và lương năng của mỗi con người. Nó biểu hiện ngay ở trong nhãn quan ngôn từ của nhân vật, kiểu như “Làm vua phải lo cho con cháu họ hàng ở cái quê mình đã chứ” (Lời vua Lê Long Đĩnh). Câu nói của một đấng quân vương – vị vua vốn có nhiều điều tiếng mà sử sách đều ghi lại - chẳng phải đã và đang là nỗi đau nhức nhối của chúng ta ngày hôm nay đó sao? Cho nên, dẫu viết về câu chuyện đã hơn 1000 năm, nhưng cách ứng xử của các nhân vật, tình tiết và sự kiện, hàm ý của nó vẫn là một câu chuyện dang dở, chưa hoàn tất. Tính chưa hoàn kết còn được thể hiện ở những sự kiện, những biến cố rất đời thường, hàng ngày, phồn tạp mà chúng ta có thể thấy trong các vở kịch như Không được giết màu xanh, Tình đất mẹ, Nắng, Tiếng hát đại ngàn… chúng tạo thành những sự kiện chứa đựng mâu thuẫn – phản ánh một cách trung thực, sống động những biến cố của đời sống thời hiện đại. 

3. Dấu ấn lịch sử - văn hóa đất Cố đô

Là người con của đất Ninh Bình, cả một đời gắn bó với chèo, với văn hóa của vùng đất Cố đô, Đăng Thanh có thể nói là thấm đẫm hồn vía của một không gian văn hóa đặc sắc với những thành tựu rực rỡ về kiến trúc, điêu khắc; những áng thơ văn bất hủ ngự trì trên Dục Thúy Sơn, những điệu chèo, điệu xẩm, những làng nghề thủ công truyền thống; những phong tục, tập quán, lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Chất văn hóa ấy rất tự nhiên, xuyên thấm và bao phủ lên hầu hết các vở kịch của ông. Nhưng Ninh Bình còn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Tinh anh sông núi tụ hội về vùng đất này và hun đúc lên nhiều  tên tuổi gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước như vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lý Thái Tổ, Hoàng hậu Dương Vân Nga, các dũng tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, các Quốc sư như Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu... Giờ đây, Ninh Bình đang chứng tỏ một địa phương năng động, sáng tạo, nối bước ông cha trong công cuộc dựng xây đất nước. Từ góc độ này, mỗi vở kịch của Đăng Thanh có thể được xem là một bản trường ca, một khúc sử thi về thời đại. Tác phẩm Lý Thái Tổ dời đô nói trên là một ví dụ tiêu biểu.

Cho dù viết về tài nào thì Đăng Thanh vẫn gắn nó với con người quê ông, với khí chất của đất Ninh Bình này. Hoa Trường Sơn là vở chèo viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ với không gian là con đường Trường Sơn ngập tràn khói lửa. Mỗi nhân vật trong vở kịch như là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam: anh dũng, kiên cường mà cũng rất lãng mạn, yêu thương mà chúng ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu trên con đường ra trận năm xưa. Đăng Thanh gắn họ với quê hương ông, để họ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ninh Bình anh hùng. Để rồi, rất tự nhiên, ông lồng ghép lịch sử, địa lý, văn hóa, con người Ninh Bình vào lời ca, tiếng hát, điệu ngâm của nhân vật. Mang nét đẹp của quê hương Ninh Binh vào tuyến lửa Trường Sơn một cách tinh tế là nét riêng của Đăng Thanh khi viết về đề tài chiến tranh và cũng là thể hiện tình yêu rất mực của ông với quê hương.

Ninh Bình ngày hôm nay đang trên đà phát triển nhanh và mạnh trong khu vực, trong đó du lịch được xem là một thế mạnh của tỉnh. Nhưng giữa phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống lắm khi lại trở thành mâu thuẫn một mất một còn. Nó đưa con người vào tình huống bắt buộc phải lựa chọn mà đằng nào thì cũng phải chấp nhận một sự hy sinh nào đó. Cũng phải thôi, có thành quả nào mà không đi liền với sự mất mát đâu, thậm chí còn là cả máu và nước mắt. Vở chèo Tiếng hát đại ngàn của Đăng Thanh hướng đến nội dung này. Đất Ninh Bình vốn nhiều di tích lịch sử và sở hữu không ít các giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể. Ấy là những tài sản vô giá mà tiền nhân để lại cho chúng ta. Vậy mà, vì lợi ích kinh tế, có những thế lực, bằng cách này hay cách khác, vẫn muốn định giá nó, cái giá có thể làm mờ mắt những ai tham vàng bỏ ngãi. Thực tế này là nỗi đau cho những ai đang rất tha thiết ngày đêm nâng niu, trân trọng, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, những thắng cảnh thiên nhiên mà Tạo hóa đã ban tặng cho đất này như những báu vật trên đời. Nỗi niềm ấy được Đăng Thanh gửi gắm vào vở kịch này, thông qua một câu chuyện đầy hấp dẫn. Tiếng hát đại ngàn đúng là viết về đề tài du lịch Ninh Bình với du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Ở đây, chúng ta sẽ được làm quen với các địa danh, các thắng cảnh du lịch văn hóa nổi tiếng như Canh Gà, khu hang động Tràng An, khu Núi Chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động… Mầu sắc Ninh Bình ẩn hiện qua từng cảnh, từng lớp lang của vở kịch trước hết là qua những địa danh như thế. 

Nhưng điều đáng lưu ý nhất là khí chất Ninh Bình, cuộc sống, bản lĩnh và khát vọng của con người Ninh Bình, con người Việt Nam qua vở kịch này. Ninh Bình ngày hôm nay, bên cạnh những giá trị đạo đức tốt đẹp vốn là  truyền thống của của dân tộc như yêu nước, cần cù, sáng tạo, nhân ái... tiếp tục được bảo tồn và phát huy thì đã xuất hiện những biến đổi khá phức tạp trong lối sống, với cách nhìn cuộc đời lệch lạc của một bộ phận dân cư do tác động của nền kinh tế hội nhập. Sự va chạm này không phải là giữa cái mới và cái cũ mà giữa cái tốt đẹp, tích cực với cái xấu, cái tiêu cực. Cách nay gần hai thế kỷ, Các-Mác đã chỉ ra rằng, ngay trong thời kì dã man của sự phát triển của loài người, trong nhân dân đã bắt đầu phát triển những thuộc tính đối lập nhau. Ông viết: “Những mặt tốt của nhân cách, tài hùng biện, cảm xúc tôn giáo, lòng ngay thẳng dũng cảm bây giờ trở thành những nét tính cách chung, nhưng đồng thời cũng xuất hiện tính tàn bạo, phản phúc và ảo tưởng”(1). Đúng là hai tuyến nhân vật mà Đăng Thanh dàn dựng lên như là những thuộc tính đối lập nhau: một bên là lòng ngay thẳng, dũng cảm như bà Cẩm, Diễm, Thọ những con người dám đem cả tính mạng của mình ra để bảo lãnh cho di sản, và bên kia, là sự phản trắc, hám tiền, phản phúc như Vang, Tú… sẵn sàng san bằng tất cả chỉ vì tiền. Kết thúc có hậu của vở kịch, kẻ xấu bị trừng trị, người thiện được đền bù; di tích, danh lam được bảo tồn nguyên vẹn, dự án du lịch hứa hẹn trong tương lai… là một kết thúc đẹp, như mong ước, khát vọng của người Ninh Bình qua các thế hệ mà ngày hôm nay đang trở thành hiện thực. Đó cũng là cảm quan, ước vọng  của lão nghệ sỹ Đăng Thanh về một tương lai tốt đẹp cho quê hương -  mảnh đất cả một đời văn, ông gắn bó sâu nặng với nó, say sưa ca hát, ngâm ngợi về nó.

Chất thơ cùng với âm hưởng, giai điệu của lời ca là những yếu tố đầu tiên làm nên cái hay, cái đẹp của kịch Đăng Thanh, tạo nên sức hút trong nhiều sáng tác của ông. Tính chưa hoàn kết đã phản ánh một cách trung thực, sống động những biến cố của đời sống thời hiện đại; qua đó, bộc lộ cảm quan, ước vọng  của tác giả về một tương lai tốt đẹp cho quê hương, đất nước. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Đăng Thanh, ghi nhận công sức lao động nghệ thuật và những đóp góp quan trọng của ông cho sân khấu và cho nghệ thuật chèo. Bước sang tuổi 80, lão nghệ sỹ vẫn còn say đắm với sân khấu, với chèo, bởi lẽ với ông, ca hát về quê hương Ninh Bình, về đất nước yêu quý của chúng ta đã trở thành máu thịt cuộc đời. 

N.M.Q

 

(1): X.M. Pêtơrốp – Chủ nghĩa hiện thực phê phán ( người dịch: Nguyễn Đức Nam, Phạm Văn Trọng, Anh Đào) – Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp – Hà Nội, 1986 (trang 214)

Bài viết khác