Thứ sáu, 11/10/2024

Thị Nở người đẹp nhất làng Vũ Đại

Thứ sáu, 03/01/2020

BÙI NGỌC MINH

1 . Trong các nhân vật của kiệt tác Chí Phèo, Thị Nở - cô gái xấu đến qui khốc thần kinh, cho đến nay, xem ra vẫn còn bị người đời đối xử bất công. Bất cứ ai đó thuộc phái đẹp bị gọi là Thị Nở đều cảm thấy bị xúc phạm.

Có nhà nghiên cứu còn không ngần ngại mà cho rằng: Việc Nam Cao miêu tả Thị Nở quá xấu xí là bằng chứng của chủ nghĩa tự nhiên... Bài viết này muốn chiều tuyết cho nhân vật kém may mắn này.

2. Với cái giọng khách quan lạnh lùng, một cách đóng cũi sắt cho tình cảm, Nam Cao khiến người đọc bình thường ngộ nhận về Thị Nở, kể ra cũng không có gì lạ. Hãy nghe ông thuật kể:
“Nhưng người đàn bà ấy lại là Thị Nở, một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hoá công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má lại hóp vào mới thật tai hại, nếu má phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta thường trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lấn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi; có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra. Đã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Đã thế những cái răng rất to lại chìa ra; ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được vài phần cho sự xấu. Đã thế thị lại dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công: nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhất. Và thị lại nghèo, nếu trái lại, ít nhất đã có một đàn ông khổ sở. Và thị lại là dòng giống của một nhà có má hủi: cái này khiến không một chàng trai nào phải phân vân. Người ta tránh thị như tránh một vật nào rất tởm. Ngoài ba mươi tuổi, thị vẫn chưa có chồng (...). Cứ tình hình ấy thì ta nói quách: thị Nở không có chồng.”(1)

3. Chí Phèo nói riêng, thế giới nghệ thuật của Nam Cao nói chung, những nhân vật mà ông gọi là cụ, ông, bà là những nhân vật thường mang giá trị âm hay phản giá trị. Bề ngoài thì tôn trọng, bên trong lại chứa chất cả một sự khinh bỉ thậm chí căm thù, vì chất Người trong những nhân vật ấy dường như đã cạn kiệt. Trái ngược lại, những nhân vật mà ông gọi là y, thị, hắn, lão... là những nhân vật được ông đồng cảm, xót thương, tuy bề ngoài thường bị ông giễu cợt, châm chọc, có khi tới độ khinh bạc. Những cụ Bá Kiến, ông đội Tảo, ông bát Tùng, ông tư Dạm, ông li Cường, bà cả, bà hai, bà ba... thực chất, đáng được gọi là những thằng, những con, vì chúng thực ra chỉ là bầy cá tranh ăn, sống bằng những nguyên lí của thời hoang dã. Chúng mới đích thị là những con quỷ mang bộ mặt người. Còn thị Nở thì sao? Nàng đích thị là mặt quỷ, dạ người. Nàng xấu ma chê quỷ hờn ư? Đó đâu phải lội của nàng. Đó là ông Trời bắt tội. Nàng nghèo ư? Cái tội này chủ yếu là của cái xã hội đương thời. Chính bá Kiến đã cho ta biết:
“Làng nào cũng có nhiều cánh, mỗi cánh kết bè đảng xung quanh một người: cánh cụ Bá Kiện, cánh ông đội Tảo, cánh ông tư Đạm, cánh ông bát Tùng... Bằng ấy cánh du lại với nhau để bóc lột con em, nhưng ngấm ngầm chia rẽ, nhè từng chỗ hở để mà trị nhau. Cụ lại nhận ra rằng: ở cái đất nhà quê, bọn dân hiền lành chỉ è cổ làm nuôi bọn hào lí, nhưng chính bọn hào lí nhiều khi lại phải ngậm miệng cung cấp cho những thằng cùng hơn cả dân cũng nên liều lĩnh, lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người hay đâm mình.”(2)
Nàng là dòng giống mà hủi ư? Đó lại càng không phải lỗi của nàng. Đó là tội của một xã hội, một thời đại nghèo đói, ngu dốt và định kiến. Nàng dở hơi ư? Cổ lại, những bậc tử tế chẳng bị cho là dở hơi đó sao? Thị Nở sống cô độc giữa bầy lang sói, giữa một thế giới sống theo luật rừng, chúng coi thị là dở hơi cũng phải thôi (!). Lỗ Tấn văn hào bên nước Tàu chẳng từng viết Nhật kí người điên, người ấy sở dĩ bị vu cho là điên bởi đã dũng cảm nói lên một sự thật: lịch sử mấy ngàn năm của chế độ phong kiến Trung Hoa, được giai cấp thống trị tô son trát phấn bằng mấy chữ nhân nghĩa đạo đức viết lung tung tí mẹt, thực chất là lịch sử ăn thịt người. Tsêkhôp nhà văn lớn bên nước Nga-la-tư cũng chẳng từng viết Phòng sáu đó sao? Thời nay, những người quá tử tế chẳng vẫn bị người ta gọi là hâm đó sao?
Văn học nhân loại xưa nay, từng xuất hiện những nhân vật ngoại diện bất cầu như mĩ ngọc, tâm trung thường thì thôn đan thanh. Trong văn học dân gian từng thấy Sọ Dừa, người lấy vợ cóc. Lọ lem… Trong văn chương bác học từng có Qua-di-mô-dô (Nhà thờ Đức Bà Pa-ri - Victo Huygô), Chàng ngốc Mưc-kin trong tiểu thuyết cùng tên của Đôxtôiepxki. Một người đồng quận với Nam Cao, Tam nguyên Yên Độ, trước đó từng có bài thơ Mẹ Mốc viết về một thiếu phụ xinh đẹp goá chồng. Liệt phụ này, tự bôi bác hình hài để bảo toàn danh tiết với chồng... Thị Nở dường như là nhân vật cùng loại hình. Nhân vật này được Nam Cao xây dựng bằng thủ pháp tương phản triệt để. Tương phản giữa ngoại hình và nội tâm, giữa thị và những kẻ được gọi bằng cụ, bằng bà, bằng ông. Cả làng Vũ Đại gọi Chí Phèo là con quỷ dữ. Họ tuyệt giao với Chí. Hắn đã bị cắt “hộ khẩu”, “ hộ tịch”, bị “rút phép thông công”. Hắn đã bị khai trừ khỏi cái thế giới Vũ Đại. Chỉ Thị Nở vẫn thấy có lúc anh Chí rất hiền. Từ khi Chí có mảnh vườn ở ven sông, cả làng Vũ Đại không đi kín nước qua đó nữa, mặc dù đó là đường đi tắt. Duy chỉ có Thị Nở vẫn đi kín nước bằng con đường qua nhà Chí Phèo; có mấy lần Thị lại còn sang căn lều nát của anh hàng xóm tốt bụng để xin tí rượu bóp chân. Hắn chỉ chỗ cho thị lấy rượu, muốn lấy bao nhiêu thì lấy, để yên cho hắn ngủ. Chẳng phải Thị Nở vẫn giao tiếp với Chí Phèo như với những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau đó sao? Và sau cái đêm gặp nhau trong vườn chuối, tình yêu cảm động đến tội nghiệp của hai con người khốn khổ này đã nảy nở. Tình yêu thương của người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn này không những giúp Chí Phèo tỉnh rượu mà điều hệ trọng hơn là giúp Chí Phèo tỉnh ngộ, tỉnh đời. Cái bát cháo hành đơn sơ, cảm động có bao ý nghĩa. Nó là liều thuốc dân gian cổ truyền giải cảm cho anh Chí; nó cũng là liệu pháp tình thương giải độc tâm hồn cho anh. Anh ngộ ra nhiều điều mà nhiều kẻ tự cho mình là khôn ngoan tỉnh táo, lọc lõi đến nay vẫn cố tình không hiểu. Té ra, trên đời này người ta vẫn có thể cho nhau ăn, chứ không chỉ phải đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ, tàn độc với đồng loại... mới có miếng ăn. Ở cái làng Vũ Đại này, người duy nhất cho anh ăn, không phải là những cụ, những ông, những bà... người ấy là Thị Nở. Cái bát cháo hành ấy ngon, chắc không phải do tài nấu ăn của người chế tạo. Nó ngon vì đó là hương vị của tình yêu thương, của tấm lòng Thị Nở. Thị Nở chính là sự hiển hiện của điều mà Nho giáo gọi là Nhân chi sơ tính bản thiện. Bát cháo hành đã giúp anh Chí biết nghe bằng đôi tai của mình tiếng đời lăn náo nức, biết ăn năn sám hối vì những tội lỗi mà anh đã làm khi là con quỷ dữ. Điều cực kì cảm động là anh nhìn thấy Thị Nở khi yêu cười cũng rất có duyên, khác hẳn cái cười gian hùng của bá Kiến). Có người cho rằng: Lê Văn Trường khi cho đăng Chí Phèo, tự ý sửa lại tên là Đôi lứa xứng đôi, chỉ có mục đích thương mại. Điều này chỉ có lí một phần. Hẳn nhà văn tiền chiến này, đã đọc tác phẩm của Nam Cao bằng cặp mắt xanh. Ông đã tri âm với tác giả Chí Phèo qua nhân vật Thị Nở. Thị Nở có một sức cảm hoá diệu kì. Để biến anh canh điền thành con quỷ dữ mất cả nhân hình lẫn nhân tính, bọn cường hào ác bá ở nông thôn, nhà tù thực dân đế quốc, dư luận đầy định kiến tàn nhẫn của xã hội cũ đã cần một khoảng thời gian trên dưới hai mươi năm, với bao độc ác ghê rợn, bao công sức, tiền bạc phi nghĩa... vậy mà chỉ một mình Thị Nở, với tấm lòng yêu thương chân thành cảm động trong có mấy ngày đêm đã khiến Chí Phèo hoàn lương (Phạm Văn Phúc). Bát cháo hành trở thành một ám ảnh với Chí. Từ khi được biết hương vị của bát cháo hành, cũng là hương vị của tình yêu thương, anh Chí bỗng trở nên lãng mạn, tâm hồn đầy chất thơ, anh muốn làm hoà với mọi người biết bao... và cuối cùng, tuy không được cái thế giới làng Vũ Đại chấp nhận, anh vẫn không từ bỏ khát vọng hoàn lương, với lời tuyên bố vô cùng tỉnh táo, đặt ra một vấn đề cốt thiết bậc nhất trong cuộc sống không chỉ của anh, không chỉ của thời anh, mà của nhiều người, nhiều thời: Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện? Bằng lời tuyên bố dõng dạc này, Chí Phèo đã trở thành nhà triết lí đáng nể. Triết lí của anh được rút ra từ cuộc đời khốn khổ, khốn nạn dài dằng dặc, từ máu và nước mắt, từ những đau đớn nhục nhã... của bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, cùng là bi kịch của sự tỉnh ngộ. Cũng cần hiểu rằng: lương thiện không ai có thể cho ai được. Mỗi người phải tự biết sống cho lương thiện, nhưng xã hội cũng phải tạo điều kiện để cho người ta sống lương thiện. Và hương vị bát cháo hành vẫn cứ ám ảnh anh không dứt... Nó khiến Chí Phèo tỉnh ngộ, nhưng cũng chính nó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hành động tuyệt vọng, manh động đâm chết bá Kiến và cái chết đầy đau đớn cái chết trong cô đơn, cô độc của anh. Chí Phèo chỉ có đâm chết được cái ác cụ thể có tên là bá Kiến chứ không thể đâm chết cái cơ chế sản sinh ra tội ác cái thế giới luôn làm nảy nòi ra hiện tượng mang tính qui luật có tên là Chí Phèo. Nguyên nhân của những đổi thay kì diệu, và cả cái kết cục bi thảm của Chí Phèo là gì? Nếu không phải là Thị Nở? Ấn trong hình hài xấu tới mức kinh dị là một tâm hồn thánh thiện, một tấm lòng, nói theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ là tấm lòng vàng vô cùng đáng kính đáng trọng. Thị Nở là nhân vật nghịch dị được xây dựng bằng thủ pháp của chủ nghĩa lãng, nhưng vẫn tuân theo lôgic của đời sống hiện thực. Bởi vậy, chi tiết khoan yêu hỏi ý khiến bà cô, cần được hiểu: thị Nở không thể nào hoàn toàn thoát khỏi cái cuống nhau của xã hội có cái tên là Vũ Đại. Thị càng xấu cái bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, cái bi kịch tỉnh ngộ của Chí Phèo lại càng trở nên sâu sắc, bị thương, bi thảm hơn bao giờ hết. Thị còn như một tia hội quang thanh khiết, trong trẻo của những tư tưởng Phúc Âm đạo Gia-tô trong tâm hồn, tâm linh của người công giáo Giu-se Trần Hữu Tri khúc xạ vào trong sáng tác của Nam Cao. Tác giả Chí Phèo không hề lăng mạ, sỉ nhục Thị Nở, hạ thấp con người, không hề lí giải những hành động của nhân vật mà ông sinh ra và hằng thương yêu, kính trọng bằng những nguyên nhân, những động cơ sinh vật học. Ông không hề rơi vào chủ nghĩa tự nhiên trong trường hợp này. Cách trần thuật lạnh lùng khách quan, giễu cợt, vừa có chủ ý vừa là cái tạng của ông. Vả lại, như ai đó có nói rằng: Bản thân sự thật vốn hài hước, chúng tôi thêm trong trường hợp này: hài hước những cảm động. Thị Nở không chỉ tương phản mà còn tương hợp với Chí Phèo. Họ tạo thành một mối kì duyên như bất cứ mỗi kì duyên đích thực trong văn học dân tộc và nhân loại mà chúng ta được biết. Tuy nhiên đó là mối kì duyên mà kết thúc không có hậu. Trong truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao viết:
“Chao ôi! Đối với những người quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương...”(3)
Nam Cao bằng đôi mắt của tình thương lớn đã phát hiện ra Thị Nở, người đàn bà có bề ngoài ma chê quỷ hờn, lại chính là người có tấm lòng đẹp nhất, đáng quý trọng, kính trọng nhất trong thế giới có cái tên là Vũ Đại. Ông thật xứng đáng là nhà văn tri âm với người nông dân xứ ta.

 

Chú thích: (1), (2), (3): Tổng tập văn học Việt Nam, Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2000, Chí Phèo, trang 81, 82, 74, Lão Hạc, trang 171.

 

B.N.M

 

Bài viết khác