CHÍ NGUYÊN
Sau cách mạng tháng 8/1945, hình ảnh Bác Hồ kính yêu luôn luôn đi vào Văn học Nghệ thuật, sáng ngời trong những trang văn, thơ, kịch, nhạc, họa... Bác Hồ đã trở thành một đề tài lớn của văn học nghệ thuật đương đại.
Riêng về thơ ca, cũng đã có hàng nghìn bài viết về Bác. Nhiều bài đã trở thành những bài nổi tiếng suốt hơn thế kỷ qua, đã đi vào văn học sử, vào trang sách giáo khoa của nhà trường các cấp. Nhiều đoạn thơ, câu thơ hay đã thành những đề thi văn của các trường cao đẳng, đại học. Ngoài ra cũng còn khá nhiều tập thơ, trường ca, diễn ca dài tới hơn nghìn câu viết về Bác. Đến nay cũng đã có những tuyển tập thơ lớn về Bác, tiêu biểu như tập "Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ" của Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2005, khổ lớn, dầy 1.582 trang với 450 bài thơ của 350 tác giả trong nước và thế giới viết về Bác (Không kể phần thơ ca của Bác).
Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu luôn ở trong tâm khảm mỗi người con đất nước. (Ảnh: donghoi.edu.vn)
Chính vì thế, hầu như người yêu thơ, làm thơ nào ở Việt Nam cũng có ít nhất là đôi ba bài viết về Bác. Thơ ca viết về Bác, ca ngợi Bác là xuất phát từ những cảm xúc chân thực, từ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Bác.
Ở Ninh Bình, cũng vậy, những người cầm bút cũng đã viết được khá nhiều thơ ca về Bác.
Đại tá, nhà thơ Tạ Hữu Yên là người dành rất nhiều tâm huyết viết về Bác. Ngoài các cuốn sách văn xuôi kể chuyện Bác Hồ, như "Bao la nhân ái Hồ Chí Minh" (Nxb Thanh Niên 1994), "Mênh mông tình Bác" (Nxb Thanh Niên 2002) và "Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh" (Nxb Thanh Niên 2001 - Đã in đến lần thứ 3)... ông còn có cả một tập thơ về Bác: Tập "Nhớ Bác" - Nxb Hội nhà văn 2001, với 49 bài... Nét nổi bật và đặc sắc ở nhà thơ Tạ Hữu Yên là ông có nhiều bài thơ được phổ nhạc nhất nước. Riêng những bài viết về Bác Hồ, ông cũng có những bài nổi tiếng như: Đôi dép Bác Hồ, nhạc Văn An, Hát từ bến Nhà Rồng, nhạc Hồ Bắc, Nhớ giọng hát Bác Hồ và Trăng trong vườn Bác, nhạc của Thanh Phúc...
Tác giả Lê Liêu, một người con của quê hương Bác (Nam Đàn, Nghệ An) đã sinh sống và trưởng thành trên quê hương Ninh Bình, khi về thăm quê, thăm nhà Bác, lại rưng rưng xúc động trước một ngôi nhà Việt Nam bình dị mà đã sinh ra một vĩ nhân. Trong bài “Nỗi lòng Bác với trăm quê”, ông viết: “Lối vào nhà Bác chiều hôm/ Ao sen xanh tỏa làn hương ngạt ngào./ Bờ râm bụt gió lao xao/ Như lời Bác dẫn con vào khúc nôi./ Hàng cau nghiêng bóng bồi hồi/ Còn in bước Bác, còn vui lối mòn ...”
Cùng cảm xúc ấy, nhà thơ Lâm Xuân Vy lại bồi hồi trước cảnh vật vườn xanh hoa lá ở nhà Bác. Ông thấy thật lạ lùng, vui và cảm động trước vườn khoai lang xanh mướt, hoa nở tươi trong sân nhà Bác: “Những vồng khoai trước sân xanh mướt/ Nơi vườn hoa năm trước Bác về/ Người dặn lại: Cái đẹp cần hợp lẽ/ Dân còn nghèo, “Hoa khoai” ấm tình quê.” (Hoa khoai sân vườn Bác). Ông còn có bài “Thiên di chúc” viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ (1969 - 2019) đăng trên Báo Nhân dân số tết Canh Tý - 2020.
Nhân dân Ninh Bình, đến nay và mãi mãi không quên được ngày 15/3/1959, Bác đã về động viên nhân dân xã Khánh Cư chống hạn cứu lúa tại cánh đồng Chằm. Tác giả Đỗ Trọng Am viết: “Mùa nào nắng cháy đồng chiêm/ Bác về chống hạn, đất nên mỡ mầu/ Đồng Chằm tình Bác thấm sâu/ Mỗi gầu nước mát - mỗi bầu sữa thơm./ Đồng Chằm bát ngát vàng ươm/ Đồng Chằm dẻo hạt, cơm thơm những ngày...” (Đồng Chằm)
Với nội dung này cũng còn nhiều tác giả ở Ninh Bình tập trung khai thác (5 lần Bác về thăm Ninh Bình).
Nhà thơ Văn Lê, khi còn là một chiến sỹ Quân giải phóng ở chiến trường miền Nam, có một bài thơ thật đặc biệt viết về Bác. Đó là hôm Bác mất 3/9/1969 các chiến sỹ trên điểm chốt không thể tìm đâu ra hoa, rồi nhớ tới lời Bác dạy "Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp...", thế là các chiến sỹ tự xếp hàng thành một vòng tròn làm một "Vòng hoa người" dâng viếng Bác: “Không thể tìm ra hoa nơi điểm chốt khô này/ Để kết lại một vòng hoa viếng Bác/ Đại đội chúng con nhận danh hiệu anh hùng/ Bộ đội thành vòng tròn mấy lớp/ Đại đội hóa thành một vòng hoa...” (Vòng hoa dâng Bác – Châu Thành, Tây Ninh 5/9/1969)
Công ơn của Bác đối với nhân dân ta vô cùng lớn lao, tác giả Nguyễn Khắc Thiệu có bài "Thơ dâng Bác", nói lên điều đó: “Núi cao là núi Thái Sơn/ Nhưng không sánh nổi công ơn Bác Hồ/ Mênh mông sóng nước Hồng Hà/ Không bằng công đức Bác Hồ kính yêu.”
Bác đã đi xa hơn 50 năm nay, nhưng mỗi lần tết đến, xuân sang ai ai cũng còn bồi hồi nhớ tới phút giao thừa thiêng liêng được nghe Bác đọc thơ chúc tết đồng bào. Tác giả Nguyễn Quang Hảo viết: “Xuân đến với mọi nhà/ Lòng ai không náo nức/ Thức đợi phút giao thừa/ Tim ai không rạo rực/ Ôi giọng nói Bác Hồ/ Mở mùa xuân đất nước/ Giọng Bác ấm như thơ/ Mà ngời ngời ánh thép.” (Bác vẫn còn đánh thức giao thừa)
Dịp Báo Văn nghệ tổ chức cuộc thi thơ viết về Bác Hồ năm 2005, kỷ niệm 115 năm sinh nhật Bác, nhà thơ Bình Nguyên có 3 bài (đoạt giải A). Trong đó có bài "Bác đến thăm thủy điện Sơn La". Đến thăm thủy điện Sơn La, Bác hỏi cặn kẽ ai là người đặt viên đá đầu tiên. Khi có người cầm ô che nắng cho Bác, Bác đã tự cầm ô che. Và khi Ban tổ chức giới thiệu Bác lên cắt băng khánh thành, thật bất ngờ Bác đã mời một cụ bà cao tuổi lên cắt băng khánh thành thay Bác. Thật là một chuyện hiếm có đối với một lãnh tụ đất nước. Còn trong bài "Người sinh ra cổ tích", ông viết: “...những chuyện của Người đã thành pho sách lớn/ Ngày ngày chúng con mở từng trang/...- Người đi qua năm, tư bản làng/ Rồi năm tư bản làng thành một gia đình lớn/ Người đi qua năm tư dòng sông/ Rồi năm tư dòng sông đổ về một dòng sông/ Người đi qua năm tư con đường/ Rồi theo con đường của năm tư con đường chụm lại.”
Đặc biệt, tác giả Thanh Thản, cũng là người viết nhiều về Bác. Ông đã khai thác được khá nhiều hiểu biết về Bác. Đến nay ông đã có hơn bốn mươi bài thơ viết về Bác, được đăng trên sách báo trung ương và các địa phương. Trong đó có những bài tiêu biểu như "Tháng Năm nhớ Bác" được nhạc sỹ Bùi Đình Thảo phổ nhạc, Trung tâm Văn hóa Ninh Bình thể hiện đi dự Liên hoan "Tiếng hát từ Làng Sen" nhân chào mừng sinh nhật Bác lần thứ 115 tại quê Bác, đoạt giải A; Bài "Sổ tiết kiệm của Bác" được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai tặng thưởng "Sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" - năm 2010; và bài "Tết Bác Hồ" được đăng báo Nhân Dân số tết 2010, được trích bình trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam dịp xuân ấy... Tác giả Lê Liêu có bài "Một tác giả có nhiều bài thơ viết về Bác Hồ" (Báo Ninh Bình cuối tuần, ngày 21/8/2010) là ghi nhận điều đó.
Ngoài ra còn khá nhiều tác giả thơ Ninh Bình khác cũng còn có những bài thơ xúc động viết về Bác Hồ, như tác giả Mạc Kính Dương với bài "Người thuyền trưởng"; tác giả Phạm Hy với nhiều bài ca và ca dao hay về Bác; Trịnh Như Ý với bài "Thăm ngôi nhà cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh"; tác giả Nguyễn Đình Quỳ với bài "Chúng con xin giữ trọn những lời thề"; tác giả Nguyễn Thế Kiểm - Quang Hảo với bài "Thưa Bác kính yêu"; nhà viết kịch An Viết Đàm với bài "Con nguyện trọn đời đi theo Bác"... Tác giả Đỗ Danh Gia thì có cả một diễn ca dài hơn nghìn câu lục bát viết về Bác, được tặng giải thưởng của Ban Tuyên Giáo Trung ương về hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - năm 2018.
Thật khó có thể kể hết những bài thơ viết về Bác Hồ kính yêu... Bởi Bác là một đề tài lớn của văn học nghệ thuật, mãi mãi thu hút người đọc và người viết... Bởi nhân dân ta còn mãi mãi ghi tạc công ơn trời biển của Bác.
Ninh Bình, 4/2020
(Nguồn: VNNB238/5-2020)