KIM CHUÔNG
Có lẽ, đã hơn nửa thế kỷ đời người, với Tùng Điển, tên tuổi Nhà văn cầm tinh “Con Heo vàng” này luôn lấp lánh trong tôi giọt nắng.
Với anh, “kiến ảnh, ít kiến hình.” Nhưng, ấn tượng về Tùng Điển đẹp trai, gương mặt đầy sáng, với giọng nói chân thành, ấm áp đã làm tôi đem lòng yêu tin và mê anh ở khí chất, ở vẻ đẹp hồn người.
Nhà văn Tùng Điển - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam
Là nhà văn, gần bốn chục năm công tác ở một cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật địa phương. Nhất là, năm 1986, Nhà xuất bản Thanh niên in cho tôi tập thơ “Hoa nở ngày em đến,” với số lượng “một vạn một trăm năm mươi” cuốn, theo chế độ bao cấp. Lúc này, Tùng Điển đang là cán bộ ở nhà xuất bản. Tôi cũng có dịp qua lại nhiều ở “64 Bà triệu.” Bởi, Phan Xuân Hạt đang Biên tập cho tôi cuốn thơ, còn Trần Thế Tuấn đang đọc, góp ý cho tôi sửa thêm cuốn Tiểu thuyết “Cánh đồng lộng gió.” Lý do này, tôi thường qua lại nhà xuất bản và được gặp Tùng Điển nhiều hơn. Nhưng thực tình, buổi ấy, tôi chỉ có với anh cái bắt tay với đôi câu “xã giao” loáng thoáng.
Năm 2001, cơ duyên cho tôi có được chuyến đi dài với Tùng Điển trong cuộc giao lưu với cơ quan Văn học ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Tùng Điển giữ vai trò Trưởng đoàn. Gần nửa tháng trời, tôi luôn được ở với anh cùng Phòng. Được Ủy Ban Liên hiệp giao, làm “Đoàn Phó” giúp anh.
Ở gần Tùng Điển, tôi thêm yêu anh nhiều. Tùng Điển thông minh, mẫn tiệp. Tùng Điển gần gũi, bộc trực và ấm áp tình người.
Tùng Điển tuổi Đinh Hợi, quê làng Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Chàng trai cất tiếng chào đời vào giữa ngày Mồng một Tết đã làm “bà đỡ” cùng bà con xóm tộc buổi ấy phải “xuýt xoa” kêu lên, câu ca: “Trời... Trai mồng Một, gái hôm Rằm,” kia chứ ...
Quả tình, nhìn “cậu bé” lạ, kháu khỉnh, ai nấy đều “trộm vía” nói lời tiên đoán ở “cái thấy” và những gì sẽ thấy trong dự cảm, trong thầm lặng chờ mong.
Thế rồi, trước nhỡn tiền, trước Cuộc đời - Năm tháng, Tùng Điển chưa “danh cao, thế lớn.” Nhưng phải nói, Tùng Điển được ông trời phú cho tài năng văn chương khá sớm. Dường như, văn chương đã sẵn nằm trong Tùng Điển. Và, Tùng Điển luôn lấy văn chương để giải thoát những khoảng trống hồn mình ...
Thật vậy. Năm mới mười ba tuổi, trong nỗi đau đứt ruột khi người cha sớm mất. Một chiều, ra nghĩa trang thăm nơi phần mộ. Tùng Điển đã xuất thần viết những câu thơ máu thịt. Những câu thơ mang hồn vía thi nhân. Những câu thơ mà trong đó “Cảnh - Sự - Tình - Và, cái Nghĩ” đều quyện hòa trong bài thơ mang tên “Làng yên tĩnh.” Những câu thơ thâm trầm, xác xao và chắc, vững thế này: Nhìn vào làng chỉ thấy màu xanh/ Nhấp nhô những nếp nhà cao thấp/ Vườn cỏ dại in nắng chiều hiu hắt/ Những cây sòi lá rụng xác xơ thân/ Trong lặng thầm cõi âm/ Sao không tiếng nói/ Họ đã sống những chuỗi ngày câm lặng/ Những cuộc đời xa khuất từ lâu/ Ồ, “làng chết” cũng như người đang sống/ Cũng nhà này liên tiếp nối nhà kia/ Cũng rào giậu bằng cúc tần, dứa dại/ Và đánh số nhà bằng những hàng bia/ Nhìn khói chảy mịt mờ trên thảm cỏ/ Vài ngọn đèn thấp thoáng lửa nhen/ Có tiếng nói thì thầm to nhỏ/ Của gió ngàn đâu đó vọng lên/ Kìa, “làng chết” cũng như người đang sống/ Cũng giàu nghèo, cũng những phân chia/ Kìa bia đá trước nhà cao, cửa rộng/ Và nắm đất khô, thanh gỗ cắm chênh vênh/ Ôi, chắc hẳn trong lòng sâu của đất/ Những linh hồn cũng rạo rực yêu đương/ Cánh tay khô cũng quờ quạng điên cuồng/ Hàm răng trắng cũng hé cười điên loạn/ Và có những linh hồn lang thang, phiêu bạt/ Buồn cô đơn giữa những linh hồn ...
Và bài hai: Lâu rồi con mới trở về/ Đứng thăm nấm mộ của cha/ Cây sòi trút lá phủ đầy/ Đánh dấu ngày tháng đã qua/ Thức dậy, cha ơi, tỉnh chưa / Bảo con đường đi chưa định/ Cửa nào con bước, hỡi cha ?/ Áo trắng cha may con mặc/ Mới một cửa đời đã bẩn/ Ai may cho con áo khác/ Đi tiếp những cửa đời sau ..?
Hai bài thơ ngẫu hứng, đầy nỗi niềm, tâm trạng. Ở đây, gạt đi cái nhìn ngoại giới, như : “Hàng bia, nấm mộ, cây sồi". Hay, “Những giậu cúc tần, khói hương, ánh đèn, ngọn gió” ... Hình ảnh “Làng chết” với cảnh giàu nghèo cũng phân chia. Với mộ xây, nhà cao cửa rộng. Với, “nắm đất khô, thanh gỗ cắm chênh vênh”...Rồi, từ “hình thi” lạ, hay từ “tâm thi” lạ, mà câu thơ với những liên tưởng lạ, như : “Áo trắng cha may con mặc/ Mới một cửa đời đã bẩn/ Ai may cho con áo khác/ Để đi tiếp cửa đời sau” ... Rõ ràng, cái nghĩ, tấm áo mặc “Mới một cửa đời đã bẩn,” đâu chỉ còn là tấm áo? Mà, nó là “Đời. Là năm tháng – Kiếp người.” Vì, nó còn “đi tiếp cửa sau” xa dài nữa, đó sao!
Câu thơ đa nghĩa này được đẻ ra từ cậu bé mới ở tuổi mười ba, mang sức vóc cao lớn hơn tuổi cậu. Câu thơ viết bằng trải nghiệm. Viết bằng sự thẳm sâu, “cái Biết.” Viết bằng hiện thực cuộc đời khi bước vào thơ đã cô nén, đã trưng cất và thấm loang trong hiện thực tâm tưởng.
Tùng Điển sẵn có “cái mỏ” văn chương ấy trong hồn. Cùng với “cái mỏ” tạo nên nguồn khơi giàu trầm tích. Đấy là, cha anh, người tinh thông tiếng Pháp. Người nhiều năm mở trường dạy cho nhiều lứa học trò trên đất làng Ngũ Hiệp. Tùng Điển có cơ được chìm vào “Núi sách.” Mê “nghiền” Văn học Nga, Văn học Pháp. Mê “nghiền” những Sê-khốp, Tuốc-Ghê-nhép. Những Pautopxki, Ai-ma-tôp. Những Guy-de-Mô-Pat-xăng, Vich-tor Huygo, Banzắc...
Những trang sách đọc được đã đốt lên trong Tùng Điển ngọn lửa diệu kỳ. Tùng Điển lao vào viết Tiểu thuyết đầu tay dài hơi: “Đời góa.” Nhà văn mười bốn tuổi này đã biết hư cấu, biết “bịa” từ nguyên mẫu người mẹ góa bụa đầy gian lao, thương cảm và kính phục của đời mình.
Tiểu thuyết dày 300 trang, viết trên giấy xi-măng. Những vỏ bao xin được từ buổi đi phụ vữa, hay đi gánh gạch thuê. Viết xong, đi bộ từ đất quê Ngũ Hiệp, Tùng Điển xông thẳng vào Nhà xuất bản Thanh Niên. Người tiếp Tùng Điển là “Ông đầu hói” mà sau này, Tùng Điển mới biết, đó nhà thơ Phan Xuân Hạt. Có điều, “ông đầu hói” thật niềm nở, chân tình. Ông gọi Tùng Điển là cậu bé. Ông vui vẻ nhận đọc tác phẩm, hứa sẽ sớm hồi âm. Vào một sớm thu, năm 1961, đúng mười ngày sau khi nhận bản thảo, Phan Xuân Hạt đã đọc xong, ông trả lại tác phẩm cho Tùng Điển với nhận xét. “Cậu nhỏ có năng khiếu văn chương ... Khá đấy. Tiểu thuyết đọc cuốn hút. Nhân vật góc cạnh. Bi thương ... Nhưng, cậu hiểu không? Thời buổi này, in sao được, tác phẩm này, hả cậu ?
Không nản chí. Cũng không hiểu từ sự thôi thúc mãnh liệt nào, Tùng Điển xoay ra viết truyện ngắn. Rất vui, những ngày sau đó, truyện ngắn của Tùng Điển được Báo Văn nghệ đăng, Đài Phát thanh đọc, khi Tùng Điển còn đang là một cậu học sinh ngồi trên ghế nhà trường.
Tài năng văn chương của Tùng Điển sớm được khẳng định. Chả vậy, năm 1966, khi mới vào tuổi mười chín, Tùng Điển đã trở thành Hội viên sáng lập của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Được Nhà văn Tô Hoài và Đại hội giới thiệu bầu làm Ủy viên Ban chấp hành của một Hội Văn học Nghệ thuật Thủ đô.
Là học sinh Trường Chu văn An, Tùng Điển được gọi vào Trường Đại học Thông tin liên lạc thuộc Tổng Cục Bưu điện. Tốt nghiệp Đại học, năm 1970, là sinh viên “hạng Ưu,” Tùng Điển được giữ lại làm giảng viên, giảng dạy tại trường. Đầu năm 1972, Tùng Điển được điều vào quân đội, giai đoạn này cuộc chiến tranh đánh Mỹ đang diễn ra ác liệt, trong niềm khát khao được xông ra mặt trận, nhưng hai lần đã sẵn sàng bước vào “bệ phóng,” Tùng Điển đều bị “thất vọng.”
Lần một là, mười bốn giáo viên bổ sung cho mặt trận, nhưng khi “tập trung” rồi, Tùng Điển lại bị nhà trường giữ lại. Lần hai, nhà thơ Thu Bồn đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội được cử về tận quê làm lý lịch xin cho Tùng Điển “đi B”. Chuyến đi này có cả nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Nhưng, “Buồn” thay! Khi chuẩn bị lên đường thì Sài Gòn giải phóng, đất nước đã xua tan bóng dáng quân thù.
Trước khi tham gia quân đội, năm 1976, từ một thầy giáo đang dạy Toán ở một trường Đại học, nhà văn Tùng Điển chuyển về làm cán bộ Biên tập ở Nhà xuất bản Thanh niên. Tại đây, nhằm vào quy hoạch, đào tạo “cán bộ nguồn” kế nhiệm, Tùng Điển được Trung ương Đoàn cử đi học hai năm trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Khi tốt nghiệp, trở về cơ quan cũ, muốn thay đổi “không khí” khác, thích hơn, Tùng Điển chuyển sang làm Biên tập ở nhà xuất bản Kim Đồng.
Năm 1988, Tạp chí Tác phẩm Văn học của Hội Nhà văn ra đời, Tùng Điển về làm Biên tập viên từ số đầu tiên. Rồi Thư ký Tòa soạn, Phó Tổng Biên tập với sự dẫn dắt của nhà văn Nguyễn Đình Thi, đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn, Tổng Biên tập, tờ Tạp chí Tác phẩm Văn học danh giá nhất thời ấy.
Năm 1999, ở chặng cuối, cũng là nơi bến đậu dài lâu mà Tùng Điển đang gắn bó, khi Nhà văn Nguyễn Đình Thi mời Tùng Điển về làm Giám đốc, quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học của Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Là “cựu chiến binh” của Văn phòng cơ quan Liên hiệp, là Giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học, Tùng Điển sang đảm nhiệm thêm Chánh văn phòng. Bao nhiêu bận rộn không tên của công việc “nội gia thất, ngoại đồng điền,” đều đòi anh, một khả năng bao quát, quán xuyến.
Năm 2010, Đại hội lần thứ lần thứ VII, Tùng Điển được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Là người thầy thông minh, lịch lãm. Là Nhà văn có phong tư, phong cách. Có thành công đáng kể ngay từ thuở tuổi đời còn rất trẻ. Là người Lãnh đạo, quản lý luôn tận tụy, chân tình, chu đáo ... Nhà văn Tùng Điển có không ít người ngưỡng mộ, quý yêu “Văn và Con người” anh. Nhất là, những văn nghệ sĩ, những người quản lý hoạt động Văn học Nghệ thuật ở các địa phương trên khắp tỉnh thành cả nước. Tùng Điển là người sống gần gũi, chăm lo, người in đậm bóng hình nơi con tim mến yêu của họ.
Phải nói, là nhà văn, nhưng quãng thời gian khá dài, Tùng Điển với vai trò một lãnh đạo. Công việc quản lý luôn đè nặng, chi phối không ít cho tư duy lao động sáng tạo nghệ thuật. “Gia sản” văn chương của Tùng Điển có hơn mười cuốn sách. Nhà văn luôn coi trọng cái tinh, cái chất. Bởi vậy, gần như trong các tác phẩm văn xuôi được xuất bản, có tới năm tập Tiểu thuyết, Truyện ngắn, (chiếm gần một nửa tác phẩm, xuất bản) Tùng Điển đều giành được Giải thưởng cao từ các cuộc thi sáng tác Văn học. Tập truyện ngắn “Bức ký họa” in năm 1983 của Tùng Điển được dịch sang Tây Ban Nha. Truyện “Mắt xích” dịch và in ở Nga. Truyện “Bãi vắng” được dịch sang tiếng Anh...
Tùng Điển cũng là Nhà văn đã vinh dự được nhận Giải thưởng Văn học Nhà nước, năm 2017.
Giống như mạch cưa mở ra hai chiều tách rời và dính líu. Tùng Điển có hai mảng sáng tác. Một mảng dài đi trong không gian rộng. Không gian của một thời ôm trùm và đề cao hiện thực. Không gian của “Việc,” của cái chung. Của màu hồng trong lối nhìn, cách nghĩ.
Nhưng, là nhà văn, trên những trang văn xuôi, mang trong mình tâm hồn thi sĩ. Văn của Tùng Điển giàu có chất Văn. Văn hướng về phía lọc sàng, nghiền ngẫm hiện thực để tìm được sức vang động nhiều hơn nơi phía sau hiện thực.
Có thể cô đúc văn chương Tùng Điển ở nhận xét của Trần Đình Nam, bài đăng trên tờ Tạp chí Văn học: “Văn Tùng Điển cũng như con người anh: chân chất, giản dị. Không có những tình huống li kì, những cảnh tượng hoành tráng, ồn ào. Bố cục, cốt truyện đơn giản. Các nhân vật được dựng theo lối phác thảo, chấm phá. Cuốn sách thể hiện rõ nhất lối viết của Tùng Điển là cuốn “Ngọn đèn như quả hồng chín.” Hai trăm trang sách xoay quanh một ca cấp cứu. Người đạp xích lô, ngọn đèn, vài cái phòng bệnh, ít bệnh nhân, mấy ông thầy thuốc thấp thoáng ra vào. Chỉ có vậy thôi mà hình ảnh một Hà Nội thời bao cấp, một bệnh viện thời bao cấp vẫn hiện lên rõ mồn một với bao nhiêu là thân phận, kiếp người. Tùng Điển là một trong ít người viết về bệnh viện. Hình ảnh chiếc xích lô với ngọn đèn bé nhỏ như một quả hồng chín cháy sáng giữa phố phường Hà Nội trong một đêm đông giá buốt là một biểu tượng đẹp của lòng tin và hy vọng ...”
Vâng. Từ “Mạch ngầm,” Tiểu thuyết được Văn nghệ Hà Nội trao giải Nhất năm 1976, đến Tiểu thuyết “Khoảng trống.” Rồi các tập truyện ngắn “Những ô cửa màu nâu”, “ Bức ký họa”, “Những đứa con thành phố”, “Bãi vắng” .v.v...
Gần 30 năm sáng tác liên tục, cứ hai năm Tùng Điển cho ra đời một đầu sách. Nhưng bẵng đi cũng phải đến 20 năm Tùng Điển im hơi lặng tiếng trên văn đàn, tính từ tác phẩm “Ngọn đèn như quả hồng chín,” Truyện dài viết cho thiếu nhi, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành vào năm 1987. Năm 2018, nhà văn Tùng Điển mới tái xuất với Tiểu thuyết “Người cũ,” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành. Cắt nghĩa điều này, nhà nghiên cứu Văn học Đỗ Ngọc Yên viết trên Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam (Số 283, tháng 8/2018):
Theo thiển nghĩ cá nhân, dù ít hay nhiều vẫn còn có một nguyên nhân ẩn tàng trong tâm thức nhà văn Tùng Điển, mà có thể ông chưa tiện nói ra. Đấy, chính lòng tự trọng của một kẻ sĩ Bắc Hà, khi nghiệp văn đã thấm đẫm trong người như ông, một khi chưa có, (hoặc hết) hứng thú. Có thể ông đã quyết định ngưng viết một thời gian để tiếp tục tích lũy thêm tư liệu, trau dồi kinh nghiệm và tìm kiếm sự hứng thú trở lại trước khi cầm bút. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, đối với tác phẩm văn chương khi mà người sản sinh ra nó không có hứng thú viết thì lấy đâu ra cảm hứng để có thể truyền tới cho độc giả, nếu cứ cố tình viết, cùng lắm cũng chỉ có thể cho ra đời những tác phẩm ái văn chương, vô hồn mà thôi. Chính vì thế mà tôi đánh giá cao sự tôn trọng chính mình và cũng chính là tôn trọng người đọc, những người yêu thích văn chương đích thực của nhà văn Tùng Điển...”
Là người viết, nhất là đã ở tuổi xưa nay hiếm được đồng nghiệp gọi là kẻ sĩ Bắc Hà, thật đáng quý, đáng trân trọng.
Phải nói, nét trội của văn xuôi Tùng Điển vẫn là sức cô nén cái bên ngoài để gửi gắm và tìm được chiều sâu nơi tâm tưởng ở những gì qua suy tư, phát hiện...
Bên cạnh mảng văn chương trong bước chuyển tiếp mới mẻ hơn, trầm sâu hơn của Tùng Điển được gửi gắm và kết tinh ở “Người cũ” cuốn Tiểu thuyết ra mắt công chúng bạn đọc vào tháng 7 năm 2018, mới đây.
Tiểu thuyết hiện đại này không đồ sộ về số trang, nhưng, “Người cũ” thực sự tạo được cái lớn hơn “cái Nó đang có” ở sức vang, sức loang thấm, chảy dài với sức ám ảnh ở nhân vật, sự kiện...
Có lẽ, có tới gần ba năm trời, trong nấu nung, vật vã, trong cái chầm chậm ngẫm soi “chính mình” với một phía “khác mình.” Tùng Điển mới viết xong và tự tin cho “Người cũ” tung ra.
Tôi đã đọc một mạch và dừng lại khá lâu chương “Người thiên cổ,” chương khép lại cuốn sách trong sự hấp dẫn và cuốn hút của tiểu thuyết.
Dễ nhận thấy, ở “Người cũ” Tùng Điển đã bám chặt sở trường. Bám chặt tầng sâu hồn mình mà khai sáng. Bởi, “Người cũ” chính là không gian của hồi ức, kỷ niệm, nó được gọi về trong nét đậm, mờ xa.
“Người cũ” là câu chuyện người quê, cảnh quê, thời kháng chiến đánh Pháp. Cái thời đã khuất mờ tới sáu bảy mươi năm. Từ một vùng quê, nơi cách trung tâm Hà Nội một cánh đồng “mênh mang, hút mắt...” Nơi quê hương Nhà văn từng sinh ra, lớn lên, từng một đời thân thương, gắn bó. Nơi “đại giác” đầy phong lưu, sinh động, đã đẻ ra “đại mộng” cho nhà văn ôm ấp một ngọn lửa được nuôi dưỡng, nhóm nhen trong suốt cả đời mình. Cũng bởi vậy, mà “Người cũ” là câu chuyện cuộc đời, nhưng khi bước vào trang viết, tất nhiên là mối quan hệ hai hay nhiều chiều hơn thế, song ngỡ như mạch ngầm sâu của tiểu thuyết “Người cũ” được đi từ “Ý niệm”. Cái ý niệm có trước. Ý niệm trở thành vai trò trội vượt, thành tầng nổi cho trang viết hiện diện. Thành ý tưởng mà nhà văn tâm huyết, gửi vào đấy những khoảnh khắc của tia nắng làm sáng dậy hồn mình.
Bằng nghệ thuật tự sự, “nhân vật Tôi” là người dẫn truyện. Với lối kể có duyên qua cô đặc, tinh lọc, tất cả những gì là hiện thực của thế giới bề mặt được hiển hiện và phát lộ lại dội lên từ tầng chìm sâu, nơi cảm rung, qua trải nghiệm và nghiền ngẫm của nhà văn. Để rồi, mọi hình hài của cái bên ngoài sáng dậy đều có từ nhu cầu của cái bên trong của ý tưởng, của “cái Ta Biết,” qua những lần mở mắt nhìn đời.
Với ý thức, tạo hiệu quả truyền tải khái quát, nhanh và cô nén hơn trên mỗi trang tiểu thuyết. Ở “Người cũ” Tùng Điển không sa vào mô tả ngoại hình, không sa vào dựng cảnh, dựng việc, hay khơi sâu, phân tích tâm lý nhân vật.
Lấy tình tiết điển hình. Tự sự, bình phẩm và “Luận” điển hình là bước “cô” rút ngắn tới bến bờ dội vang của sự kiện và ý nghĩa lớn hơn nơi phía sau mỗi sự kiện phản ánh.
Giống như dòng trôi êm trong lối mở, dẫn tới nguồn chảy dồn căng, xô tấp ở chặng cuối tìm về. Ở Tiểu thuyết “Người cũ” từ chương “Người thiên cổ” Tùng Điển đã đặt ra cái khó cho tiểu thuyết, ở cùng lúc mở ra hàng loạt tuyến nhân vật. Hàng loạt tình tiết thắt buộc. Hàng loạt mớ bòng bong, cần có những mối gỡ, đòi hỏi sự ứng xử cao tay của một nhà Tiểu thuyết. Và “Người cũ” như thăng hoa hơn, linh diệu hơn, kết tinh hơn khi người đọc thực sự nhập hòa, nín thở, trong hồi hộp, trong mong chờ, định đoán. Để rồi, kết cục có được khi Tùng Điển đã khá thành công ở “Người cũ” Ở vai trò điều binh, khiển tướng, vai trò làm chủ thế cờ trong từng bước “tìm về trận cuối”.
Đi từ đơn tuyến tới kết cục của đa tuyến, đa tầng, “Người cũ” làm người đọc ám ảnh ở các “cao trào nhân vật”.
Sự ám ảnh từ bóng hình một ông Chánh, người bệ vệ, quắc thước. Ông ra làm việc vì một căn nguyên nào khác của thời cuộc. Ông là người yêu nước, thương dân. Người lòng lành, tâm sáng. Với nhân vật này, Tùng Điển đã thật tài hoa ở đôi nét chấm phá, dựng lên “sự im lặng vĩ đại” của ông Chánh. Khi thằng Tây Lùn kéo quân vào nhà bắt cô Ngưu, con gái ông đem đi. Khi chúng phục kích giết chết anh Huề người yêu của cô Ngưu và ông Chánh giam vào phòng riêng. Phút xóm làng bị tàn phá. Phút người dân ngác ngơ trông ngóng vào ông. Phút ông Chánh mở toang cánh cổng, điềm tĩnh bước ra đường cái quan, đi giữa “trận can qua”. Sự im lặng của ông Chánh khi đứng nhìn xóm mạc, đứng nhìn ông bố đẻ của Huề, người cha đang đau thương khi đứa con mình vừa bị giặc giết hại. Tất cả “sự im lặng kỳ lạ” này lại làm sáng lên sự thấu hiểu tận cùng của đáy lòng ở mỗi con người, ở mỗi phẩm cách, và ở mỗi nhân tình, thế cuộc ...
Ám ảnh trong căm giận và xót thương hơn nữa là Nhỡ. Nhân vật vô gia cư, không cha mẹ, được cụ Chánh thương tình nhặt về từ góc chợ. Là kẻ ở trong nhà, Nhỡ vô học, ngu dốt, hám tiền, bị địch mua chuộc, dụ dỗ. Nhỡ hóa thành kẻ phản bội. Nhỡ đã chỉ điểm, dẫn đường cho giặc về tàn phá thôn làng, gieo họa cho gia đình ông Chánh. Tiếp tay cho Tây Lùn trả mối hận tình, bắt giữ, hành hạ cô Ngưu, người nuôi dưỡng, chiều chuộng Nhỡ, kẻ vong ân, bội nghĩa.
Kết cục cuộc đời Nhỡ mới là sự ám ảnh ghê gớm của thân phận, kiếp người. Khi sau này, không con đường nào khác, Nhỡ lại phải tìm đường quay về sống quẩn quanh nơi góc chợ cũ xưa. Rồi, một ngày, khi cô Ngưu tìm gặp Nhỡ, muốn trả mối hận thù cay đắng. Nhưng mang trong mình ung bướu của nỗi đau vì tội đồ, vì nghiệp chướng đã gây nên. Nhỡ muốn sám hối, muốn được “người mình hại” sẽ hành hạ, sẽ trị tội, sẽ “hại lại chính mình” cho đáng đời, đáng kiếp, cho may ra khi nhắm mắt, Nhỡ mới được an lòng. Và, từ nỗi dày vò quặn thắt ấy, Nhỡ đã cướp lấy chén “rượu độc” và vội uống khi phút giây cô Ngưu còn đang run rẩy, chần chừ vì bỗng chạnh tới lòng thương. Nhưng, không kịp nữa, Nhỡ đã kết liễu đời mình nơi góc chợ tối tăm và đau thương như vậy.
So với Nhỡ, nỗi ám ảnh còn thăm thẳm hơn nhiều là cuộc đời Ngưu, cô con gái ông Chánh. Ngưu là nhân vật “cành vàng lá ngọc.” Khước từ mọi giàu sang phú quý, Ngưu yêu Huề, theo Việt Minh chống lại lũ xâm lăng, bán nước. Bị Nhỡ, kẻ ở đợ phản bội, thằng Tây Lùn trả thù, Ngưu bị bắt bớ, bị giam cầm hành hạ. Ngày trở về, cha mất, nhà tan. Cô Ngưu một mình sống trong cảnh đơn côi, ôm một nỗi niềm riêng. Không tiếp xúc với ai. Không ai hiểu nổi mình. Với đời Ngưu, với tháng năm kia? Đấy là công hay tội? Là cái đẹp hay sự xấu xa, ruồng bỏ. Là giá trị hay là sự đáng ghét bỏ, dập vùi... Và, cô Ngưu, người của thế kỷ nào? Cô vẫn còn đấy mà như đã mất bóng, đã biệt tăm trên mịt mờ mặt đất...
Cùng với ông Chánh, anh Huề, rồi thằng Nhỡ, cô Ngưu...Nhân vật Tây Lùn với sự gian ác, mưu ma, chước quỷ. Bao nhiêu ám ảnh khi đậm, khi thoáng chợt còn đeo đẳng, dày vò và loang dài trong tâm trí người đọc. Từ cái chết của ông Chánh với hình ảnh “con chó thủy chung” được vớt lên từ đầm nước bên cầu Gạch đầu làng. Hình ảnh “Người lính Tây” sau này đã tuổi tác, còn tìm lại mảnh đất vùng quê chiến địa xưa, nơi vẫn còn lưu giữ thật tươi xanh những kỷ niệm hồn nhiên với cậu bé, với câu thơ tiếng Việt gửi dấu ở hốc cây, buổi rời bốt, lên đường...
Ở tiểu thuyết “Người cũ” phải nói Tùng Điển đã biểu hiện sự chặt chẽ, thỏa đáng các nhân vật, các tình tiết được đề cập trong hiện diện, trong mối liên quan và kết cục với hiệu quả, hiệu ứng trên các dòng vận động.
Những nhân vật với sự xuất hiện đậm nhạt khác nhau nhưng đều khá hấp dẫn ở bóng hình, ở nét riêng trong cuộc đời, tính cách.
“Người cũ” là Tiểu thuyết mới mẻ trên bước đường chuyển tiếp và đổi khác của thi pháp văn chương Tùng Điển. Là thành công mới, đắp dầy và nối dài trên con đường lao động và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.
Là xuyên suốt, sự lấp lánh, tỏa rạng một ngẫm suy, “cái Biết.” Đó là “Trong cõi tạm khói sương kia. Trong những góc khuất đời thường ấy. Có biết bao mảnh nhỏ Đời này. Là cái đẹp. Cái thân phận khổ đau. Cái cao cả. Cái thấp hèn. Cái bi ai, lỗi lầm và những gì gì nữa... Trong khuất mờ, nó vẫn sống. Vẫn lung linh. Vẫn là Nó. Nhưng nó sẽ tan chìm, mất bóng, sẽ chẳng còn gì. Sẽ chẳng là gì trước bóng ngày đang trôi đi dài dặc...” Bởi vậy, nhà văn Tùng Điển đã “thử dùng ký ức vẽ lại, xem còn gì trong cái máy ghi hình của tạo hóa” nữa không ? (Tiểu thuyết Người cũ, Tùng Điển, trang 162)
Có lẽ, từ “tự thức” và ý thức ấy. Tiểu thuyết “Người cũ” của nhà văn Tùng Điển đã góp vào văn đàn đất nước một tiểu thuyết Hay, với tiếng nói riêng anh. Đấy, cũng là mảng văn chương được nối dài, được đắp dầy và được thêm vào “một gia tài văn xuôi Tùng Điển,” còn đọng mãi với thời gian.
Hải Phòng, 2018 – 2019