Thứ sáu, 11/10/2024

Anh hùng Lương Văn Tụy và sự kiện cắm cờ trên núi Non Nước

Thứ tư, 15/12/2021

NGUYỄN XUÂN KHANG 

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (07/11/1917 - 07/11/1929), Đảng bộ Đông Dương Cộng sản tỉnh Ninh Bình quyết định cắm cờ trên núi Non Nước để tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng cũng như ủng hộ Cách mạng tháng Mười. Đồng chí Nguyễn Văn Hoan và Lương Văn Tụy được giao nhiêm vụ quan trọng này.

Lá cờ được may bằng vải màu đỏ nhạt; hình chữ nhật; chiều dài 83cm, chiều rộng 47cm. Chính giữa của lá cờ có hình búa liềm bằng giấy màu trắng. Bên trên, phía trái có dòng chữ số “7-11-17”; bên phải là dòng chữ số “7-11-29”. Phía dưới, bên cạnh phía trái của búa liềm là dòng chữ “Ủng hộ Xô Nga”; bên cạnh phía phải là dòng chữ “Xô Nga vạn tuế”. Phía dưới hình búa liềm ở chính giữa là dòng chữ Hán “東  洋  共  産  党” (Đông Dương Cộng sản Đảng). Tất cả các dòng chữ và số đều được viết bằng vôi pha với hồ dán, màu trắng. Đã 92 năm trôi qua, màu đỏ của cờ tuy đã hơi phai nhạt, nhưng những dòng chữ và các con số cùng với biểu tượng búa liềm vẫn còn rõ nét.

 

Lá cờ do đồng chí Lương Văn Tụy và Nguyễn Văn Hoan treo trên đỉnh núi Non Nước đêm mùng 6 tháng 11 năm 1929.

Theo dòng lịch sử cho chúng ta biết, ngày 5/12/1873, Thực dân Pháp tiến đánh Ninh Bình lần thứ nhất. Tuy nhiên, gặp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân Ninh Bình, buộc chúng phải rút lui. Mười năm sau, ngày 22/10/1883, chúng đánh chiếm Ninh Bình lần thứ hai. Lần này, chúng huy động lực lượng mạnh hơn, tuy gặp phải sự kháng cự của nhân dân Ninh Bình, nhưng do tương quan lực lượng mạnh hơn, thực dân Pháp đã nhanh chóng chiếm được Ninh Bình. Nhân dân Ninh Bình dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu yêu nước như: Phạm Văn Nghị, Bùi Cẩm, Thiên Hộ Giản đã anh dũng đứng lên chống Pháp.

Sau khi ổn định, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị bù nhìn, ban hành chính sách áp bức bóc lột tàn khốc. Đứng đầu tỉnh là một viên Công sứ người Pháp, bên dưới là bộ máy cầm quyền tay sai người Việt. Bên cạnh đó Pháp cho thiết lập nhiều đồn bốt, trại lính. Ở huyện có lính cơ, ở xã có tuần đinh. Tỉnh có nhà lao, bộ máy cảnh sát đứng đầu là viên Chánh cẩm người Pháp. Pháp thực hiện chính sách áp bức bóc lột nặng nề, đời sống nhân dân cực khổ, cùng một lúc phải chịu “một cổ hai tròng”.

Là người có lòng yêu nước và tự hào dân tộc, năm 1927, cụ Lương Văn Thăng được đồng chí Nguyễn Văn Hoan tuyên truyền và giác ngộ cách mạng. Tháng 9/1927, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại Ninh Bình gồm có ba đồng chí (Lương Văn Thăng, Vũ Ngọc Toản và Phan Văn Thành) do cụ Thăng làm Bí thư. Tháng 10/1927, Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Côi Trì (nay là xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô) được thành lập, do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư. Tiếp đó là sự ra đời của Chi bộ Trường Yên, do đồng chí Nguyễn Văn Hoan và Lương Văn Thăng tổ chức.

Trước yêu cầu mới của phong trào quần chúng, đòi hỏi phải có một chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ngày 17/6/1929, tại ngôi nhà số 312, Khâm Thiên, Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ) được thành lập. Sau đó ĐDCSĐ phái các cán bộ về các tỉnh tuyên truyền phổ biến chính cương, điều lệ. Ngày 24/6/1929, Chi bộ ĐDCSĐ ở Ninh Bình được thành lập tại Lũ Phong, Quỳnh Lưu, Nho Quan với 8 đảng viên, do đồng chí Lương Văn Thăng làm Bí thư. Tiếp đó là Chi bộ Côi Trì (Yên Mỹ, Yên Mô) với 8 đảng viên do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư và Chi bộ Trường Yên (Hoa Lư) với 3 đảng viên.

Tháng 10/1929, Tỉnh ủy ĐDCSĐ lâm thời Ninh Bình được thành lập gồm 3 đồng chí: đồng chí Nguyễn Văn Hoan làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Văn Phúc và Trần Quang Tặng là ủy viên. Tỉnh ủy đã phân công các ủy viên phụ trách cơ sở và đề ra phương hướng hoạt động của Đảng bộ là tập trung tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, xây dựng cơ sở cách mạng. Tỉnh ủy cũng chủ trương đưa báo Đảng về cơ sở để tuyên truyền, học tập và quyết định ra tờ báo “Dân cày” để làm tài liệu tuyên truyền. Ngày 1/11/1929, tờ “Dân cày” đầu tiên ra mắt với nội dung tố cáo tội ác của thực dân - phong kiến, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh… Kỷ niệm lần thứ XII Cách mạng tháng Mười Nga, Tỉnh ủy chỉ đạo các Chi bộ tổ chức cắm cờ búa liềm, rải truyền đơn, dán áp phích ở khắp nơi trong tỉnh.

Lương Văn Tụy sinh năm 1914 trong một gia đình Nho giáo tại làng Lũ Phong, xã Quỳnh lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Cha là Lương Văn Thăng làm nghề dạy học. Quỳnh Lưu, là vùng đất giáp danh giữa hai huyện Gia Viễn (đồng chiêm trũng bán sơn địa) và Nho Quan (địa hình bán sơn địa và miền núi), trong chiến tranh có vị trí vô cùng quan trọng, đây cũng chính là một phần của trung tâm để Đảng ta xây dựng Khu căn cứ cách mạng nằm trong Chiến khu Quang Trung rất nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp.

Ngay từ khi còn nhỏ, anh Lương Văn Tụy đã được học chữ Quốc ngữ. Anh luôn tỏ ra là người sáng dạ, lại học hành chăm chỉ, siêng năng, lễ độ với mọi người, luôn giúp đỡ bạn học cùng tiến bộ nên anh được mọi người và bạn bè, thầy giáo yêu quý, khen ngợi. Sinh ra tại vùng quê có truyền thống yêu nước, lại được nuôi dưỡng trong một gia đình Nho giáo. Ngay từ thuở nhỏ anh Tụy đã chịu ảnh hưởng của người cha về lòng yêu nước nồng nàn, thấy được nỗi bất công trong xã hội thực dân phong kiến; thấu hiểu nỗi khổ cực của nhân dân, đồng bào; nuôi dưỡng trong lòng chí căm thù giặc sâu sắc. Được đồng chí Nguyễn Văn Hoan - cán bộ của Đảng, trực tiếp dìu dắt, anh bước vào hoạt động cách mạng. Năm 1929, anh Tụy được kết nạp vào “Xích tổ”, một tổ chức thanh niên cộng sản ở Ninh Bình. Qua thử thách, nhận thấy anh là một thiếu niên yêu nước, có ý chí cách mạng, thông minh, hoạt bát, viết chữ đẹp, vẽ giỏi, các đồng chí giao cho anh làm liên lạc, in truyền đơn và các tài liệu bí mật của Đảng. Nhận nhiệm vụ, anh luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành.

Sự kiện cắm cờ Đảng trên núi Non Nước

Hồi ấy, thị xã Ninh Bình là nơi tập trung bộ máy thống trị của Pháp, núi Non Nước lại nằm ngay trong lòng thị xã. Do phong trào cách mạng lên cao nên bọn địch canh gác, tuần tra nghiêm ngặt. Sau khi đỗ sơ yếu lược, anh Tụy được học ở trường tỉnh, do đó anh thông thạo đường đi lối lại ở thị xã. Đêm 6 rạng ngày 7/11/1929, các anh giả làm người đi câu cá, vai vác cần câu, tay sách giỏ đựng lá cờ, truyền đơn, áp phích và lựu đạn giả. Trời khuya, lạnh, tụi lính gác đã say giấc nồng. Hai đồng chí nhanh chóng thực hiện công việc. Hoàn thành công việc chính các đồng chí chia nhau ra đi rải truyền đơn, dán áp phích ở nhà ga, trường học, chợ Rồng.

Sáng mùng 7/11, lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh núi Non Nước. Do các đồng chí treo nghi binh hai quả lựu đạn giả ở cây treo cờ nên khi địch phát hiện cờ treo trên trụ thì mất khoảng thời gian khá lâu chúng mới loay hoay hạ được lá cờ xuống. Trong khoảng thời gian ấy, kẻ địch vô cùng tức giận; ngược lại nhân dân ở thị xã Ninh Bình và các vùng phụ cận vui mừng, phấn khởi lần đầu tiên được ngắm nhìn lá cờ cách mạng trên đỉnh núi quê hương. Việc treo cờ có ý nghĩa rất quan trọng, ngoài việc ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga còn khích lệ tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc, thông báo sự có mặt của Đảng Cộng sản và những hoạt động đấu tranh với kẻ địch để nhân dân chung lòng hợp sức tin tưởng ở Đảng, tin tưởng cách mạng.

Ngày 18/11/1929, trên đường đưa báo “Dân cày” số 2 có in bài tường thuật, kèm hình minh họa lá cờ bay trên đỉnh núi Non Nước, đến phân phát ở huyện Yên Mô, anh Lương Văn Tụy đã bị giặc bắt. Sau đó Pháp mở nhiều đợt truy quét, bắt bớ các chiến sỹ cộng sản. Ngày 24/11/1929, lần đầu tiên ở Ninh Bình, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử những người cộng sản và một số quần chúng cách mạng, trong đó có Tạ Uyên, Nguyễn Văn Hoan, Lương Văn Tụy… Nhận định đây là phần tử nguy hiểm, giặc Pháp đã tăng tuổi của anh Tụy và kết án anh 15 năm tù khổ sai. Ngày 28/4/1930, chúng lại xử anh và các đồng chí tại tòa thượng thẩm Hà Nội. Trước những lý lẽ anh dũng và đanh thép của các đồng chí, chúng vội xử “Y án” và đày các đồng chí ra Côn Đảo.

Tại Côn Đảo, anh Lương Văn Tụy tiếp tục được các đồng chí đảng viên dìu dắt. Anh lại hăng hái tham gia các hoạt động tại đảo. Năm 1932, theo chủ trương của Đảng, anh Tụy và một số đồng chí khác vượt biển về đất liền. Biển cả mênh mông, giữa đường gặp sóng lớn gió to, các đồng chí đều anh dũng hy sinh. Lúc ấy anh Tụy mới 18 tuổi.

Tấm gương chói ngời, đức hy sinh cao cả của anh hùng Lương Văn Tụy đã được Đảng và Chính phủ ta ghi nhận. Anh được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trên đỉnh núi Non Nước thuở nào, anh Tụy đã dũng cảm cắm lá cờ búa liềm ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga, làm nức lòng người. Hôm nay di tích còn đó, cột cờ còn đây, lô cốt địch vẫn hiện hữu; Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình kính cẩn xây dựng tượng đài Anh trên đỉnh núi. Tên Anh cũng được đặt cho một con phố ở trung tâm thành phố Ninh Bình; trường Trung học Phổ thông chuyên của tỉnh mang tên anh: Lương Văn Tụy. Quê hương Anh, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin ở huyện lỵ Nho Quan, pho tượng của anh đứng đó như động lực thúc đẩy toàn thể nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nỗ lực, cố gắng học tập và công tác góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

N.X.K

(Nguồn: TC VNNB 257-11/2021)

Bài viết khác