NGUYỄN QUANG HẢI
Trong khoảng 11 năm đầu của nhà nước Đại Cồ Việt (968- 979), dưới sự trị vì của vua Đinh - Đại Thắng Minh Hoàng Đế đã mở ra một kỷ nguyên bang giao mới của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của nước ta. Đặc biệt là quan hệ bang giao giữa nước ta với nhà Tống ở phương Bắc, một quốc gia to lớn gấp nhiều lần, lại vốn là nước có cả quá khứ hàng nghìn năm xâm lược và đô hộ nước ta.
Sau khi lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu triều chính là Thái Bình (năm Canh Ngọ - 970), vua Đinh đã sai sứ bộ sang nhà Tống để đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì “Bấy giờ nhà Tống sai đại tướng Phan Mỹ dẹp yên Lĩnh Nam (chỉ Lưu Xưởng), cho nên mới có mệnh ấy” (ý nói về thiết lập quan hệ bang giao). Đó là chuyến bang giao đầu tiên của sứ thần Nhà nước Đại Cồ Việt sang nhà Tống. Và sự nghiệp bang giao của nhà nước Đại Cồ Việt từ đó khởi đầu.
Vào năm Nhâm Thân (972), nhà vua sai Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trưởng đi sứ sang thăm nhà Tống.
Điều đặc biệt và hiếm có ở sự kiện bang giao này là: Vua Đinh cử chính con trưởng của mình là Đinh Liễn với tước vị Nam Việt Vương đi sứ sang nhà Tống mà không quản ngại mọi hiểm nguy kể cả đối với tính mạng. Việc nhà vua (nước chư hầu) sai hoàng tử đi sứ sang “thiên triều” quả là hy hữu. Phải chăng đó là sự thể hiện khí phách, bản lĩnh ngoan cường của vua Đinh - vị hoàng đế vốn là một võ tướng với “Tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời”.
Năm sau, Quý Dậu (973), Nam Việt Vương đi sứ về. Vua Tống phái sứ sang kinh đô Hoa Lư nước Đại Cồ Việt trao chế phong vua Đinh làm Giao Chỉ quận vương; phong Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư tĩnh hải quân tiết chế độ sứ An Nam đô hộ. Nội dung lời chế đánh giá cao nhà Đinh như sau: “(Họ Đinh) đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hóa Trung Hoa, thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ lễ phiên thần, vậy ban cho cha ngươi theo lối cắt đất phong tước, xếp phẩm trật cho vào hạng được cầm quân, được hưởng mức tĩnh phú. Như thế là để khen thưởng đức tốt của người già, há chỉ hạn chế trong điển chương thường lệ đâu” .
Nội dung chế văn như trên của vua nhà Tống, tuy tự coi nhà Tống ở cương vị “thiên triều” (bề trên của các nước bị coi là chư hầu) song đã tỏ ra những hòa khí trong quan hệ bang giao với nhà Đinh. Điều đó cũng đã thể hiện được tài năng và bản lĩnh của Đinh Liễn cùng đoàn sứ thần nước Đại Cồ Việt. Chuyến đi sứ thuở ấy của Nam Việt Vương Đinh Liễn sang nhà Tống bang giao quả là đã thành công tốt đẹp, để lại một dấu ấn quan trọng trong quan hệ giữa hai nước đương thời.
Mùa xuân năm Ất Hợi (975) vua Đinh phái Trịnh Tú, một trong “tứ trụ triều đình” đem vàng, lụa, sừng tê, ngà voi sang sứ cống nhà Tống. Đến mùa thu năm ấy, vua Tống sai Hồng lô tự khanh Cao Bảo Tự… đem chế sách sang nước ta gia phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, kiêm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương.
Đây cũng là một sự kiện bang giao đặc biệt quan trọng, vì dẫn đầu đoàn sứ Đại Cồ Việt là vị quan thuộc tứ trụ triều đình. Vị quan này đã không quản ngại đường sá xa xôi, sông núi muôn trùng hiểm trở, gian khó hiểm nguy mà đích thân đi sứ và hoàn tất sứ mệnh bang giao do nhà vua giao phó.
Năm Đinh Sửu (977), vua sai sứ sang nước Tống mừng Tống Thái Tông lên ngôi (kế vị Tống Thái Tổ - đã băng hà vào tháng mười năm trước).
Các sự kiện bang giao như đã nêu trên của nhà Đinh với nhà Tống theo như sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại tuy không nhiều, song đó chính là những dấu ấn quan trọng đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử bang giao giữa hai nước, đặc biệt là trong điều kiện hoàn cảnh nhà nước Đại Cồ Việt đương thời mới được thống nhất.
Sau khi vua Đinh và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn là con thứ hãy còn thơ ấu mới sáu tuổi, được triều đình tôn làm vua; mẹ là Dương Vân Nga làm nhiếp chính; Lê Hoàn làm phó vương. Nội triều Hoa Lư khi ấy thậm rối ren.
Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền cùng Phạm Hạp là những trụ cột nhà Đinh đã dấy binh từ bên ngoài theo hai đường thủy, bộ kéo về kinh đô nhằm giết phó vương Lê Hoàn để phò nhà Đinh, phòng sự tiếm ngôi báu, nhưng đã thất bại và đều bị giết.
Ngô Nhật Khánh vốn là phò mã vua Đinh dẫn hàng nghìn chiến thuyền quân Chiêm Thành theo đường biển, nhằm vào hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang hòng đánh chiếm Hoa Lư. Tuy nhiên, hầu hết các chiến thuyền quân Chiêm đã bị bão táp nhấn chìm.
Vận nước lúc ấy như “ngàn cân treo sợi tóc” vì nhà Tống từ phương Bắc liền rắp tâm nhân cơ hội này kéo quân sang thôn tính Đại Cồ Việt. Triều đình và quân sĩ suy tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua. Nhà vua khẩn cấp tập hợp, chỉnh đốn quân đội với quyết tâm đánh trả quân Tống xâm lược.
Tháng tám năm Canh Thìn (980) vua Tống xuống chiếu đem quân sang xâm lược Đại Cồ Việt, lại sai sứ Lư Đa Tốn đem thư sang Hoa Lư để dọa dẫm, răn đe, vịn cớ, do ỷ thế thiên triều. Nội dung thư của vua Tống đầy ngạo mạn, tự đắc, miệt thị vua tôi, thần dân trăm họ nước Đại Cồ Việt ta.
Dù vua Lê đã rất mưu lược, sai nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang nước Tống, giả làm thư của Vệ vương Đinh Toàn thỉnh cầu được nối ngôi cha, cốt nhằm hoãn binh để có thời gian củng cố lực lượng quân sự mà ứng chiến với quân Tống xâm Lược, nhưng nhà Tống vẫn ra yêu sách đặt triều đình Hoa Lư vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nguyên do là vua Tống chỉ muốn cho nhà Đinh “truyền nối ba đời”, Lê Hoàn chỉ được làm phó vương. Vua Tống sai Trương Tông Quyền đưa thư sang, trả lời: “…Họ Đinh truyền nối ba đời, trẫm muốn cho (Đinh) Toàn làm thống soái, khanh (chỉ Lê Hoàn) làm phó. Nếu Toàn tướng tài chẳng có, vẫn còn trẻ con, thì nên bảo cả mẹ con cùng thân thuộc sang quy phụ…”.
Hòa khí bang giao giữa hai nước lúc này bị tan biến. Và cuộc chiến ác liệt giữa hai bên đã diễn ra sau đó không lâu. Kết cục, quân Tống đại bại. Quân ta tuy chiến thắng nhưng chắc chắn cũng không tránh khỏi tổn thất về của và người.
Sau cuộc chiến ba năm, vào năm Quý Mùi (983), mùa xuân, vua Lê sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống. Quan hệ bang giao giữa hai nước lại được “bình thường hóa” khá lâu (cho đến hết thời nhà Tống) và cũng để lại nhiều dấu ấn lịch sử.
Bên cạnh một thế lực quá lớn là nhà Tống ở phương Bắc luôn tự đặt mình ở vị thế “thiên triều”, với tham vọng truyền kiếp luôn hòng thôn tính nước láng giềng theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, nhà Đinh rồi sau đó là nhà Tiền Lê tuy vẫn chấp thuận cái chế độ chư hầu phong kiến qua lệ cống nạp, lễ nghi tiếp đón sứ thần và tiếp nhận các chế sách, song ở một tư thế đàng hoàng, tự chủ chứ không hề quỵ lụy.
Có thể khẳng định sự nghiệp bang giao của nhà nước Đại Cồ Việt mà khởi đầu là nhà Đinh đã kế thừa và sáng tạo lịch sử bang giao truyền thống của các triều đại trước đó, đồng thời cũng để lại những bài học cho hậu thế là: Kịp thời mà ung dung tự tại, kiên định mà mềm dẻo, nhất quán mà năng động với khí phách và bản lĩnh phi thường. Thêm nữa, đó là sự chủ động sáng tạo trong hoạt động bang giao với tầm nhìn xa trông rộng nhằm giữ cho được thế sự một cách tối ưu, tất cả vì hòa bình, ổn định và lớn mạnh của đất nước.
N.Q.H