Thứ sáu, 11/10/2024

Bầu cử Quốc hội khóa 1

Thứ tư, 06/01/2021

NGUYỄN KHẮC THIỆU

Khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa 1 (ngày 06/01/1946) người viết bài này mới lên 2 tuổi. Nhưng qua tìm hiểu một số tư liệu như “60 năm Quốc hội Việt Nam” của Nhà xuất bản Thông tin, ấn hành năm 2006 và “Lịch sử Đảng bộ Ninh Bình - Tập 1, năm 1930 - 1975, ấn hành năm 1996; thận trọng hơn, tác giả đi gặp một số đồng chí lão thành cách mạng thì được biết: Sau Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là một cuộc đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt. Nhân dân cả nước đón nhận ngày hội lớn của dân tộc, coi “mỗi lá phiếu là một viên đạn đánh Pháp”. Tại Nam bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới trời bom đạn. 42 cán bộ, chiến sĩ ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã anh dũng hi sinh. Quốc hội khóa 1 là Quốc hội của độc lập, thống nhất dân tộc và đại đoàn kết toàn dân.

Một điểm bỏ phiếu ở Hà Nội trong ngày 6/1/1946.                    (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử tại Hà Nội đã trúng cử với số phiếu cao (98,4%). Thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử mở ra một thời kỳ mới, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước hợp pháp, dân chủ, thực sự của dân, do dân và vì dân. Là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Quốc hội khóa 1 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ cộng hòa.

Do điều kiện đất nước bị chia cắt trên phạm vi cả nước, nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa 1 kéo dài từ tháng 01 năm 1946 đến tháng 9 năm 1960. Thông qua 12 kỳ họp, đặc biệt là hoạt động của Ban Thường vụ Quốc hội, luôn có mặt bên cạnh Chính phủ để chỉ đạo công cuộc kháng chiến - kiến quốc, xây dựng Hiến pháp, Luật cải cách ruộng đất, đàm phán, ký kết và đấu tranh thi hành hiệp định Giơnevơ, khôi phục kinh tế miền Bắc. Quốc hội khóa 1 đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, giải phóng và đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cho công cuộc giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Quốc hội khóa 1 bầu ngày 06/01/1946 có 403 đại biểu, trong đó: Tri thức: 61%; Công kỹ nghệ gia: 0,6%; Buôn bán tiểu thương: 0,5%; Thợ thuyền: 0,6%; Nông dân: 22%.

Về tuổi tác: Đại biểu từ 18 đến 25 tuổi: 0,7%; Đại biểu từ 26 đến 40 tuổi: 70%; Đại biểu từ 41 đến 50 tuổi: 18%; Đại biểu từ 51 đến 70 tuổi: 0,59%.

Ở Ninh Bình, hòa chung với không khí sau niềm vui thắng lợi vẻ vang của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 06/01/1946, nhân dân Ninh Bình nô nức đi bầu cử. Có trên 90% cử tri đi bỏ phiếu và bầu ra 6 đại biểu Quốc hội khóa 1 ở khu vực của tỉnh gồm:

1. Ông Phạm Văn Đống (tức Hồng) sau này làm Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy vào đầu những năm 1950.

2. Ông Trương Văn Công: Hoạt động cách mạng thời tiền khởi nghĩa, sau này làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Nho Quan.

3. Ông Phan Văn Vợt: Công tác ở Ngân hàng Nhà nước tỉnh, sau chuyển về Trung ương.

4. Ông Lê Văn Cầu: Đại diện giới trí thức.

5. Ông Trần Công Chính: Đại diện người lao động.

6. Ông Ngô Tử Hạ: Một giáo dân ở huyện Kim Sơn, có nhà in ở Hà Nội, đã ủng hộ Nhà nước việc in ấn sách báo, ủng hộ kháng chiến.

Thắng lợi của cuộc bầu cử đã làm tăng thêm lòng tin của dân với Đảng, với Mặt trận Việt Minh, với chính quyền, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, quyết tâm giữ vững và bảo vệ chính quyền của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh, làm cơ sở cho các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sau này.

N.K.T

(Nguồn: TC VNNB 245+256/12-2020)

                                                                 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác