Thứ sáu, 11/10/2024

Kinh đô Hoa Lư một số tư liệu mới

Thứ hai, 23/09/2019

ĐẶNG CÔNG NGA 

Những người tổ chức và thực hiện việc xây dựng kinh đô.

Theo Sự tích đền Ninh Xá xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, thì Ninh Hữu Hưng vốn người thôn Chi Phong, tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn, là người tổng chỉ huy việc xây dựng kinh đô Hoa Lư.

Ngoài ra còn có những người giúp việc là Phùng công người An Biện (Mai Xá, ngoại thành Nam Định ngày nay), Nguyễn công người Đồi Tam (xã Yên Đồng, Ý Yên tỉnh Nam Định ngày nay), họ Điền, họ Nông, họ Cao, họ Trịnh. Bài thơ Nôm giáng bút trong sách Cảnh thế chân kinh, Ninh Xá từ thiện đàn tàng bản, tháng 2 năm Thành Thái Tân Sửu có câu: Nhớ từ cụ tổ thời Đinh/Dựng xây đô ấp họ Ninh là đầu...Họ Phùng, họ Điền, họ Nông/Họ Cao, họ Trịnh các ông xương hòa...

Họ Phùng là Phùng Gia, Phùng Viên, họ Cao là Cao Mộc, Cao Thụ. Theo sách Hoa Lư thành ký chí của Phan Đình Hòe, Tuần phủ tỉnh Ninh Bình những năm đầu thế kỷ XX, thì Phùng Gia là người đi khảo sát địa bàn và tham gia xây dựng kinh đô Hoa Lư, lần đầu vào năm 968, lần thứ hai vào năm 969, lần cuối vào năm 971. Lại còn có Nguyễn Phúc Hợp người chợ Đồi (xã Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định ngày nay), Điền Thị và Đàm Thị cũng tham gia xây dựng kinh đô dưới sự chỉ huy của Ninh Hữu Hưng. Bài thơ của Lê Hữu Danh, người Văn Xá, huyện Đường Hào, Hải Dương, đỗ Hoàng giáp năm Cảnh Trị 8 (1670), quan Hiến sát sứ Kinh Bắc, viết: Đinh hoàng hữu Ninh tướng/Tá hựu dụng Phùng công/Điền thị dữ Đàm thị/Ư Tây hựu ư Đông/Kiến đô thành bất dị/Sự tại khởi vô công/Sơn giác nhân do niệm/Hà ưu khí tổ tông (Vua Đinh có Ninh tướng/Giúp đỡ có Phùng công/Điền thị với Đàm thị/Bên Tây cùng bên Đông/Dựng đô thành chẳng dễ/Việc ấy há không công/Xó núi người còn nhớ/Lo gì bỏ tổ tông). Đàm thị tức Đàm Thụy Hoa, em gái bà Thái hậu Đàm Thị, mẹ vua Đinh, Điền thị tức Điền Thanh Nữ, vợ của Ninh Hữu Hưng.

 Nguyễn Bặc đã đặt danh hiệu Hoa Lư cho kinh đô. Bài thơ Đông nhật ngộ bệnh trú Dền thị của Đỗ Thế Giai (1709-1766) có câu: Đinh đế, Lê hoàng trú thử đô/Nguyễn công thủy tiến hiệu Hoa Lư (Vua Đinh vua Lê từng đóng đô trên mảnh đất này/Ông Nguyễn (Bặc) đã dâng lên nhà vua tên hiệu của kinh đô là Hoa Lư).

Thành trì

Kinh đô Hoa Lư (các thôn Yên Thượng, Yên Thành và Chi Phong xã Trường Yên, Hoa Lư) có núi đá vôi cao vút, sừng sững che chắn ba mặt đông, tây nam. Phía bắc ăn thông ra cánh đồng bằng mà giới hạn là sông Hoàng Long, có 19 ngọn nằm rải rác. Đây chính là những bức tường thành thiên tạo kiên cố bảo vệ cho kinh đô Hoa Lư.

Vết tích cung điện thời Đinh - Lê            Ảnh: TL

Khu Nội thành được ngăn đôi làm hai là Thành Ngoại và Thành Nội. Tổng diện tích nội thành khoảng 6 km2, trong đó diện tích dùng để xây dựng cung điện, dinh thự... là 2,7 km2.

Về tường thành nhân tạo, khu kinh đô có tất cả 12 đoạn che chắn phía ngoài và phân ngăn khu nội thành. Phía bắc và đông bắc của khu thành ngoài (các thôn Yên Thượng, Yên Thành) có năm đoạn tường thành, phía nam khu thành ngoài có một đoạn, gọi là Tường thành Nam, phía bắc khu thành trong (thôn Chi Phong) có hai đoạn, phía nam có hai đoạn, gọi là tường Bim, tường Bồ. Nội thành khu thành ngoài còn có tường Vầu, tường Quèn Thụ Mộc, tường Ngòi Chẹm, nội thành khu thành trong có tường Vầu chạy cắt ngang.

Về cơ bản, các đoạn tường thành ở đây được xây đắp dưới thời Đinh, đặc biệt là những tuyến thành ngoài. Tường thành được xây đắp rất kiên cố: dùng cành lá cây để lót móng chống lún, dùng các cây gỗ đặt dọc phía ngoài để chống sạt lở, bên trong xây gạch, thân tường đắp đất... Về kích thước, chân tường rộng từ 15 - 17 m, mặt rộng từ 3 - 4 m, chiều cao khoảng 8 - 10 m. Tổng chiều dài tường thành nhân tạo phía ngoài là 1630 m (không kể các đoạn tường phân ngăn nội thành).

Theo bài thơ Hoa Lư cố kinh hữu cảm (Ngậm ngùi nơi đô cũ Hoa Lư) của Trương Minh Lượng (1636-1712), thì việc đào đất đắp thành tạo thành năm cái hồ ở vùng cố đô Hoa Lư: Hoa Lư sơ định đế vương đô/Trúc kế chư sơn tạc ngũ hồ (Khi mới định đô dựng nền nếp ở Hoa Lư/Do đào đất để đắp tường thành nối các núi lại với nhau, nên tạo thành năm cái hồ).

Theo Trần Hàm Tấn làm việc tại Trường Viễn Đông bác cổ thì rìa phía ngoài mặt thành trồng tre gai thay cho nữ tường; cứ cách chừng một trượng rưỡi (6m) lại đắp một ụ đất cao bằng đầu người. Chân thành phía ngoài có hào nước, chân tường thành bên trong có hào cạn. Thời Đinh chỉ có hào ngoài, sau do một quẻ bói của Đặng Huyền Quang, chức Sùng chân uy nghi, đứng đầu đạo Giáo:

Dục lưu cố sự sơ thời tạo/Tu bả tâm trì dữ thủy trì/Tâm thủy tương liên vi bảo chướng/Hà sầu quốc thế nhật suy vi. (Tản Đà dịch thơ: Cơ đồ muốn giữ thuở ban đầu/Ngòi nước-lòng người phải nối nhau/Người- nước nối liền mà vững chắc/Lo gì quốc vận chẳng dài lâu), mà hào nước ngoài được đào sâu thêm, đồng thời đào thêm hào cạn bên trong tường thành.

Cung điện

Thời Đinh ban đầu chỉ có một số kiến trúc quan trọng giành cho vua và Sơ đồ khu vực nội thành thành kinh đô Hoa Hoa Lư thế kỷ X hoàng hậu ở, coi chầu là có qui mô lớn, trang trí đẹp đẽ, số còn lại chỉ là những công trình bình thường "kín trên bền dưới" dành cho quan lại và những kẻ phục dịch hầu hạ ở. Về số lượng, tính sơ sơ cũng phải có trên dưới 10 toà. Theo Phan Đình Hòe thì cung điện thời Đinh có ba tòa đại điện, hai mươi tám vi cung, đều nhìn về hướng nam. Sang thời Lê, năm 984 Đại Hành đế cho xây một loạt cung điện dưới núi Đại Vân, gồm Bách Bảo Thiên Tuế, Phong Lưu, Tử Hoa (hoặc Vinh Hoa), Bồng Lai, Cực Lạc, Trường Xuân, Long Lộc, và  lầu Đại vân. Năm 992 làm thêm Càn nguyên điện, tổng là chín toà cung điện lầu các. Theo Đỗ Thế Giai thì ban đầu đã có chín ngôi đại điện, về sau làm thêm tám mươi mốt tòa vi cung, bài thơ Đông nhật ngộ bệnh trú Dền thị có câu: Tiên thành đại điện tam tam thốc/Hậu tạo vi cung cửu cửu vu (Ban đầu xây chín  (3 x 3) ngôi đại điện/Về sau làm thêm tám mươi mốt (9 x 9) tòa cung nhỏ.

Vài kiến nghị

Để phục vụ công tác du lịch hiện nay, nên cho khai quật lại móng tường thành Ngòi Chẹm phía bắc đền Lê, năm 1991 đã được Bảo tàng Hà Nam Ninh khai quật và cho lấp lại để phục vụ công tác trưng bày trong tương lai.

Theo sử cũ thì khi còn là kinh đô Hoa Lư, trong thành không có dân cư; khi vua Lý dời đô ra Thăng Long, dân mới tràn vào nội thành, nay là khu dân cư các thôn Yên Thượng, Yên Thành, Yên Trạch của xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, vốn là trung tâm của khu cung điện Hoa Lư. Tốt nhất là nên di dời dân cư ba thôn đó ra khỏi khu nội thành, nhằm thăm dò, khai quật khảo cổ học khu vực trung tâm của kinh đô Hoa Lư. Tại thôn Chi Phong cũng nên tiến hành công việc tượng tự để tiến hành công tác nghiên cứu và tổng quy hoạch lại một di tích lịch sử hết sức quan trọng, không chỉ của tỉnh Ninh Bình, mà của cả nước vậy.

 

Đ.C.N

---------

Những thông tin mới trong bài viết này là dẫn theo Dương Văn Vượng-Giang Thu Thủy: Ninh Hữu Hưng với việc xây dựng cung điện thành quách Hoa Lư, bản viết tay, 2011, tr 14; Thơ văn Hán Nôm nói về tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng, Dương Văn Hòe sưu tầm, dịch nghĩa, chú thích, 2011, bản đánh máy, sđd, tr 8, 12, 14, 18, 34; Thi tuyển danh sỹ Hàn Nam, Sở Văn hóa thông tin Hà Nam, 1999, tr 139.                                                                                                                   

 

 

Bài viết khác