Thứ sáu, 11/10/2024

Nguyễn Tử Mẫn - Danh nhân miền Cố đô

Thứ sáu, 25/06/2021

NGUYỄN TỬ CHƯƠNG 

Nguyễn Tử Mẫn người làng Thư Điền - Ninh Nhất - Hoa Lư - Ninh Bình, là chắt nội của Tham nghị Nguyễn Tử Dự - Một nhân vật trong "Tràng An thất hào". Ông được sinh ra theo lẽ tự nhiên như tất cả mọi người nhưng vì là một bậc chí nhân nên hậu thế mới đặt ra những chuyện huyền bí, nói rằng: Xưa kia làng Thư Điền có xứ gọi là vườn Vầu là nơi hoang vu thanh vắng, lau sậy um tùm.

Thân mẫu của ông mỗi lần đi qua nghe có tiếng đọc sách, mới dừng lại niệm “Ở đây vắng vẻ hiu quạnh, hãy về nhà ta, làm bạn với các con ta mà học tập. Ta tuy nghèo nhưng cũng đủ đèn sách, bút nghiên”. Thân mẫu của ông mang thai 14 tháng mới sinh, trong thời gian thai nghén bà thường nằm quay mặt vào vách, thỉnh thoảng lại dậy đi chơi khắp nhà này nhà khác, trở về lại nằm, có khi còn chẳng buồn ăn.

Ông sinh giờ Dần ngày 14 tháng 6 năm Bính Tý (1816) và cũng từ đó xứ vườn Vầu không còn tiếng ê a học bài nữa. Truyền thuyết ấy tuy là do người đời sau bịa ra nhằm lý giải cho cái tài năng, trí tuệ hơn người của ông nhưng cũng là bằng chứng cho thấy người đời nhìn nhận ông như một hình tượng nhân vật xuất chúng.

Ông đỗ Cử nhân năm Thiệu Trị thứ nhất, khoa Tân Sửu 1841, sau đó ít lâu thì được triều đình bổ tri huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang,...

Động Thiên Tôn: Nơi có tấm bia lưu giữ bút tích bài thơ chữ Hán của danh nhân Nguyễn Tử Mẫn
 viết vào mùa xuân năm Tân Mão (1891) niên hiệu Thành Thái thứ ba.

Nguyễn Tử Mẫn là một người thông thái và nhân hậu, hết lòng lo việc giúp đời. Ông đem cái đạo của thánh hiền mà phát huy ra, tạo thành giá trị truyền cho đời sau góp phần lập nên kỷ cương cho quê hương, dòng tộc, từ khi ông mất đến nay đã 120 năm nhưng vẫn được nhân dân tôn vinh, sùng bái, nể phục. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của ông người ta thường lấy ra làm khuôn phép mà theo. Có lúc, vì thời cuộc biến đổi, thiên hạ náo loạn, lòng người chán nản, danh tiếng của ông cũng vì vậy mà mờ đi, nhưng rồi lại sáng rõ hơn trước, tài đức của ông ngày càng được tôn trọng thêm lên. Thiết tưởng nếu ông không phải là bậc chí nhân thì sao có được điều ấy! Ông nói điều gì cũng ôn hòa, khiêm nhường nhưng hàm súc, làm việc gì cũng ngay chính và đúng mực, tiến thoái phân minh, động tĩnh hợp thời. Lúc nên làm quan thì làm quan, lúc thấy nên thôi thì thôi không hề nuối tiếc.

Khi  người Pháp vào đô hộ nước ta thì cũng là lúc triều chính bắt đầu nảy sinh nhiều biến cố, tự thấy không còn phù hợp với thời cuộc nên ông đã từ bỏ "quan chức" để dành tâm huyết cho "thiên chức" của nhà nho, dành công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp Giáo dục, nghiên cứu Địa lý, Lịch sử, viết sách và sáng tác Văn học, trong lĩnh vực nào ông cũng tạo nên những dấu ấn rất đặc biệt và để lại nhiều di sản giá trị cho hậu thế.

Quan sát hành trạng của Nguyễn Tử Mẫn qua chứng tích lịch sử và văn bản cổ, chúng tôi thấy rằng người cùng thời và những thế hệ sau này đều rất rõ việc ông ra giúp đời hay lui về vui cùng “bút, mực, nghiên” cũng đều hợp thời mà không trái lẽ thường, chính tư tưởng và những quyết định sáng suốt đó đã giúp ông phát huy tối đa vốn tri thức của mình cho khát khao cống hiến, cải thiện đời sống của nhân dân cả về giá trị văn hóa tinh thần và phát triển kinh tế xã hội, thật đúng với nghĩa “Quân tử phải biết tùy thời” mà kinh dịch đã nói vậy. Lại quan sát sự chuyên cần của ông với quê hương, dòng tộc thật là hết lòng vì phận sự khiến người người nể phục.

Một người con của vùng đất Cố đô Hoa Lư cảm phục trước những thành tựu mà ông để lại cho đời, đã viết: "Nguyễn Tử - Thư Điền đệ nhất danh/ Khảo biên địa chí, khởi sông Chanh/ Hưng Long cổ tự còn lưu dấu/ Động núi Thiên Tôn vẫn để dành"...

Trong những công trình nghiên cứu của Nguyễn Tử Mẫn thì cuốn “Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên” là cuốn sách mà ông dành nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết, tình cảm cho vùng đất Ninh Bình quê hương ông. Cuốn sách gồm 332 trang viết bằng chữ Hán, được hoàn thành vào năm Tự Đức thứ 15 (1862), sau mười năm nghiên cứu, khảo sát tường tận tính chất lớn lao phong phú về điển tích, phong tục tập quán, nhân vật, lịch sử, danh thắng, sông núi, cửa biển, đê điều cũng như đặc điểm tinh vi của sâu bọ, cỏ cây đều được ông ghi chép, phân tích chu đáo, tỉ mỉ.

Gần đây trong cuộc hành trình tìm kiếm bút tích thơ xưa khắc đá tại các danh thắng, di tích Cố đô Hoa Lư ngàn năm, nhà nghiên cứu, tiến sĩ Trần Lâm Bình đã phát hiện một bài thơ chữ Hán độc đáo của danh nhân Nguyễn Tử Mẫn, bài thơ khắc trên một tấm bia lớn dựng bên phải lối vào Thiên Tôn động, Nguyễn Tử Mẫn viết vào mùa xuân năm Tân Mão (1891), niên hiệu Thành Thái thứ ba. Những cảm nhận về cuộc đời sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Tử Mẫn cũng được các học giả tên tuổi dành những lời thán phục trong “Giai thoại làng Nho” - Nhà xuất bản Nam Chi tùng thư, do Lãng nhân Phùng Tất Đắc chủ biên.

Trong quyển thượng của bộ sách nổi tiếng “Văn đàn bảo giám” do nhà văn Trần Trung Viên sao lục, được xuất bản năm 1926 bởi Imprimerie Nghiêm Hàm (hay còn gọi là Nghiêm Hàm Ấn Quán), có địa chỉ tại 58, phố Hàng Bông, Hà Nội. Bộ sách là tuyển hợp những bài thi ca từ phú điêu luyện nhất của các bậc danh nho như: Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát… bộ sách cũng giới thiệu một số tác phẩm của danh nho Nguyễn Tử Mẫn, trong đó có bài “Sáng ngủ dậy muộn”, một bài thơ thể “Vĩ tam thanh” được sáng tạo lần đầu trong nền văn học Việt Nam mà đến thời điểm hiện tại vẫn được coi là độc nhất vô nhị, theo tra cứu trong từ điển “Văn học Việt Nam” trang 743 thì bài thơ là một biệt dạng (tức dạng đặc biệt) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ở thể này ba từ cuối cùng của mỗi câu thất ngôn phải có âm tương tự nhau. Đây là một thủ pháp nghệ thuật tài tình nhằm khai thác tối đa vốn từ láy âm rất giàu trong tiếng Việt để tăng khả năng biểu cảm về ngữ âm (và cũng tăng mức độ Việt hóa). Dưới đây là trọn vẹn bài thơ do một người cháu nội của ông là Nguyễn Tử Thiệu lưu giữ (Ngoài ra còn rất nhiều dị bản).

Sáng ngủ dậy muộn: Tiếng gà bên gối tẻ tè te/ Bóng nắng nom ra hé kẽ hè/ Núi một vùng cao chon chót vót/ Hoa năm thức nở tóe tòe loe/ Chim tình bằng hữu kìa kia kỉa/ Ong nghĩa quân thần nhé nhẻ nhe/ Danh lợi chẳng màng ti tí tị/ Trửa trừa trưa, dậy khỏe khòe khoe.

Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu một người con ưu tú đất Thành Nam từng ca ngợi văn tài Danh nho Nguyễn Tử Mẫn: “Đọc văn ông sáng như sao như sương, nhanh như ngựa khỏe, xe nhẹ; ông có danh ở đời như thế là đủ”…

Là một nhà nho yêu nước có tầm nhìn, có tư tưởng tiến bộ và luôn hiểu rõ thời cuộc ông đã dành phần lớn nguồn kinh phí có được từ viết sách, dịch thuật và dạy học vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân trong vùng, bằng những việc làm rất cụ thể: Đào sông Chanh, đắp đường, xây cầu cống, viết văn chỉ, tôn tạo, sửa chữa đền Đô Thiên, chùa Hưng Long và gác chuông… Theo “Minh ký vựng biên”, một dạng nhật ký riêng của ông, những việc này được ông làm thường xuyên trong suốt cả cuộc đời.

Tri ân những cống hiến của ông cho quốc gia, dân tộc, trung tâm thành phố Ninh Bình có một con đường được mang tên ông. Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam đã vinh danh ông trong cuốn "Danh nhân đất Ninh Bình" cùng những nhân vật kiệt xuất của vùng đất địa linh này.

Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và dòng tộc Nguyễn Tử, để nơi tưởng nhớ ông thêm phần tôn nghiêm và có giá trị văn hóa tâm linh xứng với những di sản ông để lại cho hậu thế, năm 2011 nhà nước đã chính thức công nhận nhà thờ Danh nhân Nguyễn Tử Mẫn là di tích lịch sử văn hóa. Đầu tư kinh phí để trùng tu, nâng cấp. Cũng kể từ thời điểm này, cùng những việc làm thiết thực xuất phát từ tình cảm, lòng kính trọng, sự tri ân của nhân dân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích thì với trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, các cơ quan chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội cũng có đủ pháp lý hơn cho việc đầu tư, quản lý và bảo tồn di tích nhà thờ danh nhân Nguyễn Tử Mẫn.

Hiện nay di sản của ông trong các lĩnh vực Lịch sử, Địa lý và Văn học đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Ông mất giờ Hợi, ngày 28 tháng 5 năm Tân Sửu (1901), thọ 86 tuổi. Khi ấy, Đốc học Ninh Bình là Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền có câu đối viếng, ca ngợi tài đức của ông: "Cụ ẩn ở trong rừng có thừa khí tiết thanh cao, uống cạn chén rượu mà vườn vẫn còn đầy hoa cúc/ Tôi đến đây mới gặp cụ một lần, mà bài thuốc tiên luyện xong bỗng cụ cưỡi hạc bay đi mất".

N.T.C

(Nguồn TC VNNB 252-6/2021)

Bài viết khác