Thứ sáu, 11/10/2024

Nguyễn Tử Mẫn và bài thơ họa chữ Hán khắc đá duy nhất của Danh nho

Thứ hai, 12/07/2021

TRẦN LÂM BÌNH 

Nguyễn Tử Mẫn quê ở thôn Đống Cao, xã Giá Hộ, tổng Kỳ Vĩ (nay là làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình, Ninh Bình), đỗ cử nhân ân khoa kỳ thi Hương năm Tân Sửu (1841) tại trường thi Nam Định, đời vua Thiệu Trị, triều Nguyễn.

Ông được bổ làm Tri huyện Kim Anh (Vĩnh Phúc), Hiệp Hòa (Bắc Giang), rồi Tri huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Năm 1849, ông tham gia trong đoàn nghi lễ đón tiếp sứ nhà Thanh (Trung Quốc) ở phía Nam thành Lạng Sơn. Sau đó, vì lý do “thủy thổ bất phục” sức khỏe giảm sút, ông đã cáo quan về quê dạy học, viết sách, làm thơ, vui thú điền viên...

Sinh thời Nguyễn Tử Mẫn là người ham đọc, viết sách và dịch sách. Nhưng rất tiếc qua các thời kỳ loạn lạc chạy càn... tác phẩm của ông đã bị thất lạc rất nhiều. Theo lời kể của ông Nguyễn Tử Chuấn (Đời thứ mười, chi cả, hệ ba của dòng họ Nguyễn Tử), thì tủ sách của cụ Mẫn khá đồ sộ, các tủ đều chất đầy sách để trong nhà thờ. Năm 1949 đã bị tàu bay của giặc Pháp ném bom khu công binh xưởng hang Cả, đến năm 1953 trong một trận càn, nhà thờ cùng toàn bộ sách và gia sản đã bị thiêu cháy. Hiện ở thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm và thư viện Quốc gia còn lưu trữ một số tác phẩm chữ Hán của ông, như Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện (số hiệu A. 922); Nguyễn Tử gia phả (số hiệu A. 1391); Ám thất đăng diễn ca (số hiệu AB. 113, đã được Tích Thiên Đường xuất bản, năm 1875); Sơ kính tân trang của Phạm Thái (Nguyễn Tử Mẫn chép lại, số hiệu A. 1390).

Đường Nguyễn Tử Mẫn ở thành phố Ninh Bình.          Ảnh: Tư liệu

Nguyễn Tử Mẫn không chỉ khảo cứu, nghiên cứu địa lý, lịch sử… mà còn sáng tác thơ. Trong Phụ lục gia phả họ Nguyễn Tử do Nguyễn Tử Chuấn chủ biên đã sưu tầm một số bài thơ ngắn và 24 bài diễn ca chữ quốc ngữ(1) với nội dung khuyên răn người đời và con cháu trong dòng họ sống phải tôn trọng thuần phong mỹ tục, lệ làng phép nước. Đồng thời, cuốn Giai thoại làng Nho của Lãng nhân Phùng Tất Đắc, do Nam Chi tùng thư xuất bản năm 1964 tại Sài Gòn có chép 2 bài thơ “Sáng ngủ dậy muộn”, “Tự vịnh” và một số câu đối của ông. Riêng bài thơ “Sáng ngủ dậy muộn” viết thể Đường luật “thất ngôn bát cú”, gieo vần “vĩ tam thanh” (ba chữ cuối trong một câu có cùng vần). Đây là bài thơ hiếm gặp trên thi đàn văn học cổ điển Việt Nam.

Đọc Danh nhân đất Ninh Bình, đoạn nói về tác phẩm văn học của Nguyễn Tử Mẫn, tác giả Lã Đăng Bật đã viết: “Nguyễn Tử Mẫn còn viết một số bài thơ văn quốc âm. Ông không sáng tác thơ chữ Hán”(2). Trong Giai thoại làng Nho, Lãng nhân cũng chép “Nguyễn Tử Mẫn, sinh khoảng 1820, người làng Thư Điền, tỉnh Ninh Bình, đỗ cử nhân thời Thiệu Trị, văn tài cao, khí tiết vững, ông sở trường về quốc văn”. Ngoài những bài thơ, câu đối... chữ quốc âm trong cuốn sách này, không thấy liệt kê về thơ chữ Hán của ông. Đồng thời, sách Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, phần nói về “Con người” cũng chép: “Sinh thời ông có sáng tác thơ văn nhưng chỉ thấy bằng quốc âm, không thấy có chữ Hán”(3). Nhà nghiên cứu sưu tầm Nguyễn Văn Huyền, trong bài Một thoáng về danh nho Nguyễn Tử Mẫn in trong phần phụ lục tập sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên cũng khẳng định: “Không thấy ông còn thơ văn chữ Hán. Sinh thời, có lẽ ông thích sáng tác bằng quốc âm hơn, một hiện tượng hơi hiếm trong số các nhà khoa cử đương thời”(4)... Như vậy đến nay, các học giả nghiên cứu về danh nho Nguyễn Tử Mẫn, Gia phả (viết năm 1852) và phụ lục Gia phả họ Nguyễn Tử (viết bổ sung năm 2004) liên quan đến Nguyễn Tử Mẫn đang lưu hành trong nội bộ dòng họ Nguyễn Tử, cũng như những tư liệu còn lưu lại đều cho rằng ông không viết thơ chữ Hán.                      

Trong quá trình khảo sát thạch dã lần tìm bút tích những bài thơ xưa khắc đá trên địa bàn vùng Cố đô Hoa Lư và đèo Tam Điệp, theo hướng dẫn của ông Dương Văn Vượng và tham khảo những ghi chép ban đầu của ông trong bản chép tay về bài thơ khắc đá của Nguyễn Đức Thiếp, thật may mắn chúng tôi đã khám phá, phát hiện thêm bài thơ chữ Hán của Nguyễn Tử Mẫn.

Bài thơ của Nguyễn Tử Mẫn có tiêu đề “Phụ lặc tri phủ Nguyễn Đức Thiếp họa thi” (Phụ khắc bài họa thơ Tri phủ Nguyễn Đức Thiếp) được khắc ở mặt tiền một phiến đá rời cùng bài ký La Dũng sơn động từ ký (Bài ký động núi La Dũng). Bia có hình chữ nhật đứng, với kích thước cao 138cm, rộng 71cm, đặt trên bệ cao 28cm, diềm không chạm khắc hoa văn. Trên mặt bia tất cả có 23 dòng, trong đó bài thơ Đường, thể “thất ngôn, bát cú” và dòng lạc khoản được khắc ở 3 dòng cuối cùng của bia đá sau lời đề tựa. Hiện bia còn nguyên vẹn, đang dựng bên phải cửa động Thiên Tôn (nay thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), hầu hết các chữ Hán còn rõ nét. Căn cứ nguyên bia đang hiện hữu ở cửa động, chúng tôi chép phần chữ Hán và phiên âm theo thực bia như sau (xem ảnh bia tại trang 11):  BÀI THỨ 23

大南成泰三年辛卯春寧平七十六痾老辛[]

恩科舉人原知縣書田社人阮子愍拜記

附勒知府阮德浹和

天尊山峝[] 陰森

春日從遊踏雪尋

一像尊嚴雙峝古

两邊色相半岩陰

龜蛇傳記今猶昨

[] 鼓催人佛即心

不識山僊何處是

數行高鳥入雲深  o

Phiên âm: Đại Nam Thành Thái tam niên Tân mão xuân, Ninh Bình thất thập lục kha lão Tân [sửu](5) ân khoa cử nhân nguyên tri huyện Thư Điền xã nhân Nguyễn Tử Mẫn bái ký/ Phụ lặc tri phủ Nguyễn Đức Thiếp họa thi/ Thiên Tôn sơn động [thụ](6) âm sâm/ Xuân nhật tòng du đạp tuyết tầm/ Nhất tượng tôn nghiêm song động cổ/ Lưỡng biên sắc tướng bán nham âm/ Quy xà(7) truyền ký kim do tạc/ [Chung](8) cổ thôi nhân Phật tức tâm/ Bất thức sơn tiên hà xứ thị/ Sổ hàng cao điểu nhập vân thâm.

Dịch nghĩa: Động Thiên Tôn trong hang núi cây cối rậm rạp/  Ngày xuân dạo chơi chân đạp lên tuyết lạnh/ Một tượng thần đứng tôn nghiêm nơi có hai động cổ/ Hai bên có tướng sắc thái oai phong dưới vòm động bóng râm che nửa/ Ta muốn đem chuyện rùa, rắn truyền lại, nên tạc vào bia này/ Tiếng chuông, tiếng trống như thúc dục lòng người về nơi cửa Phật, Phật như ở trong tâm ta vậy/ Không biết Tiên thánh bây giờ ở nơi đâu?/ Trên cao những đàn chim bay thành hàng lẫn vào đám mây trời xa thẳm.

Dịch thơ: Nước Đại Nam, niên hiệu Thành Thái năm thứ 3, mùa xuân năm Tân Mão (1891), lão già ốm yếu 76 tuổi, quê ở Ninh Bình đỗ cử nhân ân khoa năm Tân Sửu (1841), nguyên tri huyện, người xã Thư Điền là Nguyễn Tử Mẫn bái viết/ Họa thơ tri phủ Nguyễn Đức Thiếp/ Thiên Tôn động núi bóng chiều ngân/ Ngày tết dạo chơi giẫm tuyết xuân/ Một tượng tôn nghiêm đôi động cổ/ Hai hàng sắc tướng nửa non râm/ Quy xà truyền việc Thần còn nhớ/ Chuông trống giục hồi, Phật tại tâm/ Chẳng biết nơi nào tiên thánh ngự/ Mấy đàn chim vút tận mây thâm. (Trần Lâm Bình dịch, Đề tài nghiên cứu khoa học “Thơ xưa khắc đá ở Ninh Bình”, Bản thảo, 2010, Tr. 129)

Bài thơ của Nguyễn Đức Thiếp tức cảnh động Thiên Tôn, không chép niên đại đề tự, nhưng đương nhiên là phải viết trước bài thơ phụ lặc của Nguyễn Tử Mẫn. Đến niên hiệu “Đại Nam Thành Thái tam niên Tân Mão” (1891), với dụng ý so sánh sự đổi khác của động Thiên Tôn, Nguyễn Tử Mẫn khi soạn bài ký La Dũng sơn động từ ký mới được chép lại và cho khắc bia đá cùng với bài thơ họa của chính mình.

Đây là một bài viết để họa thơ của một người khác. Vì vậy cái khó của tác giả viết bài thơ trên là phải họa theo nội dung mà người khác đã “ra đề”. Tuy nhiên khi đọc bài thơ họa, ta nhận thấy tác giả Nguyễn Tử Mẫn không những đã vượt qua được cái khó khăn đó, mà còn họa lại theo đúng vần điệu, âm điệu (họa nguyên vận) bài thơ của tác giả Nguyễn Đức Thiếp đã gieo vần. Đọc bia đá, nhất là suy ngẫm Hán tự của bài thơ, tác giả họ Nguyễn Tử đã có cách viết khá đa diện về ngôn ngữ và cách nhìn khái luận về bút pháp. Đó là sự chặt chẽ về hình thức, mực thước về niêm luật và đặc biệt là khả năng sử dụng hệ thống từ loại danh từ, động từ, tính từ, số từ… trong từng cặp từ, cụm từ… với các vế đối trong cặp câu “thực” và cặp câu “luận” của một bài thơ Đường, thể “thất ngôn, bát cú”, nhưng vẫn đảm bảo tính khắt khe về niêm luật “bằng”, “trắc” của từng từ. Đặc biệt Nguyễn Tử Mẫn đã sử dụng rất “đắt” 2 chữ “âm sâm” để đối họa 2 chữ “tiêu sâm” trong câu “phá đề” của Tri phủ Nguyễn Đức Thiếp. Nghĩa là cây cối ở động núi Thiên Tôn tốt xum xuê rợp bóng râm, chứ không phải đìu hiu, tối tăm, âm u như Nguyễn Đức Thiếp đã miêu tả. Mà cây cối xanh tốt um tùm rợp bóng râm là điều thường thấy nơi phong cảnh chùa chiền ở trong động núi.

Đến thời điểm này, đây là bài thơ chữ Hán duy nhất của Nguyễn Tử Mẫn đã được sưu tầm và dịch thuật. Với việc tìm thấy bài thơ Đường luật chữ Hán viết thể “thất ngôn, bát cú” của ông khắc trên bia đá, hiện đang dựng tại động Thiên Tôn sẽ là một tư liệu quý, giúp ta hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của một viên Tri huyện yêu nước, của một nhà Nho tài hoa.

Tác phẩm của Nguyễn Tử Mẫn còn lưu lại không nhiều, nhưng thật sự có giá trị về mặt tư liệu cổ, nhất là về địa chí học đối với vùng đất Cố đô Hoa Lư và đèo Tam Điệp.

 

Chú thích: (1) Phụ lục gia phả họ Nguyễn Tử (Nguyễn Tử Chuấn chủ biên, in tháng 12 năm 2004, lưu hành nội bộ, Tr. 54 - 61); (2) Danh nhân đất Ninh Bình (Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, 2000, Tr. 246); (3) Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình (Trương Đình Tưởng chủ biên, Nxb. Thế giới, 2004, Tr. 96); (4) Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên - (Bài “Một thoáng về danh nho Nguyễn Tử Mẫn” của Nguyễn Văn Huyền), Nxb. Chính trị quốc gia, 2001, Bản dịch, Tr. 286; (5), (6), (8) Ba chữ trên bị vết nứt ngang trên mặt bia, căn cứ những nét chữ còn lại chúng tôi đọc là các chữ “sửu” (), “thụ” () và “chung” (螽). Năm 2013, Ban quản lý di tích đã tiến hành trùng tu động chùa, vết nứt cũ nằm ngang trên tấm bia, đã bị máy đá mài mòn, nên những chữ này hiện nay đã hầu như mất nét; (9) Quy, xà: Hai loài vật là rùa và rắn thường gắn liền với các ban thờ tự trong các chùa chiền, đền, miếu.

T.L.B

(Nguồn: TC VNNB 252-6/2021)

Bài viết khác