Thứ sáu, 04/10/2024

Nhà đinh với phật giáo

Thứ tư, 27/02/2019

ĐINH VĂN VIỄN

12

Sau khi Xương Ngập (954) và Xương Văn chết (965), triều Ngô thực tế không còn tồn tại, đất nước rơi vào thế hỗn loạn của nhiều tướng lĩnh chiếm cứ các vùng địa phương, đánh lẫn nhau, sử cũ gọi là "Loạn 12 sứ quân". Yêu cầu cấp thiết đối với đất nước lúc này là thống nhất quốc gia. Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện và đáp ứng yêu cầu lịch sử đó.
Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư (Ninh Bình), từ nhỏ có chí khí, có tài tập hợp và lãnh đạo quần chúng. Sau khi Trần Lãm chết, Đinh Bộ Lĩnh trở thành lực lượng mạnh mẽ, nổi bật, lần lượt dẹp yên các thế lực cát cứ thu về một mối. Sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (968) với tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế, lập nên nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình. Nhà Đinh đã có nhiều công lao to lớn trong việc củng cố nền độc lập và xây dựng, phát triển đất nước. Nhà Đinh lấy Hoa Lư làm kinh đô, xây dựng cung điện, củng cố kinh thành. Về mặt nội trị, Đại Thắng Minh hoàng đế quy định triều nghi, khen thưởng và định phẩm làm cho các quan văn võ. Đại Thắng Minh Hoàng đế đặt niên hiệu là Thái Bình và cho đúc đồng tiền "Thái Bình thông bảo" là đồng tiền bằng đồng đầu tiên ở nước ta. Để giữ nghiêm phép nước, Đại Thắng Minh hoàng đế đã cho đạt vạc lớn giữa sân rồng, nuôi hổ dữ trong cũi và hạ lệnh: "kẻ nào làm trái phép sẽ phải chịu tội bỏ vào vạc nấu hay cho hổ ăn thịt". Mọi người đều sợ không dám phạm pháp.
Năm 972, nhà Đinh cử Nam Việt vương Đinh Liễn đem lễ vật sang triều cống, đặt quan hệ ngoại giao với nhà Tống. Khi Đinh Liễn đi sứ về, nhà Tống sai sứ sang phong vua Đinh làm Giao Chỉ quận vương, Đinh Liễn làm Kiểm hiệu Thái sư Tĩnh Hải quận Tiết đọ sứ An Nam đô hộ. Về mặt tổ chức, Đinh Tiên Hoàng chia nước ta ra làm 10 đạo. Quân đội cũng được tổ chức theo đạo. Mỗi đạo có 10 quân, mỗi quân có 10 lữ, mỗi lữ có 10 tốt, mỗi tốt có 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người. Mọi quân sĩ đều đội mũ vuông chóp bằng gọi là "tứ phương bình đinh" làm bằng da.
Năm 979, nội bộ triều Đinh lục đục. Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị giết hại. Đinh Toàn (mới 6 tuổi) lên nối ngôi. Các tướng lĩnh trong triều chia thành phe phái, đánh lẫn nhau. Ở Trung Quốc, nhà Tống đang lăm le xâm phạm bờ cõi. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn sau khi tiêu diệt Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, đã nắm trọn quyền bính. Năm 980, trước sự đe dọa xâm lược của nhà Tống, được sự ủng hộ và suy tôn của Dương Thái hậu (mẹ Đinh Toàn), theo đề nghị của Phạm Cự Lạng, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế (thường gọi là Lê Đại Hành), chuẩn bị kháng chiến, lập ra nhà Tiền Lê.  

Chính sách đối với Phật giáo
Chính thức lập Tăng ban, sử dụng tăng sĩ trong trị nước
Ngay sau khi lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng chú ý đến việc chỉnh đốn hàng ngũ Giáo hội Tăng già đồng thời với việc mời các nhà sư tham dự và giao những nhiệm vụ quan trọng trong triều đình.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép như sau: “Năm Tân Mùi (971), định ra giai phẩm cho các quan văn võ và tăng đạo (…); cho Tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt đại sư, cho Trương Ma Ly làm Tang lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi”.(1) Sách Việt sử thông giám cương mục cũng chép: “Nhà vua tôn sùng đạo Phật, mới đặt phẩm cấp cho tăng nhân và đạo sĩ: ban hiệu Thái sư cho Chân Lưu, lại cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi”.(2)
Tác giả Lê Mạnh Thát trong tác phẩm Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh cho rằng: “Tăng thống là một chức quan do triều đình thiết lập trong liên hệ với tổ chức Phật giáo, mà thời Đinh Tiên Hoàng thì đến năm 971 mới thiết lập những phẩm trật không những cho các quan văn vũ mà còn cho cả tăng sĩ”.(3)  Từ sau thời Đinh, mặc dù nhiều triều đình ở nước ta cũng rất coi trọng Phật giáo nhưng không vương triều nào ban danh hiệu Khuông Việt đại sư cho vị cao tăng nào nữa.
Các vua Đinh đã lấy tư tưởng Phật giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo, sử dụng các thiền sư, trí thức của dân tộc lúc bấy giờ vào việc trị vì đất nước. Nhiều cao tăng thể hiện được vai trò cố vấn quân sự, trở thành lực lượng hỗ trợ đắc lực cho triều đình.. Một số cao tăng còn tham gia tích cực vào mặt trận đấu tranh ngoại giao, đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc.
Như vậy, Đinh Tiên Hoàng là vị vua đầu tiên, chính thức hợp pháp hóa vai trò, địa vị chính trị của Phật giáo ở nước ta. Hệ thống tăng nhân này mà điển hình nhất là Khuông Việt  Ngô Chân Lưu đều có đóng góp to lớn cho triều đình, đất nước. Việc làm này của nhà Đinh đã tạo tiền lệ cho các triều đại sau đó, tạo điều kiện cho Phật giáo Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn với dân tộc.
Tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển
Không chỉ chấn chỉnh đội ngũ tăng già, mời nhà sư giảng đạo, làm cố vấn chính trị, Nhà Đinh còn tạo điều kiện thuận lợi cho Phật giáo phát triển. Nhiều chùa, tháp được xây dựng trong thời kỳ này. Chỉ riêng trong khu vực kinh đô Hoa Lư có nhiều ngôi chùa lớn và nổi tiếng như chùa Bà Ngô, chùa Đìa, chùa Am, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn,  …
Đặc biệt, người con cả trai của Đinh Tiên Hoàng là Nam Việt vương Đinh Liễn, “cho dựng hàng trăm cột đá có khắc kinh Phật bằng chữ Hán”(4).
Với sự ủng hộ của nhà Đinh, Phật giáo thời kỳ này phát triển mạnh. Hai thiền phái mạnh nhất thời kì này là Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông.
Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi vốn mang nhiều yếu tố Mật giáo. Mật giáo quan niệm trong vũ trụ có một lực lượng siêu nhiên mà nếu biết sử dụng, người tu hành sẽ bước mau trên con đường thành đạo, có thể là tức thời. Mật giáo chú trọng cúng bái, thần chú, ấn quyết. Thêm vào đó, sấm vĩ, phong thủy cũng là một yếu tố của Phật giáo Việt Nam trong một thời kỳ dài. Chính sự kết hợp của Mật giáo, sấm vĩ, phong thủy đã đẩy mạnh vai trò xã hội của Phật giáo trong những thế kỷ trước khi giành được độc lập, và ngay cả ở buổi đầu của kỷ nguyên này.
Sự thực hành, trì chú Mật giáo rất phổ biến ở thời Đinh và cả sau đó. Các cột đá mà Đinh Liễn cho khắc, dựng chính là  khắc những câu kệ và chú Đà La Ni.
Thiền phái Vô Ngôn Thông chủ trương “đốn căn” ở những người có căn cơ lớn về trí tuệ và hành đạo, có thể đắc đạo nhanh, tức thời. “Tâm địa” là “nền đất” mà một khi tâm khai thông được thì trí tuệ giác ngộ tự nhiên xuất hiện. Vô Ngôn thông cũng chủ trương “vô đắc”, tức không chấp bản thân, mục đích giác ngộ hay là sự giác ngộ là gì. Ngô Chân Lưu trở thành Khuông Việt Đại Sư thời nhà Đinh chính là thế hệ thứ 4 của Thiền phái Vô Ngôn Thông.
Vậy do đâu mà nhà Đinh lại thực hiện những chính sách ưu ái Phật giáo như vậy? Phải chăng Phật giáo đã sớm ảnh hưởng đến Đinh Tiên Hoàng từ khi còn bé. Phật giáo du nhập vào nước ta khoảng thế kỷ thứ nhất và ngày càng phát triển. Ở thời kỳ này, trong khi Nho giáo chưa phổ biến thì Phật giáo ngày càng có ảnh hưởng lớn trong đời sống nhân dân. Rất nhiều trí thức, quan lại trong xã hội bấy giờ đều chịu ảnh hưởng và có hiểu biết về Phật giáo. Trong bối cảnh chung đó, có thể nói rằng thông qua những người ruột thịt, Phật giáo đã có ảnh hưởng đến Đinh Bộ Lĩnh từ sớm.
Và hơn hết là xuất phát từ bối cảnh đất nước bấy giờ. Nền thống nhất, độc lập của đất nước mới được khôi phục. Nhà nước non trẻ lại đang cần một điểm tựa về ý thức, một công cụ tinh thần để xây dựng và quản lý đất nước. Trong tình hình đó, Phật giáo đã chiếm được ưu thế trong xã hội bởi triết lý tích cực là thương cảm chúng sinh. Cho nên Đinh Tiên Hoàng đã chọn Phật giáo là tư tưởng chính trị chính thống là hợp với lòng người, hợp với thời đại. Phật giáo đã cung cấp cho nhà Đinh tư tưởng trị nước (tư tưởng từ bi, bác ái, khoan dung) và cung cấp thuyết trị vì thiên hạ cho bậc quân vương. Tư tưởng, hành động, cách ứng xử của Đinh Tiên Hoàng với Phật giáo quả thật rất hợp thời. Đó là cách ứng xử của một bậc đại trí.
Học giả Đào Duy Anh nhận xét: “Đinh Bộ Lĩnh chỉ có thể dựa vào tập đoàn phong kiến tôn giáo là thành phần xã hội có uy tín nhất trong xã hội bấy giờ để duy trì trật tự và kỷ cương. Nhưng trong hai tôn giáo, Phật và Đạo, đều thịnh hành trong dân gian, thì Phật giáo có tổ chức và qui củ vững vàng hơn, có kinh điển và lễ nghi nghiêm trang hơn, chứ Đạo giáo thì chỉ là một mớ phương thuật và mê tín. Về tổ chức cũng như về tinh thần, Phật giáo là yếu tố thống nhất đắc lực nhất thời bấy giờ. Bởi thế Đinh Tiên Hoàng mới lấy Phật giáo làm quốc giáo, định phẩm cấp tăng nhân để giao cho họ lãnh đạo Phật giáo trong toàn quốc. Khuông Việt đại sư tham gia triều chính như một vị tể tướng. Các chùa (tự viện) của Nhà nước do các tăng quan trụ trì đều được cấp ruộng làm tự điền. Các tự viện có những đại điền trang không kém gì đại điền trang của bọn vương công đại thần”.(5)
Tóm lại, với chính sách coi trọng Phật giáo, xếp tăng đạo là một ngạch quan trong triều đình và sử dụng tài năng của các tăng sĩ một cách hiệu quả, triều đình nhà Đinh đã là vương triều đầu tiên ở Việt Nam biết sử dụng sức mạnh trí tuệ của các nhà tu hành vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên những thành công của sự nghiệp thống nhất, xây dựng, phát triển đất nước thời nhà Đinh. Đó cũng là nguyên nhân tạo nên sự phát triển của Phật giáo và tạo động lực để Phật giáo đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc trong thế kỷ X.


                        
Đ.V.V


    Chú thích: 1. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Bản dịch của Ngô Đức Thọ (Hà Văn Tấn hiệu đính), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.212; 2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.83; 3. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, NXB TP. Hồ Chí Minh, năm 1999, tr.334.; 4. Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.34; 5. Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, q. thượng, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr.175.
 

Bài viết khác