Thứ sáu, 11/10/2024

Nhân dân Ninh Bình nhớ ơn Bác Hồ

Thứ ba, 26/05/2020

ĐỖ VĂN CHUYẾN 

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ...”
Câu thơ ca ngợi Bác của tác giả Bảo Định Giang đã khắc sâu vào lòng người dân đất Việt. Đọc câu thơ nhiều người tưởng là ca dao vì sự giản dị mà nói đúng tâm tư, ý nguyện của nhân dân, là tình cảm của nhân dân đối với Bác.

 Tổ chức Văn hóa, Giáo dục Liên hợp quốc - UNESCO đã vinh danh Bác là “Người anh hùng giải phóng dân tộc Việt nam, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Với nhân dân Việt Nam thì, “Người là Cha, là Bác, là Anh...” (Tố Hữu). Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Bác là nhà văn, nhà thơ  lớn.

Bác đã ra đi cách nay hơn nửa thế kỷ, nhưng tư tưởng, tình cảm và hình ảnh của Người còn in đậm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Nhân dân Ninh Bình rất hạnh phúc đã được Bác dành cho sự quan tâm đặc biệt.

Từ khi Bác về nước lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập, năm 1941 đến lúc Người ra đi vừa tròn 28 năm. Trong 28 năm ấy Bác và Trung ương có bao việc phải làm, thế mà Bác vẫn dành 5 lần về thăm, động viên, chỉ giáo cán bộ, nhân dân Ninh Bình trên mỗi bước đường chiến đấu và xây dựng. Bác về Ninh Bình lần đầu vào tháng 01/1946, lần cuối cùng là lần thứ 5, vào ngày 20/7/1960.

Khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, hai năm đầu cuộc kháng chiến, 1946 - 1947 Bác có hai lần về Ninh Bình động viên nhân dân và chỉ đạo Kháng chiến. Về với nhân dân, Bác thăm hỏi ân cần. Điều Bác quan tâm nhất là lo mọi sự cho người dân lao động. Bác giải thích để nhân dân hiểu vì sao ta phải kháng chiến; kháng chiến như thế nào... Bác nói ngắn gọn, mà dễ hiểu: Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Để có sức mạnh kháng chiến, Bác quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết Lương Giáo. Bác yêu cầu cán bộ, nhân dân đoàn kết, đắp đê chống hạn, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bác khen ngợi và động viên nhân dân Ninh Bình tích cực đi học bình dân học vụ... Về Kim Sơn, Bác tới thăm các linh mục thuộc địa phận Phát Diệm. Về Nho Quan, sau Hội nghị bàn về giúp nhân dân tản cư, Bác vào thăm tu viện Châu Sơn, nơi nhận giúp đỡ 120 đồng bào tản cư. Nói chuyện với giáo dân, Người căn dặn: “Đức chúa hy sinh vì nhân loại. Người vì loài người mà hy sinh phấn đấu, còn chúng ta hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Kính chúa nhưng phải yêu nước. Nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do; nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”. Cách tiếp cận của Bác rất thực tế, khéo léo; tranh thủ được sự ủng hộ của các chức sắc và giáo dân đối với Cách mạng.

Để có đội ngũ lãnh đạo cuộc kháng chiến, Bác chăm lo đào tạo cán bộ. Đến thăm Trường Quân chính của tỉnh, Bác quan tâm sâu sát từ nếp sinh hoạt, nơi ăn, chốn ở; căn dặn ân cần, chu đáo. Bác khuyên học viên cố gắng học tập, vì địa phương, đất nước và cách mạng đang cần rất nhiều cán bộ. Học viên phải tăng gia sản xuất, hết sức tiết kiệm, vì nước ta còn nghèo, vì còn phải chống giặc ngoại xâm.

Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các thân hào, nhân sỹ yêu nước của tỉnh. Bác kêu gọi các vị hãy giúp sức vào công việc cứu đói, động viên con cháu đắp đê ngăn nước lụt, bảo đảm sản xuất.

Trong chín năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, những lời căn dặn của Bác đã thấm sâu vào tâm trí của cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân Ninh Bình. Vì thế dù là địa bàn bị giặc Pháp tăng cường lực lượng đàn áp, kìm kẹp, nhưng Ninh Bình vẫn kiên cường chiến đấu, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Chúng ta không thể quên những chiến công vang dội của bộ đội địa phương, dân quân du kích các nơi trong tỉnh đã được lưu vào sử sách. Đó là sự hợp đồng tác chiến thắng lợi trong chiến dịch Quang Trung, chiến dịch Tây Nam Ninh Bình. Chiến công của các chiến sỹ công an, tiêu biểu là đội Công an số 6 đánh câu lạc bộ sỹ quan Pháp ở Phát Diệm, tiêu diệt gần 100 tên sỹ quan, binh lính Pháp đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Hàng vạn thanh niên xung phong nhập ngũ, lập chiến công. Nhân dân Ninh Bình rất tự hào đã vâng lời Bác dạy, bất chấp hy sinh, gian khổ góp của, góp công, cùng cả nước làm nên chiến thắng vang dội địa cầu năm 1954.

* * *

Đến thời kỳ khôi phục kinh tế, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, năm 1959 nhân dân Ninh Bình vinh dự hai lần đón Bác về thăm.

Ngày 13/3/1959, Bác về giữa lúc bộ đội và nhân dân Khánh Cư đang đào mương dẫn nước vào đồng, chống hạn cứu lúa. Bác xắn quần lội xuống tận công trường, ân cần thăm hỏi, động viên, khích lệ mọi người. Bác gửi Huy hiệu của Người để tặng cho những ai có thành tích xuất sắc.

Bác về thăm bà con nông dân xã Ninh Sơn, huyện Gia Khánh đang tát nước tập đoàn chống hạn trên cánh đồng chân núi Cánh Diều. Người thăm hỏi đời sống nhân dân và khuyên “Mọi người cần ra sức quyết tâm chiến thắng giặc hạn hán”.

Bác Hồ thăm hỏi và động viên cán bộ, nhân dân xã Khánh Cư,
huyện Yên Khánh tại cánh đồng Chằm, ngày 15-3-1959. Nguồn: TTXVN

Về thị xã Ninh Bình, trước hơn 2000 cán bộ, nhân dân, Bác nhắc nhở: “… Có hạn là do không biết giữ nước. Còn hạn là do lãnh đạo tuy có cố gắng nhưng thiếu quyết tâm bền bỉ, thiếu liên tục… Khuyết điểm nữa là không chú ý đúng mức đến hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi”…

Bác yêu cầu: “Toàn thể đảng viên, đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu; Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta đã anh dũng trong kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất. Chúng ta phải thắng thiên tai, hạn úng, bão lụt… để sản xuất ngày càng được nhiều, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa nước nhà tiến lên Chủ nghĩa xã hội.”

Bảy tháng sau, ngày 18/10/1959 Bác về dự Hội nghị cán bộ bàn về sản xuất Đông xuân. Bác căn dặn: Cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, phải biến quyết tâm của Đảng, của Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể cán bộ và quần chúng thì dù khó khăn mấy cũng nhất định khắc phục được và vụ Đông – Xuân sẽ tốt”. Người đúc kết ngắn gọn, khuyên cán bộ và nhân dân Ninh Bình muốn sản xuất vụ Đông – Xuân này thắng lợi thì phải nhớ và làm theo tám điều: “Nước phải đủ, phân phải nhiều/ Cày sâu, giống tốt cấy đều dảnh hơn/ Trừ sâu, diệt chuột chớ quên/ Cải tiến  nông cụ là nền nhà nông/ Ruộng nương quản lý gia công/ Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ”.

Người nói: “có hai con đường tập thể và riêng lẻ thì cũng có hai tư tưởng: tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Chí công vô tư, coi Hợp tác xã như nhà mình là tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa. Tự tư, tự lợi, chỉ nghĩ đến lợi riêng của mình, không chăm lo đến việc chung của Hợp tác xã là cá nhân chủ nghĩa. Hai tư tưởng đó đấu tranh với nhau. Tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa có thắng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa thì Hợp tác xã  mới phát triển tốt, mới đạt được nhiều thành tích”…

Vâng lời Người, năm đó cán bộ, quân và nhân dân Ninh Bình phát huy tổng lực, phấn đấu lao động đã giành được thắng lợi. Đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc hơn hẳn mấy năm trước.

Trên những chặng đường chiến đấu và xây dựng, mỗi lần ôn lại những dịp Bác về thăm, cán bộ và người dân Ninh Bình vẫn xốn xang với hình ảnh: “… Bác vẫn đi kia… giữa cánh đồng/ Thăm từng ngọn lúa, hỏi từng bông/ Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm/ Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong…” (Tố Hữu – Theo chân Bác)

Với công nhân, Bác cũng dành những tình cảm đặc biệt. Ngày 20/7/1960, Bác về thăm Nông trường Đồng Giao. Điều Bác quan tâm trước hết là việc nuôi dạy các cháu nhỏ, thế hệ tương lai. Sau khi nghe lãnh đạo Nông trường báo cáo, câu đầu tiên Bác hỏi là việc nuôi dạy các cháu con công nhân. Biết các đồng chí Lãnh đạo Nông trường lúng túng, Bác nhắc luôn: “Các chú phải thật sự quan tâm đến vấn đề này”. Vào thăm nhà trẻ, Bác bế một cháu bé chừng 3 tuổi trên tay, bước đi hết lượt ngắm nhìn các cháu đang ngủ ngon trên nôi với cái nhìn trìu mến. Bác hỏi cặn kẽ, ân cần khuyên các cô nuôi dạy trẻ những điều thiết thực: “Các cô cho các cháu ăn mấy bữa trong một ngày?”. “Chúng cháu cho các cháu ăn ba bữa một ngày ạ!”. Bác cười: “Các cô phải thực sự thương yêu các cháu như con đẻ của mình. Nhớ cho các cháu ăn no, giữ gìn vệ sinh thật tốt, đừng để các cháu khóc nhiều. Có như thế, mẹ các cháu mới yên tâm sản xuất

Bác quan sát rất tinh tế, uốn nắn từ cách nghĩ, cách làm đến nếp sống của công nhân. Nhìn tấm biển trước xưởng máy nông nghiệp, công nhân viết theo chữ Hán “Khu Nông cơ”, Bác đặt câu hỏi tế nhị và yêu cầu: “Vậy sao không đề “Khu để máy nông nghiệp” cho dễ hiểu. Các chú nên sửa lại ngay đi”. Bác hỏi một công nhân Nông trường: “Theo cháu, Nông trường Đồng Giao này là của ai?”. Anh công nhân trả lời: “Thưa Bác, Nông trường là của Nhà nước ạ!” Bác cười thân mật nói với mọi người: Các cô, các chú học tập quản lý xí nghiệp rồi mà còn nói Nông trường là của Nhà nước là chưa đúng đâu. Nông trường là của các cô, các chú. Chính các cô, các chú là người chủ thực sự của Nông trường.

Bác vào thăm khu tập thể. Nhìn căn nhà gọn gàng, nơi ở ngăn nắp, sạch sẽ Bác có ý hài lòng. Đến khu nhà ăn tập thể, thấy ít rau quá, Bác nhắc nhở “Mọi người phải bàn bạc tìm cách giữ nước trồng rau. Vận động mỗi người trồng 3 m2 rau và 3 cây đu đủ thì mới tự túc được rau ăn. Điều dặn dò rất thực tế đó, chính là những kinh nghiệm thực tiễn rất bổ ích của Bác hồi sống ở chiến khu Việt Bắc.

Điều mà chúng ta thấy qua những lần về thăm của vị Lãnh tụ tối cao là tầm nhìn thấu suốt tương lai, cách sống của Bác rất văn hóa và khoa học. Bác quan tâm sâu sắc tới việc giữ vệ sinh cho các cháu nhỏ và công nhân. Đến nhà trẻ Bác nhắc: “Nhớ cho các cháu ăn no, giữ gìn vệ sinh thật tốt. Đến thăm khu nuôi bò, nhìn phân bò vương vãi Bác hỏi:“Các chú không dọn phân hay sao mà nhiều phân rơi quá, vừa lãng phí, vừa mất vệ sinh và Bác yêu cầu: “Phải tổ chức dọn thường xuyên cả bên trong và bên ngoài chuồng trại.

Là Lãnh tụ, Bác lo vạch ra chủ trương, đường lối trước mắt và lâu dài cho Cách mạng; Bác còn thành thạo cả công việc cụ thể. Nhìn công nhân làm cỏ cà phê, Bác cầm cuốc rãy cỏ quanh gốc cây và nhẹ nhàng chỉ dẫn: Các cô, các chú làm cỏ chưa được kỹ lắm đâu. Một khi rễ của nó còn bám vào đất như thế này thì mai kia cỏ lại tốt lên, ăn hết thức ăn của cây cà phê mất thôiTrước khi chia tay, Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo Nông trường: Các chú cùng công nhân cố gắng làm việc thật tốt để xây dựng Nông trường Đồng Giao trở thành một nông trường giàu có, làm ra nhiều sản phẩm xuất khẩu, đời sống của công  nhân được cải thiện, nâng cao là Bác vui, Bác mừng…”

Thực hiện lời Bác dạy, những năm sau đó, Nông trường đã thực sự trở thành một mô hình tập thể sản xuất nông nghiệp với nhiều điển hình tiên tiến, ổn định đời sống cho hàng nghìn công nhân, góp phần làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội.

* * *

Qua năm lần được Bác về thăm, chỉ bảo và động viên; cán bộ, đảng viên, quân và dân Ninh Bình luôn khắc ghi những lời dạy thiết thực, quý báu, trong lòng mỗi người đều đọng lại những cảm xúc kính yêu thiêng liêng sâu sắc: “…Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…” (Sáng tháng năm, Tố Hữu)

Những lời dạy của Người soi sáng cho cán bộ và nhân dân Ninh Bình, thành động lực, sức mạnh để các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vượt qua gian khổ, hy sinh đi theo Đảng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng đất nước sau này…

Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng, tình cảm, tấm gương hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước của Bác vẫn chói sáng. Ngày 15/5/2016 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ đó đến nay, Cuộc vận động đã đi vào chiều sâu, có tác động tích cực đối với cuộc sống và các lĩnh vực xã hội. Ở Ninh Bình, việc thực hiện Cuộc vận động theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW  trở thành phong trào sâu rộng.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân Ninh Bình nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung quan trọng của cuộc vận động là xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm khắc phục bệnh thành tích, hình thức, phô trương; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các phong trào thi đua yêu nước, “đền ơn đáp nghĩa”, “an sinh xã hội”, “uống nước nhớ nguồn”..v.v.. được lãnh đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện.

Trong các tập sách “Làm theo lời Bác” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành; “Công an Ninh Bình làm theo lời Bác” do Công an tỉnh xuất bản, đã phản ánh được hàng ngàn tấm gương về các tập thể, cá nhân là những điển hình tiên tiến làm theo lời Bác dạy. Nhiều mô hình hay, kinh nghiệm quý trên các lĩnh vực cũng được đúc kết.

Nhớ ơn Bác, nguyện làm theo lời Bác dạy, toàn thể cán bộ, đảng viên, quân và dân Ninh Bình tiếp tục phấn đấu xây dựng và phát triển quê hương với một niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng, vào con đường mà Bác đã chọn: ... Đời sẽ vui hơn, xây dựng mới/ Đàng hoàng to đẹp, sáng trời Đông/ Tuổi xanh vững bước lên phơi phới/ Đi tới, như lòng Bác ước mong...(Theo chân Bác - Tố Hữu)

Tự trong tâm, mỗi hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Từ một dân tộc nô lệ, Bác đã lãnh đạo dân ta vùng dậy đánh đổ chế độ áp bức bất công, giành quyền độc lập, tự chủ, xây dựng một nước Việt Nam từng bước giàu mạnh, tự tin sánh vai với các cường quốc năm châu. Nhiều hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình đã dành tâm huyết sưu tầm, sáng tạo nên những tác phẩm ngợi ca công đức Bác Hồ, nói lên tâm nguyện suốt đời phấn đấu theo gương Bác. Trong đó tiêu biểu là cố hội viên Trần Đình Hồng với tác phẩm “Làm theo lời Bác sáng ngời đức tâm”... Trước vận hội mới của đất nước, những văn nghệ sĩ Ninh Bình tâm niệm lời dạy của Người: Văn hóa là một mặt trận, các văn nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy, nguyện đoàn kết tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025; không ngừng tự học trau dồi năng lực và học hỏi lẫn nhau, nâng cao chất lượng tác phẩm, góp phần vào xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội thêm bền vững.

                                                    Xuân Ninh Bình, 2020

(Nguồn: VNNB238/5-2020)

Bài viết khác