VŨ THỊ THU
Tháng 3 năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học và các cơ quan liên quan, tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ tại 4 địa điểm trên địa bàn 3 huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư nhằm thực hiện đề án "Nghiên cứu lịch sử vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến Kinh đô Hoa Lư từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt”.
Trong quá trình khai quật các địa điểm trên, đã xuất lộ nhiều di vật, vết tích của Kinh đô Hoa Lư và các giai đoạn trước đó. Đặc biệt, tại hố khai quật (H5 - diện tích 120m2 (30x4m), cách Đền Vua Đinh về phía nam 450m, tọa độ 20°16'49.9"N - 105°54'15.7"E, hướng hố đông lệch nam 200) thuộc cánh đồng Nội Trong, thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư đã xuất lộ hàng cọc gỗ thuộc khu vực Kinh đô Hoa Lư xưa và được nhận định là nền móng của một công trình kiến trúc thế kỷ X.
Trong phạm vi hố đào phát lộ 3 cụm cọc và gia cố cọc gỗ nằm gần thẳng hàng theo hướng đông tây, là cột nhà và cột móng kè của kiến trúc nhà cửa, cung điện, có cột đường kính trên 30cm, hầu hết các cọc đều bị gãy mục do tự nhiên và tác động của con người hiện đại. Cụm thứ nhất nằm ở giữa hố gồm 22 cọc chia thành 2 hàng chôn sâu vào sinh thổ, hướng đông tây, trong đó 7 cọc đường kính trung bình 30cm nằm ở phía bắc, số còn lại có đường kính từ 14-20cm được chôn ở phía nam có tác dụng kè đỡ hàng cọc ở phía bắc. Cụm thứ hai gồm 7 cọc được tạo thành cụm gần tròn nằm ở phía tây và cách cọc ngoài cùng của cụm 1 là 1,8m. Cụm thứ ba gồm 12 cọc nằm ở đầu phía tây hố đào, phân bố thành hai hàng tương tự cụm thứ nhất, trong đó hố mở nghiên cứu kỹ thuật đóng cọc ở đây ghi nhận các cọc chính có đường kính 30cm trở lên được đóng âm vào sinh thổ đến độ sâu -232cm (tức sâu 2,5m tính từ mặt nền kiến trúc), các cọc kè xung quanh được đóng đến độ sâu -139cm (tức sâu 1,8m từ mặt nền kiến trúc). Ngoài ra, ở phía ngoài hố đào về hướng tây còn thấy xuất lộ đầu cọc của một cụm cọc gỗ khác cũng có hướng phân bố thẳng hàng với ba cụm cọc đã phát lộ trong hố.
Ngoài ra, tại hố khai quật này còn phát hiện một số di vật là các loại gạch, ngói, gốm sứ, sành… gồm nhiều niên đại kéo dài từ thời Hán đến thời Đinh - Tiền Lê và đồ gia dụng chủ yếu xuất lộ gốm men thời Tống, sành thuộc thế kỷ X.
Từ các di tích kiến trúc và di vật xuất lộ, bước đầu ghi nhận đây là kiến trúc giai đoạn Đại La, sau đó được nhà Đinh sử dụng lại ở giai đoạn đầu lập quốc.
Các dấu tích nền móng kiến trúc, trong đó có hệ thống cọc gỗ cho phép xác định khu di tích Cố đô Hoa Lư có lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ thời Bắc thuộc cho đến các triều đại Đinh - Tiền Lê lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X. Hoa Lư trước thế kỷ X với vị trí địa quân sự, địa chính trị của mình, là trị sở của vùng đất Trường Châu thời thuộc Đường và khả năng là trị sở của huyện Vô Công/ Vô Thiết thời Hán.
Kinh thành Hoa Lư ở thế kỷ X hiện diện qua các dòng ghi chép ngắn gọn trong các bộ sử cũ một cách không nhất quán. Đại Việt sử ký toàn thư ghi vua Đinh Tiên Hoàng xây thành và dựng cung điện, vua Lê Đại Hành xây dựng thêm nhiều cung điện quy mô lớn có cột dát vàng, mái lợp ngói bạc, nhưng sử liệu từ sứ giả nhà Tống lại cho biết Kinh thành Hoa Lư rất nhỏ bé, ẩm thấp và nghèo nàn với một vài nếp nhà tranh, lều gỗ. Vì vậy, việc phát hiện ra dấu tích của nền móng của các công trình kiến trúc tại nhiều địa điểm thuộc khu vực Cố đô Hoa Lư cho chúng ta thêm nhiều bằng chứng vật chất trung thực, khách quan về quy mô và sự bề thế của Kinh đô Hoa Lư xưa, góp phần củng cố thêm tư liệu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, nhận diện các công trình kiến trúc thời Đinh – Tiền Lê.
V.T.T
(Nguồn: TC VNNB 253-7/2021)