PHẠM ĐỨC HOÀN
Đại tá, Nguyên Trưởng phòng KHQS QĐ1
Thế kỷ X là thế kỷ nhân dân ta đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc và xây dựng được chính quyền dân tộc tự chủ. Trong thiết chế chính quyền đó, một quân đội quốc gia được xây dựng và ngày càng hoàn thiện.
Trước “sự biến Dương Tam Kha”, quân đội của triều Ngô (Ngô Quyền) mặc dù đã lập nên chiến thắng Bạch Đằng vang dội, đánh bại quân Nam Hán, lại không đủ sức mạnh để bảo vệ nhà nước quân chủ của mình và nhanh chóng rơi vào tan rã. “Các thế lực phong kiến nổi dậy, mỗi người hùng cứ một phương và tranh giành nhau quyết liệt, thôn tính lẫn nhau. Loạn 12 sứ quân đã gây ra biết bao tổn thất, đau khổ cho nhân dân và đi ngược lại nguyện vọng hòa bình thống nhất của dân tộc”
Đinh Bộ Lĩnh xuất thân từ nguồn gốc danh gia vọng tộc, có chí khí và sớm trở thành một thủ lĩnh quân sự tài năng. Được các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú, Lê Hoàn… và nhân dân cả nước ủng hộ, trong vòng hơn 3 năm (965-968), đội quân của ông đã lần lượt đánh dẹp sáu sứ quân gồm: Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Kiều Công Hãn, Nguyễn Thủ Tiệp, Kiều Thuận, Lý Khuê; liên kết hoặc thu phục bốn sứ quân: Trần Lãm, Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí, Phạm Bạch Hổ. Còn lại 2 sứ quân Lã Đường và Nguyễn Khoan tự tan rã. Đất nước trở lại thống nhất, Đinh Bộ Lĩnh đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư và lên ngôi hoàng đế. Lê Văn Hưu viết: “Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ”. Như vậy, Đinh Bộ Lĩnh là vị Hoàng đế đầu tiên của nước ta sau thời Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Và ngay sau đó, Đinh Tiên Hoàng bắt tay xây dựng nhà nước thống nhất và có dụng tâm tổ chức một quân đội mạnh.
Về tổ chức, từ nòng cốt là đội quân “cờ lau” của mình, phát triển nhanh trong quá trình chiến đấu thống nhất đất nước (trong đó có tiếp thu một số lực lượng từ các sứ quân), Đinh Bộ Lĩnh đã dần xây dựng quân đội nhà Đinh trở thành quân đội quốc gia có tổ chức chặt chẽ, qui củ và kỉ luật. Sử chép rằng: “Mùa xuân, tháng Hai năm Giáp Tuất (974), vua Đinh chia quân đội trong nước thành 10 đạo. Mỗi đạo 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người”. “Thập đạo quân” là hệ thống biên chế, tổ chức quân đội có qui củ đầu tiên của quốc gia dân tộc Việt Nam.
Theo hệ thống này, quân đội được phiên làm năm cấp: “đạo”, “quân”, “lữ”, “tốt” và “ngũ”; Theo đó, “ngũ” là đơn vị cơ sở nhỏ nhất gồm 10 người, một “tốt” có 100 người, một “lữ’ có 1.000 người, một “quân” có 10.000 người và “đạo” là đơn vị lớn nhất có 100. 000 người.
Vấn đề đặt ra ở đây là nếu theo như phiên chế nói trên, quân đội của nhà Đinh có thể lên tới một triệu người? Sử sách ghi chép về dân số nước ta thời Đinh hầu như không có. Ước đoán của một số sử gia sau này - khi ấy nước ta “…chỉ vài bốn triệu người”. Một đất nước chỉ có chừng ba, bốn triệu dân mà duy trì một đội quân đông tới một triệu người là điều không hợp lí. Lần theo sử cũ, ta thấy sử gia Phan Huy Chú giải thích việc này như sau: “Bấy giờ binh và nông chưa chia, có việc gọi ra, xong việc lại trở về làm ruộng”. Đó chỉ là “ngạch quân biên sổ”, tức là đặt sẵn về mặt tổ chức. Khi ấy nước ta chia thành 10 đạo. Mỗi đạo hành chính là một đạo quân sự. “Thập đạo quân” chính là hình thức tổ chức quân sự gắn liền giữa quân đội với dân binh, giữa hành chính và quân sự. “Quân biên sổ” chủ yếu ở trong dân, khi có việc mới gọi ra, lúc bình thường thì trở về thôn xã cày ruộng, theo hình thức “động vi binh, tĩnh vi dân”. Đồng thời, tại trung ương, nhà nước thường xuyên duy trì một đội quân thường trực. Đội quân này có nhiệm vụ canh phòng bảo vệ kinh đô hoặc được điều động chiến đấu trên các địa bàn khi cần. Đây là lực lượng tinh nhuệ, được tuyển chọn, huấn luyện và trang bị tốt nhất. Về hình thức quân số tuy đông nhưng chủ yếu ở trong dân, thực tế quân số thường trực tại ngũ ít, phần chi phí nuôi dưỡng của nhà nước sẽ giảm đi.
Có thể thấy đây là một sự “đổi mới, sáng tạo” về tư duy trong tổ chức quân đội của nhà Đinh, khác hẳn với các triều trước đó. Chế độ ngạch binh này được nhà Tiền Lê tiếp tục phát huy và nó chính là cơ sở của quốc sách “Ngụ binh ư nông” thời Lý- Trần sau đó.
Về vũ khí, trang bị của quân đội thời Đinh. Lúc bấy giờ ở nước ta chưa chế được thuốc súng nên hỏa khí chưa có. Quân đội sản xuất và sử dụng hoàn toàn vũ khí lạnh. Đó là cung nỏ với các loại mũi tên (là vũ khí đánh xa) kết hợp với lao, giáo, côn, kiếm… (khi tiếp cận) quân địch. Trên các chiến thuyền đều có trang bị loại nỏ lớn phóng tên sắt và phóng cả vật mang nhựa thông dễ cháy để đốt phá thuyền giặc. Về trang phục, sử chép, năm 975, Đinh Tiên Hoàng quy định áo mũ cho các quan văn võ; quân “thập đạo” được trang bị áo giáp, khiên mộc, đầu đội mũ “tứ phương bình đính”- mũ làm bằng da, phía trên bằng, bốn góc vuông khâu giáp nhau, trên hẹp dưới rộng. Điều này cho thấy quân đội thời Đinh đã có sự “chính quy” - thống nhất về vũ khí và võ phục.
Mặt khác nói về quân đội thời Đinh, không thể không nói đến vai trò của vị Tổng Chỉ huy quân đội -Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Nhưng trước khi nói đến điều này, phải kể đến con mắt “tinh đời” của Đinh Bộ Lĩnh về việc chọn người. Vì sao trong số nhiều tướng lĩnh - trong đó có những người “tâm phúc” đã sát cánh cùng ông từ những ngày đầu “cờ lau tập trận” như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú,… ông không chọn mà lại chọn Lê Hoàn - một người đến với nghĩa quân muộn hơn? Có lẽ Đinh Bộ Lĩnh đã nhìn thấy ở Lê Hoàn là “người trí dũng, có chí lớn”, “có mưu lược và có sức mạnh”. Quả thật khi về với nghĩa quân, Lê Hoàn còn rất trẻ (sinh năm 941) nhưng luôn tỏ rõ là một vị tướng tài giỏi, có uy tín trong các tướng sĩ và trong triều đình. Ông cũng là người có công lớn trong sự nghiệp dẹp loạn “các sứ quân” nên Đinh Bộ Lĩnh đã rất tin cẩn và giao cho trọng trách Tổng chỉ huy 10 đạo quân trong cả nước. Chính Lê Hoàn chứ không phải ai khác, cùng với đội ngũ tướng lĩnh của mình trong nhiều năm trời đã chăm lo xây dựng và rèn tập quân sĩ trở thành chỗ dựa tin cậy của triều đình và nhân dân Đại Cồ Việt. Sử sách không ghi chép về chế độ và phương thức rèn quân nhưng qua một số truyền thuyết dân gian như Ngọc phả kể về Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã nhiều lần và trực tiếp huấn luyện võ nghệ, giảng dạy binh pháp. Truyền thuyết về động Hoa Lư, sông Hoàng Long, sông Sào Khê… là nơi Lê Hoàn thường xuyên đưa quân sĩ đến rèn tập, truyền thuyết về núi Cắm Gươm, núi Cột Cờ… ở khu vực kinh thành Hoa Lư là nơi Đinh Tiên Hoàng cùng các cận thần duyệt thủy quân… Cũng bởi tài năng và uy tín như vậy, khi Vua Đinh Tiên Hoàng mất (979), Lê Hoàn đã được triều đình và quân đội tôn lên làm Thiên tử; khi giặc Tống sang xâm lược, ông đã trực tiếp cầm quân đi đánh dẹp.
Tổ chức quân đội thời Đinh tuy còn có điểm hạn chế, nhưng nhìn chung nó đã khá phù hợp với hoàn cảnh địa lý và hoàn cảnh lịch sử đất nước trong thế kỷ X. Tổ chức quân đội theo cách đó đã giúp cho nhà nước không những có đủ quân thường trực hợp lý mà lại không phải chi phí nhiều về nuôi dưỡng, trang bị, bảo đảm cho triều đình luôn có nguồn dự trữ binh lực đủ mạnh đã qua huấn luyện, sẵn sàng được huy động khi cần thiết.
Chất lượng và sức mạnh quân đội thời Đinh (mà nhà Tiền Lê kế thừa và tiếp thu gần như nguyên vẹn) được biểu hiện và kiểm chứng rất rõ qua cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (981) cũng như trong những cuộc hành binh dẹp loạn trong nước. Điều đó chứng tỏ binh chế và binh lực nước ta thời kỳ này đã khá hoàn thiện và cường thịnh. Đó là những cơ sở quan trọng để làm nên truyền thống quân sự dân tộc vẻ vang trong kỷ nguyên độc lập, tự chủ.
P.Đ.H