Thứ sáu, 11/10/2024

Tìm hiểu danh nhân Trương Hán Siêu và dòng họ Trương ở Ninh Bình

Thứ sáu, 22/11/2019

NGUYỄN XUÂN KHANG 

Năm 2000, Đảng bộ và nhân dân thị xã Ninh Bình xây dựng đền thờ danh nhân Trương Hán Siêu ngay sát dưới chân núi Dục Thuý. Kiến trúc đền kiểu chữ Đinh (丁) gồm hai toà bái đường và hậu cung.

Toà bái đường được kiến trúc kiểu cổ đẳng hai tầng mái, mái lợp ngói nam. Ở góc mỗi mái được kiến tạo các đầu đao cong vút như biểu tượng rồng đang chuẩn bị cất cánh tới khoảng không bao la. Nóc của bái đường là biểu tượng “lưỡng long chầu nguyệt”. Nhìn tổng thể, toàn bộ ngôi đền tuy có kiến trúc nhỏ bé nhưng cổ kính và xinh xắn như muốn tô điểm thêm cụm di tích - danh thẳng nổi tiếng với bao dấu ấn của tiền nhân: Dục Thuý Sơn. Toà bái đường thờ công đồng. Toà hậu cung bên trong thờ danh nhân Trương Hán Siêu, có tượng thờ bằng đồng nặng gần một tấn. 
Theo các nguồn tư liệu cho biết Trương Hán Siêu (張漢超) tên tự là Thăng Phủ, hiệu là Độn Tẩu (không rõ năm sinh, mất năm 1354). Sinh ra tại làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Theo các nguôn tư liệu dân gian, Trương Hán Siêu mồ côi cha từ thuở nhỏ, phải bươn chải sống cùng mẹ. Nhưng ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, sáng láng hơn người. Khoảng năm 1285, khi vua tôi nhà Trần lui về Trường Yên để xây dựng hành cung chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, tình cờ ông gặp được Trần Quốc Tuấn. Qua tiếp xúc, Trần Quốc Tuấn nhận thấy ở ông (tuy còn nhỏ tuổi) nhưng sớm lộ phát tư chất khác thường. Trần Quốc Tuấn đã thu nạp ông vào dưới trướng. Bằng tài năng và ý chí, ông dần được Trần Quốc Tuấn tin yêu, coi như là môn khách và cho đảm trách vị trí "thư nhi"  (như thư ký riêng – giúp việc cho Trần Quốc Tuấn). 

Tượng thờ danh nhân Trương Hán Siêu ở thành phố Ninh Bình 


Kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thắng lợi, năm 1308, ông được vua Trần Anh Tông phong làm Hàn Lâm Học Sỹ. Theo tác phầm "Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên" của cụ Nguyễn Tử Mẫn thì cụ Trương Hán Siêu đã đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ), nhưng trong hệ thống văn bia lưu giữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và trong các nguồn tư liệu cổ sử khác thì không thấy chép về vấn đề này. Nhưng chắc chắn rằng, ở thời kỳ nhà Trần, có rất nhiều các bậc đại nho như Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi... Cụ Trương Hán Siêu được giữ chức Hàn Lâm Học Sỹ thì không thể không có bằng sắc mà cụ lại được bổ giữ chức quan trọng ấy.
Đến thời vua Trần Minh Tông, vào năm 1326, cụ Trương Hán Siêu được giao chức Hành Khiển. Đến năm 1339, cụ lại được giao chức Môn Hạ Hữu Ty Lang Trung của triều vua Trần Hiến Tông. Năm 1342, do có kẻ gièm pha, đố kỵ, cụ phải chuyển sang giữ chức Tả Ty Lang Trung, kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang (vùng Lạng Sơn, Bắc Giang). Năm 1345, cụ được sung chức Tả Gián Nghị Đại Phu, rồi đến năm 1351, được thăng đến Tham Tri Chính Sự (Chức quan tương đương với Thượng Thư lúc bấy giờ).
Tháng 9 năm 1353, Quân Chiêm Thành quấy nhiễu vùng Hóa Châu (Bây giờ là Thừa Thiên - Huế), triều đình cử cụ thống lĩnh quân Thần Sách đi đánh dẹp. Khi ấy, tuổi cao, sức đã cạn, nhưng tinh thần cụ vẫn mẫn tiệp. Vâng mệnh triều đình, cụ vào Hóa Châu chống giặc, đến tháng 11 năm 1354, giặc tan, biên thùy yên ổn, cụ cáo bệnh xin trở về, về gần tới kinh thành thì mất. Vua Trần Dụ Tông truy tặng cụ chức Thái Bảo.
Như vậy, từ một thiếu niên ở khá xa kinh thành, may mắn gặp được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, bằng tài năng, ý chí phấn đấu và đức độ, cụ Trương Hán Siêu được bốn triều vua Trần tín nhiệm và bổ nhiệm những chức quan quan trọng trong triều đình. Bốn vị vua nhà Trần thường gọi cụ bằng Thầy thay cho gọi bằng tên, điều đó đủ nói lên sự yêu mến, tin tưởng của các vị vua đó với cụ. Điều đó cũng nói lên tài năng, đức độ và uy tín trong triều của cụ Trương Hán Siêu. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ gắn với quan trường. Tuy có cầm quân đi đánh giặc và thắng giặc Chiêm Thành nhưng cụ vẫn chủ yếu ở hàng quan văn. Có thể cụ đã viết rất nhiều tác phẩm văn học với nhiều thể loại như: văn, văn bia, thơ, phú... Nhưng hiện nay chúng ta chỉ có thể tiếp cận được với số lượng không nhiều các tác phẩm của cụ. Tuy nhiên, chỉ với một số tác phẩm đó cũng minh chứng rất rõ nét tài năng, phẩm hạnh, đức độ của cụ. 
Nghiên cứu cuộc đời sự nghiệp của cụ Trương Hán Siêu, chúng ta có thể khái quát một số vấn đề sau:
1. Về sự đóng góp cho sự phát triển của nhà nước phong kiến đương thời: Sách Lịch sử Việt Nam tập 1 có ghi "Hoạt động pháp chế của nhà nước cũng được tăng cường. Sau nhiều lần sửa đổi và bổ sung, nhà Trần biên soạn một bộ luật mới gọi là Hình thư". Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn chính là hai đại thần được giao trọng trách biên soạn bộ Hình thư nổi tiếng đó vào năm 1341, triều vua Trần Dụ Tông. Với việc tham gia biên soạn bộ Hình thư, Trương Hán Siêu là một trong những người có công đặt nền tàng chính trị và pháp luật cho triều đình phong kiến điều hành và hướng dẫn dân chúng thực thi.
2. Về văn hóa: Cũng với Nguyễn Trung Ngạn, năm 1341, cụ Trương Hán Siêu cùng tham gia biên soạn cuốn Hoàng triều đại điển, quy định phép tắc, lễ nghi, đưa các nghi thức, nghi lễ của triều đình vào nề nếp. 
Thời Trần, Nho học có vị trí khá quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội. Với nỗ lực và ý chí phấn đấu cộng với tư chất bẩm sinh thông minh, sáng láng, cụ Trương Hán Siêu thực sự là một nhà Nho chân chính. Ban đầu, cụ có tư tưởng không ủng hộ Phật giáo, sau đó khi đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu, cụ nhận thấy Phật giáo cũng có nhiều yếu tố tích cực, gần gũi chúng sinh, khuyên răn chúng sinh phải sống thanh sạch, từ bi, hỉ xả, tránh những đam mê, ham muốn tầm thường. Cụ đã có những động thái tích cực trong việc ủng hộ và tin theo đạo Phật. Việc cụ được triều đình phong kiến cử đến coi sóc, quản lý chùa Quỳnh Lâm (Một ngôi chùa cấp quốc gia quản lý) chứng tỏ ở thời điểm bấy giờ, triều đình rất tin tưởng và tín nhiệm cụ trong việc quản lý, coi sóc phần "hồn" cho quốc gia. Đồng thời cũng minh chứng cho vấn đề, cụ Trương đã nghiên cứu và có những tư tưởng ủng hộ đạo Phật.
Với Ninh Bình, cụ Trương Hán Siêu là một trong những người góp công trong việc xây dựng, tôn tạo, ghi dấu ấn và phát huy giá trị của văn hóa địa phương đương thời. Chính cụ là người đặt tên cho trái núi Dục Thúy Sơn (Chim Trả tắm) mà ngày nay nhân dân thường gọi tên núi một cách nôm na là Non Nước. Cổ sử cũng như những áng văn thơ ghi lại, sinh thời có thời gian cụ có một khoảng thời gian dài gắn bó và để lại nhiều dấu ấn với trái núi này. Đây là một trái núi án ngữ vị trí vô cùng đắc địa và hữu tình. Trái núi ở vị trí ngã ba sông Đáy và sông Vân Sàng. Một trái núi không lớn lắm bên cạnh dòng Vân Sàng thơ mộng chảy qua trung tâm thành phố Ninh Bình. Trên núi Dục Thúy, từ năm 1091, niên hiệu Quảng Hựu thứ 7, triều vua Lý Nhân Tông, đã xây dựng tháp Linh tế thờ Phật. Sau tháp bị đổ. Năm 1337 triều vua Trần Hiến Tông, tháp được xây dựng lại. Năm 1342, khánh thành việc xây dựng tháp. Người chủ trì xây dựng tháp - Nhà sư Trí Nhu đã mời Trương Hán Siêu viết bài ký. Năm 1343, niên hiệu Thiệu Phong thứ 3, triều vua Trần Dụ Tông, cụ Trương Hán Siêu - lúc ấy đang giữ chức Tả Gián Nghị Đại Phu đã viết bài Dục Thúy sơn Linh tế tháp ký. Sau bài ký được khắc lên vách đá sườn núi bên phải lối lên đỉnh núi. Đây là bài ký đầu tiên được khắc lên vách núi. Có thể nói bắt đầu từ cụ Trương, sau này rất nhiều tao nhân, mặc khách đã cho khắc các bài thơ, văn lên Dục Thúy sơn. Qua Dục Thúy sơn Linh tế tháp ký, cụ Trương khơi dậy tinh thần, ý thức và trách nhiệm bảo vệ và tôn tạo các công trình kiến trúc cổ. Ngoài ra, qua một số bài thơ của cụ, chúng ta cũng nhận thấy ở cụ một tinh thần yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, có trách nhiệm trước cuộc đời.
3. Về du lịch: Với vị trí của mình, cụ Trương Hán Siêu đi nhiều, hiểu biết rộng. Khi giữ chức Kinh lược sứ Lạng Giang, rồi vào đất Hóa Châu bảo vệ bờ cõi phía nam. Có thể nói, cụ cũng là người có ham muốn khám phá, tìm tòi các miền đất của đất nước. Điều này được cụ thể hiện qua Bạch Đằng giang phú. Cụ tự nhận mình là "Khách" với ước vọng, cái thú tiêu giao du lịch bốn phương, thích tự do giao cảm với thiên nhiên, với cảnh đẹp của non sông kỳ tú. 
4. Đối với Phật giáo: Thời Trần, Phật giáo phát triển rất rực rỡ. Nhà nước phong kiến bảo hộ và chăm lo đến sự hưng thịnh của tôn giáo này. Trần Thái Tông khi tròn 40 tuổi đã nhường ngôi cho con để xuất gia. Rồi Trần Thánh Tông cũng đi tu để tỏ lòng thành kính và mộ đạo. Các vị hoàng thân, quốc thích cũng xuất gia nhiều. Dân chúng cũng có rất nhiều người đến với đạo Phật. Họ đều có lòng thành kính và tột phần mộ đạo. Tuy nhiên, cũng có một số người muốn trốn tránh cuộc đời, lợi dụng đạo Phật để mưu cầu mục đích riêng. Cụ Trương Hán Siêu đã nói rõ vấn đề này trong Văn bia chùa Khai Nghiêm và Dục Thúy sơn Linh tế tháp ký. Sách Lịch sử Việt Nam tập 1 viết: "Đến cuối đời Trần, cuộc xung đột giữa Nho và Phật bắt đầu. Những nhà nho có tiếng lúc bấy giờ như Lê Văn Hưu, Lê Quát, Trương Hán Siêu... đã lên tiếng phê phán và bài xích Phật giáo...". Nhưng sự bài xích, phê phán ở đây chỉ nhằm đối tượng lợi dụng đạo Phật chứ không chống lại giáo lý đạo Phật.
5. Về ngoại giao: Cụ Trương Hán Siêu để lại cho chúng ta tác phẩm Quá Tống đô (Qua kinh đô nhà Tống). Như vậy, qua tác phẩm này cho chúng ta thấy cụ có đi sứ mặc dù sử sách không thấy chép vấn đề này. Nghiên cứu tác phẩm, chúng ta thấy cụ Trương có một tư tưởng hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, với nhân dân nước Tống (Trung Quốc). Phải chăng, đây là tấm lòng nhân ái rộng lớn đầy tính nhân văn, thông cảm với nỗi bất hạnh, đau xót của nhân dân nước Tống lúc bấy giờ của cụ.
Như vậy, tuy các tác phẩm của của cụ Trương Hán Siêu hiện nay còn lại không nhiều, nhưng qua một số tác phẩm như Dục Thúy sơn Linh tế tháp ký, Bạch Đằng giang phú... chúng ta có thể nhận định đóng góp lớn nhất của cụ là về lĩnh vực văn học. Cụ là một trong những nhà văn lớn hàng đầu giai đoạn đầu của vương triều Trần.
Sau khi mất, vua Trần Dụ Tông truy tặng cụ Trương Hán Siêu chức Thái Bảo (thuộc hàng quan đại thần trong triều). Năm 1363, vua Trần Nghệ Tông lại truy tặng cụ chức Thái Phó (chức quan đứng thứ hai trong triều sau Thái Sư). Năm 1372, cụ được vua Trần Nghệ Tông ban được tòng tự ở Văn Miếu, như Chu Văn An và các bậc đại nho xuất chúng.
Nhận định về cụ Trương Hán Siêu, nhà sử học Ngô Sỹ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư "Trương Hán Siêu là ông quan văn học vượt hẳn mọi người". Cụ Nguyễn Tử Mẫn thì nhận định cụ Trương Hán Siêu qua Ninh Bình toàn tính địa chí khảo biên "Phúc Thành (Ý chỉ cụ Trương Hán Siêu) là núi cao, sao sáng của làng nho". Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi thì nhận định "Nghệ thuật ngôn ngữ của Trương Hán Siêu tinh tế, lắng đọng man mác ở trong thơ, gân cốt, chắc nịch trong phú, uyển chuyển, mềm mại trong ký; nhưng ở cả ba thể loại đó lại đều có chung một đặc điểm: sự vận dụng hình dung từ nổi lên đậm nét, song mặt khác không bao giờ rơi vào thái quá".
Bằng cứ liệu khảo sát điền dã, những tài liệu minh chứng và qua kết quả khai quật khảo cổ học cho thấy, trước kia đền thờ và lăng mộ cụ Trương Hán Siêu được xây dựng ở khu vực nay là phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình – trung tâm thành phố. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đền và lăng mộ bị phá huỷ (Ngay sau khi chia tách tỉnh Bảo Tàng Ninh Bình đã khai quật khu vực phát hiện thấy các hiện vật là cấu kiện kiến trúc đền thờ cụ, đã xác định được khu vực đền thờ - hiện các hiện vật vẫn lưu trữ tại bảo tàng). Năm 2000, thể theo nguyện vọng của nhân dân thị xã Ninh Bình, Thị uỷ - UBND thị xã đã hưng công xây dựng đền thờ ngay sát chân núi Non Nước, với ý tưởng đền thờ cụ tọa lạc ngay sát địa điểm ghi rất nhiều dấu tích của cụ - Dục Thúy sơn. Cùng với Dục Thúy Sơn, chùa Sơn Thủy, khu Công viên cây xanh, Bảo tàng Ninh Bình, Nhà văn hóa Thiếu nhi và đền thờ cụ Trương Hán Siêu tạo thành một quần thể văn hóa, khu vui chơi giải trí và nơi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của thành phố Ninh Bình nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.
Hàng năm, tại đền thờ cụ Trương Hán Siêu, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh thường tổ chức lễ trao giải thưởng cho các tác phầm văn học - nghệ thuật tiêu biểu; các em học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Trong tâm thức người dân Ninh Bình, cụ Trương Hán Siêu như một vị "tiên hiền" trong lĩnh vực học vấn. Đầu xuân, năm mới nhân dân thường ra dâng hương tưởng niệm, cầu bình an hạnh phúc và đặc biệt là cầu cho con cháu học hành sáng láng, đỗ đạt cao. Tên cụ cũng được đặt cho một con đường dài ở thành phố Ninh Bình và nhiều trường tiểu học, trung học trong địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có một số họ Trương, nhưng phần lớn số hộ không nhiều. Theo khảo sát điền dã và căn cứ vào "Trương tộc chúc từ" cho chúng ta biết: Sau khi cụ Trương mất, con cháu vẫn định cư ở Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Đến đời cụ Trương Gia Loan, khi cụ làm quan trong triều Lê Cảnh Hưng. Năm 1787, vua Cảnh Hưng mất, người cháu lên thay là Lê Chiêu Thống. Khi quân Tây Sơn kéo quân ra Bắc Hà, Chiêu Thống đã sang cầu cứu nhà Thanh. 
Cụ Trương Gia Loan vốn là người khẳng khái, cương trực, yêu nước, thương dân, có tinh thần vạch mặt, tố cáo những kẻ mặc áo triều đình nhưng không vì dân, vì nước, chỉ ham chức trọng, nhà cao, vinh hoa, phú quý, mà hại người hiền tài. Vì vậy, cụ bị bè đảng xấu trong triều lập kế hãm hại, bắt giam ngục thất, chờ ngày xét xử. Nghe tin, con cháu cụ ở quê hương họp bàn nhau mai danh, ẩn tích, lánh nạn chờ thời. Các cụ họp mặt, ra bản Chúc từ, sao thành nhiều bản để sau này con cháu tìm gặp lấy Chúc từ làm tin. Bản Chúc từ được viết vào năm 1788, bản mà con cháu cụ Trương hiện lưu giữ là bản sao lại từ bản chính vào năm Tự Đức 4 (1850) và một bản chép lại vào đời vua Khải Định (1916 - 1925).
Cụ Trương Gia Loan có năm người con là: Trương Anh Dũng, Trương Ngữ Thành, Trương Công Dương, Trương Hoài Bão và cô út là Trương Thị Kim Liễu. Người anh cả là Trương Anh Dũng lánh nạn vùng Trường Yên, có nhiệm vụ ngày ngày trông ngóng tin cha. Người em thứ hai là Trương Ngữ Thành, giả làm lái buôn về vùng Duyên Hải (nay là xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) dựng cơ đồ. Người em thứ ba là Trương Công Dương, ẩn nạn ở vùng ven sông Bạc (nay là xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Người em thứ tư là Trương Hoài bão và cô em út Trương Thị Kim Liễu đến vùng chân núi Tam Điệp, cửa biển Thần Phù, giáp giới Ái Châu (nay thuộc xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).
Theo khảo sát, hiện nay ở Ninh Bình, chi tộc họ Trương ở xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh và chi tộc họ Trương ở xã Khánh Dương, huyện Yên Mô đã tình cờ gặp được nhau vào khoảng năm 1960 - 1961. Sau khi họ cùng nhau đối chiếu thì thấy hai bản Chúc Từ giống nhau. Từ đó hai chi họ này thường xuyên qua lại thăm hỏi, giỗ chạp. Cả hai chi tộc họ Trương này số nhân khẩu cũng không nhiều lắm, hiện nay con cháu cũng đi làm ăn, sinh sống các nơi.
Tại xã Yên Lâm, huyện Yên Mô cũng có họ Trương, nhưng họ không còn lưu giữ được gia phả hay bất kỳ tài liệu thư tịch cổ nào. Ở thôn Lỗi Sơn, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn có họ Trương và mộ cụ tổ họ Trương, nhưng dòng họ cũng không còn lưu giữ được gia phả hay các tài liệu thư tịch cổ. Ngôi mộ các cụ gọi là Mộ Trương Quan triều, là ngôi mộ tọa lạc ở khu đất rộng, nhưng các cụ địa phương cũng chỉ nhớ trong trí nhớ là cụ tổ làm quan trong triều, khi về hưu đưa con cháu về đây lập ấp, không rõ quê gốc ở đâu! 

N.X.K



Tài liệu tham khảo:


1. Lịch sử Việt Nam, tập 1. NXB KHXH, Hà Nội, 1971.
2. Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, Nguyễn Tử Mẫn
3. Từ điển Văn học, tập 2, NXB KHXH, Hà Nội, 1984.
4. Danh nhân đất Ninh Bình, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, Hà Nội, 2000.
5. Trương tộc chúc từ, bản chép tay, photo.
 

Bài viết khác