Thứ năm, 12/09/2024

Hành trình thơ Lâm Xuân Vi

Thứ năm, 21/11/2019

T.S NGUYỄN MẠNH QUỲNH 

Có ai đó cho rằng, trong mỗi một con người, ai cũng có một chút gì đó chất nghệ sỹ. Lâm Xuân Vi là một kỹ sư thủy lợi, lại nguyên là Phó Ty Nông nghiệp Ninh Bình những năm chín mươi của thế kỷ trước nhưng trời đã phú cho ông một tâm hồn nghệ sỹ thực thụ.

Cứ ngắm nhìn ông khi bình thơ hay khi đàm đạo văn chương chữ nghĩa, tôi luôn có cảm giác ấy. Nghề thủy lợi ở Ninh Bình vất vả lắm. Nước nơi đây hiền hòa là thế, vậy mà khi đâu bỗng dưng nổi cơn thịnh nộ với những là bão giông, hồng thủy, mà oái oăm thay, lại cứ gần như nhằm cả vào vùng Nho Quan và Gia Viễn quê ông. Tôi cứ hình dung thế này, cậu bé Lâm Xuân Vi ngày nào, chắc cũng như bao đứa trẻ khác ở vùng quê trũng lụt đã không ít lần thảng thốt, lo sợ, phấp phỏng khi chứng kiến cảnh lụt lội sóng vỗ trước hiên nhà và kéo theo là bao gian khó, nghèo khổ của đồng đất quê hương.  May thay, giông tố rồi cũng qua đi, đất kia vẫn cứ sinh sôi, nước ấy vẫn ngọt lành như xưa, tưới mát tâm hồn người. Tôi nghĩ, Lâm Xuân Vi chọn nghề thủy lợi, rồi lại phải lòng văn chương, hẳn phải có nguồn cơn ấy. Thì ông đã từng bộc bạch: “Nghề thủy lợi, đối tượng của nó là Đất và Nước, nguồn cảm hứng vô tận nuôi sống con người đã run rủi tôi đến với văn học”. Chẳng phải ngẫu nhiên người ta lấy đất và nước để chỉ một quốc gia dân tộc bởi nó là cái nôi chở che, nuôi dưỡng mỗi một con người trong suốt cả cuộc đời. Đất nước trở thành một từ ngữ thiêng liêng, cao quý và đa nghĩa. Còn với ông, cảm hứng đất nước là cảm hứng lớn, ôm trọn cả tình quê hương, tình nghĩa, tình yêu, nhân tình thế thái; bởi vì, xét cho cùng, tất cả đều thuộc về con người mà con người thì có ai tách rời được đất nước đâu? Vậy nên, nói cảm hứng về quê hương đất nước là cảm hứng chung của văn chương nghệ thuật, thì trong thơ ông chắc phải có những nét riêng, cái riêng ngay từ trong tiềm thức, vô thức.

Lấy Đất và Nước làm nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật của mình với ý nghĩa như thế nên phạm vi phản ánh, nói khác đi, là cái vùng thẩm mỹ trong thơ ông quả là rất rộng, khó thấy đâu là giới hạn. Trăn trở với thiên chức của nghệ thuật, Lâm Xuân Vi luôn đau đáu với những nỗi niềm của con người, với quê hương, với nhân tình thế thái. Khắc khoải với dòng chảy vô tình của thời gian, ông đằm mình với những triết lý thâm sâu của Phật Giáo, Thiên Chúa giáo, Đạo giáo, Lão giáo. Đang mơ mộng đắm đuối với tình yêu, ông bỗng nhiên lại canh cánh những ưu tư của tuổi xế chiều. Đang là chàng trai hồn hậu trong nỗi nhớ, niềm yêu, thoắt cái lại thành người ông hiền từ vỗ về cháu nhỏ; rồi khi đâu lại là người cha nhân hậu lắm nỗi âu lo cho đứa con phía chân trời xa... Rồi ta lại thấy một Lâm Xuân Vi trầm mặc với những triết lý sống rớm máu có khi phải đánh đổi bằng cả một đời người...

Nhà thơ Lâm Xuân Vi tại buổi tọa đàm trong Ngày thơ Việt Nam  

Dấn thân vào văn chương nghệ thuật, Lâm Xuân Vi thử sức ở hai lĩnh vực: sân khấu và thơ. Mà ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu đáng nể với những giải thưởng, huy chương vàng bạc có cả. Giai đoạn đầu từ 1978 – 1989 ông tập trung cho kịch bản sân khấu. Năm kịch bản với 5 huy chương vàng hội diễn nghệ thuật cấp tỉnh, 01 huy chương bạc hội diễn toàn quốc, giải chính thức của Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam, giải C văn học Nguyễn Khuyến. Đang say sưa với nghệ thuật sân khấu, ông đột ngột chuyển sang chuyên làm thơ. Tính đến năm 2008, ông đã có 9 tập thơ, cũng đã rinh về nhiều giải thưởng của Trung ương và của tỉnh. Gần đây, tôi lại thấy ông cho xuất bản bút ký, ghi chép. Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn đôn đáo với công việc của Hội VHHT tỉnh Ninh Bình, vẫn đều đặn sáng tác, nói chuyện, bình thơ, tham gia trại sáng tác. Thú thực, nhìn ngần ấy việc ông làm, mà lại là “tay trái”, những người làm văn chương “chuyên nghiệp” có lẽ cũng phải cảm thấy ngài ngại...

Nhà thơ Bình Nguyên khi viết lời giới thiệu tuyển tập thơ của ông đã băn khoăn: không biết cuộc đời ông chọn thơ hay thơ chọn ông”? Tôi cũng tự hỏi, trong hành trang văn học của ông, kịch nằm vị trí nào? Câu trả lời thật khó. Nhưng dù sao mặc lòng, tôi vẫn cho rằng cái tạng của ông hợp nhất với thơ. Trong ba loại (thể) văn học tự sự, trữ tình và kịch mà nhà lý luận lừng danh Aristore từ thời cổ đại Hy Lạp đã tổng kết, thì tự sự khác thơ ở chỗ nó khách quan hóa tối đa cảm xúc, nó “nói” ngôn ngữ của mình bằng ngôn ngữ của người khác. Thơ thì ngược lại, nó luôn nói bằng ngôn ngữ của chính mình. Bakhtin cho rằng, trong thơ, đâu đâu cũng chỉ thấy một khuôn mặt, đó là nhà thơ. Còn kịch là thể loại trung gian, mà cái anh “hòa giải” giữa thơ và truyện. Xem thế, Lâm Xuân Vi từ lãnh địa của kịch bước sang địa hạt của thơ cũng chẳng phải là một sự đứt nối đáng ngạc nhiên. Một người khát khao cháy hết mình cho nghệ thuật thì nói ông chọn thơ hay thơ chọn ông thì có gì là khác nhau ? Nhưng cũng lạ, ông làm thơ viết kịch, bình thơ, viết bút ký, nói chuyện thơ nhưng tuyệt nhiên không thấy có truyện ngắn, truyện dài nào cả. Rồi nữa, giới nghiên cứu và độc giả luôn gọi Lâm Xuân Vi là nhà thơ mà dường như đã quên đi rồi nhà viết kịch họ Lâm ngày nào đã từng nổi tiếng với những Hãy nhìn thẳng vào mình, Đâu là niềm tin, Giám đốc mới... Rõ ràng, thơ mới là khối tình, là gan ruột, là lẽ sống của Lâm Xuân Vi vậy.

Đọc thơ Lâm Xuân Vi, tôi chú ý tới mấy câu thơ trong bài Tri âm: “Hồn thơ giản dị khiêm nhường/Bứt từ gan ruột máu xương từng lời/Nỗi niềm thổn thức thơ tôi/ Bớt đi câu chữ dong chơi vô hồn/ Bớt phù phiếm, bớt phô trương/ Biết chia sẻ với đời thường đớn đau”. Không hoa mĩ, ông đã trực tiếp giãi bày quan niệm của mình về thơ, về văn chương nghệ thuật. Thì ra với ông, thơ không phải là sự giải thoát, trút xả theo nghĩa thông thường mà thơ trước hết là tiếng lòng của sự tri âm, của lòng yêu, là sự chưng cất, lắng lọc, thâu lượm những yêu thương, những sẻ chia đắng cay, đớn đau, tủi nhục của đời thường, là sự gắn bó âm thầm với những niềm vui, nỗi buồn nhân thế: “Đời văn đi đến tận cùng thương yêu”. Ở một khía cạnh khác, thơ là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm những đắng đót của cuộc đời này. Là thể nghiệm, chiêm nghiệm, nên thơ gắn với sinh mệnh, nó chứa chan những tình cảm mãnh liệt, nó dung hòa giữa cái của ta và cái ngoài ta, nó là vốn sống đã được nhào nặn, để rồi nghệ sỹ phả vào đó hồn cốt, bóng vía của mình. Thơ là chất sống được chưng cất từ những mảnh đời khác nhau. Có điều, với Lâm Xuân Vi, những sẻ chia ấy không bao giờ ồn ào, ngoa ngôn, cũng chẳng nặng về những triết lý cao siêu, cứ bình dị và thấm thía như chính con người ông vậy thôi. Ông coi thơ là định mệnh, là số trời, là cái nghiệp đeo bám cả đời: “Khi tình thơ đắm say/Hồn thơ thành định mệnh”(Cứu rỗi) là vì thế.

1. TUẪN NẠN VÀ HIẾN DÂNG

Tôi dùng chữ tuẫn nạn như là mỹ từ để chỉ sự tự nguyện nếm trải những đớn đau ở đời vì một lẽ nhân sinh nào đó. Nói như đại thi hào Nguyễn Du là “Phong vạn kỳ oan ngã tự cư”. Theo nghĩa ấy, đọc thơ ông, tôi thấy nhà thơ đã tuẫn nạn trên những dòng thơ thế sự rớm máu, trĩu nặng day dứt, xót xa như một sự trả nghĩa cho đời. Nhà Phật coi đời là bể khổ, nước mắt của chúng sinh còn nhiều hơn nước bể Đông. Muốn diệt khổ, phải tiêu trừ tham – sân - si, để mà từ bi, hỷ, xả. Bởi thế mà rất cần những tấm lòng nhân ái, bao dung, vị tha và trí huệ của những vị bồ tát. Xem thế, nghệ sỹ chân chính có lẽ sẽ phải là những vị bồ tát của cuộc đời này. Tôi nghĩ, Lâm Xuân Vi cũng có tấm lòng của một vị bồ tát như thế, một con người luôn đau đáu với nỗi niềm xa xót của nhân thế, những nỗi đa đoan của cuộc đời. Có những nỗi đau có thể thốt lên được cho vợi bớt, nhưng cũng có những ẩn ức không thể cất được thành lời: “Lưng còng lệch dáng mẹ đi/Thơ đành thất luật mỗi khi trở trời/Nỗi đau không cất nổi lời/Rối trên bia mộ một thời đạn bom” (Lục bát đi tìm). Nó là lời của câm nín, nhoi nhói, dằn vặt: “Với cuộc đời không thể vô tâm/Trang viết cũng nặng lòng ẩn ức/Trước mỗi cảnh éo le bất trắc/Lại nhói đau dằn vặt tim mình”(Bất trắc)

Nhìn bề ngoài, chẳng ai nghĩ Lâm Xuân Vi lại là người nhiều... đau khổ đến thế. Chả gì cũng đã từng đường đường là lãnh đạo một sở lớn, lại được lãnh tụ cao nhất của Đảng biết mặt, nhớ tên, gọi đến tâm sự. Về già thảnh thơi với bầu rượu túi thơ, con cháu đề huề, thành đạt, dẫu có “nhìn lên mình chẳng bằng ai” thì những gì ông đang có chắc cũng khiến nhiều người phải mong mỏi lắm. Nhưng, có dịp ngồi cùng ông ngâm ngợi vài câu thơ tâm đắc, tôi cứ thoảng nghĩ đến câu thơ của cụ Nguyễn Du “một lời là một vận vào khó nghe”, thơ mà nghe như ngậm đắng nuốt cay thế nào. Nhà thơ Xuân Diệu gọi đấy là nỗi thương vay, còn Lâm Xuân Vi, ông trông người mà nghĩ đến mình:“Ngẫm nỗi buồn nhân thế không nguôi/Càng đắng đót ngậm ngùi thân phận”(Bất trắc). Câu thơ chạm đến một vấn đề mà văn học muôn đời nay cứ gắn chặt với nó, ấy là thân phận con người, những sinh linh mà ông nhìn nhận như đang bị đày đọa, cùng chung một nỗi khổ nạn:“Bạn da trắng, da màu ở phương trời nào đến/Chắc cùng chung khổ nạn thế gian này”(Vần thơ sám hối). Đức Phật dạy chúng sinh tứ niệm xứ, trong đó phải hiểu quán thọ thị khổ - nhận vào là rước lấy cái khổ, cái nạn. Tôi không biết thi sĩ có đọc Phật pháp hay không, nhưng đọc thơ ông, người ta thấy rõ điều đó. Với ông mọi đau khổ của đời này, suy cho cùng đều phát xuất từ những lợi danh, ghen ghét, giật giành; nó gây ra biết bao oan khiên, tủi hờn: “Thiên tài đâu, quốc sắc đâu?/Chỉ còn dấu mực lằn đau tủi hờn” (Hoa hậu thiên thu), với những là đua chen, thị phi, may rủi, được mất, hưng vong: “Đâu xương máu ngai vàng võng lọng/ Quanh cuộc cờ được mất hưng vong” (Trước Lam Kinh); nó có thể biến con người thành kẻ hợm đời: “Thêm chút nữa cân đai áo mão/Tự biến mình thành kẻ hợm đời sao?”(Tấm vé suối Tiên); nó tạo ra những cám dỗ để dụ người ta vướng vào cạm bẫy: “Đau lòng gặp đứa bạn vong ân/Ném nhân phẩm vào vòng đen bạc (Thơ). Ngẫm kỹ thì cũng là thọ khổ, bằng cách này hay cách khác mà thôi!

Lại có những nỗi khổ khác, nỗi khổ của những bất hạnh, thiệt thòi, của những mất mát hy sinh. Đây là mảnh đời của người hát xẩm xiêu lạc trong sự vô cảm của người đời: “Người hát xẩm len lỏi/Lết qua từng toa tàu/Lời ca sầu khản đặc/Đoàn tàu lắc lư đau/Kẻ cười nói xô nhau/Ném cái nhìn soi mói/Cuộc đời sẽ về đâu/Khi nhân tâm tàn lụi?” (Người hát xẩm). Đấy còn là người mẹ liệt sỹ già nua mỏi mòn, chờ đợi tìm được chút xương tàn của những đứa con yêu: “Nước non đã hóa tượng đài/Còn thương nỗi mẹ tìm hài cốt con” (Nỗi đau); là người vợ góa bụa hóa đá chờ chồng trong vô vọng: “Tắt lâu rồi ngọn lửa chiến tranh/Nhưng còn đó nỗi đau góa bụa/Còn đó nửa vầng trăng hóa đá/Tươi xanh cho đôi lứa muôn đời”(Khúc đơn côi); là ngôi nhà của người mẹ góa con côi nhìn tứ phía, phía nào cũng trống: “Nhà không bố biết tựa đâu/Con hoang- sóng trước, sóng sau - miệng đời” (Đường thơ). Rồi là nỗi đau của vùng lũ quê ông, nơi mà cái đói cái nghèo cứ bám riết, bủa vây lấy từng số phận long đong, tất tả, ngược xuôi, nơi ấy có người mẹ hiền tần tảo nuôi con những ngày xưa mà giờ đây chỉ còn là trong ký ức: “Quê xưa xoáy lũ quặn lòng/Kiếp phù du cuốn theo dòng nổi trôi” (Mùa lũ nhớ quê).

Trải nghiệm với những số phận thiệt thòi, ông tự cật vấn lương tâm: Ta tự hỏi một đời thơ/Mình được mấy câu máu thịt/để đồng hành với người khiếm khuyết/thân phận thiệt thòi...Trăn trở kiếm tìm vật vã ngược xuôi/Đâu ý sẻ chia/ đâu lời bênh vực ? (Tự hỏi).

Thế nhưng, viết về thân phận con người, Lâm Xuân Vi không nặng về các hình ảnh thơ cụ thể, người ta không thấy nhiều cảnh đời, số phận như thế trong thơ ông. Có lẽ ông bị ảnh hưởng về cái gọi là điển hình trong văn học mà khi viết kịch, ông tỏ ra tâm đắc lắm – những hình tượng mà ông bảo trong đó có cả ông, cả tôi và chúng ta đã được lắng lọc lại. Còn với thơ, người ta hay xem đấy là chất thơ - cái tinh túy, hồn cốt của đời sống được khúc xạ qua lăng kính của chủ thể trữ tình. Nhiều khi, chất thơ còn là cái vô ngôn, ý ở ngoài lời, là khoảng trắng giữa các câu chữ, những khoảng trắng chập chờn mà vô lượng ý nghĩa. Lâm Xuân Vi gọi đấy là hồn thơ theo cách riêng của ông, còn tôi, tôi gọi là nhãn quan của kẻ tuẫn nạn. Cho nên, với ông, hồn thơ là một cái gì đó đầy ám ảnh. Vật vã cũng vì nó, thao thức khắc khoải cũng vì nó, hạnh phúc đớn đau cũng vì nó, yêu thương gắn bó cũng chỉ với nó. Hai chữ hồn thơ, cùng với các biến thể của nó như ý thơ, tình thơ, nguồn thơ, tứ thơ... cứ trở đi trở lại trong thơ ông như một sự thôi thúc, giày vò, và đôi khi, tôi cứ hình dung nó như tiếng gọi lạc giọng của lương tri, lương năng: “Hồn thơ giản dị khiêm nhường/Bứt từ gan ruột máu xương từng lời”; “Nỗi niềm thổn thức thơ tôi/Bớt đi câu chữ dong chơi vô hồn/ Bớt phù phiếm, bớt phô trương/ Biết chia sẻ với đời thường đớn đau ” (Tri âm);  “Hồn thơ chìm nổi khổ đau/Càng cao nhân ái càng giàu bao dung”(Trăm năm). “Hồn thơ cứu cánh cho anh/Lợi danh, ghen ghét, giật giành mặc ai” (Chở che); “Ngẩn ngơ mơ giấc mơ xuân/Hồn thơ dẫn lối xa gần thấp cao” (Cô đơn). Cái mà ông gọi là hồn thơ ấy, cứ bàng bạc lan tỏa, xuyên phả vào hầu hết các thi phẩm của ông, dù viết về đề tài nào, vui hay buồn, kể cả mảng thơ tình yêu.

 Ở trên tôi đã nhắc đến Lâm Xuân Vi mang tấm lòng của một vị bồ tát với ý nghĩa xả bỏ, gột rửa những lầm bụi của cõi hồng trần, để lắng nghe và thấu hiểu, yêu thương và chở che, an ủi và vỗ về, nhẫn nhịn và dâng hiến. Bởi thế, thật dễ hiểu, con người trong thơ ông sẽ phải là con người hướng thiện, con người của những đức tin. Con người ấy sẵn sàng nhận về mình những lỡ dở, thiệt thòi để ngõ hầu mang đến cho nhân thế những niềm vui: “Nguyện làm cánh sóng long đong/Nay Nam mai Bắc kia vòng thẳm xa/Đượm vàng cho một màu hoa/Dám quên đi cả mượt mà rừng xuân (Lời cỏ); “Vẫn cầu xin kiếp luân hồi/Được đầu thai lại kiếp người thi nhân/Đa mang tiếp nghiệp phong trần/Yêu thương rồi lại nợ nần yêu thương”(Trăng riêng); Nó từ chối, tẩy chay giàu sang, chức tước mà vô cảm, lãnh đạm:“Giàu sang quyền lực cóc cần/Trời trong đáy chén cũng gần gũi thôi/Ước chi ngang trái ở đời/khỏa vào lòng chén tự mời mình say” (Say) để trở về với cội nguồn, trong nỗi buồn ly quê khắc khoải: “Khát khao về với cội nguồn/Ngàn năm đeo đẳng nỗi buồn ly quê” (Cội nguồn). Con người ấy luôn canh cánh bên lòng cái chân, thiện, mỹ như một sự trả ơn với Đất, với Nước: “Bước ta còn đi khắp nhân gian/Nỗi đa đoan sao khỏi tay Phật Tổ/Vì cõi thiện xin được làm con nợ/Mới mong qua bể khổ luân hồi” (Vần thơ sám hối). Và điều quan trọng là niềm tin vào cuộc sống ngay cả khi thấy cuộc đời cay cực nhất:“Hai đầu đông, hạ bủa vây/Càng cay cực lắm càng đầy đặn xuân/Đông qua tím tái ngại ngần/Xuân lên phơ phất xanh dần dần xanh” (Xuân). Con người đức tin xác tín một điều: rồi tất cả những gì là khổ nạn sẽ phải tan biến thôi, đất trời chỉ còn lại những khúc ca giao hòa, trong sáng, thánh thiện: “Thời gian phế hưng cuộn chảy/Đá mòn lửa cháy siêu linh/Thánh ca tràn qua cõi tịnh/Không nơi cái ác nương mình” (Ghi ở nhà thờ đá Phát Diệm), bởi “Cái thiện muốn níu giữ/ Cái ác hẳn không còn/Khi lòng hết ham muốn/Còn sợ gì tai ương ?”. Thật thế, khi con người ta còn có đức tin, tin vào lẽ phải, vào cái thiện, vào lương tri... thì lòng xem như đã gột rửa đi rồi những váng bụi, tai ương, gạt bỏ những sầu u, buồn bã. Đó là lý do của những câu thơ dạt dào hứng khởi mà ông thường viết vào mỗi độ xuân về, Tết đến:“Nỗi buồn tàn lụi qua đông/Niềm vui trổ lộc, xuân bồng bềnh xuân” (Vào xuân); “Cất lên lời đồng vọng/Thăm thẳm phía con người/Hồn cỏ hoa kết nối/Xuân tự tình sinh sôi” (Xuân tự tình); Niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn hay được ông hình tượng hóa qua chi tiết sắc vàng: “Người đi hái lộc cầu sang/Ta về lặng trước sắc vàng rưng rưng/Mai xa ai với ta cùng/Thắp mùa xuân chín trên từng cánh hoa”(Gọi xuân). Có điều, niềm tin ấy, tiếc thay, dường như là mong manh quá...

2.  ĐẮM ĐUỐI VÀ CÔ ĐƠN

Nghệ thuật là sự dâng hiến. Và tôi nghĩ, hồn thơ Lâm Xuân Vi chắc sẽ neo bám nhiều vào một cung bậc sâu kín mầu nhiệm và đẹp nhất của sự hiến dâng, đó là tình yêu. Nhưng còn vì một lẽ khác. Tình yêu thương là một thứ quyền năng và tạo hóa đã ban tặng riêng cho con người để giúp ta hóa giải những buồn đau, khổ ải. Nhìn từ góc độ văn hóa, các tôn giáo lớn trên đời này có mặt cũng trước hết là bởi một lẽ nhân văn cao cả là hóa giải những nỗi đau. Chẳng phải là, cả Đức Phật và Đức Chúa đều nhấn mạnh đến sự giải thoát mà cơ sở của nó là lòng từ bi, bác ái - tôn chỉ thiêng liêng trong giáo pháp của các ngài đấy hay sao? 

Vậy nên, chẳng có gì là khó hiểu khi Lâm Xuân Vi đến với tình yêu và thơ tình như một sự giải thoát và ông không giấu giếm rằng, ấy là một thứ bùa hộ mệnh để che chở cho con tim luôn chông chênh giữa dòng đời vốn đầy những éo le, ngang trái: “Chỉ còn lại tình thơ/Mãi cao xanh vời vợi/Chỉ còn lại tình thơ/ Và tình em cứu rỗi” (Cứu rỗi); Em là nguồn mạch sinh sôi/Là bùa hộ mệnh giữa đời chông chênh” (Thu); Anh như con thuyền thơ/Em như bến thực vỗ về chân sóng/Anh hồn hậu như mưa như nắng/Em đất bằng trải mộng bình yên” (Em, anh). Nhiều người cho rằng, thơ tình là mảng thơ đẹp nhất, đáng đọc nhất của Lâm Xuân Vi. Tôi cũng nghĩ thế. Nhiều bài thơ tình của ông khi đã ở độ tuổi lục tuần, thất thập vẫn có thể làm không ít con tim đang yêu phải thổn thức. Nhưng cần phải thấy điều này, thơ tình của ông, dù thế nào cũng vẫn nằm trong cái nguồn mạch kia, nghĩa là nó không đoạn tuyệt với mảng thơ mà tôi tạm gọi là thơ thế sự - nhân tâm. Điều đó cũng cắt nghĩa tại sao thơ tình Lâm Xuân Vi không chấp nhận những câu thơ chót lưỡi đầu môi, nhạt nhòa, dễ dãi, mà nếu có chút gì hoa mỹ thì quyết không phải là để trang sức, làm đẹp cho thơ. Thơ tình của ông vì thế ít thấy cái bồng bột, sôi nổi, vụng về của kẻ mới yêu, sự ào ạt cuồng nhiệt của kẻ đang yêu. Nó là tình yêu của người từng trải với bao nỗi truân chuyên, bao thứ bộn bề. Vậy nên nó có da diết, có rạo rực, đam mê thì cũng là thứ đam mê da diết rạo rực trong sự thâm trầm, đằm ấm: “Gặp em giây phút chiêm bao/Đã toan đánh đổi trời cao đất dày” (Tình say); “Phải về với xót xa thôi/Hiên sau sập tối ai ngồi ngóng theo” (Vào hè); “Biển một bên anh lại xa em/Gió thổi rỗng một trời đơn lẻ/Nước ngầu đỏ vật vờ vô nghĩa/Đường chân trời ngấn lệ mờ xa”. Nhưng như thế không có nghĩa là không có những say đắm, cuồng nhiệt: “Cháy lòng uống cạn chiều nay/Không em trời đất mai này còn không/... Ráng chiều rớt xuống dòng sâu/Oằn đêm chất chứa hai đầu nhớ thương” (Không em); “Vòng tay níu chặt vòng tay/Mắt đong ánh mắt vơi đầy bão giông/Nụ hôn cháy nụ hôn nồng/Kiêu sa vẫn gợn chút lòng kiêu sa” (Nhịp tim).

Thơ tình của Lâm Xuân Vi cũng vì thế mà không gắn với nhục cảm. Bởi lẽ, nó là cảm xúc yêu đương đã được thanh lọc đến “tận cùng thương yêu”, và tôi nghĩ, đấy mới chính là cái tạng của con người ông trong hành trình tìm về (chứ không phải là tìm đến) với cõi yêu. Người tình trong thơ ông muốn hòa tan vào tình yêu, nhưng là một tình yêu có vẻ như hơi nhuốm màu sắc sắc – không không: “Lòng anh là tiếng chuông/Trong đêm xa vắng lặng/Về trong cõi vô biên/Ngân tình em sâu thẳm” (Tiếng chuông); “Không có cái tận cùng/Cũng không nơi xuất phát/Chỉ có em ngọt ngào/Giữa đời anh khao khát” (Đêm sâu thẳm). Đôi khi còn phảng phất ý vị vô vi: “Thu còn nhạo báng thơ anh/Trót yêu em, quá hóa thành vô ngôn” (Thu). Nhưng thoát tục mà vẫn năng trĩu nỗi niềm của trần thế. Tôi muốn nói tới một bài thơ tình trong cơn mưa của ông có tựa đề Gặp mưa. Cũng không hiểu vì sao, những đôi lứa yêu nhau thường bày tỏ tình cảm của mình dưới mưa, để rồi trong thơ, trong nhạc và cả trong hội họa nữa, giọt mưa thành những giọt tâm tình, đong đầy nhung nhớ. Lâm Xuân Vi cũng thế, chỉ có điều, những hạt mưa kia chẳng phải cái cớ để người ta nép vào nhau, truyền hơi ấm cho nhau mà chỉ có nỗi phập phồng, thương nhớ, âu lo: “Em về phía ấy mưa chăng?/Mong sao chỉ có nhì nhằng chớp suông/Bởi lòng đa cảm đa mang/Thương em phía ấy lỡ làng gặp mưa” (Gặp  mưa).

Thế nên với Lâm Xuân Vi, thơ và em – người tình - rốt cuộc, cũng chỉ là một mà thôi, một thứ đa diện nhất thể! Thơ vỗ về cho những cơn đau, thì người tình cứu rỗi cho linh hồn bị đọa đầy. Nếu thơ là định mệnh thì em là số phận đã trao; Thơ tắm mát cho cuộc đời, em làm dịu vợi cơn khát. Thơ thu hẹp mọi khoảng cách, em cân bằng những nỗi chông chênh: “Yêu cho nghiêng lệch nên bằng/Yêu cho muôn nẻo xa xăm hóa gần” (Phía em đi); “Chỉ có em ngọt ngào/ Giữa đời anh khao khát”.  Người thi sỹ trong thơ ông luôn mong muốn đi đến tận cùng, tận cùng của nỗi nhớ, niềm yêu, không chấp nhận thứ tình cảm lờn lợt, vô hồn: “Đời văn đi đến tận cùng thương yêu” (Ngày về đất Tổ hội văn); “Ân tình nơi trái tim ta/Không cam nhịp đập nhạt nhòa dửng dưng” (Hồn thơ); “Cháy lòng uống cạn chiều nay/Không em trời đất mai này còn không” (Không em)

Nhưng như một quy luật của cuộc đời, tìm một sự viên mãn, tròn trịa nhiều khi chỉ là không tưởng bởi lẽ sự viên mãn ấy xưa nay chỉ dành cho những đấng siêu phàm. Thế nên, cả thơ và em, Lâm Xuân Vi nhìn phía nào cũng thiếu hụt, cũng như trống rỗng, như vẫn xa vời. Cõi thơ mà thi sỹ dấn thân đi tìm hình như vẫn chỉ chập chờn ở đâu đó, còn người tình thì cứ bỏ ta mà đi: “Thi nhân phận mỏng cánh chuồn/Bơ vơ thơ nặng nỗi buồn tìm thơ” (Tìm thơ); “Tìm em nào thấy em đâu/Chỉ vầng trăng ấm nhiệm màu theo anh” (Tìm em); “Hò hẹn với vầng trăng vành vạnh/sóng giát vàng gió sánh trùng khơi/nồng vị biển lắng lòng đón đợi/em lại đi biền biệt chân trời” (Một lần với biển). Chấp chới giữa cõi thơ và cõi tình, ông thấy mình sao mà lẻ loi, sao mà cô độc làm vậy: “Tôi tìm tôi trong mênh mông/Sóng chao trên bước bao dòng người qua”; “Nhưng mà mơ chỉ khói sương/Chiều xa/Biển lặng/Mình thương lấy mình”;“Giữa dòng nhân thế chơi vơi/Chùm hoa nắng nhẹ buông lơi chạnh lòng” (Hoa nắng). Ấy là cảm giác bơ vơ, lạc loài trong cuộc đời, cô đơn trong tình yêu, hẫng hụt trong những nỗi khát khao chưa bao giờ chạm tới: “Gửi vào muôn nỗi cách xa/ Đêm trằn trọc nhớ canh tà lẻ đơn (Cách xa); Một nỗi cô quạnh làm con người như héo mòn cả thân tâm lẫn hình hài: “Ta đeo đuổi đến hao mòn/ Mình chôn chân giữa vuông tròn cổ xưa” (Dị thường). Để rồi, có một lúc nào đấy, trong biển thẳm của nỗi cô đơn, thi sỹ đã phải thốt lên những vần thơ rợn ngợp: “Gió thổi rỗng ruột trời đơn lẻ”

Cảm giác ấy, thật dễ hiểu, sẽ trào dâng mãnh liệt khi mỗi độ thu về. Khi đất trời vào thu, ấy là lúc thời gian đã hết, sự sống bừng lên lần chót để bước vào tàn lụi, héo úa, thê lương. Con người ta lúc ấy thường dấy lên những cảm xúc khó tả. Đối với người có tuổi, cảm giác ấy lại thấm thía hơn, da diết khắc khoải hơn. Ở độ tuổi lục tuần, rồi thất tuần, Lâm Xuân Vi đã xa tất cả, quyền lực, danh vọng... những chiêm nghiệm, nghĩ suy về lẽ đời có phần sâu sắc hơn. Và cũng bởi thế, ta thấy ông giật mình, thao thức nhiều hơn; thao thức bởi những giấc mơ đang còn dang dở, giật mình bởi những mất mát, đổi thay và đáng buồn hơn là những nỗi niềm ấy, biết ai là kẻ tri âm: “Biết mai này ai còn với ta không/Để ngẫm ngợi chầm chậm chiều thu đến/Tìm tán phượng xanh soi kỷ niệm/Vì cội nguồn dâng hiến – sông trôi” (Chầm chậm sang thu); “Mai đi đâu về đâu/tìm nhau trong ký ức/cỏ may găm tím chiều/đêm vặn mình thao thức” (Vào thu). Ngay cả khi xuân về, khi mà trời đất, vạn vật náo nức hồi sinh, thì giờ đây, với ông sao chỉ thấy lạnh giá, hững hờ: “Tuổi giờ mỗi lần xuân đến/Không còn hồi hộp vu vơ” (Xuân đến). Thậm chí xuân kia chỉ làm cho lòng người thêm u sầu, nuối tiếc, chứa đầy mặc cảm tội lỗi: “Với xuân giờ là xám hối/Những gì u tối trong ta/Qua bao thăng trầm nghiệt ngã/Ai còn ai đã chia xa” (Xuân đến).

Điều đáng chú ý là, bài thơ Xuân đến nói trên được viết năm 1982, nghĩa là khi tác giả của nó mới bước sang tuổi mà người xưa gọi là “nhi bất hoặc”, nghĩa là không còn mê hoặc nữa, đã thấu những sự - lý trong thiên-hạ. Thời gian đã là chứng nhân cho những dự cảm đó của ông, bởi nỗi sầu cô quạnh kia trong ông cứ chất chứa, đong đầy; nó tích tụ, lắng đọng lại thành khối, thành hình, và đến một ngày nào đó, nhà thơ của chúng ra thấy mình như hóa đá, như nhập hồn vào cỏ cây hoang dại: “Sẽ tìm thấy mình trong đá/Thật phân minh cao cả thấp hèn/Mọi phẩm giá người đều hiển hiện/Không tô hồng, đánh bóng bôi đen” (Hòn đá); “Quên mình như cỏ cỏ ơi/Không cam thay số, đổi ngôi phụ tình/Nơi bờ bãi, chốn cung đình/Cỏ không chối bỏ phận mình dại hoang” (Lại nói về cỏ).

Biết làm sao? Khi người thơ muốn rút ruột, muốn dâng hiến tất cả những gì cao đẹp nhất cho đời, vậy mà, đáp lại thi nhân, xung quanh rặt những cạm bẫy bủa vây, xô lệch. Chén rượu xuân kia trở lên đắng ngắt: “Biết đâu ngọn gió ngà ngà/Đắm mình say khướt hồn hoa dày dày/Lời ru mềm cánh cò bay/Biết đâu cạm bẫy bủa vây phía người” (Biết đâu). Thương thay!

3. QUÊ HƯƠNG VÀ TÌNH CẢM GIA ĐÌNH

Thế nhưng, đọc Lâm Xuân Vi, ta sẽ thấy ông không dễ buông xuôi, phó mặc hay co mình lại trong nỗi sầu. Tấm lòng của ông với đời vẫn còn tha thiết lắm, mặn nồng lắm. Những mê mải trong ông vẫn còn nguyên đó, nó thôi thúc, quẫy đạp trong ông. Thực ra, cũng như bao người, trong những khoảnh khắc chán chường cõi thực lầm bụi, ông đã từng tìm đến với Phật, với Chúa, với Đấng cứu thế, với những Lão Tử, Trang Tử... ngõ hầu tìm lại những giá trị đã mất đi, để giải thoát, để mà tự tại, ung dung. Ấy là lúc ông “Vịn vào sắc sắc không không”, để “cầu xin thuyết luân hồi”, ông ước ao “Thánh ca tràn qua cõi tịnh” để mong “Đất trời hòa hợp khúc giao duyên”. Nhưng sự thật là, khi đắm mình trong cõi hư không, ông lại thấy hình bóng cuộc đời ngoài kia vẫn như đang vẫy gọi, đang giục giã, như trách móc, như hờn giận người thơ: “Trước Tam bảo còn ngổn ngang u uẩn/Sao lắng lòng giọt giọt chuông ngân” (Tự ngẫm). Ta hiểu cái sững sờ của ông trong Động Tiên là vậy: “Lạc chốn mơ màng say cõi tiên/Nhịp tim rạo rực gọi nhịp tim/Sững sờ ánh mắt tìm ánh mắt/Liệu mấy mươi xa mới tới Thiền?” (Động tiên). Thì ra cõi tịnh với cõi người đâu phải là tuyệt đối với nhau? Vậy nên nỗi cô đơn kia vẫn vẹn nguyên, vẫn còn đó. Làm sao để hóa giải sự đơn chiếc trong lòng người đây khi mà với ông, thời gian dường như sắp hết. Cảm thức thời gian giờ đây cháy lên trong ông thật mãnh liệt và cũng thật da diết: “Sáng chưa vịn lá vin cành/Đã chiều sương giăng vồi vội” (Sang canh)....

May thay, nguồn cảm hứng về Đất và Nước từ trong tâm thức, tiềm thức lại trỗi dậy, tiếp sức cho ông, đưa ông về với cuộc đời, giúp người thơ hồi sinh. Tôi muốn nói tới tình yêu quê hương và tình cảm gia đình – những xúc cảm mà theo tôi, luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho những tâm hồn đơn côi, lạnh giá trong văn chương nghệ thuật xưa nay. Lâm Xuân Vi cũng thế. Ngụp lặn trong dòng đời ngang trái kia, lúc nào trong ông cũng giữ hình ảnh của một vùng quê, nơi ông sinh ra, lớn lên mà hình ảnh đẹp nhất của nó, với ông, là phiên chợ chiều cuối năm: “Không một lời hẹn thề/Mà yêu mê da diết/Để đeo đẳng một đời/Phiên chợ chiều giáp Tết” (Chợ quê chiều cuối năm). Ông nâng niu, gìn giữ những kỷ niệm với quê hương đất mẹ như những gì quý báu nhất của một đời con người: “Cháo rau qua mấy kiếp nghèo/Ngọt chua ký ức níu theo một đời” (Vườn xưa). Ông nhắc lòng mình mà như một lời hứa chung tình với quê: “Dám đâu say chốn phồn hoa/Quên con sóng trước hiên nhà long đong” (Mùa lũ nhớ quê); Vùng quê nghèo ấy lắm khi hiện về khiến cho trái tim con người như thắt lại: “Xót lòng thương mẹ cha sinh/ Cháo sung chiu chắt sữa lành cho con/Lời ru ánh mắt mỏi mòn/Chìm vào vô vọng sóng cồn đồng chiêm” (Tìm lại tuổi thơ). Và trong khung cảnh ấy, ông dành cho người mẹ đã khuất của mình một tình cảm biết bao sâu nặng và cảm động...

 Hình như tôi đã đọc ở đâu đó rằng, nền văn hóa Việt Nam, trong  đó có văn học, là nền văn hóa âm tính, giống như tính cách của người đàn bà, thích sự ổn định và luôn hướng tới sự ổn định, người ta hay viết về người bà, người mẹ, người chị, người em gái, còn tình cảm thì thiên về thanh thoát, nhẹ nhàng, dịu dàng và cảm thông; hay nữa, văn học nghệ thuật của ta hiện nay càng ngày càng trở nên âm tính hơn. Nhưng tôi nghĩ, nếu có một dòng văn học dương tính nào đó, thì quyết không thể không dành cho hình ảnh người mẹ những tình cảm yêu thương nhất, trân trọng nhất, đẹp đẽ nhất. Nói như thế để thấy rằng Lâm Xuân Vi dành nhiều trang thơ viết về người mẹ của mình cũng là điều dễ hiểu. Ông bảo, những vần thơ viết về mẹ là những hình ảnh chân thực nhất về đấng sinh thành của mình, hình ảnh một người mẹ nghèo khó, oằn mình chấp chới vô vọng trong sóng lũ vì cuộc mưu sinh với trăm nỗi éo le: “Nỗi đau chất nặng khoang thuyền/Mẹ sinh con, lũ đồng chiêm cồn cào/Canh chày tiếng vạc nao nao/Lời ru như sóng tan vào mênh mông/Mẹ nghèo thân phận rêu rong/Xanh cho hoang dại tận lòng còn chi” (Mẹ). Người mẹ ấy luôn khắc khoải vì sự sống của những đứa con yêu cho đến khi nhắm mắt vẫn thổn thức vì con: “Kể chi phận mẹ long đong/Thương con nhắm mắt mà lòng chẳng yên” (Mẹ ơi) “Một đời sống chết vì con/ Giấc mơ cũng chịu héo mòn mẹ ơi” (Mẹ). Vậy nên kể từ khi mất mẹ, ông như con chim mất tổ, lạc bầy, ngơ ngác, bơ vơ trên cõi đời này: “Thoáng trong côi cút mẹ ơi/Con thành đứa trẻ lạc hồi mẹ xa” (Vườn xưa). Nhưng từ trong chân tâm, hình bóng người mẹ xưa có bao giờ nhạt phai đâu. Ông tìm về với vuông đất mẹ nằm, đắm mình trong âm hưởng lời ru năm nao, nép mình vào vong linh mẹ. Hơi ấm của khói hương hay hơi ấm của tình mẫu tử như đang vỗ về, che chở, đang an ủi cho tâm hồn người con đơn côi: “Lặng bên vuông đất mẹ nằm/Mơ hồ vin khói hương trầm lay bay/Run run ngọn cỏ lá cây/Con nghe giọng mẹ vơi đầy lời ru”. Và tôi hiểu, khi ấy không ai khác, chính hình ảnh người mẹ yêu thương đã tiếp sức cho ông trên con đường nghệ thuật mà ông đã chọn: “Mẹ thương con biết tâm thành nhang khói/Biết cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn” (Lời mẹ trong mơ).

Cổ nhân dạy: biết vọng mới chứng chân. Suy rộng ra, càng thấm thía những thiệt thòi, mất mát, đắng cay, con người ta càng thêm trân quý hạnh phúc của cuộc đời, dù đôi khi, hạnh phúc ấy chỉ rất khiêm nhường, nhỏ nhoi. Đọc Lâm Xuân Vi, tôi thấy, có lẽ những mất mát nhọc nhằn, may rủi của số phận càng khiến ông thêm yêu lắm, thương lắm, nâng niu lắm gia đình nhỏ của mình. Khi người vợ thân yêu bị ốm, ông viết những vần thơ thấm đẫm thương yêu, sẻ chia: “Sẽ không đủ chữ đủ câu/Để thơ nói hết nỗi đau đớn mình/Mong từ sâu thẳm tâm linh/Được chia sẻ bớt bệnh tình cho em” (Em ốm). Buổi con vào đại học ông thấy lòng rộn ràng theo mỗi bước chân con: “Bước con đi rạo rực lòng cha”; Phút chia tay người con gái nhỏ đi học ở nước ngoài, lòng ông cháy lên nỗi niềm người cha đầy phấp phỏng âu lo: “Xin thấu hiểu lòng tôi, nơi đất khách/Những khát khao trông ở nơi người/Đừng giá lạnh cũng đừng xa cách/Giữ ấm nồng hơi thở con tôi” (Lòng cha). Khi đã lên ông ngoại, ông nội mỗi lần ôm cháu vào lòng ông đều có thơ, vừa như là lời ru, vừa như lời dặn dò ân cần, tha thiết: “Tháng năm xa kỳ diệu/Ông vỗ ru thầm thì/Lời hoa thơm trái ngọt/Từ chập chững bước đi” (Thầm thì).

Đã có nhiều định nghĩa rất hay về quê hương. Riêng tôi thì thích thú với ý nghĩ rằng, với mỗi con người, quê hương vừa là nơi xuất phát vừa là chỗ để trở về, quê hương giống là chân tâm thường trụ của mỗi chúng ta – nói theo ngôn ngữ của nhà Phật -  nghĩa là nó không thực sự hiện hữu ở đâu nhưng không đâu không có, nó là bầu khí quyển nuôi dưỡng, nâng đỡ tâm hồn ta. Khi Lâm Xuân Vi tìm về chốn neo đậu ấy, tôi nghĩ ông đã cập bến bờ của hạnh phúc, của ung dung, tự tại, thanh thản và rỗng rang. Ông gọi đấy là ga cuối, sau bao nhiêu ga xép đoạn trường “Cỏ non rối rối, cành xuân bời bời”, nơi mà cuối cùng, ông đã nhận ra chân giá trị của thơ mình: “Ga cuối cùng anh đã có em/Là có cả mọi điều viên mãn/Anh sẽ hát cho lòng thanh thản/Để em tin tất cả mới bắt đầu” (Ga cuối). Vâng, tất cả lại bắt đầu vì ông đã trở về nơi xuất phát, và cũng bởi căn bệnh đa mang của người nghệ sỹ mà ông đã trót ngã vào: “Trời còn cho nói một câu/Vẫn xin nói lại lời đầu yêu em” (Day dứt).

                                                                                 Ninh Bình, 2016

 

 

Bài viết khác