Thứ bảy, 21/09/2024

Hướng đến một tư duy lý luận văn học "Động" và "Mở"

Thứ hai, 23/09/2019

HOÀNG ĐĂNG KHOA 

Không thể có một thứ lý luận văn học bao trùm, duy nhất cho mọi thời đại. Bởi, văn chương là một tiến trình không ngừng vận động và thay đổi.

Chính sự thay đổi này đặt ra những yêu cầu mới liên quan đến các phương pháp chiếm lĩnh văn chương, tạo nên sự cần thiết phải đổi mới tư duy lý luận văn học. Bất cứ định nghĩa và nỗ lực nhận diện văn chương nào cũng đều bất cập. Trước sự "trương nở" của văn chương nói chung và các thể loại văn chương nói riêng, một cách hành xử khôn ngoan là đa dạng hóa lý thuyết văn học, là để cho các lý thuyết đối thoại với nhau, là bảo lưu và phát triển những gì đúng đắn hiện có trong nền lý luận văn học của chúng ta và dần thải loại những gì không còn tương thích với thực tiễn văn chương nước nhà và thế giới, là không ngừng cập nhật, tiếp biến những hạt nhân lý luận văn học mới của nhân loại. Từ năm 1962, nhà ký hiệu học và nhà văn người Ý Umberto Eco đã nhận ra rằng, các khái niệm truyền thống không còn đủ để hiểu các tác phẩm văn chương, hội họa và âm nhạc của thời đại mới. Như vậy, tiếp nhận - phê bình cũng như nghiên cứu văn học chỉ có thể khởi sắc, khả hữu trên nền tảng những lý thuyết văn học mới, bởi một khi việc mô tả đối tượng thay đổi, thì cách tiếp cận đối tượng ấy sẽ thay đổi theo.

Nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng cho rằng, đời sống văn học Việt Nam hiện nay đang có một “độ vênh lệch đáng kể giữa một bên là thực tiễn sáng tác hết sức năng động, cởi mở với một bên là các lý thuyết nghệ thuật có phần đã trở nên xơ cứng, giáo điều máy móc và không còn hoàn toàn phù hợp”. Trước “độ vênh lệch đáng kể” như vậy, trước tính chất ngày càng “động” và “mở” của văn chương, không thể an tâm tiếp tục mãi một cách nhìn, một định nghĩa "tĩnh” và “đóng" về văn chương và thể loại văn chương được. Nhà bác học Prigogin nói: "Bài học thật sự của nguyên lý bổ sung hiển nhiên là tính chất phong phú của thực tại nó vượt ra ngoài mọi ngôn ngữ, mọi cấu trúc logic, mọi lý giải khái niệm". Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên thành thực: “Thực ra tôi chưa hiểu hết thơ đâu, tôi cũng có định nghĩa nhiều lần đấy, nói hẳn hoi, viết hẳn hoi. Nhưng lần này định nghĩa thì lần sau nắn lại, chỗ này định nghĩa thì chỗ khác bổ sung. Vẫn còn nghĩ tiếp, nghĩ tiếp mà”. Văn chương có trước định nghĩa. Văn chương vận động, thay đổi, lẽ nào định nghĩa văn chương bất động, bảo nguyên? Mấy mươi năm nay, các sáng tác thơ cách tân của Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, rồi tới thơ Tân hình thức Việt, thơ hậu hiện đại Việt (nổi đình đám là nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời) xuất hiện, làm bất an những định nghĩa về thơ trước đó tưởng đã được "đóng khung", "đông cứng". Chẳng hạn, sau Bến lạ của Đặng Đình Hưng, giới sáng tác, đặc biệt là tác giả trẻ đã dần kéo ngôn ngữ thơ đến gần với ngôn ngữ văn xuôi, dần thuyết phục công chúng, rằng thơ ngày nay không nhất thiết phải là những câu chữ mài giũa, nhịp nhàng, vần điệu như ngày xưa; từ đây, người ta bàn nhiều đến câu chuyện tương tác, xâm nhập thể loại. Hay sau thơ của nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời, một bộ phận công chúng không còn mặc định, rằng chữ của thơ phải là thứ chữ cao cấp, siêu-chữ, mỹ-chữ; từ đây, người ta hiểu, thơ không chỉ “ca hát” mà còn là phản tỉnh, và khi thơ nói về vấn đề trần trụi, gai góc thì cần thiết phải dùng đến một thứ chữ trần trụi, gai góc tương thích. Hay sau các thể nghiệm "thơ hình ảnh" của Tam Lệ, “thơ chữ cái" của Từ Huy, "thơ ngoài lời" của Dương Tường… thì một bộ phận công chúng không còn đinh ninh quan niệm, rằng thơ là đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ, thơ là tiếng lòng đi tìm tiếng lòng đồng điệu; từ đây người ta bao dung chấp nhận và bàn nhiều đến tính chất “trò chơi” của thơ…

 

Mỗi hình thức sáng tạo, thử nghiệm của văn chương đều là thành phẩm của một giai đoạn lịch sử cụ thể mà văn chương khởi sinh, văn chương thuộc về, và chỉ làm cho nghệ thuật văn chương trở nên phong phú, giàu có mà thôi. Lịch sử văn học được đặc trưng bởi sự năng động của các hình thức văn chương, tức là sự thay thế, bổ sung biện chứng của các hình thức.

Cái gọi là “giáo trình lý luận văn học” đang được dạy và học trong nhà trường hiện nay là được đúc kết, viết nên trên cơ sở những tác phẩm văn chương kinh điển được chọn lọc, nên đó là thứ lý luận thiếu tính cập nhật và bao quát. Văn chương không phải là một cái gì nhất thành bất biến. Nó là cái-đang-là, luôn ở thì hiện tại chưa hoàn thành. Việc tái định nghĩa phải được thực hiện chủ yếu thông qua các tác phẩm mang tính thử nghiệm được xem là thành công. Trong một nền văn học giàu có, gồm nhiều tác phẩm thành công, các định nghĩa được trừu xuất càng đa dạng thì đường biên của văn học càng được giãn nới.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định: “Quan niệm về văn chương nơi nhà văn và nơi bạn đọc ở thời điểm hôm nay dù sao cũng đã đổi khác khá nhiều so với vài mươi năm trước. Kinh nghiệm của đời sống và của văn chương tự nó đã giúp khắc phục khá nhiều điều giản đơn, ấu trĩ trước đây. Cái khó của lý luận “chuyên nghiệp” bây giờ chính là làm sao bám sát - hơn nữa, đi trước - cái ý thức văn học đang không ngừng phát triển ấy. Tôi nghĩ, nên xem đây là yêu cầu đối với bất cứ ý kiến nào được đề xuất trên lĩnh vực lý luận văn học trong sách báo của chúng ta hiện nay”. Không "đông cứng" lý thuyết, không đóng khung thể loại giúp cởi bỏ tâm lý giáo điều, định kiến, mặc định; tạo cho giới sáng tác một môi trường thuận lợi trong đó cái mới được đón đợi, cổ vũ; bảo đảm văn chương luôn là một cuộc hành trình tìm tòi và thử nghiệm liên tục, luôn là một chân trời vẫy gọi; giúp cho người đọc, nhà phê bình, nghiên cứu luôn đặt cách nhìn, hướng nhìn, tầm nhìn của mình về văn học ở “chế độ mở”.

Sức sống, tính năng động của một nền văn học nằm ở nhịp quy phạm hoá và giải quy phạm, ở nhịp định nghĩa và tái định nghĩa về văn học nói chung, thể loại văn học nói riêng. Tuy nhiên, đổi mới tư duy lý luận văn học phải đảm bảo tính logic khoa học, tính biện chứng khách quan, tính kế thừa phát triển, phải hài hoà giữa quan điểm lịch sử cụ thể và quan điểm toàn diện. Không thể phá dỡ cái khung lý luận cũ bằng cách vội vàng đóng khung lý luận mới. Đành rằng, không nên lấy tấm áo lý luận cũ, chật để phủ chụp lên cơ thể văn chương mới, đang không ngừng bung nở, nhưng cũng không nên chỉ vin bám vào thực tiễn sáng tác ngổn ngang, bộn bề hôm nay mà lưu kho tất thảy những thành tựu lý luận văn học hôm qua.

H.Đ.K

Bài viết khác