Thứ bảy, 21/09/2024

Văn nghệ sĩ Ninh Bình học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh

Thứ năm, 21/05/2020

NINH ĐỨC HẬU

  “… Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất/ trong lòng dân và trong trái tim nhân loại./ Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân/ cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam…” (Trích lời bài hát Bác Hồ một tình yêu bao la của nhạc sĩ Thuận Yến).

Không riêng gì người dân Việt Nam mà dường như trên khắp năm châu loài người tiến bộ đều ngưỡng mộ và kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả một đời, Người hy sinh vì Dân tộc, vì một nền Độc lập, Tự do cho đất nước. Cả cuộc đời, Người sống giản dị, thanh bạch, tận tuỵ luôn chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, Người mong muốn và đấu tranh cho nền độc lập tự do của đất nước. Người thực sự là tấm gương cho chúng ta và các thế hệ tiếp nối noi theo. Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 05- CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Ninh Bình đã chủ động, kịp thời xây dựng chương trình thực hiện với cách làm sáng tạo của văn nghệ sĩ. Một trong những kế hoạch là tiếp tục, khuyến khích, phát động phong trào các văn nghệ sĩ  sáng tác theo đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cùng với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong toàn tỉnh, đội ngũ sáng tạo VHNT của Hội, cũng đã tạo được sự chuyển biến tích cực ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác, mang lại hiệu quả thiết thực.   

Ở chuyên ngành Mỹ thuật - các hoạ sĩ tìm tòi cách thể hiện sinh động, bám sát, bám chắc vào chủ đề. Nhiều tác phẩm mỹ thuật, trên nhiều thể loại, chất liệu, đã được sáng tác, được trưng bày tại các cuộc triển lãm mỹ thuật. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Văn đã tạc hàng chục tác phẩm về Bác. Hoạ sĩ Anh Đức, Đào Công Huân, Phan Dư, Đinh Đức Hưng, Bùi Thanh Liêm, Nguyễn Trọng Văn, Kim Đức Thạo… Có những tác phẩm tranh sơn dầu, bột màu… vẽ Bác. Đặc biệt ở mảng tranh cổ động, nhằm tuyên truyền, biểu dương những tấm gương, việc làm trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được hầu hết các hoạ sĩ sáng tác và tất cả các tác phẩm đều có chất lượng tốt. Tiêu biểu là hoạ sĩ Phúc Khôi, đã sáng tác hơn một trăm tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các nghệ sĩ Nhiếp ảnh đi thực tế vào hết các địa phương trong tỉnh. Bám sát muôn mặt cuộc sống, phản ánh trung thực những việc làm, những hành động của nhân dân, của lực lượng vũ trang, của doanh nghiệp… trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhiều tác phẩm của các tác giả Vũ Đức Phương, Bùi Duy Tư, Bình Nguyên, Ninh Mạnh Thắng, Phạm Tuấn Phương, Nguyễn Minh Tuyền, Nắng Thu….. đã được chọn treo tại các cuộc Triển lãm của Trung ương, địa phương. Đặc biệt, NSNA Vũ Đức Phương, NSNA Đồng Tiệp Khắc và NSNA Đinh Ngọc Khánh đã giành được giải thưởng của Ban tuyên giáo Trung ương.

Đoàn văn nghệ sĩ Ninh Bình đi thực tế sáng tác tại Hà Giang    Ảnh: MINH TUYỀN

Các tác giả, nghệ sĩ ở bộ môn Sân khấu cũng đã có những tác phẩm, vai diễn về Bác Hồ để lại ấn tượng sâu sắc. Đó là tác giả An Viết Đàm có vở “Bác Hồ về Ninh Bình” tái hiện những hình ảnh sinh động về lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự và chủ trì Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan. NSƯT Lý Thanh Kha đã thể hiện xuất sắc hình tượng Bác Hồ trong một số vở diễn. NSND Mai Thuỷ và một số nghệ sĩ diễn viên đã biểu diễn thành công nhiều thể loại như chèo, hát văn, hát xẩm, ngâm thơ… những tác phẩm về Bác Hồ.

Ở chuyên ngành Âm nhạc, tác giả Ninh Mạnh Thắng đã sáng tác ca khúc “Ninh Bình nhớ Bác”. Ca khúc giành giải khuyến khích viết về đề tài “Đất và Người Quân khu III”, và đã được biểu diễn mở đầu trong chương trình: “Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (18/10/1959 – 18/10/2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh tổ chức. Nhạc sĩ Mai Công Thắng có những ca khúc “Hoa khoai sân nhà Bác” - phổ thơ Lâm Xuân Vi và “Bác Hồ về quê chống hạn” giành được giải A, Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tác giả Lê Đăng Khoa hoàn thành các ca khúc “Thành phố nhớ Bác” và  “Lên Cao Bằng càng thêm nhớ Bác”, 2 ca khúc này thường xuyên được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Phát thanh, Truyền hình một số địa phương. Vài năm trở lại đây, mỗi dịp Hội VHNT tổ chức Ngày thơ Việt Nam, người yêu thơ lại được nghe giọng hát Quế Anh với ca khúc “Nguyên tiêu”, phổ nhạc bài thơ của Bác và ca khúc “Vào lăng viếng Bác” của nhạc sĩ Vũ Xuân. Nhạc sĩ Hà Ân sáng tác bài hát “Làng Sen quê Bác”, các nhạc sĩ Tương Lai, Lã Chí Kỳ, Chí Linh… cũng đều có tác phẩm viết về Bác.

Phản ánh kịp thời những con người với những việc làm cụ thể trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” các tác giả ở bộ môn văn xuôi, đã có nhiều bài ký, ghi chép, phản ánh trung thực sinh động những gương người tốt, việc tốt, trong muôn mặt cuộc sống. Nhà văn Đinh Ngọc Lâm có bài “Màu áo lính lại xanh đồng bãi”. Tác giả Nguyễn Đăng Trình, có bài “Với Chủ tịch quỹ tín dụng Bắc Sơn”. Ninh Đức Hậu bài “Cần mẫn như con ong làm mật”, Thanh Thản bài “Người cựu chiến binh dòng họ”. “Người thương binh làm giàu trên chính quê mình”  là bài viết của Nguyễn Thị Bình. Tác giả Đỗ Văn chuyến có 2 bài “Con người của công việc” và “Đinh Đức Bình, anh vẫn là người lính” Tác giả Đinh Hữu Niên có bài “Với người thương binh nặng Mai Văn Đạt”. “Còn sức còn lao động” là bài viết của tác giả Bùi Hằng… Những nhân vật được các tác giả viết trong bài đều là những con người cụ thể, họ đang say mê xây dựng quê hương Ninh Bình ngày một giàu đẹp, họ sống làm việc vì cộng đồng, họ là những người luôn “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bộ môn thơ là chuyên ngành có nhiều tác phẩm viết về Bác hơn cả. Trong bài viết này, chúng tôi xin được cảm nhận một số tác phẩm thơ, được viết lên từ nguồn cảm xúc thiêng liêng của các tác giả với Bác Hồ kính yêu.

Nhà thơ Bình Nguyên với chùm 3 bài thơ “Lời người cha”, “Bác Hồ đến thuỷ điện Sơn La” và “Người sinh ra cổ tích” đã giành được giải nhất, cuộc thi thơ về đề tài Bác Hồ, do báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Trong bài thơ “Lời Người cha”, có những câu: “… Mỗi bông lúa chín rồi lại hướng về cội rễ/ Bởi ở sâu trong cội rễ kia/ Là hạt gạo Bác Hồ/ Người đã bớt từ khẩu phần đạm bạc/ Ngày ngày dành dụm cho dân…”. Thật rưng rưng cảm động trước một việc làm của Bác. Những ngày mới thành lập nước, trong lúc đất nước khó khăn, người dân còn thiếu ăn, nạn đói vẫn rình rập, là Chủ tịch nước, mà khẩu phần ăn của Bác vẫn rất đạm bạc, tuy nhiên mỗi bữa ăn Người đều bớt lại một phần gạo dành để cho dân. Một phần gạo, hẳn là cũng chẳng nhiều, thế nhưng đó lại là lòng yêu thương đồng bào của Bác mênh mông nhường nào.

Một lần về thăm nhà Bác ở Làng Sen, nhà thơ Lâm Xuân Vi đã bần thần, rung động trước “Những vồng khoai trước sân giờ xanh mướt”. Tại sao lại là vồng khoai chứ không là mảnh vườn rực rỡ muôn sắc hoa. Và bài thơ “Hoa khoai sân nhà Bác” ra đời như một câu chuyện, giản dị thôi nhưng toát lên được tính cách vĩ nhân của một con người. “Nơi vườn hoa năm trước Bác về/ Người dặn lại: Nét đẹp cần phải lẽ/ Dân còn nghèo, “hoa khoai” ấm tình quê.” Dân còn nghèo, phải thực tế, dù là nơi di tích lịch sử của một Chủ tịch nước, cũng không nên lãng phí đất đai. Thay hoa bằng khoai. Khoai cũng có hoa, mà lại còn có củ nữa. Củ khoai nuôi sống con người. Bác của chúng ta là thế đấy, tinh tế và chi tiết đến cụ thể. “Giành cho dân non sông đất nước/ Không nhận hoa trồng trước nhà mình/ Vẫn biết lòng cháu con thành kính/ Bác khước từ mọi lẽ tôn vinh…”

Nhà thơ Nguyễn Thị Bình, khi còn là giảng viên trường Đại học Hoa Lư, một lần cùng các sinh viên về quê Bác, cũng nghẹn ngào rung cảm, bâng khuâng trước cảnh vật nơi làng Sen huyền thoại này. Từ nguồn cảm xúc ấy nhà thơ có bài “Về thăm quê Bác”. Nhìn cảnh vật, đặc biệt là căn nhà đơn sơ và những kỷ vật thân thuộc gắn với thời ấu thơ của Bác, tác giả như thấy hình bóng gần gũi thân thương của Bác như vẫn hiện diện nơi đây: “Ngõ quê còn ấm chân Người/ Con nghe vọng tiếng ru hời ngày xưa/ Nhà tranh vách đất đơn sơ/ Quê nghèo thắp sáng ước mơ Bác Hồ”. Theo dòng cảm xúc ấy lời thơ xúc động khi nhắc đến công ơn trời biển của Bác Hồ - Người đã vượt qua muôn trùng khó khăn gian khổ tìm đường cứu dân cứu nước, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, xứng đáng với trang sử vẻ vang của nước nhà. Bài thơ là tấm lòng tôn kính biết ơn với Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc. Câu kết bài thơ là ý chí quyết tâm của người dân Việt Nam, là lời hứa bước theo con đường của Bác đã đi.

Sinh thời Bác Hồ 5 lần về thăm Ninh Bình. Lần thăm nào của Người cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng dân Cố đô Hoa Lư. Ngày 15 tháng 3 năm 1959, Bác về xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, động viên nhân dân chống hạn cứu lúa. Nhà thơ Thanh Thản đã khắc họa lại ngày tháng lịch sử đó bằng những vần thơ chân chất dung dị trong bài thơ “Bác về chống hạn cùng dân”. Trước những hình ảnh, Bác sắn quần, Bác lội đồng, Bác đứng một đầu ở gầu dây, Bác một mình tát nước bằng gầu sòng… nhà thơ viết: “Nước dâng cuộn mát từng dòng/ Mồ hôi Bác nhỏ thấm đồng lúa xanh…”. Lúc cùng người dân tát nước chống hạn trên đồng, Bác của chúng ta chẳng khác nào một người nông dân thực thụ. Người nông dân thật vĩ đại vì “Gàu nước của Bác mát nghìn năm sau” để hôm nay và mãi mãi về sau nữa, chúng ta và con cháu chúng ta “Ngắm đồng lúa biếc xanh màu/ Con như thấy Bác chao gầu nước trong…”. Viết về Bác Hồ, với nhà thơ Thanh Thản dường như có nguồn cảm hứng bất tận. Từ ngày là anh bộ đội ở chiến trường miền Đông Nam bộ, đến khi trở về làm thầy giáo đứng trên bục giảng, rồi trở thành cán bộ quản lý VHNT, nhà thơ Thanh Thản luôn có thơ viết về Bác. Tiêu biểu như các bài “Sổ tiết kiệm của Bác”, “Tết Bác Hồ”… được in ấn giới thiệu trên nhiều sách báo.

 Năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020). Ngày ấy, anh lính trẻ Trần Duy Đới đang cùng  Binh đoàn Quyết Thắng là một trong những mũi nhọn tấn công thần tốc vào giải phóng Sài Gòn. Sau này nhà thơ Trần Duy Đới nhớ lại và viết trường ca “Binh đoàn ra trận”. Trong chương IV của trường ca, có tựa đề “Ngày vui có Bác”. Bài thơ đưa chúng ta về những ngày tháng trọn niềm vui. Khi chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập đó chính là thời khắc cả Sài Gòn là của cờ và hoa “Vui bất tận tràn ngập đường phố…” Trong niềm vui vô bờ bến ấy, không ai bảo ai, đồng bào và chiến sĩ đều có “Một nỗi nhớ khôn nguôi/ Nỗi nhớ Bác Hồ/ Đồng chí/ Đồng bào/ Mở lồng ngực hát to “Như có Bác hồ trong ngày vui đại thắng”/ Hát bằng trái tim tình yêu/ Việt Nam – Hồ Chí Minh…” Cũng như những người lính ngày ấy, giờ đây mỗi người làm thơ, hay hát ca về Bác, bao giờ cũng luôn viết bằng trái tim tình yêu.

Nhà thơ Đinh Hữu Niên trong bài thơ “Người công dân vĩ đại” đã viết: “Hành tinh này chỉ có một vầng trăng/ Hành tinh này chỉ có một mặt trời/ Mặt trời trong lăng/ Vầng trăng trong lăng/ Ngày và đêm/ Sáng soi hình chữ S…” Với nhà thơ, Bác Hồ là vầng trăng soi sáng ban đêm, mặt trời rực rỡ ban ngày. Bác là người mang lại ánh sáng cho đất nước. Đất nước ta qua bao lầm than tăm tối, hết bọn phong kiến, đến thực dân đế quốc giày xéo, chà đạp, người dân sống cảnh nô lệ lầm than. Và chỉ khi có Đảng có Bác cuộc đời mới được đổi thay.

Bài thơ “Xuân vọng tiếng người” của nhà thơ Đặng Ái Thi, ghi lại cảm xúc của nhà thơ khi một lần vào lăng viếng Bác đúng độ xuân sang tết đến. Nhà thơ không kìm nén nổi cảm xúc nhớ thương Bác, và nhà thơ cũng như muốn thưa với Bác về sự đổi thay của đất nước: “… Dòng hoa hôm sớm vào lăng viếng/ Rớm hạt sương mai ngậm ánh ngày…/ Phù sa tuôn chảy nảy sinh mười/ Căn nhà mẹ khó vừa lên ngói/ Điện sáng vùng cao phố lấn đồi…” rồi nhà thơ mong muốn: “Xin Bác yên lòng nghỉ thảnh thơi…”. Bác ơi sự nghiệp của Bác, mong muốn của Bác đối với đất nước đối với đồng bào, chúng con sẽ tiếp nối, đồng lòng xây dựng Tổ quốc hùng cường, nhân dân hạnh phúc ấm no.

Mỗi lần vào lăng viếng Bác, chúng ta như muốn thưa với Bác thật nhiều, những việc ta đã làm được và cả những trăn trở, tự vấn tâm can.  Nhà thơ Trần Quang Hiển ngắm nhìn Bác mà lòng xốn xang: “… Vẫn vầng trán bầu trời/ Vẫn chòm râu tóc bạc/ Mây sà bên thang gác/ Phép nhiệm màu bao dung/ Con thẫn thờ ấp úng/ Soi đời mình trắng trong/ Tiếng tơ lòng sâu thẳm/ Ngoài trời xanh mênh mông…” (Vào lăng viếng Bác).

Chủ tịch Hồ chí Minh vĩ đại, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành tượng đài trong lòng người dân nước Việt. Bởi vì tượng đài Hồ Chí Minh được tạc lên từ lịch sử. Nhà thơ Hoàng Lợi viết trong bài thơ “Tượng Bác ở Hoà Bình”: “Bác mượn ánh sáng vầng trăng/ Khắc câu thơ độc lập/ Dân tộc/ Lừng lẫy lịch sử Việt Nam/ Tạc nên tượng Bác…”

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Từ mạch cảm xúc thiêng liêng đó nhà thơ Lâm Xuân Vi đã viết bài thơ “Thiên Di chúc”: “Năm năm Người viết Thiên Di chúc/ Từ tinh hoa dân tộc ngàn năm/ Vốn kim cổ đông tây sống động/ Tình thương dân yêu nước tận lòng/ Di chúc – áng hùng văn trác Việt/ Có máu xương tiên liệt ngàn đời/ Đã hoà cùng khí thiêng sông núi/ Tự mạch nguồn linh hướng sinh sôi/ Đời nối đời cháu con gìn giữ/ Học làm theo nghìn chữ ngời ngời/ Giàu khát vọng Việt Nam vươn tới/ Thiên đường tròn mười chữ Bác ơi!

Năm nay kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ, một con người có lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, một con người trí tuệ minh triết, nghị lực kiên cường, tinh thần lạc quan Cách mạng và lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh của toàn dân tộc. Bác Hồ là tấm gương đạo đức sáng ngời, mà mỗi chúng ta đều phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

 

N.Đ.H

(Nguồn: VNNB238/5-2020)

 

Bài viết khác