Thứ bảy, 21/09/2024

Xung quanh thể tài chân dung văn học

Thứ tư, 25/03/2020

LẠI NGUYÊN ÂN

Trên sách báo, ta hay thấy nói đến chân dung văn học, coi như một thể tài.

Không rõ những căn cứ gợi ý là từ đâu − từ một vài quyển sách dịch của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới gần đây (Các nhà văn Xô-viết, 1982; Chân dung văn học, 1983; Một mình với mùa thu, 1984) và của nhà xuất bản Văn Học từ vài chục năm trước (Bông hồng vàng; Gorki bàn về văn học, v.v…) hay từ những nguồn nào khác nữa?

Có một sự thực là ít lâu nay, cái từ chân dung gần như đang thành mốt. Trong ngôn ngữ phê bình đã đành (ở đây, xin thú thật, người viết những dòng này cũng có góp một phần vào sự lạm phát từ chân dung), lại còn cả trong ngôn ngữ thơ. Từ cửa mở đến bộc phá viên - Khoảng cách ấy là chân dung tự họa  không dễ mà hiểu được cách nói lạ này. Chẳng hiểu sao các từ "tác giả", "tiểu sử"… lại đang bị thay bằng "gương mặt", "vẻ mặt" và sau đó, "chân dung"? Song le, có thể cho mọi chuyện này là bình thường nếu chấp nhận cái lẽ thường của việc đổi kiểu cổ áo lá sen hồi nào thành… không biết là những kiểu gì, hôm nay.

Nhưng nếu các từ mốt, giống như các bộ cánh mốt, có thể được nhìn nhận một cách không cần quá nghiêm khắc, thì thái độ nghiêm chỉnh lại là cần khi nói đến những ranh giới phân biệt một thể tài văn học.

 Cần phân giới thế nào để không quá dễ dãi trong cách hiểu thể tài chân dung văn học?

Chân dung − có lẽ là mượn hoặc nhờ gợi ý bởi hội họa, bởi nhiếp ảnh. Nó cốt cho thấy cái mặt người. Nhưng không phải cú bấm máy nào cũng đem lại một "chân dung" tốt, cho nên cần đến sự tư duy, nhận xét, quan sát của người bấm máy về chất người, kiểu người mình chụp, để chọn thời điểm và tư thế tốt nhất, để so đọ với đối tượng thật, để định giá sản phẩm do kỹ thuật tạo ra. Cho nên ý niệm "chân dung" ngoại hình lại cần tương ứng với "chân dung" bên trong, chân dung tinh thần − cái phần mà trách nhiệm là thuộc hẳn về người sáng tác (dẫu là người chụp ảnh) chứ không thuộc kỹ thuật… Phải chăng là trên lẽ này đã nảy ra khả năng làm "chân dung văn học" − lấy ngôn từ để vẽ một con người, và đây thường lại là một nhà văn?

 Không phải một tập hợp những thông số nhân dạng − vốn là cần cho người theo dõi hình sự, người nghiên cứu nhân chủng và dân tộc học, − cái được tạo ra bằng ngôn từ ở đây, theo "điều luật" của một thể tài đang hình thành, phải là một cái gì tương tự như chân dung, đồng thời phải là văn học, tôi nghĩ thế.

Nhưng cái thể tài văn học còn hơi hiếm này lại phải chen chân với những thể tài viết về văn học: tôi muốn nói các loại bài báo hoặc công trình phê bình, nghiên cứu mà đối tượng là một tác giả, một nhà văn, một nhà thơ... Tác giả là một đơn vị đích thực của văn học thành văn, cho nên đó cũng là một phạm trù bền vững trong phê bình và nghiên cứu văn học. Tác giả tất nhiên là một con người, với "gương mặt", "vẻ mặt", "chân dung" của mình. Nhưng trong phê bình và nhất là nghiên cứu văn học, tác giả  đó chủ yếu lại là đặc điểm sáng tác của anh ta, đặc điểm cái thế giới nghệ thuật do anh ta tạo ra trong các tác phẩm của mình. Phê bình và nghiên cứu sẽ chủ yếu dựa vào tác phẩm của tác giả ấy chứ không phải các chi tiết rườm rà về tiểu sử, sinh hoạt, cá tính, hình thể. Phương thức được vận dụng chủ yếu ở đây sẽ là phân tích và khái quát hóa. Đành rằng đối với nhà phê bình và nhà nghiên cứu, sự diễn đạt sáng sủa, sinh động là cần thiết, nhưng xu hướng "văn chương hóa" lại là một thái cực nên kiêng. Trong cái "nghiêm" của mình, nghiên cứu vẫn có thể gây được sự chú ý, sự hấp dẫn, do nội dung ý kiến phân tích, khái quát.

 Từ cách hiểu vừa nêu, nhìn vào một số cuốn sách phê bình và nghiên cứu mới ra mắt gần đây, tôi nghĩ nên coi là thuộc loại công trình nghiên cứu và phê bình tác giả những cuốn sách như Nhà văn Việt Nam (tập I và II) của Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức, Nhà văn, tư tưởng và phong cách của Nguyễn Đăng Mạnh, Gương mặt còn lại: Nguyễn Thi của Nhị Ca, Thơ - những gương mặt của Thiếu Mai, Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam của Nguyễn Huệ Chi, v.v… Trong số những cuốn sách vừa kể, dù có cuốn đã đặt các từ "gương mặt", "vẻ mặt" vào tên sách, nhưng nội dung và cách viết vẫn cho thấy rõ đấy không phải những chân dung văn học. Và câu chuyện đang bàn ở đây là phân biệt về thể tài chứ không phải là đánh giá chất lượng sách.

Chân dung văn học phải chen chân với loại công trình  nghiên cứu và phê bình là vì nó cũng nhằm vào tác giả. Có điều, nó sẽ miêu tả tác giả không chỉ thông qua tác phẩm mà phần nhiều còn trực tiếp thông qua các chi tiết thuộc tiểu sử tác giả, thông qua con người thật của tác giả trong những ứng xử, nói năng, xúc tiếp cụ thể; nó chủ yếu vẽ ra tác giả ấy như một con người sống, giống như cách miêu tả nhân vật trong văn học, dù không quên rằng "nhân vật" ấy chủ yếu làm văn nghệ − viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn kịch… Tất nhiên làm triệt để theo hướng này thì cái viết ra sẽ rất gần thể truyện, và nếu như vậy thì ranh giới giữa chân dung văn học với nghiên cứu và phê bình tác giả cũng sẽ rạch ròi. Song le, thực tế của sự viết lách lại lắm điều oái oăm: không phải những gì ở bên trong các tác phẩm thi cứ phải nằm ngoài giới hạn của chân dung văn học; cũng như thế, không phải những gì ở bên ngoài các tác phẩm thì cứ phải tuyệt đối bất cập với nghiên cứu và phê bình. Ngoài ra, ở những tác phẩm mà ta dễ nhất trí thừa nhận là chân dung văn học cũng còn chỗ khá rộng cho sự phân tích, nhận định, đánh giá của người viết về tác giả ấy, cho sự cảm thụ các tác phẩm của tác giả ấy. Thành thử, có thể nghĩ chân dung văn học là chỗ cho phép tụ hội cả văn tự sự lẫn văn phân tích bình luận. Thể "tùy bút" là cái tạng có thể chấp nhận được của nó: đây là thứ tùy bút văn học viết về con người sáng tạo văn nghệ, văn hóa, về con người và tác phẩm của anh ta.

 Một nét đặc sắc và rất cần cho chân dung văn học chính là chất văn học của nó. Người viết ở đây cần xuất hiện với tư cách một nhà văn, in cái nhìn, cách cảm thụ và đánh giá cùng sự diễn đạt của nhà văn. Đây là nét hơi tinh tế, không phải bất cứ độc giả nào cũng thấy ngay, nhưng có lẽ là nét cốt yếu khiến cho chân dung văn học đúng là văn học, có chỗ đứng trong văn học.

 Một loạt chân dung văn học do André Maurois (1885-1967) viết về các nhà văn Pháp, từ Montaigne đến L. Aragon cho thấy đó là văn học. Hoặc nữa, trong số các sách dịch dẫn trên mà hẳn chúng ta đã đọc, những chân dung do M.Gorki viết về L.Tolstoi, Chekhov, Essenin, hoặc do Stephan Zweig (1881-19942) viết về Balzac, Dickens, Byron…, hoặc do Ehrenburg, Paoustovski viết về nhiều nhà văn và nghệ sĩ cùng thời − đều cho thấy đó là văn học. Ở ta, dù còn thưa thớt, vẫn có thể kể những chân dung do Nguyễn Đình Thi viết về Nam Cao và Trần Đăng, do Nguyễn Tuân viết về Nguyễn Huy Tưởng và Nguyên Hồng, do Nguyễn Đức Bính viết về Hồ Xuân Hương và Ngô Tất Tố…

 Chính là chất văn học đã cho phép thể tài chân dung được phóng túng nhiều hơn so với lối viết tiểu sử hoặc nghiên cứu một tác giả. Các thể tài phê bình vốn đã ít gò bó so với các thể tài nghiên cứu. Chân dung văn học, hơn một mức nữa, còn có thể phóng túng. Với các tác giả cùng thời hoặc không xa cách nhiều về niên đại, người viết chân dung văn học tất nhiên không thể tùy tiện, ví dụ không thể dựng ra những sự kiện "tày đình" mà ai cũng biết là không có thật trong đời tác giả ấy. Nhưng với những tác giả thuộc một quá khứ xa, không còn lưu lại các chi tiết tiểu sử gì nhiều ngoài các tác phẩm, thì việc dựng chân dung có khi lại được phép phát huy "quyền hư cấu" ở một mức nào đấy, cốt sao phù hợp với cái nhìn và cách hình dung của người viết về tác giả ấy. Và cũng tất nhiên, việc vẽ mới lại chân dung một người không ai biết thật rõ − đó là việc không phải bao giờ cũng dễ được chấp nhận. Chúng ta hẳn còn nhớ vài chục năm trước, khi cái cách hình dung Hồ Xuân Hương trong dáng dấp một cô thôn nữ "xắn quần lội qua ao…" được đưa ra và có không ít bạn đọc tán thưởng thì cũng có những lời trách cứ, chê bai là "bịa đặt" quá đáng. Ở trường hợp này, "bịa" là chuyện khó tránh. Nhưng điều muốn lưu ý là ở khía cạnh thể tài: nhà nghiên cứu càng phản bác cách hình dung nói trên thì càng tỏ rõ đấy là chân dung văn học chứ không phải là một công trình nghiên cứu về tác giả, − cái mà người trách cứ có lẽ đã đòi hỏi. Nhưng sự hư cấu ở đó tiếng vậy cũng chưa phải đã đi quá xa. Mới đây, trên tuần báo Văn nghệ, bạn đọc được biết một sự hư cấu còn táo bạo hơn. Ấy là truyện ngắn huyễn tưởng mang tính chất chân dung của nữ văn sĩ Đức Anna Seghers, Cuộc gặp gỡ kỳ lạ, trong đó ba nhà văn khá chênh lệch về niên đại, và sinh thời không thể quen biết nhau − Hoffmann (Đức), Gogol (Nga) và Kafka (Tiệp) − đã gặp nhau trò chuyện tại một quán cà phê ở Praha.

 Chân dung văn học là thể tài còn đang hình thành, quan niệm về nó còn khá co giãn ở từng người viết khác nhau, cho nên khó mà có ngay một sự "tổng kết". Bộ sách Bách khoa văn học giản lược của Liên Xô gồm chín tập với gần chục ngàn trang khổ lớn 20x26 cm cũng chỉ dành cho chân dung văn học cả thảy 12 dòng, chưa thành một mục riêng mà chỉ ghép chung trong mục Chân dung trong văn học: "Một loại bút ký mang tính chất tư liệu, viết về nhà văn, họa sĩ, nhà hoạt động xã hội xuất chúng, v.v.. xây dựng trên cơ sở trò chuyện với "nhân vật" đó. Chân dung văn học hướng vào việc dựng lại diện mạo toàn vẹn (hình thể, tinh thần, sáng tác…) của nhân vật hoặc hướng vào việc khám phá nét chủ đạo của cuộc đời "nhân vật" ấy, có khi qua một lát cắt thời gian nhất định". Để lấy ví dụ trong văn học viết bằng tiếng Nga cho mấy nét "định nghĩa" nêu trên, người ta nêu ba chân dung Gorki viết về L.Tolstoi, Chekhov, Essenin, các chân dung A.V. Chukovski viết về Andrei Belyi.

 Như thế, về thể tài này, sự khái quát lý thuyết vẫn còn khá ít ỏi. Xung quanh nó chắc chắn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng cái chính vẫn là ở thực tế sáng tác, tức là những tác phẩm chân dung văn học đã và sẽ được viết ra. Đấy mới là cơ sở cụ thể để bàn đến lý thuyết về thể tài này.

Dựng thành công chân dung văn học về một nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… − đó không phải là chuyện dễ. Đấy vừa là kết quả của việc "đọc" sáng tác của người ấy, lại vừa là kết quả của việc "đọc" trực tiếp vào cuộc đời và sự nghiệp, quan niệm và hoạt động của bản thân người ấy. Bản thân việc dựng một chân dung, về thực chất cũng bao hàm sự lý giải về một nghệ sĩ, sự đánh giá vị trí và vai trò của con người đó trong một nền văn nghệ. Nghĩa là trong chiều sâu, nó không kém "nghiêm ngặt" so với yêu cầu đặt ra trong nghiên cứu, phê bình, ấy là chưa nói đến tính hình tượng và sự cảm thụ trong ngôn từ. Có lẽ vì lường trước được cái khó ấy cho nên nhiều bài viết về các nhà văn trên báo chí văn học Liên Xô thường chỉ thấy đặt trong một đề mục khiêm tốn và áng chừng là Những nét phác hoạ cho một chân dung. Khá nhiều bài dịch trong tập Các nhà văn Xô-viết (Nxb. Tác phẩm mới) là thuộc trong số này. Ở một mức còn sòng phẳng hơn, khá nhiều bài kể lại các cuộc trò chuyện với nhà văn về các đoạn đời văn của họ đã không có tham vọng là chân dung văn học, cũng như khá nhiều thiên chuyên khảo về tác giả đã hoàn toàn không có dụng ý can dự vào thể tài đó. Điều này cũng là dễ hiểu: bộ mặt thể tài trong sáng tác văn học cũng đa dạng như trong nghiên cứu, phê bình. Và thành công chắc chắn trong một thể tài "cũ" không khi nào lại ít giá trị so với những gì "làng nhàng" trong một thể tài được tiếng là "mới", là "mốt". Ấy là chưa nói đến sự mạo nhận về thể tài (thực chất quyển sách thuộc thể tài này bị coi là thuộc thể tài khác).

 Một lý do cuối cùng, có khi lại là quan trọng nhất: vì thể tài chúng ta đang bàn là khá mới, nhất là trong sách báo của ta, cho nên cần có sự thật trọng trong giới những người viết điểm sách: đừng tuỳ tiện gán là chân dung văn học cho những cuốn sách, bài viết không thuộc thể tài ấy. Hơn ở đâu hết, trí óc độc giả chúng ta về phương diện này còn rất gần với tờ giấy trắng. Không nên ghi lên đó dù chỉ một ký hiệu nhận dạng sai. Sửa được một cái sai đã thành nếp quen sẽ là việc cực khó.

Để cho đời sống văn học sinh động và năng động hơn, thiết tưởng các tạp chí và sách văn học cần tăng thêm các loại bài viết về nhà văn, về hoạt động xã hội và hoạt động nghề nghiệp của họ. Có thể ở dạng chân dung, có thể ở dạng phác thảo, cũng có thể ở dạng các bài viết thông tin thường nhật, phỏng vấn, trò chuyện với họ. Điều đó sẽ giúp mở rộng hiểu biết của người đọc về văn học, về lao động của người làm văn học. Và khi ấy, có thể các loại bài viết không định nhập vào thể chân dung lại làm hình thành ở người đọc những chân dung − chân dung đơn, chân dung nhóm, chân dung cả giới những người làm văn học hôm qua, hôm nay và cả ngày mai.

  1/11/1984

Nguồn: Tuần báo “Văn nghệ” số 49 (01/12/1984)

Bài viết khác