DIỆP CHI
Tối 27/3, tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình (1822 - 2022) và 30 năm tái lập tỉnh (01/4/1992 - 01/4/2022).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình. Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, một số tỉnh, thành phố, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân tỉnh Ninh Bình
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trình bày diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng của chặng đường vẻ vang đã qua. đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được sau 30 năm đổi mới trên mảnh đất Cố đô ngàn năm lịch sử. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về dự và phát biểu chỉ đạo, đồng thời thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ lĩnh hội toàn diện, quán triệt sâu sắc và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả những chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư để xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững, ngày càng giàu đẹp.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, sau phần lễ đã diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh với chủ đề "Một vùng non nước Ninh Bình" do NSƯT Khánh Toàn xây dựng kịch bản và tổng đạo diễn, NSƯT Mạnh Tiến đạo diễn âm nhạc, NSND Hồng Phong tổng biên đạo. Chương trình có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, nhạc công đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trung ương và Nhà hát Chèo Ninh Bình tiêu biểu như: biên đạo NSND Hồng Phong, Mai Lan, Phương Linh, Mạnh Thắng, Thuỳ Linh, Ngọc Việt, Hoàng Long, Hồng Thái; biểu diễn NSND Mai Thuỷ, NSƯT Phương Thảo, NSƯT Thanh Thanh Hiền, ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn, Quánh Mai Thy, Đông Hùng, Bảo Trâm, Thu Thuỷ, Minh Quân, Rapper Quang Đạt, Nhóm Dòng Thời gian…
Chương trình nghệ thuật diễn ra xuyên suốt 60 phút, gồm 3 chương: Ninh Bình - theo dấu chân lịch sử; 30 mùa xuân đổi mới; Ninh Bình - rạng rỡ tương lai. Với 10 tiết mục ca múa nhạc hiện đại, hát xẩm cổ truyền, làn điệu chèo đặc sắc được dàn dựng công phu, hoành tráng, kết hợp với hiệu ứng không gian ba chiều giữa màn hình led, đèn chiếu sáng công nghệ mới cùng hệ thống âm thanh sống động đã tạo ấn tượng sâu lắng cho khán giả. Mở đầu là bài hát “Ninh Bình quê mẹ” của nhạc sĩ Thuận Yến, biên đạo NSND Hồng Phong, ca sĩ NSƯT Phương Thảo và tốp múa biểu diễn. 09 tiết mục theo từng chương nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của quê hương, khẳng định những thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã đạt được trong 30 năm tái lập tỉnh; đồng thời giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình nhằm thu hút đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.
Chương 1 có 4 tiết mục. Tiết mục múa “Ninh Bình - Theo dấu chân lịch sử” của tác giả NSUT Mạnh Tiến - Minh Đức, biên đạo NSND Hồng Phong - Mai Lan - Phương Linh nhằm khẳng định Ninh Bình một vùng đất cổ ken dày những dấu chân lịch sử - nơi có con người cư trú từ thời tiền sử cách nay hàng vạn năm mà dấu tích còn lưu lại ở các di chỉ Hang Trống, Hang Bói (Tràng An - Hoa Lư) Thung Lang (Tam Điệp), hang Đăng Đắng (Cúc Phương). Ninh Bình thời Bắc thuộc từng là vùng đất thuộc Tượng quận, Cửu Chân, Giao Chỉ, Trường Châu… Sau khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập của dân tộc, Đinh Tiên Hoàng đế đánh dẹp và thu phục 12 xứ quân, lập nên triều Đinh, định đô ở Hoa Lư thì đất này được gọi là châu Đại Hoàng của nước Đại Cồ Việt. Trải mấy trăm năm, các triều đại phong kiến từ Nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Mạc, Tây Sơn nối tiếp nhau, vùng đất Ninh Bình đã đổi nhiều tên gọi: Trường Yên, Đại Hoàng, Thiên Quan, Trường Yên. Từ thời nhà Mạc đến thời nhà Nguyễn, vùng đất Ninh Bình gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Năm Gia Long thứ 5, Thanh Hoa ngoại trấn đổi thành đạo Thanh Bình. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình, danh xưng Ninh Bình bắt đầu có từ ngày đó
Tiết mục hoạt cảnh chèo “200 năm Danh xưng Ninh Bình” của nhạc sĩ Lê Thế Song, biên đạo Mạnh Thắng- Thuỳ Linh, do tập thể Nhà hát chèo Ninh Bình biểu diễn đã giới thiệu với người xem về lịch sử tỉnh Ninh Bình sau khi đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình, đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Nhà vua đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình. Tỉnh Ninh Bình chính thức được thành lập từ đó, gồm có 2 phủ Yên Khánh và Thiên Quan, Phủ Yên Khánh có 4 huyện là Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn và Kim Sơn; Phủ Thiên Quan có 3 huyện là Phụng Hoá, Yên Hoá và Lạc Thổ.
Tiết mục hát Xẩm “Địa linh sinh nhân kiệt”, âm nhạc của NSUT Mạnh Tiến - Lê Thế Song, biên đạo Ngọc Việt- Hoàng Long, soạn điệu và biểu diễn NSND Mai Thuỷ và tốp nam nữ múa và tiết mục “Cửa biển non Tiên” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, biên đạo Mai Lan- Hồng Thái, phổ thơ Cường Nguyễn, do NSƯT Thanh Thanh Hiền và tốp múa biểu diễn đã tái hiện lại đầy sinh động và tự hào về truyền thống quý báu của nhân dân Ninh Bình từ thủa bình minh lịch sử đến hôm nay luôn kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần xứng đáng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trượt về lịch sử Ninh Bình từ thế kỷ thứ X, từ núi rừng Gia Viễn, Hoa Lư hiểm trở là căn cứ địa và cung cấp sức người sức của để Đinh Tiên Hoàng chiêu binh mãi mã, phất cờ lau khởi nghĩa, lập ra nước Đại Cồ Việt lừng danh trong sử sách. Đánh giá về nhân vật và phong tục Ninh Bình, sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Trường Yên là kinh đô đầu tiên của nước ta trong khi kiến quốc…Sĩ phu thì chuộng khí tiết, nhân dân cần kiệm, chăm chỉ việc nông”. Sau này, các triều đại phong kiến Trần, Hậu Lê, Tây Sơn đều từng dựa vào bức trường thành Tam Điệp để xây dựng và bảo vệ lực lượng chống lại kẻ thù xâm lược. Khi Đảng ta ra đời, Ninh Bình là một trong những địa phương có tổ chức cơ sở Đảng sớm nhất. Nhiều người con Ninh Bình đã không quản ngại hy sinh gian khổ, đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cho độc lập, tự do, kháng chiến kiến quốc và thống nhất tổ quốc Việt Nam. Truyền thống đó là nét nổi bật nhất và cũng là di sản tinh thần vô giá của nhân dân Ninh Bình và luôn được kế tục từ đời này sang đời khác và càng ngày càng được phát huy từ ngày có Đảng.
Chương 2 với chủ đề “Ninh Bình - 30 mùa xuân đổi mới” có sự tham gia của 4 tiết mục. Khởi đầu là ca khúc “Một vùng non nước Ninh Bình” của nhạc sĩ Mai Công Thắng, biên đạo NSND Hồng Phong - Hồng Thái, ca sĩ Anh Thơ và tốp múa biểu diễn đã nhắc nhớ về quãng thời gian cách đây vừa tròn 30 năm, ngày 01/4/1992, Tỉnh Ninh Bình được tái lập, giữ nguyên trạng vị trí địa lý và địa giới hành chính như thời điểm trước khi hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh (1976 – 1992) với 7 huyện và thị xã. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đã rất vui mừng, phấn khởi, tràn đầy khí thế quyết tâm xây dựng tỉnh Ninh Bình giàu mạnh
Tiếp đó là ca khúc “Đất trời quê em tâm hồn em” của nhạc si Nguyễn Cường, biên đạo Thuỳ Linh- Phương Linh, do ca sĩ Trọng Tấn - Anh Thơ và tốp múa biểu diễn đã đem đến cho khán giả cung bậc cảm xúc bồi hồi về thời điểm năm 1992, cùng với những thành tựu mà Đổi Mới đang mang lại trên khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cả nước; với truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang của một tỉnh anh hùng; bản chất cần cù, sáng tạo, anh dũng, kiên cường của nhân dân; dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh, đã đưa Ninh Bình vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn đầu tái lập, xây dựng chiến lược đúng đắn với tầm nhìn xa để có để có những bước phát triển bứt phá, ngoạn mục trong suốt 30 năm qua.
“Nơi mái chèo bay lên” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, biên đạo Ngọc Việt - Hoàng Long, do Nhóm Dòng Thời gian và tốp múa.biểu diễn cùng với ca khúc “Bức tranh Thơ” của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, biên đạo NSND Hồng Phong - Mạnh Thắng do Quánh Mai Thy và tốp múa biểu diễn vẫn là những bản hùng ca về một Ninh Bình giàu tiềm năng, tiềm năng thiên nhiên và di sản văn hóa, con người Ninh Bình giàu lòng nhân ái. Mặc dù nằm ở vị trí địa lý có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng thực trạng kinh tế - xã hội thời điểm tái lập tỉnh đặt ra rất nhiều khó khăn thách thức. Lợi thế thiên nhiên ban tặng, các giá trị văn hoá, lịch sử, con người của vùng đất vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, có chăng mới manh nha khai thác với quy mô nhỏ lẻ. Bộ máy tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở còn chưa đồng bộ, thiếu về số lượng, hạn chế về chuyen môn. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống xã hội; chất lượng của các ngành y tế, giáo dục, văn hóa còn thấp, nhiều bất cập. Xuất phát điểm của Ninh Bình khi tái lập là một tỉnh nghèo, thu ngân sách cả tỉnh đạt xấp xỉ 40 tỷ đồng, nhưng với quyết tâm lớn, tầm nhìn xa, Đảng bộ, chính quyền tỉnh nhà đã có nhiều quyết sách đúng đắn, chủ động, kịp thời, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, sát hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của tỉnh, hợp lòng dân; đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động để đưa các quyết sách thành hiện thực sinh động trong từng lĩnh vực, từng thời kỳ; xây dựng Ninh Bình giàu đẹp, phát triển nhanh và bền vững như hôm nay.
Chương 3 có chủ đề “Ninh Bình - rạng rỡ tương lai”. Bằng một tiết mục tổng hợp “Hãy là ánh nắng - Tự hào quê hương” của tác giả Khánh Minh - Nguyễn Đức Cường, Lời Rap Khánh Toàn - Quang Đạt, biên đạo NSND Hồng Phong - Mai Lan - Thuỳ Linh - Hồng Thái; biểu diễn Đông Hùng, Bảo Trâm, Thu Thuỷ, Minh Quân, Rapper Quang Đạt, Nhóm Dòng Thời gian và tốp múa, đêm nhạc đã kể lại trọn vẹn, đầy đủ, sống động bằng ngôn ngữ nghệ thuật về những hành động cụ thể, đồng bộ, cả hệ thống chính trị đang chung sức đồng lòng cùng người dân xây dựng Ninh Bình xứng với tiềm năng thế mạnh về cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hoá mà cha ông truyền lại. Ninh Bình với khát vọng và ý chí không ngừng vươn lên sẽ chinh phục những đỉnh cao mới trong phát triển cân đối, và bền vững về mọi mặt. Sự chuyển mình mạnh mẽ của Ninh Bình qua 30 năm đã hòa chung vào sự phát triển đi lên của đất nước - là một vùng du lịch với những điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt với những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, hoạt cảnh chèo với ca múa hiện đại. Ngoài những ca khúc nổi tiếng như: "Một vùng non nước Ninh Bình", "Đất trời quê em tâm hồn em" còn có một số tác phẩm lần đầu tiên được công bố là những sáng tác mới của các nhạc sỹ nổi tiếng viết riêng về Ninh Bình như "Cửa biển non tiên" của tác giả Lê Minh Sơn; "Bức tranh thơ" sáng tác Hồ Trọng Tuấn… tạo ấn tượng sâu đậm với người nghe.
Đặc biệt, thông qua việc lắp đặt các màn hình LED, kết hợp với hệ thống âm thanh sống động và đèn chiếu sáng công nghệ hiện đại đã tạo hiệu ứng trong không gian ba chiều mang đến cảm nhận chân thực cho khán giả.
Kép lại chương trình Lễ kỷ niệm là màn bắn pháo hoa tầm thấp lung linh huyền ảo đã để lại cho khán giả cảm xúc tự hào nhìn lại chặng đường 30 năm tái lập tỉnh, trong không khí rạo rực của xuân Nhâm Dần 2022, Ninh Bình, vùng đất Kinh đô xưa với bề dày lịch sử, văn hóa ngàn năm là một Ninh Bình năng động, sáng tạo, tự tin phát triển, hướng đến tương lai trong nhịp điệu chung của đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến, xứng đáng với danh xưng Ninh Bình mà các vị vua Triều Nguyễn dành tặng từ 200 năm trước với hàm ý, vùng đất bình yên, vững chãi.