Với mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Hồng và là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã đầu tư xây dựng công trình phục dựng khu Phố cổ Tràng An (tại Quần thể danh thắng Tràng An, huyện Hoa Lư) và khu Phố cổ Hoa Lư (tại công viên hồ và núi Kỳ Lân, thành phố Ninh Bình).
Tối 27/1/2022, tại núi Kỳ Lân, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình đã diên ra Lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình phục dựng khu Phố cổ Hoa Lư và đưa vào phục vụ khách du xuân vui Tết Nhâm Dần 2022. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các địa phương.
Công trình phục dựng Phố cổ Hoa Lư là một sản phẩm du lịch mới đầy thú vị của Ninh Bình nhằm tái hiện lại không gian văn hóa lịch sử từ thế kỷ thứ X với lối kiến trúc mô phỏng các khu phố cổ kính mang đậm sắc thái văn hóa phương Đông. Dưới các mái ngói thấp, cong là lung linh sắc màu nhung gấm của các dãy đèn lồng. Xen giữa gam màu nâu xám của tường, sơn son trầm ấm của các khung cửa gỗ là các loại chuông gió, câu đối, hoành phi mang đậm văn hóa dân tộc tạo cho du khách như lạc vào chốn phồn hoa của mảnh đất kinh kỳ xưa.
Đời sống văn hóa xã hội, phong tục tập quán của nước Đại Cồ Việt, Đại Việt cũng được tái hiện, mô phỏng bằng việc trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cổ truyền của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Ninh Bình như: Thêu ren Văn Lâm, Cói mỹ nghệ Kim Sơn, Chạm khắc đá Ninh Vân, mộc mỹ nghệ Ninh Phong, gốm Bồ Bát Yên Mô và các sản phẩm của làng nghề truyền thống khu vực Bắc Bộ: nghề đúc đồng, sơn mài, chạm bạc, se hương, tranh Đông Hồ, thêm vào đó là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, độc đáo của Ninh Bình như:Tranh Bồ Đề, mây tre đan, các sản phẩm mỹ nghệ từ bèo bồng, xà bông mùi tết ...
Tại các dãy phố cổ là hàng chục gian hàng giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống dân dã, quen thuộc, đặc trưng của miền thôn quê lúa nước như: Bánh mật, bánh nếp, bánh chưng, bánh gai, bánh dày, bánh đa, bánh khoái tép.. Không chỉ có các loại bánh mà các loại nông sản của các vùng miền cũng được giới thiệu rất tinh tế ở không gian phố cổ Hoa Lư như: thảo dược liệu của hợp tác xã Sinh Dược, Trà An Thái, Chè Tân Cương, mật ong, cam sành, ổi, táo…
Đặc biệt, trong không gian phố cổ còn mô phỏng lại không khí đón xuân, đón tết cổ truyền của dân tộc với khu trưng bày chợ hoa xuân: Hoa đào, hoa huệ, hoa cúc, hoa thược dược, hoa đồng tiền… gian hàng bánh chưng giò chả, tò he con giống, ông đồ viết chữ. Không gian phố cổ Hoa Lư còn có khu trưng bày và cho thuê quần áo cổ trang để du khách tận hưởng trọn vẹn cảm xúc được hòa mình vào những trải nghiệm mới, đầy thú vị về cuộc sống sinh hoạt đời thường của người xưa trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư lịch sử ngàn năm văn hiến như thêu thùa, mua sắm, chơi xuân, ngắm cảnh, du thuyền thả hoa đăng, viết câu đối đỏ, xin chữ đầu năm, nặn tò he, làm bánh và chụp ảnh cổ trang…
Được biết, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường khánh thành công trình Phố cổ Hoa Lư giai đoạn 1 là mô hình mẫu để các cấp, các ngành, nhân dân đóng góp ý kiến. Dự kiến, toàn bộ các công trình Phố cổ Hoa Lư và khu Phố cổ Tràng An xưa sẽ được nhân rộng phục dựng, tái tạo trong thời gian 20 năm. Doanh nghiệp hy vọng sẽ có sự tham gia sinh sống của 10.000 hộ dân ở huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình. Đây cũng là một trong các chuỗi hoạt động du lịch thực hiện các chủ trương của tỉnh Ninh Bình trong phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030 định hướng đến năm 2045.
MINH DƯƠNG