NGUYỄN VĂN CƯỜNG
Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Hoa Lư
Đồng chí Nguyễn Văn Cường - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Hoa Lư trình bày tham luận tại
Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 Ảnh của MINH TUYỀN
Huyện Hoa Lư là vùng đất giàu truyền thống, lịch sử, văn hoá, được thiên nhiên ban tặng với nhiều cảnh quan đẹp, có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá và thiên nhiên thế giới. Nơi đây được thể hiện trong rất nhiều loại hình văn hoá và thể loại văn học, nghệ thuật kể cả trong nước và ngoài nước, là nơi tạo nguồn cảm hứng của rất nhiều tác giả.
Trong 15 năm qua, Huyện ủy Hoa Lư đã ban hành các chương trình, kế hoạch để lãnh đạo đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật sát với tình hình thực tế của huyện và cơ sở. Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 23-NQ/TW thành các đề án, kế hoạch, giải pháp để tổ chức thực hiện. Đồng thời, Huyện uỷ đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương, đơn vị.
Trong lãnh đạo của cấp ủy Đảng và công tác quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp của huyện cũng đã chú ý tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các tác giả phát huy năng lực, tư duy sáng tạo. Phương thức hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng được tập trung theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, bám sát thực tiễn đời sống xã hội, tích cực tuyên truyền, phổ biến, tôn vinh hành động tích cực để góp phần đẩy lùi tiêu cực, nhất là góp phần cho xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhiều câu lạc bộ nghệ thuật, tổ, đội thơ ca... được hình thành, vừa góp phần cổ vũ, động viên quần chúng tham gia lao động nghệ thuật, khai thác, truyền bá các giá trị văn hóa, văn nghệ cổ truyền, vừa đa dạng hóa các phương thức hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Qua đó xây dựng con người Hoa Lư phát triển toàn diện, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó có một số kết quả nổi bật là:
Về phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các tổ đội văn hóa, văn nghệ được thành lập, tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật; cổ vũ, động viên nhân dân lao động sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở. Trên địa bàn huyện Hoa Lư hiện có trên 71 tổ, đội văn hoá, văn nghệ ở các thôn, xóm với 2.563 thành viên tham gia. Trong đó có 14 tổ, đội văn hóa, văn nghệ truyền thống như hát chèo, hát văn, hát xẩm với 321 thành viên tham gia, tập trung ở các xã Ninh An, Ninh Khang, Trường Yên, Ninh Hải. Đến nay, huyện có 51 nghệ nhân, trong đó có 2 nghệ nhân ưu tú và 49 nghệ nhân cấp tỉnh. Trong thời gian qua đã có nhiều tập thể, cá nhân đoạt giải cao trong các cuộc thi về văn học, nghệ thuật.
Về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực như: Chỉ đạo việc bảo tồn 02 làng nghề truyền thống đó là làng nghề trạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân và làng nghề thêu ren Văn Lâm, Ninh Hải. Đây là những sản phẩm được tạo ra từ đôi tay tài hoa của các nghệ nhân, đã thổi hồn vào những bức tranh đá, tranh thêu và rất nhiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo khác, được sử dụng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều nước trên thế giới. Các công trình, sản phẩm về đá mỹ nghệ rất phong phú, nổi bật là công trình đá chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, nhà thờ đá Phát Diệm; cụm tượng đài mẹ Suốt tại Quảng Trị, tượng đài Bác Hồ ở Nghệ An, nghĩa trang Trường Sơn… Ban Thường vụ Huyện uỷ đang tập trung chỉ đạo để phát triển mở rộng 02 làng nghề để tạo ra nghiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo, gắn với phát triển du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện, qua đó góp phần phát triển kinh tế của huyện, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Huyện phối hợp với Trung tâm Văn hoá tỉnh tổ chức các lớp dạy hát chèo, hát xẩm và nâng cao kỹ năng sử dụng các nhạc cụ dân tộc; vừa qua đã hoàn thành 01 lớp cho 70 trường hợp ở các xã, thị trấn. Các sản phẩm văn hóa phi vật thể, như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi,… được tổ chức hàng năm. Góp phần bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương. Huyện đã và đang khôi phục, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống trong hoạt động của Lễ hội Hoa Lư hàng năm như: Lễ Mộc dục; Lễ Cửu khúc (được phục dựng lại do đã bị thất truyền), thi chèo thuyền khéo,... làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Huyện đã chỉ đạo đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị; hình thức trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật đưa nhiều tác phẩm đến với công chúng, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Hệ thống đài truyền thanh 2 cấp được quan tâm củng cố, đầu tư trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trung tâm Văn hóa huyện được đầu tư xây dựng để phục vụ có hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn. Huyện cũng đã triển khai xây dựng Công viên văn hóa Hoa Lư với diện tích khoảng 1,5ha, tại trung tâm huyện để phục vụ các hoạt động văn hoá, nghệ thuật. 11/11 xã, thị trấn có nhà văn hóa, sân vận động và tất cả các thôn (xóm) đều có nhà văn hóa đáp ứng yêu cầu chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Các thiết bị máy ảnh, máy quay, flycam,… Internet, mạng xã hội phát triển đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Huyện có 2 trang thông tin điện tử; đa số các ban ngành đều có trang fanpege; các hội nhóm có zalo và 100% cán bộ, viên chức, công chức đều dùng facebook để truyền bá các hình ảnh, tác phẩm phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các cơ quan để bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc như các di tích, đền thờ Vua Đinh, Vua Lê, các văn bia (được ví như những trang sử bằng đá) được trạm khắc công phu, có giá trị cao về điêu khắc và thư pháp; một số kiến trúc nhà cổ…
Quá trình thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Trung ương về văn học nghệ thuật ngoài những kết quả đạt được, trên địa bàn huyện cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Chưa có nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; việc tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ văn hoá, nghệ thuật còn lúng túng, nhất là việc hướng dẫn thành lập và hoạt động. Nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động văn học, nghệ thuật tuy đã được quan tâm hơn, song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn học nghệ thuật của huyện Cố đô, có khu Di sản Văn hoá và thiên thiên thế giới.
Căn cứ vào tình hình và yêu cầu phát triển của huyện về văn học, nghệ thuật tôi xin nêu lên một số nhiệm vụ mà huyện Hoa Lư sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới:
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy về văn hóa, con người nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng. Trọng tâm là nhiệm vụ, giải pháp về văn hóa, văn học, nghệ thuật được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 23/2008-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 33/2014-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020 định hướng đến năm 2030” và các chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Trung ương, của Tỉnh ủy.
Tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, đặc biệt là di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư, di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An; Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, Làng nghề thêu ren Ninh Hải. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Công viên Văn hóa Hoa Lư; có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, nghệ thuật trên địa bàn; nâng cấp, xây mới các nhà văn hóa thôn (xóm), bố trí đủ các công cụ, trang thiết bị có chất lượng để hoạt động hiệu quả. Tăng cường các biện pháp xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia hoạt động, sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của dân tộc.
Xem xét để thành lập Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện; củng cố, đổi mới hoạt động của các câu lạc bộ, các tổ đội văn hóa, văn nghệ trên địa bàn nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên phát huy tiềm năng sáng tác, sáng tạo của những người làm công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Xây dựng và phát triển đội ngũ nghệ nhân ở các làng nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghệ thuật điêu khắc đá, thêu tranh trên địa bàn… rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, cũng như có các chế độ đãi ngộ đối với những người có tài năng sáng tác nghệ thuật trên địa bàn.
Để cho hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh nói chung và của huyện Hoa Lư nói riêng ngày càng phát triển. Đề nghị tỉnh cần có quy định cụ thể và có cơ chế chính sách mang tính dài hơi để thu hút những tài năng về văn hóa nghệ thuật: Xây dựng được đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân, các tác giả thật sự tâm huyết, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, gắn bố với nhân dân… nhất là phải có nhiều nội dung hay, tác phẩm hấp dẫn; Chuyển tải được sự hấp thụ VHNT đến nhân dân, đến công chúng. Nếu có các tác phẩm hay nhưng không làm tốt công tác tuyên truyền, không có người đọc, người xem hoặc không có khả năng để hấp thụ thì VHNT không phát triển được; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, quản lý về lĩnh vực VHNT phải tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình, có chủ trương, chính sách phù hợp, hiệu quả.
N.V.C
(Nguồn: TC VNNB 280-5/2023)