Chiều 19/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương 6 tháng đầu năm 2024. TS. Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, báo cáo sơ kết đã nêu: Năm 2024 là năm cuối trong nhiệm kỳ 5 năm Liên hiệp và các hội triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội. Năm 2024 cũng là năm mà văn học, nghệ thuật nước nhà tham gia nhiều hoạt động, kỷ niệm quan trọng.trong 6 tháng đầu năm, cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mừng Xuân, mừng Đảng. Các chương trình, hoạt động đều được cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng tổ chức gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ; tổ chức Lễ trao danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ 10. Các hội nghị, lễ vinh danh được tổ chức chu đáo, trang trọng, nhận được sự ủng hộ, đồng tình, đánh giá cao của xã hội. Các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Những cuộc liên hoan, triển lãm, các hoạt động văn học nghệ thuật do Liên hiệp và các hội tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào. Công tác đối ngoại, giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật trên cả nước được tăng cường, sôi động, có nhiều khởi sắc...Ngày càng nhiều sự kiện giải trí, thời trang, các cuộc thi nhan sắc quốc tế, các liên hoan văn hóa, nghệ thuật được tổ chức; các nghệ sỹ hàng đầu thế giới đến Việt Nam biểu diễn. Nhiều tỉnh, thành phố trong nước phối hợp với Liên hiệp và các hội tiến hành đăng cai tổ chức thường kỳ các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc tế. Nhiều hội tổ chức thành công các cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực tại Việt Nam, tích cực cử đoàn, gửi tác phẩm tham dự các hoạt động văn học, nghệ thuật tại nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển, tuyên truyền, quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.
Toàn cảnh hội nghị.
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp góp phần vào phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà thời gian tới. Ông Nguyễn Minh Nhựt , Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: thời gian qua, do cơ chế, thủ tục tài chính còn nhiều vướng mắc, Liên hiệp và các hội mới được cấp một phần kinh phí thường xuyên nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Hết Quý II/2024, nhưng kinh phí từ nguồn hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật năm 2024 chưa được cấp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của Liên hiệp và các hội. Do thiếu kinh phí, các hoạt động chuyên môn của nhiều hội trong 06 tháng đầu năm 2024 phải tạm dừng, một số tạp chí chuyên ngành của các hội phải tạm đình bản. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Cần xác lập lại giá trị đầu tư của Đảng, Nhà nước cho văn học nghệ thuật. Sự đầu tư, hỗ trợ, quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của văn học nghệ thuật cũng là một mệnh giá chính trị. Khi nó mang ý nghĩa là nguồn lực thúc đẩy, sự động viên và tạo dựng niềm tin cho văn nghệ sĩ thì nó có ý nghĩa hơn rất nhiều”. NSND Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước nên nghiên cứu thêm về hoạt động của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành để thấu hiểu những đặc thù, những khó khăn mà các văn nghệ sĩ gặp phải trong quá trình làm nghề để từ đó tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ yên tâm, tập trung trí tuệ, tài năng và có thể cống hiến hết mình, cho ra đời những tác phẩm như kỳ vọng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng cần tổ chức cuộc họp giữa các ban, bộ, ngành liên quan để khơi thông những vướng mắc này, trong đó phải có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế giao nhiệm vụ và thực hiện áp dụng định mức chi về hỗ trợ sáng tạo tác phẩm của tác giả để Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có căn cứ thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định 558-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh vấn đề kinh phí, thời gian qua, một số tạp chí chuyên ngành của các hội phải tạm đình bản do một số nhân sự chủ chốt tại các cơ quan báo chí của nhiều hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương chưa được kiện toàn, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai ghi nhận, tiếp thu các ý kiến phù hợp để đưa vào hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác văn hóa, văn nghệ trong thời gian tới. đồng thời đề nghị thời gian tới, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các đơn vị liên quan cần đặc biệt quan tâm, bám sát tình hình thực tiễn, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Liên hiệp và các hội chuyên ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật cho đông đảo đội ngũ văn nghệ sỹ, cụ thể là Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; cùng các kết luận, chỉ thị liên quan đến xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Liên hiệp và các hội tiếp tục tích cực, chủ động, thực hiện có hiệu quả việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Kế hoạch số 390-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025). Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Ban Bí thư, Liên hiệp và các hội khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án về đại hội các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 2025-2030) báo cáo cấp có thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị có liên quan để hướng dẫn, đôn đốc các hội, chi hội cơ sở chuẩn bị tốt để tiến hành đại hội cơ sở trong năm 2024; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2024.
P.V