Tối 16/9 tại Khách sạn Hoàng Sơn, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022.
Dự khai mạc có các đồng chí:Tống Quang Thìn, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Văn Tuất, UV BTVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Đỗ Việt Anh, UV BTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở; Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; gần 200 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của 18 câu lạc bộ đến từ 8 tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hoá và Thành phố Hồ Chí Minh cùng với lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể, đại diện nhà tài trợ, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo quần chúng yêu nghệ thuật hát xẩm.
Ban Tổ chức Liên hoan tặng hoa chúc mừng các đoàn tuyển.
Liên hoan được tổ chức trong 03 ngày từ ngày 16 đến ngày 18/9/2022 với 54 tiết mục hát Xẩm hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả Ninh Bình được thưởng thức nét đặc trưng của nghệ thuật hát xẩm mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc của từng địa phương, đặc biệt là dấu ấn văn hóa vùng nông thôn bắc bộ. Các nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ thi biểu diễn tại Khách sạn Hoàng Sơn phường Ninh Khánh và tổ chức biểu diễn phục vụ du khách tại phố cổ Hoa Lư. Bên cạnh đó các nghệ sĩ, nghệ nhân còn có các hoạt động tri ân cố nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu.
Như chúng ta đã biết, Nghệ thuật hát Xẩm là một loại hình diễn xướng dân gian được lưu truyền trong đời sống người dân lao động ở đồng bằng sông Hồng. Với đặc điểm là nghệ thuật ngẫu hứng, ứng diễn, Hát Xẩm có cách biểu đạt linh hoạt, dễ bộc lộ tài năng của người diễn, nội dung phong phú, đa dạng, đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống như: công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ, những tình cảm riêng tư trong sâu thẳm tâm hồn con người và những vấn đề mang tính thời sự xã hội, chạm đến chiều sâu xúc cảm nhân văn trong mỗi con người, khơi thức các giá trị nhân văn, nhân bản trong đời sống xã hội.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Mận, CLB Xẩm Hà Thị Cầu xã Yên Phong, (Yên Mô, Ninh Bình) biểu diễn tiết mục “Dạt nước cánh bèo”
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Hát Xẩm đã có thời gian phát triển rộng với nhiều phong cách khác nhau, mang đậm dấu ấn riêng của các vùng văn hóa như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình…
Ninh Bình cũng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát Xẩm, là nơi gắn bó với sự nghiệp ca hát trong suốt cuộc đời của cố nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu, nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Vùng đất Ninh Bình, hiện lưu giữ trên 10 làn điệu hát xẩm, biểu hiện đa dạng các sắc thái cảm xúc khác nhau của con người như: Điệu xẩm chợ; Chênh bong; Phồn huê; Riềm huê, Huê tình, Hò bốn mùa; Ba bậc; Thập ân; Hà liễu, Tàu điện…
Các cháu thiếu nhi CLB Xẩm Hà Thị Cầu xã Yên Phong, (Yên Mô, Ninh Bình) biểu diễn tiết mục “Tứ hải giao tình”
Ngay sau Khai mạc là các tiết mục đặc sắc đến từ 5 Câu lạc bộ hát Xẩm: CLB Xẩm Hà Thị Cầu xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với các tiết mục hát xẩm: “Dạt nước cánh bèo” lời thơ dân gian dựa trên làn điệu hà liễu, biểu diễn do nghệ nhân Nguyễn Thị Mận là con gái của cố Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân Hà Thị Cầu; “Tứ hải giao tình” lời thơ dân gian trên làn điệu huê tình do Đinh Thùy Linh, Lại Như Anh và Phạm Bảo Ngọc biểu diễn; “Ninh Bình quê ta” lời thơ Phạm Đình Ân dựa theo làn điệu huê tình do Lại Thùy Dương trình bày. CLB Xẩm, Dân ca, Ví giặm xứ nghệ tại Hà Nội đem đến liên hoan các tiết mục: “Trăm năm cõi người ta” trích Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du dựa trên làn điệu Xẩm Kiều do Lê Nga biểu diễn; “Kể chuyện ngày xưa” làn điệu Giặm xẩm do Lê thị Hiền và tốp nam nữ biểu diễn; “Xứ nghẹ quê ta” NSND Tiến Dung soạn lời dựa trê làn điệu lẩy kiều, xẩm luồn do Thanh Phong và tốp nữ biểu diên. CLB hát Xẩm Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Phòng với các tiết mục “Hải phòng đổi mới” Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh sáng tác và lồng điệu hà liễu, huê tình, vỉa lảy kiều do Kim Tiến, Hải Phượng cùng tốp múa biểu diễn; “Lời thiếp khuyên chàng” (Nhời này) lời cổ theo điệu ba bậc do Việt Hương và câu lạc bộ hát xẩm biểu diễn; “Sơn nghĩa sinh thành” lời cổ theo điệu thập ân phụ mẫu do Đặng Văn Điều hát cùng tốp múa. CLB hát Xẩm Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa đem đến các tiết mục: “Xẩm ba bậc” lời cổ do nghệ nhân Hương Liên cùng dàn nhạc; “Cây rau má” Trịnh Anh Đạt sáng tác trên làn điệu trống quân do nghệ nhân Minh Sen biểu diễn; “Lời mẹ khuyên con” lời cổ làn điệu ngâm sa mạ, xẩm dựng và xẩm ba bậc do Nghệ nhân ưu tú Thiên Hương biểu diễn. Khép lại đêm khai mạc là đơn vị CLB hát Xẩm Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc với các tiết mục: “Công cha ngãi mẹ sinh thành” theo làn điệu thập ân lời cổ do Nghệ nhân Hồng thắm trình bày; “Quyết chí tu thân” lời cổ theo điệu chênh bông do nghệ nhân Xuân hưởng biểu diễn; “Vợ trẻ chồng già” lời cổ theo điệu chênh bông do nghệ nhân Bích Hiền và Thu hiền biểu diễn.
Các cháu thiếu nhi CLB Xẩm Hà Thị Cầu xã Yên Phong, (Yên Mô, Ninh Bình) biểu diễn tiết mục “Ninh Bình quê ta”
Theo Ban tổ chức, các tiết mục của các câu lạc bộ tham gia Liên hoan lần này có nội dung phong phú, đề tài đa dạng ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, công cha nghĩa mẹ. ca ngợi Đảng quang vinh và những vấn đề mới của xã hội đương đại cũng được vận dụng đưa vào các làn điệu Xẩm cổ như: Thập ân, chênh bông, Hà Liễu, Huê tình… Ngay trong đêm khai mạc, các nghệ nhân gạo cội cùng với các nghệ nhân nhí ở các câu lạc bộ đã bộc lộ được tài năng vừa hát, vừa chơi các nhạc cụ dân tộc như trống, nhị, sênh, sáo, đàn một cách tài tình, tinh tế của bộ môn nghệ thuật hát xẩm độc đáo.
Trong những năm qua, Ninh Bình rất chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm. Tháng 1/2022, nghệ thuật Hát Xẩm ở Ninh Bình được ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022 là một trong các hoạt động tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo này trong đời sống hiện nay.
MINH DƯƠNG