LÊ NGUYỆT
Ngày 16 tháng 11 năm 2019, tại Khách sạn Mường Thanh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật và tọa đàm 5 vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay với chủ đề “Kết nối các miền di sản”.
Đến dự buổi lễ có các đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa và đại diện 5 vùng miền kinh đô gồm: Họa sĩ Phạm Duy Phương, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa; nhà thơ Bình Nguyên, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình; nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế; nhạc sĩ Cao Hùng Phương, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ; Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cùng với sự có mặt của các văn nghệ sỹ thuộc 5 vùng kinh đô xưa và nay.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Tham gia triển lãm có hơn 100 tác phẩm của các tác giả đến từ 5 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Huế, Phú Thọ, Ninh Bình và Hà Nội. Các tác phẩm đã khắc họa và phản ánh sinh động những nét văn hoá truyền thống, vẻ đẹp của con người và thiên nhiên, những cảnh quan cũng như vẻ đẹp kiến trúc của 5 vùng đất đã được chọn làm kinh đô trong các thời kỳ lịch sử khác nhau như: Kinh đô Văn Lang - Phú Thọ, Hoa Lư - Ninh Bình, Lam Kinh - Thanh Hóa, Huế - Thừa Thiên Huế, Thăng Long - Hà Nội, qua đó nêu bật giá trị của nền văn hóa Việt Nam được bảo vệ, gìn giữ và truyền mãi không ngừng cho những thế hệ tiếp sau.
Tại buổi khai mạc Triển lãm, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa còn tổ chức tọa đàm chủ đề “Kết nối các miền di sản”. Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đến từ 5 vùng kinh đô đã có nhiều tham luận với góc nhìn đa chiều, toàn diện về nét đẹp, giá trị lịch sử, văn hóa, con người của các vùng đất. Các tham luận còn giúp các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nghệ sĩ có thêm nhiều ý tưởng mới trong điều hành, quản lý và sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời gian tới.
Nhà văn Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình trình bày tham luận
Phát biểu tại Lễ Khai mạc Triển lãm ảnh và Tọa đàm kết nối các miền di sản, đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ghi nhận và hoan nghênh tinh thần hăng say lao động sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sỹ. Đồng thời đồng chí cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm và vai trò quan trọng của những người nghệ sĩ nhiếp ảnh, đó là đội ngũ hùng hậu tạo ra những tác phẩm có tính tuyên truyền mạnh mẽ đóng góp to lớn vào việc giữ gìn di sản cũng như quảng bá hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam đến các bạn bè trên thế giới.
Văn nghệ sĩ 5 vùng kinh đô chụp ảnh lưu niệm
Họa sĩ Phạm Duy Phương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa đã đánh giá kết luận tại tọa đàm: “Tựu chung, tôi nhận thấy đều bổ ích, không trùng lặp và mang đến cho buổi tọa đàm không khí trao đổi học thuật sôi nổi, cởi mở cả những đóng góp chân thành, những ý tưởng nhằm xây dựng, đắp bồi và kết nối di sản của phạm vị từng vùng và liên vùng. Nhà văn Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình trình bày tham luận Văn học nghệ thuật kết nối di sản, tác giả bám vào chủ đề kết nối di sản mà đối sánh, gắn kết trong sự giao thoa tự nhiên và tự tạo của con người giữa các vùng miền mà làm nên sự gắn bó, hồn cốt và sức mạnh. Tham luận chú trọng đến hoạt động kết nối 5 vùng “Các di sản văn hóa của 5 vùng kinh đô sẽ sống động, hấp dẫn và trù phú hơn nhiều nếu nó được soi dọi qua lăng kính phản chiếu của các tác phẩm văn học nghệ thuật”. Từ đây, tác giả đặt ra vấn đề các hoạt động kết nối di sản văn hóa thông qua văn học nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay đòi hỏ trình độ chuyên nghiệp cao để tìm ra cái mới, tìm ra chất văn hóa của hoạt động văn hóa, là chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.”
Văn nghệ sĩ 5 vùng kinh đô tham quan thực tế
Ngoài triển lãm và tọa đàm ảnh nghệ thuật “Kết nối miền di sản”, các văn nghệ sỹ 5 vùng kinh đô còn có dịp đi thực tế tại các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa, được tìm hiểu về những danh lam, thắng cảnh và những giá trị văn hóa của đất và người xứ Thanh như Sầm Sơn, Lam Kinh… Đây là hoạt động thường niên có tính gắn kết lâu dài và bền vững, nhằm xây dựng sự đoàn kết, trao đổi, học học của văn nghệ sỹ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng tốt.
Bài: LÊ NGUYỆT; Ảnh: NINH ĐỨC HẬU