Thứ ba, 08/10/2024

Lễ hội Hoa Lư - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ ba, 25/06/2019

MINH DƯƠNG

Ninh Bình mảnh đất linh thiêng huyền sử ngàn năm, lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc, cách đây 1051 năm- ngày 10/3 năm 968, trên vùng đất Trường Yên, ghi dấu ấn Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt,

Lễ khai hội Trường Yên                                                       Ảnh: NINH MẠNH THẮNG

khai mở nền chính thống quốc gia, chọn Hoa Lư làm kinh đô, lấy niên hiệu là Thái Bình, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Sự kiện này được coi là sự nối tiếp quốc thống các vua Hùng dựng nước. Kế tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, Vua Lê Đại Hành và triều đại nhà Lê đã cùng với quân và dân cả nước phá Tống bình Chiêm xây dựng nước Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh. Trải qua 42 năm xây dựng và phát triển với 3 triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và buổi đầu nhà Lý, Kinh đô Hoa Lư của Nhà nước Đại Cồ Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, lưu dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng, sáng mãi với tên tuổi của 3 con người, ba cuộc đời kiệt xuất Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ.

Từ ngàn đời nay, câu ca dao vẫn lưu truyền trong dân gian thay cho lời nhắn nhủ “Dù ai buôn đâu, bán đâu,/ Nhớ ngày mở hội rủ nhau mà về./ Dù ai bận rộn trăm nghề,/ Tháng ba mở hội thì về Trường Yên”. Cứ đến hẹn, ngày mồng 10/3 âm lịch hàng năm, nhân dân Ninh Bình lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Trường Yên (nay là Lễ hội Hoa Lư) tại Khu di tích lịch sử- văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, với tâm thức thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, tưởng nhớ và tri ân công đức của Đinh Tiên Hoàng Đế và các bậc tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,  khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong giao lưu, tiếp biến văn hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là một sự kiện quan trọng của tỉnh Ninh Bình, tối 13/4, UBND tỉnh Ninh Bình đã long trọng khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2019. Về dự lễ khai mạc có các đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đinh Tiến Dũng, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành trong nước, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và đông đảo quần chúng nhân dân, du khách...

Phát biểu tại Lễ khai hội, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa lâu đời phản ánh đậm nét sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại ở thế kỷ thứ X. Lễ hội có tầm ảnh hưởng lớn, bảo tồn, lưu giữ được những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, tạo tiền đề cho những bước phát triển rực rỡ của đất nước hôm nay.

 Với những giá trị tiêu biểu và trường tồn, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cố đô Hoa Lư là một điểm sáng trong quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng quân sự địa phương được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế liên tục phát triển; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Ninh Bình. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là về văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đang được bảo tồn, phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và đưa du lịch Ninh Bình trở thành nền kinh tế mũi nhọn, để Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, xứng danh với bề dày lịch sử vùng đất kinh kỳ. Giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội Hoa Lư là giữ gìn hồn cốt linh thiêng của đất Cố đô ngàn năm, làm cho giá trị của Nhà nước Đại Cồ Việt luôn sống mãi với thời gian, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình với niềm tự hào về lịch sử dân tộc, lòng thành kính, biết ơn vô hạn công lao các bậc tiền nhân luôn tạo mọi điều kiện để Lễ hội Hoa Lư diễn ra trang trọng thực sự trở thành sinh hoạt tinh thần, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi chốn đi về của đông đảo nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong không khí trang trọng, linh thiêng, Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh trống khai hội Lễ hội Hoa Lư năm 2019.

Kế tiếp, chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng với chủ đề: “Đinh Tiên Hoàng Đế- Khát vọng Thái Bình” gồm 3 chương: “Cờ lau dựng đại nghiệp”, “Đinh Tiên Hoàng Đế - khát vọng Thái Bình” và “Ninh Bình- nhịp điệu mới” do UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo nội dung; NSƯT Khánh Toàn xây dựng kịch bản và tổng đạo diễn; âm nhạc NSƯT Mạnh Tiến; biên đạo múa NSƯT Thanh Hương, Hà Tứ Thiên, Lan Phương, Phạm Bình. Tham gia biểu diễn Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc… Bên cạnh đó, các nghệ sĩ Tùng Dương, Thùy Dung, Minh Thu, Hồng Ngọc, Viết Nguyễn… tham gia thể hiện ca khúc “Lưu đức ngàn năm” của NSƯT Mạnh Tiến, phổ thơ NSƯT Khánh Toàn, “Ninh Bình ngày về” của nhạc sĩ Tuấn Phương, “Ninh Bình quê mẹ” sáng tác Thuận Yến, “Nơi mái chèo bay lên” của Lê Minh Sơn, “Đất trời quê em tâm hồn em” và “ngẫu hứng Hoa Lư” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. 

Ở vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Hoa Lư năm 2019 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh từ ngày 12- 15/4 (tức 8 - 11/3 âm lịch)  theo đúng các nghi lễ truyền thống như: Lễ cầu Quốc thái dân an, Lễ mở cửa đền, Lễ Rước nước, nghi thức Thượng Long, Lễ dâng hương, Lễ Mộc dục, Lễ rước kiệu, Lễ Tiến phẩm, Tế lễ cổ truyền, Tế Cửu khúc nam nữ, Lễ tạ. Các hoạt động đặc sắc của phần hội cũng được tổ chức đan xen: Lễ hội hoa đăng, giao lưu nghệ thuật quần chúng, hội trại Thanh niên, chiếu phim, biểu diễn vở chèo “Người con của Vạn Thắng Vương”, rối nước, biểu diễn múa trống và cồng chiêng, biểu diễn trống nhảy...;các trò chơi dân gian: tổ tôm điếm, thi Cờ người, thi Chọi gà; hoạt động thể thao: bóng chuyền, giải vật dân tộc tỉnh Ninh Bình 2019; các hoạt động thi, trưng bày, triển lãm, quảng bá: trưng bày Mâm ngũ quả tiến vua, thi kéo chữ “Thái Bình”, thi Thư pháp, thi Chèo thuyền khéo, trưng bày hình ảnh, hiện vật Kinh đô Hoa Lư, triển lãm ảnh nghệ thuật “Non nước Ninh Bình”, trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công, truyền thống và đặc sản tiêu biểu của tỉnh…

Lễ hội Hoa Lư 2019 đã để lại giá nhân văn sâu sắc, nhiều hoạt động của lễ hội mang nội dung phong phú, đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đã tạo nên không khí linh thiêng cho không gian di tích cố đô ngàn năm, tinh thần tôn kính và vui tươi cho người dân và du khách, góp thêm một minh chứng về mảnh đất Trường Yên cổ tự chính là nơi hội tụ, kết tinh bản sắc văn hóa truyền thống của Ninh Bình, là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Cố đô Hoa Lư. Đồng thời lễ hội góp phần không nhỏ cho chiến lược quảng bá du lịch của Ninh Bình đến bạn bè trong nước và quốc tế.

M.D

Bài viết khác