Thứ bảy, 12/10/2024

Phát hiện, bồi dưỡng, chăm sóc tài năng gắn với giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa trong sáng tác văn học nghệ thuật ở Ninh Bình

Thứ năm, 20/01/2022

BÌNH NGUYÊN

Con người và mảnh đất Ninh Bình đã từ xa xưa luôn là đề tài lớn, nguồn cảm hứng lớn trong sáng tác văn học nghệ thuật mà trước hết là của người Ninh Bình.

 


Dâng Đảng tiếng hát niềm tin                                                  Ảnh: THANH BÌNH

Do đó công tác phát hiện, bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật gắn với giữ gìn phát huy sắc thái văn hóa ở Ninh Bình là việc làm có ý nghĩa và rất quan trọng. Công việc được coi trọng hơn bao giờ hết là trong thời điểm nền văn học nghệ thuật đất nước đang có sự vận động, chuyển biến, đan xen nhiều khuynh hướng. Phát hiện, bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật là công việc thường xuyên liên tục của Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình trong suốt chặng đường xây dựng, phát triển nhằm tạo dấu ấn trong sáng tác góp phần khẳng định vị thế của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội.

Từ năm 1992 đến nay (thời điểm chia tách tỉnh), gần 30 năm liên tục, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng năm nào Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình cũng tổ chức gặp mặt anh, chị em văn nghệ sỹ để đánh giá, nhìn lại kết quả hoạt động sáng tác trong một năm, khích lệ, biểu dương những thành tích đã đạt được, đồng thời động viên anh chị em bằng tình yêu quê hương và trách nhiệm công dân tiếp tục bám sát vào đời sống sinh động ở mỗi vùng đất, mỗi làng quê để viết và kể những câu chuyện về con người và miền đất ấy.

Trong gần 20 năm liên tục trở lại đây, năm nào Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình cũng chuẩn bị khá kỹ về mọi mặt để tổ chức trại sáng tác văn học trẻ của địa phương mà đối tượng là các em học sinh có khả năng văn học được phát hiện, giới thiệu từ nhà trường bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông, (cá biệt có những em là sinh viên các trường đại học) và từ những huyện, xã, làng, bản của mỗi vùng quê. Hình thức tổ chức các trại sáng tác văn học trẻ năm nào cũng được đổi mới, để chống sự lặp lại nhàm chán, nhằm thu hút và khích lệ các em. Việc tổ chức trại sáng tác kết hợp với đi thực tế sáng tác, việc trao đổi giữa các em với các em và trao đổi các em với những văn nghệ sỹ tên tuổi luôn luôn làm cho không khí trại sáng tác sôi nổi, hấp dẫn. Đặc biệt các trại sáng tác bao giờ cũng dành nhiều thời gian để hướng những tâm hồn, những suy nghĩ, những sẻ chia, đồng cảm của các em về mỗi vùng quê nơi các em đã sinh ra và nuôi dưỡng các em. Sau mỗi trại, văn học nghệ thuật Ninh Bình lại được tiếp nhận, được bổ sung thêm những tài năng mới cho đội ngũ.

Để khắc họa đậm nét chân dung những người lao động của đời sống trong từng tác phẩm, nhiều năm nay, công tác tổ chức các trại sáng tác, đi thực tế sáng tác ở Ninh Bình đã trở thành thường niên, thành nhu cầu cho mỗi tác giả. Năm nào Hội cũng tổ chức nhiều trại sáng tác và đi thực tế sáng tác cho hội viên. Chúng tôi xác định đây là công việc chuyên môn, quan trọng, do đó công tác tổ chức cũng hết sức phong phú, đa dạng nhằm thu hút các văn nghệ sỹ bám sát thực tiễn để sáng tác. Những trại sáng tác được tổ chức trong tỉnh hay ngoài tỉnh, thì đề tài luôn hướng về khát vọng con người trong tình yêu quê hương, đất nước. Những chuyến đi thực tế dài ngày được Hội tổ chức thường xuyên mỗi năm 2 đến 3 đợt. Bước chân của văn nghệ sỹ Ninh Bình đã in dấu trên nhiều vùng đất Nam Bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc và Tây Bắc. Sự hòa quyện giữa miền quê Ninh Bình với các miền quê của đất nước luôn được khắc họa trong tác phẩm của văn nghệ sỹ Ninh Bình. Từ đó các tác phẩm của anh chị em bám sâu hơn, dầy hơn, nhiều hơn vào con người và từng vùng đất Ninh Bình, từng vùng đất của mọi miền Tổ quốc.

Nhằm quảng bá, giới thiệu các tác phẩm của anh chị em văn nghệ sỹ Ninh Bình đến nhiều hơn với công chúng, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình thường xuyên phối hợp với đài, báo, tạp chí trung ương và địa phương giới thiệu những tác phẩm mới, có chất lượng của anh chị em đến với công chúng. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tuyển chọn, in ấn công bố nhiều tác phẩm cho hội viên. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình đã xuất bản “Tuyển tập Văn học Ninh Bình ngàn năm” sách khổ lớn có độ dầy 1.400 trang, được tuyển chọn công phu. “Tuyển tập Văn học Ninh Bình ngàn năm” ra đời là việc làm có ý nghĩa nhằm tôn vinh, giữ gìn và quảng bá những tác phẩm văn học của người Ninh Bình, và những tác phẩm viết về Ninh Bình suốt ngàn năm lịch sử. Qua những tác phẩm còn lại với thời gian đã khẳng định tài năng của tác giả, và qua tác phẩm phần nào đã nói lên sự quan tâm, chăm sóc của mỗi địa phương, mỗi miền quê, mỗi vùng đất đối với những tác giả đã làm nên tác phẩm.

Chúng tôi luôn hiểu rằng, các tác phẩm ra đời bao giờ cũng chịu nhiều thử thách của thời gian và sự đánh giá bình phẩm của công chúng, để làm việc này, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình suốt gần 20 mươi năm nay, đều đặn mỗi tháng xuất bản một số, có độ dầy ngót trăm trang để đăng tải, công bố những sáng tác, những đánh giá tác phẩm của văn nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh. Các chuyên mục, chuyên trang luôn được đổi mới và mở rộng. Suốt chặng đường nhìn lại, Tạp chí của Hội luôn luôn là tiếng nói của văn nghệ sỹ Ninh Bình, là diễn đàn văn học nghệ thuật địa phương, công bố, giới thiệu đất và người Ninh Bình. Để công tác quảng bá, giới thiệu rộng rãi các tác phẩm văn học nghệ thuật ở địa phương tốt hơn nữa, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình đang triển khai Trang thông tin điện tử của Hội bước đầu hoạt động đã có hiệu quả khả quan.

Phát hiện bồi dưỡng, chăm sóc tài năng gắn với giữ gìn, phát huy sắc thái văn hoá trong sáng tác văn học nghệ thuật ở Ninh Bình được kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác quản lý Hội với công tác tìm nguồn; công tác bồi dưỡng gắn với công tác chuyên môn, chuyên sâu; Công tác công bố tác phẩm gắn với công tác động viên, khuyến khích. Tất cả mọi sáng tác đều hướng về từng vùng quê, miền đất, về sự lắng đọng của tâm thế và tính cách con người.

Mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều có những sắc thái văn hóa riêng, những sắc thái văn hóa riêng ấy hòa quyện với nhau trong dòng chảy qua thời gian, bồi đắp nên những diện mạo văn hóa, tạo ra những cánh đồng, làng bản, quê hương văn học nghệ thuật và những sắc thái ấy kết dính nhau thành bản sắc văn hoá dân tộc. Đằm sâu trong sắc thái văn hóa mỗi vùng, miền là sự thể hiện, quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng, chăm sóc những tài năng văn học nghệ thuật của mỗi miền quê. Cái đằm sâu ấy, theo thời gian nó chảy êm đềm bồi lắng lên những lấp lánh phù sa... Có thể nói truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc luôn luôn là điểm tựa cho đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tạo. Qua nhiều bước thăng trầm của cuộc sống, nhân dân ta đã hình thành nên một nền văn học nghệ thuật trường tồn cùng dân tộc. Tất cả những điều đó đã kết tinh thành văn hoá và văn hoá ấy đã lan truyền, toả hương cho mỗi vùng đất, con người quê hương, xứ sở.

Đứng trước yêu cầu mới hiện nay, để tiếp tục phát triển nâng tầm văn học, nghệ thuật của Ninh Bình lên tầm cao mới, khắc họa đậm nét văn hóa, con người Cố đô Hoa Lư, Hội Văn học Nghệ thuật chúng tôi chủ động khắc phục những hạn chế, yếu kém, đồng thời phát huy sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sỹ để có nhiều tác phẩm mới có giá trị cao phục vụ tốt hơn nhu cầu cuộc sống của con người.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy Ninh Bình về văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững của đất nước”, Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”.

Xây dựng và phát triển Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, Trang thông tin điện tử của Hội thực sự trở thành cơ quan ngôn luận, diễn đàn của đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh; coi trọng sử dụng công nghệ thông tin, mạng Internet trong việc quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tiếp tục đổi mới đẩy mạnh công tác sáng tác, xuất bản, triển lãm đảm bảo phong phú, đa dạng về nội dung đề tài, tăng về số lượng và chất lượng. Phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đạt giải trong các cuộc thi khu vực, quốc gia và quốc tế.

Tiếp tục tham mưu cho tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển văn học nghệ thuật, về xây dựng và phát huy sức mạnh đội ngũ trí thức, trong đó có văn nghệ sỹ đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Nêu cao hơn nữa vai trò của văn học nghệ thuật trong việc phát huy sức mạnh truyền thống lịch sử của văn hóa Ninh Bình, phát huy nội lực của con người Cố đô Hoa Lư văn hiến để biến thành động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển của quê hương Ninh Bình, đồng thời hướng các sáng tác văn học nghệ thuật vào mục tiêu quan trọng nhất là chăm lo xây dựng con người Ninh Bình có nhân cách, lối sống tốt đẹp, mang đặc trưng vùng đất Cố đô Hoa Lư góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

 

B.N

Bài viết khác