BÙI VĂN MẠNH
TUV, Giám đốc Sở Du lịch
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, TUV, Giám đốc Sở Du lịch trình bày tham luận tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23
Ảnh của MINH TUYỀN
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô được khơi dậy, bảo tồn, kế thừa, phát huy. Các dự án trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh được triển khai thực hiện hiệu quả; huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như: Quần thể danh thắng Tràng An; di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính; đặc biệt gần đây là phố cổ Hoa Lư kết hợp chợ đêm đã đưa nhiều hoạt động trình diễn giới thiệu văn hóa, nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, hát chèo, trò chơi dân gian, đặc sản ẩm thực địa phương, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách với nhiều trải nghiệm văn hóa ấn tượng. Ngoài ra, hàng năm tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội truyền thống để bảo tồn, lưu truyền và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư và di sản thế giới Tràng An (Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, chùa Bái Đính, Tuần Du lịch Ninh Bình - Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An….). Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, ẩm thực, làng nghề truyền thống cũng đã được chú trọng khai thác trở thành những sản phẩm du lịch để phục vụ khách du lịch. Nhiều ca khúc âm nhạc mới đã được sáng tác đưa vào phục vụ du khách và quảng bá về đất và người Ninh Bình như Huyền thoại Tràng An, Ninh Bình như một khúc ca, Lung linh Tam Cốc, Cửa biển Non Tiên….
Nhờ đó du lịch Ninh Bình đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam. Mới đây nhất, tại giải thưởng Traveller Review Award 2023 do Booking.com tổ chức đã bình chọn Ninh Bình là đại diện duy nhất ở Châu Á vào danh sách 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Năm 2022, và đầu năm 2023 du lịch của tỉnh đã có bước phục hồi và phát triển trở lại sau đại dịch; toàn tỉnh ước đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 3,45 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong 03 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ước đón 3,2 triệu lượt khách, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu đạt hơn 2.487 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Ninh Bình vẫn tồn tại 5 hạn chế chủ yếu sau: Thứ nhất, các công trình kiến trúc văn hóa, di tích lịch sử tại một số khu, điểm du lịch chưa sáng tạo trong việc truyền tải, giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật tới du khách. Do vậy nó thiếu đi tính hấp dẫn, “cái hồn”, cái “tinh túy” của điểm du lịch. Thứ hai, sản phẩm văn hóa nghệ thuật phục vụ khách du lịch còn đơn điệu, thiếu tính sáng tạo, chưa có các sản phẩm, chương trình nghệ thuật phục vụ nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng khách khác nhau. Thứ ba, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị độc đáo, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để trở sản phẩm du lịch văn học… như núi Non Nước với gần 40 bài thơ chữ Nôm và chữ Hán được khắc trên đá. Thứ tư, ẩm thực truyền thống địa phương cũng chưa được khai thác, các món ăn còn đơn điệu, thiếu đa dạng, chất lượng món ăn còn hạn chế, chưa khai thác, thổi hồn các giá trị văn hóa vào trong các món ăn để tạo sự cuốn hút, hấp dẫn đối với du khách. Thứ năm, việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình kiến trúc, điêu khắc còn hạn chế, chưa tiếp cận được nhiều đối tượng công chúng, chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quảng bá, lưu truyền, phổ biến các tác phẩm VHNT phục vụ nhân dân và du khách.
Những tồn tại hạn chế trên, theo chúng tôi, do các nguyên nhân chủ yếu sau: Một là, do các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến các yếu tố văn hóa, khai thác các loại hình nghệ thuật truyền thống, giá trị văn hóa tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng mang chiều sâu văn hóa. Hai là, thiếu các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc trình diễn, giới thiệu các tác phẩm, chương trình nghệ thuật truyền thống (bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa thôn, bản…). Ba là, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển loại hình nghệ thuật, sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch; chưa có cơ chế để thu hút, huy động các nguồn lực của xã hội trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian. Bốn là, thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn để khai thác phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật, âm nhạc thành các sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch. Năm là, sự hợp tác giữa các bên liên quan còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên… một số khu, điểm du lịch chưa có sự kết nối với các câu lạc bộ để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù của toàn điểm đến du lịch.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 đã đề ra, trước mắt đạt được mục tiêu năm 2023 đón được 5,35 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng và đến năm 2025, Sở Du lịch có một số đề xuất, kiến nghị như sau: Một là, cần tập trung quy hoạch đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, công trình kiến trúc phục vụ nhân dân và du khách… kết nối giữa trung tâm thành phố Ninh Bình với di sản thế giới Tràng An và các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Hai là, cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó ưu tiên hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về phát triển du lịch gắn với văn học nghệ thuật, xúc tiến quảng bá sản phẩm văn hóa, đặc biệt là thành lập và duy trì hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể tại các địa phương. Ba là, làm mới và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Cố đô; khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, làng nghề thủ công truyền thống; các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp,... để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Nghiên cứu xây dựng và đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc vào phục vụ du lịch; phát triển các loại hình du lịch về đêm, tour du lịch trên sông, du lịch văn hóa tâm linh... Tổ chức hoạt động sáng tác, biểu diễn âm nhạc định kỳ hàng năm hoặc theo mùa kết hợp với quảng bá và phục vụ khách du lịch; tổ chức các tour du lịch sáng tác ảnh, âm nhạc, điêu khắc.... Bốn là, cần sớm nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề cử núi Non Nước là di sản tư liệu của nhân loại, Nhà thờ đá Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới, hát xẩm là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, qua đó tăng cường quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, tác phẩm văn học nghệ thuật, loại hình nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian: đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả quảng bá, giới thiệu và diễn giải các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống ở trong và ngoài nước. Năm là, đẩy mạnh số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về các giá trị văn hóa, tác phẩm VHNT, chương trình nghệ thuật truyền thống; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế ảo để xây dựng các chương trình du lịch thực tế ảo, các bộ phim ngắn về lịch sử văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên sân khấu ảo. Sáu là, nâng cao hiệu quả hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch và Hội VHNT của tỉnh và các địa phương trong tỉnh để khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là thực hiện các đề án xây dựng công trình kiến trúc, điêu khắc, tác phẩm văn học, nghệ thuật tạo điểm nhấn riêng có của Ninh Bình, xây dựng và triển Đề án bảo tồn, phát triển ẩm thực hình thành các sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Văn học nghệ thuật và di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh, đất và người Ninh Bình. Du lịch Ninh Bình có sự phát triển như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của các văn nghệ sỹ, các nghệ nhân, các sở ban ngành và nhân dân trong tỉnh. Chúng tôi xin được gửi lời tri ân và hi vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đồng hành của các nghệ sỹ, nghệ nhân, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các sở ngành, địa phương trong tỉnh cùng chung sức xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của vùng và quốc gia.
B.V.M
(Nguồn TCVN số 280/5/2023)