NGUYỄN THỊ PHƯƠNG
Khi ngoài kia, xung quanh cây cầu Ngói nổi tiếng xứ Phát Diệm, thiên hạ vèo vèo lại qua tết nhất thì hai nghệ sĩ Vũ Đức Phương và Kù Kao Khải cặm cụi sắp đặt, chăng treo, căn chỉnh tranh, ảnh với tượng, cặm cụi xuyên ngày xuyên đêm để làm, để kịp phục vụ bà con thưởng lãm vui xuân.
Cát băng khai mạc Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh "Đất và người Kim Sơn". Ảnh: QUANG MINH
Triển lãm được UBND huyện Kim Sơn tổ chức từ ngày 26 tháng Chạp và kéo dài đến hết ngày mồng 4 Tết. Trong lòng cây cầu hơn một trăm năm tuổi của huyện Kim Sơn, lần đầu tiên có một buổi triển lãm công phu và chuyên nghiệp. Phải thừa nhận là không gian quá đẹp, hai nghệ sĩ vốn có “con mắt tinh đời” đã chốt được nơi chốn không thể tìm đâu ra có thể gợi cảm hứng cho người xem hơn thế ở đất Kim Sơn này: đúng nghĩa trên bến dưới thuyền. Cầu Ngói vốn đã là một di tích văn hóa, từng là biểu tượng của miền biển Kim Sơn một thời, nằm ngay trung tâm thị trấn Phát Diệm. Đây là cây cầu đi bộ, không phiền lắm đến việc di chuyển của người dân dù các tác phẩm điêu khắc của Kù Kao Khải có bò xoài ra cả chục mét trên nền cầu. Thành cầu và vì kèo của mái ngói là nơi lí tưởng để treo tranh và ảnh. Hai nghệ sĩ là người con của đất Kim Sơn, đã mang tác phẩm của mình triển lãm khắp quốc gia, quốc tế, nay mới có dịp về lại quê nhà, góp thêm một tiếng chuông chiều bình yên cho vùng đất mở Kim Sơn. Bao nhiêu cảm hứng sáng tạo đã được khơi lên bởi chính đồng đất này từ cói sú, ngao sò, cá mú đến hàng hàng những tà áo lễ và những cặp mắt Đức Mẹ thành kính mỗi buổi chiều chủ nhật. Ngoại trừ ban đêm, ban ngày ánh nắng lách qua nan cầu tạo khoảng sáng tối trên tranh, bên dưới vô số ánh lân tinh lấp lóa, hắt từ mặt nước lên mỗi lần thuyền khua mái chèo trôi qua, không cần đến đèn chuyên dụng, mỗi một tác phẩm đã được không gian bà đỡ này đẩy thêm một tông duyên dáng. Nếu đứng nguyên một chỗ quan sát thấy cùng một bức tranh mỗi lần ánh sáng quét qua lại ánh lên một sắc màu mới. Cũng vì lòng cầu rộng mà họa sĩ bày biện thỏa tay, người đi qua vẫn có lối, người xem tùy thích điều chỉnh khoảng cách cho phù hợp với tầm mắt hay ống kính…Tết Kỷ Hợi 2019, người Kim Sơn sống ở đây hay từ xa về có thêm một món ăn tinh thần sang trọng và thú vị, một kỷ niệm khó quên và rất đỗi tự hào.
Người viết bài này không có ý định khen tác phẩm vì chúng đã được định danh bởi các nhà chuyên môn trong nước và quốc tế rồi, cũng không xuýt xoa vì sự bạo tay và ý tưởng độc đáo của hai tác giả. Chỉ nhớ một vài ấn tượng rất đặc biệt hôm ấy. Đấy là sự kỳ công của người làm và sự đồng cảm của người xem. Hai bên cây cầu tính từ lòng đường thì dễ rồi, có cả một vỉa hè thênh thang để đặt các bức ảnh có giá đỡ. Thời tiết khô ráo, nắng rực rỡ, các bức ảnh tinh tế từ ánh sáng đến đường nét của Vũ Đức Phương tha hồ khoe sắc. Trong lòng cầu thì khó hơn, có bấy nhiêu không gian thôi muốn sắp với đặt kiểu gì cũng phải tránh sự trùng lặp từ ý tưởng đến sắc màu của ảnh, chất liệu của tranh và hình dáng của tượng. Cái cách hai tác giả tận dụng từng cái nan cầu và khoảng cách giữa các vì kèo của mái ngói với lan can và mặt cầu đã khiến tất cả các tác phẩm đều nói được điều chúng muốn và hòa một giọng mà cả hai nghệ sĩ muốn bày tỏ ở triển lãm lần này. Đấy là nhịp sống của đất và người Kim Sơn trong quá khứ và hiện tại với những gì đặc trưng nhất ở những giá trị bền vững và sự thích ứng cái mới một cách uyển chuyển, linh hoạt. Người xem có thể cảm nhận ý tưởng ấy từ vô số bức ảnh về đồng cói, giáo đường, đến cái nhìn thích thú của du khách nước ngoài khi chạm vào đường vân đá trong nhà thờ, hay tâm đắc với những tranh cá khắc gỗ đung đưa, sống động như vừa được vớt lên từ thăm thẳm biển khơi... Bạn nghề từ xa về ngẩn ngơ ngắm nghía, thèm một lần làm được một buổi triển lãm như thế ngay giữa quê hương mình. Buổi trưa khách vắng hơn có một bà hàng chổi từ bờ bên kia tắt sang bên này bằng cách vượt qua cây cầu. Gánh hàng tòng teng vài cây chổi của bà có lúc còn vắt vẻo chạm vào mặt tượng. Bà nhẩn nha đi, vừa đi vừa nhìn vừa tủm tỉm. Mình đùa “Bà đi xem tranh có một mình mà vui thế ạ”. Bà chỉ tay vào cụm tượng chính giữa sàn cầu “Tôi biết gì đâu mà xem chỉ thấy mấy cái hình này giống hệt hình dáng bọn tôi lúc đi cấy thôi, cứ như các chú ấy làm cho bọn tôi ấy”...Tranh với tượng đều là những cách điệu tối đa, một người hoàn toàn không biết gì về phép tắc hội họa cảm thấy cái gì đó một cách rất tự nhiên như cuộc sống của chính họ đang chuyển động trong những đường đục, cắt trên gỗ mộc quả nhiên còn hơn cả một lời động viên.
Vậy là ở nơi giao hoà của quá khứ và hiện tại, nghệ thuật bác học đã chạm vào tận cùng xúc cảm đời thường bình dị để cùng cất lên tiếng vọng của tâm hồn, của khát vọng. Chỉ tiếc giá sàn cầu cứ để nguyên thế, sần sùi, dập dềnh gỗ chứ không bóng loáng vì đá mới sẽ còn đắc địa hơn với nhóm tượng và tranh gỗ của Khải.
Từ một cuộc triển lãm nhỏ ở miền đất còn tiềm ẩn nhiều giá trị chưa được đánh thức, chúng tôi bắt đầu hy vọng vào những điều lớn lao hơn, ấy là việc làm giàu có thêm những xúc cảm thẩm mỹ, nhân văn của con người giữa bộn bề cuộc sống vội vã hôm nay, làm gia tăng nhu cầu và năng lực hưởng thụ văn hoá của người dân cũng là gia tăng sức mạnh mềm trong hành trình xây dựng và phát triển quê hương.
N.T.P