Thứ hai, 07/10/2024

Thơ Ninh Bình trong Ngày Thơ Việt Nam 2023 “Nhịp điệu mới”

Thứ tư, 22/02/2023

NINH ĐỨC HẬU

Rằm tháng giêng năm Mậu Tý (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ “Nguyên tiêu” bằng chữ Hán. Năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lấy ngày rằm tháng Giêng hàng năm làm Ngày thơ Việt Nam.

 

Đồng chí Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội VHNT phát biểu tại Ngày thơ Việt Nam 2023      Ảnh của NINH MẠNH THẮNG

Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội văn hóa của mỗi người dân Việt. Năm nay, đúng vào ngày Tết Nguyên tiêu, sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, xuân Quý Mão - 2023 với chủ đề “Nhịp điệu mới”, đã được Hội VHNT Ninh Bình long trọng tổ chức tại thành phố Ninh Bình. Chủ đề “Nhịp điệu mới”, đề cập tới sức sống mới của đất nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng sau đại dịch Covid-19, bước vào trạng thái bình thường mới nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Về dự Ngày thơ và chung vui với các văn nghệ sĩ tỉnh nhà có các đồng chí: Nguyễn Đăng Hào (nhà thơ Bình Nguyên), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình; Đinh Quốc Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Các đồng chí Thường trực Hội VHNT; Trưởng Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Ninh Bình; Ủy viên Ban Chấp hành, lãnh đạo Hội qua các thời kỳ; Trưởng các bộ môn, chi hội, Ban công tác của Hội; Hội viên chuyên ngành Thơ, Văn, Lý luận phê bình, Âm nhạc và CTV; Phóng viên báo, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh và bạn yêu thơ.

Diễn văn khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI xuân Quý Mão 2023, chủ đề “Nhịp điệu mới” của Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên (Nguyễn Đăng Hào), Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nhấn mạnh: “Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, với chủ đề “Nhịp điệu mới” đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; Chào mừng các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của tỉnh. Ngày thơ là ngày hội tôn vinh các nhà thơ và các tác phẩm thơ hay; Ngày thơ là cầu nối để các văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ đến gần nhau hơn. Ngày thơ cũng là ngày khích lệ động viên các nhà thơ, những người yêu thơ, cống hiến cho đời những bài thơ hay phục vụ những nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, cùng góp sức mình cho công cuộc đổi mới xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp”.

Mở đầu Ngày thơ, nghệ sĩ Thanh Vân diễn ngâm tác phẩm “Nguyên tiêu” bản tiếng Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản dịch của nhà thơ Xuân Thủy. Giọng ngâm thơ của Thanh Vân ngọt ngào, ấm áp, truyền cảm như đưa người nghe trở lại đêm trăng trên sông năm nào ở chiến khu Việt Bắc, để rồi ai cũng rưng rưng nhớ tới Bác kính yêu.

Nghệ sĩ Mai Lệ Hằng trình bày bài bình bài thơ “Nguyên tiêu”, của nhà thơ Thanh Thản. Bài viết sâu sắc, cảm nhận bằng tâm hồn lắng đọng và sự thành kính, giúp người nghe hiểu sâu, hiểu rộng hơn về ý tưởng, vẻ đẹp hoàn hảo trong ngôn từ, hình ảnh, mà có lẽ chỉ có được ở những nhà thơ yêu thiên nhiên, yêu đất nước bằng cả trái tim mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ cảm xúc qua bài thơ “Nguyên tiêu”, nhạc sĩ Vũ Xuân đã phổ nhạc bài thơ thành ca khúc “Nguyên tiêu”. Ca sĩ Quế Anh đã biểu diễn ca khúc với tấm lòng da diết, nồng nàn. Giọng ca trong trẻo, khi vút cao, khi trầm lắng đã đưa người nghe vào nhiều cung bậc tình cảm và đọng lại trong lòng mỗi người là nỗi niềm nhớ Bác khôn nguôi.

Các tác phẩm thơ được các tác giả và các nghệ sĩ trình bày trong Ngày thơ năm nay, ca ngợi truyền thống văn hiến cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, ca ngợi những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Ninh Bình một mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của ba triều đại với nhiều di tích lịch sử cùng các danh lam thắng cảnh. 16 tác phẩm thơ được giới thiệu đề cập nhiều đề tài và như một bức tranh minh chứng cho sự phát triển đổi mới của thơ Ninh Bình hòa chung “Nhịp điệu mới” của đất nước.

Năm nay một tin vui đến với Bộ môn Thơ nói riêng và Hội VHNT Ninh Bình nói chung, tập thơ “Mái phố” của nhà thơ Thanh Thản đã xuất sắc giành giải B - Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2022. Nghệ sĩ Ngọc Tân đã trình bày bài thơ “Em tôi” trích trong tập “Mái phố” trong sự mến mộ cảm phục tư duy sáng tạo của nhà thơ Thanh Thản.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người lính trẻ đã anh dũng hy sinh, họ chính là những người con bất tử. Máu của họ đổ xuống cho đất nước vẹn toàn. Họ không bao giờ chết và họ sẽ trở về trong vòng tay của những người thân ái. Đó là niềm khát khao mong đợi trong bài thơ “Anh sẽ trở về” của nhà thơ Nguyễn Thị Bình.

Bài thơ “Những chuyến tàu” của tác giả Vũ Thành, đầy ắp những nỗi niềm. Trên chuyến tàu chở niềm vui và nỗi buồn, chở may mắn và rủi ro. Nhưng những chuyến tàu đang đi về phía mùa xuân thì chỉ chở những niềm tin và hy vọng.

 “Áo dài thắt đáy lưng ong/ Hội làng như muốn níu cong mái đình” đó là câu thơ được trích trong bài thơ “Tháng Giêng”, in trong tập “Một ngàn câu thơ tài hoa”. Tháng Giêng là tháng đầu tiên và cũng là tháng có vai trò quan trọng của năm. Có tết Nguyên đán, có tết Nguyên tiêu, tháng có nhiều lễ hội đền, hội chùa, hội làng… Cây cối đâm chồi nảy lộc cũng bắt đầu từ tháng Giêng. Trong cái rét se se, trong lất phất mưa phùn lại ưng ửng vài ba tia nắng. Cảm xúc của nhà thơ Trần Lâm Bình  cũng được hình thành từ cái độc đáo kỳ lạ của “Tháng Giêng”.

Vào những ngày đầu của năm mới các văn nghệ sĩ thường có tục lệ khai bút. Với mong muốn khởi đầu một năm nhiều cảm xúc, nhiều ý tưởng trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Có tác giả chọn giây phút giao thừa để bắt đầu bằng những câu thơ, bài thơ mang hơi thở ấm áp của mùa xuân. Có tác giả lại chọn ngày rằm tháng Giêng để vừa bồi hồi nhớ bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác, vừa dạt dào cảm xúc làm thơ, tác giả Vũ Đức Thanh có bài thơ “Viết trong đêm nguyên tiêu”.

Những ngày cuối đông, khi cái rét cuối mùa đang dần phai là lúc trong chúng ta hồi hộp chờ đợi mùa xuân đến với ước mong con người bớt đi những giọt nước mắt tủi buồn, để chan chứa hy vọng vào những niềm vui mùa xuân mang lại. Bài thơ “Đò thiền đang chở xuân sang” của tác giả Trần Duy Đới là một nỗi mong chờ vào hy vọng tốt lành của mùa xuân.

Thư pháp thể hiện suy nghĩ nội tâm của người viết cẩn trọng nghệ thuật tạo hình, thông qua thư pháp chiêm nghiệm những triết lý của cuộc sống. Thư pháp đã hòa trong mạch sống nghệ thuật dân tộc và đã có những ảnh hưởng văn hóa đến đời sống xã hội. Mỗi độ xuân về tết đến ở các đền chùa nơi tín ngưỡng linh thiêng hay ở các lễ hội ta đều gặp những thầy đồ viết Thư pháp. Bài thơ “Thư pháp” của tác giả Bùi Thị Nhài đã phần nào nói được sự cao sang, trang trọng, ý nghĩa… của những bức tranh thư pháp. Làng thân thuộc gắn bó với chúng ta từ tấm bé. Lũy tre, giếng nước, cây đa, sân đình… sao mà thân yêu và trĩu nặng những kỷ niệm. Con đường rơm rạ, bờ đê mướt mát cỏ xanh tất cả đã hằn sâu vào ký ức… Ấy thế nhưng có một thứ cũng thân thuộc cũng gắn bó nhưng không hiểu sao ta lại vô tình ít quan tâm. Đó là những ngọn gió thổi qua làng. Đã đành gió ở đâu chẳng vậy, thế nhưng mỗi khi thổi qua mỗi làng, gió lại hoàn toàn khác nhau. Tác giả Nguyễn Mạnh Cường đã phát hiện ra điều ấy và tác giả đã thả hồn mình vào bài thơ “Gió làng tôi”, đó là những ngọn gió khi đi qua một vùng nông thôn mới của quê nhà.

 

Đại biểu dự Ngày thơ Việt Nam 2023 của Hội VHNT Ninh Bình      Ảnh của MINH TUYỀN

Có người hỏi “Sống như thế nào?”. Có người đáp: “Hãy nhìn vào mắt trẻ con mà sống!”. Từ ý tưởng trong sáng và nhân văn đó tác giả Mai Thị Lệ Hằng đã viết bài thơ “Nhìn vào mắt trẻ con”. Bài thơ là lời tâm sự của một cô giáo đang đồng hành cùng các học trò trên con đường chinh phục kiến thức và học cách làm người.

Năm 2022 vừa qua chúng ta vừa kỷ niệm 40 năm ngày thành lập mảnh đất Tam Điệp. Từ một vùng đồi núi đá sỏi nhấp nhô nhờ bàn tay khối óc của những người con hết lòng vì quê hương nay thành phố trở nên huy hoàng. Đã nhiều những bài thơ, bản nhạc cùng những tác phẩm VHNT khác ngợi ca mảnh đất kỳ tích này. “Hương dứa Đồng Giao” của tác giả Văn Viết là một trong số những bài thơ viết về Tam Điệp.

Phát hiện, bồi dưỡng và khích lệ các cây bút trẻ có năng khiếu VHNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội VHNT tỉnh. Những năm qua đã có một số tác giả thơ được kết nạp vào hội, tác giả Lường Thụy Dung là một hội viên mới. Tuy còn rất trẻ, nhưng đã có tư duy thơ khá “già dặn” điều đó được thể hiện trong bài thơ “Mùa của cha”. Bài thơ là lời tri ân, hàm ơn tới những bậc sinh thành đã một sương hai nắng, vất vả, nhọc nhằn trên cánh đồng.

Tác giả Trần Lộc viết bài thơ “Khúc ru Trường Sơn”, với những hoài niệm về những cô gái những chàng trai mang tuổi thanh xuân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trường Sơn một thời bom đạn đã khắc sâu vào tâm khảm bao thế hệ. Dẫu mới chỉ là một vài nét chấm phá về cuộc chiến thần thánh của đất nước nhưng cũng đủ để người nghe hình dung về một thời oanh liệt.

Làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô có bề dày 550 năm thành lập. Đặc biệt ở đây có lễ hội Báo Bản mà sự nổi tiếng của lễ hội không chỉ riêng trong tỉnh mà đã lan xa khắp đất nước và cả ở nước ngoài. Năm nào về Nộn Khê dự lễ hội Báo Bản, nhà thơ Đinh Ngọc Lâm cũng bồi hồi xúc cảm. Và chính từ sự bồi hồi tràn đầy cảm xúc ấy tác giả đã có Bài thơ “Tình Nộn Khê”. Trong Ngày thơ, NSND Mai Thủy, người con ưu tú của huyện Yên Mô với giọng ngâm thơ ngọt ngào êm ái đã đưa người nghe về với Nộn Khê với phiên chợ Cổng Đình, với lễ hội Báo Bản đặc sắc.

Cách tân đổi mới thơ là điều nhiều tác giả trăn trở tìm tòi. Từ ý, tứ, ngôn ngữ, cách biểu đạt… để mang đến hiệu quả cao cho chất lượng của một bài thơ. Tuy nhiên đó là con đường nghệ thuật vô cùng nghiệt ngã. Tác giả Võ Ngột  luôn tư duy đi tìm cái mới lạ cho thơ, song tác giả cũng ý thức vẫn là giữ nguyên cái hồn cốt dân tộc của thơ truyền thống. Bài thơ “Cây trám già trên đỉnh núi cao” là một ví dụ cho điều đó.

Tam Cốc - Tràng An là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là di sản Văn hóa thiên nhiên, nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Không những thế Tam Cốc - Tràng An còn là đề tài, tạo cảm xúc cho các thi nhân trên khắp mọi miền đất nước. Về mảnh đất được ví là Vịnh Hạ Long cạn không nhà thơ nào không bồi hồi để cất lên tiếng lòng và gửi gắm hồn mình trong thơ. Tác giả Nguyễn Đình Vân dành cảm xúc của mình qua bài thơ “Tam Cốc - Tràng An”.

Sáng tác thơ không chỉ có ở hội viên Hội VHNT, mà phong trào sáng tác thơ phát triển phong phú ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Hầu hết các huyện, thành phố đều đã có các CLB thơ. Nhiều tác giả đã có những tác phẩm được đăng tải trên báo chí Trung ương và địa phương. Tác giả Bùi Minh Tân, ở xã Gia Hưng, Gia Viễn, nguyên là một người lính hải quân, đã có thời gian đóng quân, bảo vệ các quần đảo của Tổ quốc. Nghệ sĩ Thanh Vân đã bồi hồi xúc động khi ngâm bài thơ “Thư viết cho em trong một chuyến đi xa” của tác giả Bùi Minh Tân.

Đan xen vào những tác phẩm thơ do các nghệ sĩ, tác giả trình bày là phần biểu diễn ca khúc, hát chèo của các hội viên bộ môn Âm nhạc, Sân khấu. Đó là NSND Mai Thủy, ca sĩ Quế Anh, Ngọc Tân, Hồng Gấm, Minh Hải, Quốc Sử, Thanh Vui, Ngọc Thuân, đã tạo nên bầu không khí thanh tân, vui vẻ, tràn đầy niềm vui trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI của Hội VHNT Ninh Bình.

                                                                                 N.Đ.H

(Nguồn: TC VNNB 278 - 3/2023)

Bài viết khác