NINH ĐỨC HẬU
Đã lâu lắm rồi, năm nay Trại sáng tác VHNT Ninh Bình mới có dịp tổ chức đúng vào những ngày hè nắng nóng ở biển Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định. Những lần trước đến đây, không biển động dữ dội thì mưa rét dầm dề, nhưng năm nay, “biển xanh, mây trắng, cát vàng” đón chào các văn nghệ sĩ Ninh Bình.
Nhà văn Tùng Điển - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam
phát biểu tại Lễ bế mạc. Ảnh của MINH TUYỀN
Biển Thịnh Long mùa du lịch nhộn nhịp và đông vui, khách từ Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình và nhiều địa phương khác nữa… đi du lịch, tắm biển như trẩy hội. Các khách sạn đều đông khách, nhất là khách sạn Kim Ngưu, nơi lâu nay được ví như ngôi nhà thứ 2 của Hội VHNT Ninh Bình, hầu như mấy tháng hè không còn phòng trống. Trước đây cả tháng, Văn phòng hội đã liên hệ đặt phòng, vì vậy hơn 40 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành Văn, Thơ, Phê bình Văn học, Nghiên cứu Sưu tầm, Âm nhạc, Sân khấu, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, được bố trí nơi ăn nghỉ rộng rãi, mát mẻ, đầy đủ tiện nghi. Các đồng chí Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội, Phạm Văn Phương, Phó Chủ tịch Hội trực tiếp chỉ đạo Trại sáng tác. Trong buổi khai mạc, ngày 2/6/2019, đồng chí Chủ tịch Hội nhấn mạnh: Hội tạo điều kiện tốt nhất để văn nghệ sĩ sáng tác và mong rằng trong thời gian ở trại, hội viên sẽ có những tác phẩm hay phục vụ kịp thời những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hoá xã hội.
Thời tiết đẹp, với những ánh nắng rực rỡ trải rộng đã tạo thêm cảm hứng cho các nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế. Ngày nào cũng vậy, khi chưa tỏ mặt người các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã khoác ba lô, đeo túi máy hăm hở xuống biển. Các NSNA bám sát hiện trường, kịp thu vào ống kính hình ảnh những ngư dân với những mảng ngực vạm vỡ, bắp tay rắn chắc cuộn sóng, họ ghé vai đẩy thuyền xuống biển. Những file ảnh được bấm kịp thời thật sinh động và phản ánh cuộc sống bám biển của bà con thật trung thực. Ngoài các tay máy “kỳ cựu” như Bùi Duy Tư, Nguyễn Minh Chiến, Vũ Đức Phương, Ninh Mạnh Thắng, Nắng Thu, Bình Nguyên… tay máy mới như Bùi Nhài cũng hăm hở, nhiệt tình, say mê. Các chị cũng dậy từ 3, 4 giờ sáng, cũng ba lô, túi máy, cũng lội biển, lăn lộn tìm các góc độ thu vào ống kính những hình ảnh sinh động, nghệ thuật. NSNA Phạm Lệ Thanh đã lâu không đi thực tế, lần này chị như được trở về với chính mình là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tuy tuổi tác và sức khoẻ không còn được như ngày nào, xong đó không phải là trở ngại. Sự say mê, cảm hứng sáng tạo nghệ thuật như phép thần làm chị như trẻ lại, khoẻ lên để cùng các nghệ sĩ khác bám biển không rời. Hầu như các NSNA, ai cũng có hàng trăm file ảnh với đủ các góc cạnh, đề tài, hình ảnh. Nào là những khoảnh khắc cá tôm mắc lưới, được kéo vào bờ, những phút giây mua bán hải sản tíu tít bên mép sóng. Ngoài ra, cuộc sống của bà con nông dân khắp vùng biển, hoặc thể không khí vui tươi, nhộn nhịp thậm chí là ồn ào, náo động của du khách đổ về biển Thịnh Long, biển Hải Lý…đều được các nghệ sĩ ghi lại bằng những hình ảnh nghệ thuật sống động.
Khác với những năm trước, ở biển nhưng các tác phẩm văn học của các tác giả lại ít viết về đề tài này. Các tác giả quan tâm đến các vấn đề đời sống xã hội, số phận con người với những cảm xúc, tư duy, những trăn trở với nhân tình thế thái. Tác giả Lê Đình Ba có chùm thơ khá hay với những bài “Tự do biển hát” “Trên con đường của mẹ”. Tác giả Nguyễn Thị Liên nhẹ nhàng đằm thắm với bài thơ “Ngày ấy mùa đông”. Nhà thơ Trần Lâm Bình với những câu thơ mang tính triết lý qua bài “Biển Hồ”. Tác giả Lê Công hoài niệm về những ngày xa xưa lịch sử trong bài thơ “Nghìn thu hiển lộ”. Tác giả Võ Ngột, một người sung sức trong thơ ca, được nhiều báo chí đăng tải, thắm đượm trong các bài thơ “Lên Hà Giang” và “Cúc Phương”. Tác giả Đinh Hữu Niên, chiêm nghiệm cuộc đời qua những bài thơ “Nơi con sông quê”, “Người con gái đồng chiêm”. Tác giả Nguyễn Đình Vân, đưa người đọc về với những miền quê đẹp đến mê hoặc người, đó là “Đảo Cát Bà”, “Tam Cốc Bích động”. Tác giả Hoàn Nguyễn vẫn một giọng thơ độc đáo và mê hoặc người đọc qua bài thơ “Chạm vùng không nhau”.
Các tác giả tham gia viết Phê bình Văn học ở trại sáng tác gồm có Nguyễn Thị Bình, Bùi Hồng, Phạm Thuý Nga, Mạc Khải Tuân. Đọc kỹ, hiểu sâu và dường như nắm bắt được tinh thần, ý tưởng của các tác giả, nên các bài “Trước vườn hoang nhớ lắm một vườn xưa”, bình bài thơ “Vườn hoang” của Ninh Đức Hậu, “Trăng khuya, một câu chuyện đậm tính nhân văn” bình truyện ngắn “Trăng khuya” của Trần Hồng Giang, của Nguyễn Thị Bình đã mang lại hiệu quả cao. Bài cảm nhận “Tiếng mầm - Lục bát, Trần Xuân Trường - Mơ hồ ẩn ức” của Mạc Khải Tuân với bút pháp lạ, cảm nhận độc đáo là một bài bình khá hấp dẫn. Cảm nhận về tập thơ “Những ngọn gió đồng” của nhà thơ Bình Nguyên, tác giả Phạm Thuý Nga rất tinh tế, thấu đáo và chi tiết trong cách cảm, cách thể hiện, đọc bài của Thuý Nga người đọc dường như chỉ những muốn có ngay trong tay tập thơ “Những ngọn gió đồng”. Bài của Bùi Hồng mang tính chất nghiên cứu, chị đề cập đến “Hình tượng nhân vật trong sáng tác văn xuôi dành cho thiếu nhi của các tác giả Ninh Bình”. Đây là bài nghiên cứu chuyên sâu, có trọng lượng về khía cạnh này.
Tham gia trại sáng tác có 3 tác giả sân khấu. Nghệ sĩ Lý Thanh Kha có kịch ngắn “Bệnh khó nói”, tác phẩm tham gia hội diễn của Bệnh viện Y học Cổ truyền Ninh Bình. Vở kịch ca ngợi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, làm tròn trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc, cốt truyện hấp dẫn, tính kịch khá cao, ngôn ngữ hoạt bát, dí dỏm làm người xem hài lòng. Tác giả Phạm Ngọc Giới và Bách Bốn tham gia trại bằng các sáng tác thơ và bài hát chèo. Trong đó bài hát chèo “Nhớ ơn Bác Hồ” là một bài hát chèo mềm mại với những ca từ thể hiện tình cảm da diết.
Hoạ sĩ Nguyễn Anh Đức là tác giả duy nhất của chuyên ngành Mỹ thuật dự trại. Lâu nay hoạ sĩ Anh Đức theo đuổi đề tài các dân tộc miền núi. Trong những đợt đi thực tế ở Hà Giang, hoạ sĩ không ngừng ghi chép, phác thảo, ký họa.. và ở trại sáng tác họa sĩ miệt mài cùng với cảm xúc trào dâng, tác phẩm “Tình mẹ” chất liệu acrylic khổ (1m x 1m40) đã được hoàn thành. Sau khi xem tác phẩm này trên Facebook nhiều họa sĩ và một số nhà phê bình mỹ thuật đều khen tác phẩm đẹp, bố cục hài hoà, tạo hình chắc, màu sắc chuẩn… Ngoài Anh Đức, NSNA Đồng Tiệp Khắc cũng tham gia vào Mỹ thuật, anh hoàn thành 2 tác phẩm “Biển Thịnh Long” và “Khu tắm ngâm sinh thái cúc Phương”. Tuy vẽ không phải sở trường, xong tranh của Đồng Tiệp Khắc cũng làm người xem phải trầm trồ vì hình họa, màu sắc, bố cục… hết sức hồn nhiên, nên tạo ra được dấu ấn riếng.
Các nhạc sĩ Mai Công Thắng, (ca khúc Về thôi, phổ thơ Bùi Thị Nhài), Hà Ân, (ca khúc Ngọc Mỹ Nhân, phổ thơ Nguyễn Đình Vân) Lê Đăng Khoa (ca khúc Giã từ thuốc lá) cùng một số ca khúc khác nữa, đã làm không khí trại sáng tác sôi nổi. Nhiều khách du lịch ở biển Thịnh Long khi được nghe các nhạc sĩ trình bày các tác phẩm đều tỏ vẻ thích thú và thán phục.
10 ngày trại sáng tác trôi qua thật nhanh, các văn nghệ sĩ miệt mài say mê sáng tác, nhiều tác phẩm có chất lượng đã được hoàn thành, tuy nhiên ai cũng thấy nếu như có thời gian nhiều hơn nữa thì chắc hẳn sẽ còn có những tác phẩm hay nữa. Trong buổi lễ bế mạc, trại sáng tác vinh dự được đón tiếp Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Thọ Đại Minh Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam về dự. Nhà văn Tùng Điển sau khi nghe các Văn nghệ sĩ báo cáo tác phẩm, đã không kìm nổi sự xúc động của mình, trong bài phát biểu với trại sáng tác, nhà văn đánh giá chất lượng tác phẩm ở trại sáng tác rất cao, nhiều tác phẩm đã thực sự có sức ám ảnh, thu hút người đọc. Nhà văn Tùng Điển mong rằng Hội VHNT Ninh Bình tiếp tục phát huy những gì đã làm được, sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm VHNT có tầm cỡ, để phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước, phục vụ nhân dân với những tác phẩm nhân văn có sức mạnh lan toả. Tại buổi tổng kết Trại sáng tác, sau khi nghe đồng chí Phụ trách trại báo cáo kết quả, đồng chí Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các hội viên, đánh giá cao chất lượng các tác phẩm được hoàn thành tại trại viết. Tạp chí VNNB số này xin trân trọng giới thiệu một số tác phẩm viết tại Trại sáng tác VHNT Ninh Bình năm 2019 (đợt 1).
N.Đ.H