Thứ ba, 08/10/2024

Trại sáng tác Văn học Ninh Bình 2019 tại Nhà sáng tác Văn học Nghệ thuật Đại Lải

Thứ tư, 20/11/2019

NINH ĐỨC HẬU 

Thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình, được sự quan tâm của Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà Sáng tác Đại Lải, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình tổ chức Trại sáng tác Văn học từ ngày 14-10 đến 29-10 năm 2019.

Dự Trại sáng tác Đại Lải năm nay có 15 tác giả thuộc chuyên ngành Văn, Thơ, Lý luận phê bình và Nghiên cứu sưu tầm.

Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật Đại Lải nằm kề bên bờ hồ Đại Lải. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đại Lải theo tiếng dân tộc Sán Dìu có nghĩa là hồ lớn. Đã từng có giả thuyết về một dòng nước lớn chảy ngầm dưới lòng đất, vì vậy Đại Lải cũng có thể hiểu là “một luồng nước lớn”. Hồ Đại Lải, từ lâu đã nổi tiếng là một khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách gần xa. Với khí hậu ôn hoà, khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, thơ mộng, cùng hệ thống giao thông thuận tiện, Đại Lải trở thành điểm đến đầy ấn tượng.

Hàng năm có rất nhiều Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật của các Hội Văn học Nghệ thuật trong nước cùng các hội chuyên ngành của Trung ương tổ chức Trại sáng tác tại đây. Các văn nghệ sĩ đến Đại Lải, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của hồ nước rộng mà trước kia vùng hồ này là một thung lũng cằn cỗi nằm trên một phần của dãy núi Mỏ Quạ, giữa một bên là dải núi Thằn Lằn và một bên là các đồi trọc trải dần ra từ phía chân dãy Tam Đảo.

Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên (Nguyễn Đăng Hào), Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phát biểu tại Trại sáng tác

Văn nghệ sĩ Ninh Bình, kể cả lần này, cũng đã 4 lần được dự Trại sáng tác tại Nhà sáng tác Văn học Nghệ thuật Đại Lải. Vì vậy có những hội viên nơi đây đã trở thành thân quen, và với họ có cảm giác như được trở về chính ngôi nhà của mình vậy.

Trong buổi khai mạc, đồng chí Phan Thanh Bình, Giám đốc Nhà sáng tác Văn học Nghệ thuật Đại Lải, phát biểu chào mừng anh chị em văn nghệ sĩ Cố đô Hoa Lư, đồng chí cũng hứa cùng anh chị em cán bộ công nhân Nhà Sáng tác sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để văn nghệ sĩ Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ. Trong lời đáp từ, Nhà văn Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình cám ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà sáng tác Văn học Nghệ thuật Đại Lải. Cũng là thành viên dự trại, Nhà văn Phạm Thị duyên thay mặt văn nghệ sĩ Ninh Bình bày tỏ sự hồ hởi, hào hứng, vinh dự được chọn đi Trại sáng tác ở Đại Lải năm nay, và tin chắc rằng trong thời gian dự trại các tác giả sẽ có những tác phẩm hay phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội… của đất nước.

Quang cảnh buổi lễ Bế mạc Trại sáng tác Văn học tại Nhà sáng tác Đại Lải 

Ngay sau Lễ khai mạc, anh chị em văn nghệ sĩ Ninh Bình đã hào hứng bước vào đợt sáng tác mới. Nhiều tác giả đã tự mình đi thâm nhập thực tế để lấy tư liệu cũng như nguồn cảm hứng sáng tác.

Tác giả Phạm Thị Duyên ngoài 2 truyện ngắn “Thị Ghẻ”, “Ngày hôm qua”, chị tập trung sửa chữa bản thảo tập truyện ngắn “Xuống cửa là đường” gồm 10 truyện ngắn. Dự kiến tập truyện sẽ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2019. Tác giả Nguyễn Khắc Thiệu, tận dụng thời gian ở Trại sáng tác để sửa chữa, bổ sung tác phẩm, nâng cao chất lượng bản thảo tập truyện ngắn lịch sử “Hoa sen khóm trúc”, dự kiến tập truyện này sẽ được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Các tác giả thơ đã có những bài thơ mới viết tại trại theo tinh thần “ngay và luôn”, viết ngay viết nhanh nhưng thơ vẫn lấp lánh vẫn chiếm được cảm tình của người đọc. Tác giả Lê Đình Ba tràn đầy cảm xúc khi mỗi lần anh dạo hồ Đại Lải. Dường như phong cảnh nơi đây đã “hút hồn thơ” để hàng chục bài thơ ra đời, mà bài nào cũng da diết: “Đảo thức dậy choàng khăn voan trắng/ Hồ mờ sương lấp lánh trăng rơi…” trước mặt hồ mênh mang nước tác giả bồi hồi “Sực nhớ lại những ban mai xa ngái/ Đồng ruộng cằn khô… vui thuỷ lợi về/ … Thuở ấy mẹ cha khao khát vượt nghèo/ Từ những ban mai khi bình minh chưa rạng…” cuối cùng tác giả thốt lên: “Cảm ơn nhiều… Đại Lải mộng mơ/ Ban mai này ghim Đại Lải vào thơ…”. Tác giả Mạc Khải Tuân viết tiểu luận “Làm gương cho khách hồng quần thử soi” và anh có hơn 10 bài thơ viết ở Trại sáng tác, trong đó có 3 bài anh viết về Đại Lải, với tâm trạng của một người thơ nặng lòng suy tưởng: “Đại Lải chờ trông hay khước ta/ Gặp nhau say men lắng mưa nhoà/ Một mai con chữ theo mây trắng/ Bóng nước người soi năm tháng xa”. Ngoài tiểu luận “Hình tượng gió trong thơ Bình Nguyên” với phát hiện mới lạ, cảm nhận sâu sắc… về hình tượng gió, mà ít người để ý hoặc quan tâm… Phạm Nga còn có một chùm thơ nhẹ nhàng, mướt mát, có cảm giác thơ Phạm Nga cho người đọc thấy dịu lòng lại: “Ai gom xác nắng bên trời/ Gói vào thu mỏng đem phơi bên chiều/ Ai còn giấu một lời yêu/ Còn nghe sóng hát muôn chiều tương tư”. Tác giả Ninh Đức Hậu có bài thơ “Cái hôm” diễn tả nỗi lòng của một người mẹ có người con ra trận và không trở về, người mẹ ấy lúc nào cũng ngong ngóng đợi chờ, thật xa xót, rưng rưng: “Cái hôm chao đảo chòng chành/ Tuổi con ngưng lại mẹ thành “mồ côi”/ Nào con vượt sóng trùng khơi/ Đội chín tầng đất… về thôi mẹ chờ”. Bài thơ này nằm trong tập bản thảo “Nửa đêm nghe gió” gồm 54 bài, anh nâng cao sửa chữa tại Trại sáng tác và sẽ xuất bản năm 2020. Lần đầu tham dự 1 Trại sáng tác ở xa, tác giả Trần Ngọc Thuý (Thuý Hoàng) không dấu nổi cảm xúc của mình, chị hăm hở và say mê sáng tác. Thành quả lao động nghệ thuật của chị là 5 truyện ngắn, 1 tản văn và 3 bài thơ. Truyện ngắn của Thuý Hoàng khá sắc sảo, truyện không ly kỳ nhưng lôi cuốn người đọc. Tuy là tác giả trẻ nhưng chị có bản lĩnh và biết thổi hồn mình vào từng tác phẩm. Trong thơ, Thuý Hoàng dịu dàng ngọt ngào và tràn đầy khát vọng: “Sớm tinh khôi hoa đá nở/ Chàng có mang đến tặng không/ Giữa đời tình yêu huyền thoại/ Cuối đường cô gái chờ mong…”. Ở Trại sáng tác, sau khi đọc lại chùm thơ viết về người lính đảo Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả Nguyễn Mạnh Cường đã viết cảm nhận “Nói chẳng đủ đâu tôi phải hát”, thể hiện sự đọc, sự cảm vừa nghiêm túc vừa bay bổng. Nguyễn Mạnh Cường còn có 2 bài thơ, với nỗi niềm sâu lắng: “Vọng phu đấy! Vọng phu đâu/ Đầu trời cuối đất vọng nhau đi tìm/ Trời thì thất thểu cánh chim/ Đất thì xương thịt lẫn chìm cỏ cây…”.

Nhà thơ Phương Nam (Lê Đình Ba) báo cáo tác phẩm của mình trong buổi Lễ Bế mạc Trại Sáng tác Văn học 

Tác giả Trần Anh Thuận, bút lực dồi dào, say mê sáng tác, kết thúc trại anh có 2 truyện ngắn và 9 bài thơ, trong đó có 3 bài thơ viết cho thiếu nhi. Có lẽ thế mạnh của Trần Anh Thuận là thơ viết cho thiếu nhi. Sinh động, giầu hình ảnh, thân thiết… đó chính là tình cảm của anh dành cho lứa tuổi thần tiên : “Ơ kìa bọ ngựa/ Xanh như đọt lá/ Bé cười nắc nẻ/ Bọ ngựa cõng nắng/ Bắc cầu vào thu”. Tác giả Vũ Đức Thanh có thâm niên trong sáng tác thơ. Từ lâu thơ của anh đã có vị trí trong lòng độc giả. Với những bài thơ triết lý nhưng không khiên cưỡng, lãng mạn trữ tình, anh có 3 bài thơ ở Trại sáng tác năm nay : “Ơi thương quá trắng từng chùm mây dại/ Mang gió về như muốn kéo trăng lên/ Phượng nở trong mưa vì ai mà nức nở/ Hay nước mắt nàng thương nhớ cháy trong ta…”. Tác giả Hải Âu cũng là một trong những tác giả viết được nhiều ở trại sáng tác. Sau 15 ngày, anh có 1 bài cảm nhận bài thơ “Giếng làng của Nguyễn Đình Vân”, 1 bài báo “Văn nghệ sĩ Ninh Bình bám sát và đi sâu vào mũi nhọn của cuộc sống” và 1 chùm 5 bài thơ. Thơ Hải Âu dung dị, chân chất: “Bóng chiều tha thướt buông dài/ Mắt cười rót mật nét ngài thanh xuân/ Đại ngàn vời vợi tùng quân/ Em yêu tình bút trong ngần… thơ anh”. Tác giả Nguyễn Đình Vân ghi dấu ấn ở trại sáng tác là 5 bài thơ anh viết về 5 vùng đất mà anh có dịp đặt chân đến. Dấu ấn đậm nét nhất, chính là quê hương Ninh Bình yêu dấu, bài  “Tam Cốc – Tràng  An” và bài “Cồn Nổi” đã nói lên tình cảm của anh với đất mẹ: “ Ngày anh về, Cồn Nổi nắng chiều buông/ Thuyền len lỏi bơi trong rừng ngập mặn/ Con nước xuống Bãi Ngang trăng mắc cạn/ Vùng đệm xanh miền châu thổ sông Hồng”. Nói đến tác giả Nguyễn Thị Hoàn (Hoàn Nguyễn) là nói đến cái lạ, cái độc đáo, cái táo bạo, cái hấp dẫn lôi cuốn người đọc như vào mê cung của thơ vậy. Lần đầu đi Trại sáng tác xa, Hoàn Nguyễn không những có 3 bài thơ mà chị còn có 1 tản văn mượt mà, đẹp dịu dàng của “Chạm hương thu”, 1 bài cảm nhận về bài thơ Chị Tầm của nhà thơ Bình Nguyên. Hãy thưởng thức một chút độc đáo thơ Hoàn Nguyễn: “Tường anh/ cao/ thật là cao/ Vườn anh/ còn/ có lối vào hay không/ Trái quả/ những mọng mòng mong/ Muốn vào/ hái/ trộm/ mà không biết trèo”.

Hội viên tham dự Trại sáng tác Văn học chụp ảnh lưu niệm cùng với lãnh đạo Nhà sáng tác Đại Lải

và lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình 

Tác giả Bùi Ngọc Minh thuộc chuyên ngành Lý luận phê bình tham dự trại với tác phẩm “Thị Nở - người đẹp nhất làng vũ Đại”, có thể cho đây là một tiểu luận văn học và cũng là một chuyên đề giảng dạy. Với kinh nghiệm mấy chục năm giảng dạy chuyên văn ở trường THPT , cách đưa vấn đề, lập luận, chứng minh luận đề của tác giả Bùi Ngọc Minh khá sắc sảo, thuyết phục được người đọc. Tác giả Lê Doãn Đàm thuộc chuyên ngành Nghiên cứu sưu tầm, có bài nghiên cứu: “Sự tích lăng Yên Mã và một số tư liệu ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng” là người con của xã Trường Yên huyện Hoa Lư, nơi có lăng Yên Mã và đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, nên tác giả Lê Doãn Đàm có nhiều thuận lợi khi tìm tòi, nghiên cứu để hoàn thành tác phẩm.

Sau 15 ngày dự trại, với trách nhiệm cao của người cầm bút, các tác giả đã hoàn thành bản thảo và sáng tác được nhiều tác phẩm mới. Các tác phẩm đều đạt được mục đích yêu cầu, nội dung trong sáng, lành mạnh, đề cập được nhiều đề tài có tính thời sự, thời đại. Trong thời gian dự Trại sáng tác, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình nhận được sự quan tâm, nhiệt tình, chu đáo của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ công nhân phục vụ Nhà sáng tác Văn học Nghệ thuật Đại Lải.

Bài và ảnh: NINH ĐỨC HẬU 

 

 

Bài viết khác