THANH THẢN
Giữ nền nếp 30 năm nay, vào dịp học sinh nghỉ hè và việc thi cử đã xong xuôi, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Ninh Bình lại tiếp tục mở trại sáng tác văn học trẻ nhằm bồi dưỡng tài năng văn học cho lớp tuổi trẻ quê hương.
Trại năm nay có 21 em học sinh các cấp (Từ tiểu học đến đại học), 10 cộng tác viên của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình cùng Ban Văn học trẻ và một số cán bộ, văn nghệ sỹ của văn phòng Hội tham dự.
Ngày 15/7/2023 trại được khai mạc tại Trụ sở Hội VHNT tỉnh. Từ 15/7 -17/7 trại đi thực tế trải nghiệm tại Nông trường Mộc Châu (Sơn La). Các trại viên thật háo hức và dâng trào nhiều cảm xúc về một nông trường danh tiếng với những nương chè bát ngát phủ xanh núi đồi, thăm những vườn mận, vườn đào, thăm khu di tích nhà thơ Quang Dũng cùng đoàn quân Tây Tiến xuất trận và cảnh quan các bản làng mang đậm sắc thái văn hóa của bà con dân tộc Mường, Thái... Tình yêu quê hương, đất nước trong lòng mỗi người lại được thổi bùng. Không ít những sáng tác kịp thời về một miền núi đồi Tây Bắc hùng vĩ và lịch sử đã được ra đời...
Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên (Nguyễn Đăng Hào), Chủ tịch Hội VHNT tỉnh phát biểu tại lễ khai mạc Ảnh: MINH TUYỀN
Từ ngày 18/7 - 22/7, trại trở về địa điểm quen thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương. Kết hợp với thời gian vừa sáng tác vừa đi thăm cảnh vật núi rừng ngàn năm tuổi, thăm Bảo tàng Cúc Phương, thăm khu bảo tồn động vật quý hiếm, Hồ Mạc, động Người xưa, dấu tích cây Chò nghìn tuổi... Các trại viên thích thú hòa mình với niềm vui của những đàn bướm đủ mầu sà kín mặt đường, tiếng chim kêu, vượn hót, đặc biệt là tiếng hú rộn cả cánh rừng già mỗi buổi sớm mai của bầy linh trưởng. Ai cũng được tận mắt thấy, tai nghe giá trị to lớn của một cánh rừng nguyên thủy nổi tiếng thế giới của quê hương. Từ đó càng tăng thêm lòng thiết tha yêu mến quê hương, đất nước và tăng thêm ý thức trân trọng, gìn giữ những giá trị lớn lao của tài nguyên tổ quốc.
Sau 8 ngày tập trung ở trại, các cô trò cùng động viên, khích lệ nhau sáng tác, tạo nên một không khí vui tươi, sôi nổi. Kết thúc, trại đã có được 38 bài thơ và 14 tác phẩm văn xuôi (truyện ngắn, bút ký và tản văn). Trong trại các em còn được cô giáo Bùi Thị Nhài và Bùi Hồng khởi xướng phát động cuộc thi viết ngắn với nội dung về tình yêu rừng, bài viết chỉ trong 1 trang giấy khổ A4. Cuộc thi đã chọn được 1 giải A (Phạm Thu Hà - lớp 12 Trường THPT Yên Mô A), 1 giải B (Nguyễn Kiều Trang, lớp 11, THPT SP Tràng An - ĐH Hoa Lư), 2 giải C (Hà Minh Hạnh - THPT Lương Văn Tụy và Nguyễn Minh Đức lớp 5, trường Tiểu học Ninh Khánh, TPNB).
Tuy còn nhỏ tuổi và bước đầu mới cầm bút bắt tay vào công việc sáng tạo văn học, nhưng nhiều em đã có ý thức chọn đề tài, chọn nội dung để viết. Đó là những đề tài gần gũi quen thuộc với lứa tuổi thanh thiếu niên, như chủ đề về gia đình, trường lớp, tình nghĩa thầy trò, bè bạn và tình yêu làng xóm quê hương cũng như những con vật thân yêu nuôi dưỡng trong nhà mà các em rất quý mến.
Em Trương Bích Hà (Lớp 5E trường Tiểu học Đông Thành) có nỗi niềm thật đáng trân trọng, là những cảm xúc khi về nghỉ hè, nhìn lại lớp học của mình em thấy thật bâng khuâng, lưu luyến: "Lặng nhìn phòng học trống/ Không bạn nào bên trong/ Tấm bảng vương bụi phấn/ Ai vừa lau chưa xong...". Em Lê Tiểu My (THCS Đinh Tiên Hoàng ) lại nhớ đến một hôm cô giáo bị ốm, vắng mặt ở lớp, thật xúc động trước tình cảm của các em đối với cô: " Vắng lời cô ấm áp/ Dạy bảo những điều hay/ Cả lớp ngồi lặng lẽ/ Nỗi buồn thương dâng đầy".
Cũng viết về tình cảm của mình, em Đặng Nhật Minh (THPT Hoa Lư A) có bài thơ khá xúc động, em tỏ ra nhớ nhung lưu luyến với những thời gian được học thầy cô, khi các trò xa trường, thầy cô vẫn luôn dõi theo từng bước trưởng thành của trò, như vẫn còn đầy trách nhiệm: "Khách đi đò sang sông"/ Mang theo những ngày ấy/ Người lái đò còn đấy/ Vẫn tháng ngày dõi trông...".
Đề tài thiên nhiên, quê hương, đất nước, là một đề tài lớn, được các em tập trung khai thác khá nhuần nhị, thành công. Trương Bích Hà có bài "Mưa bóng mây", Đinh Thị Hoàng Anh (THCS Khánh Phú) có bài "Rạng rỡ sắc thu" và bài "Mặt trời nhỏ" khá ngộ nghĩnh khi tả ông mặt trời như một người thân luôn luôn soi sáng theo mỗi bước em: "Ông luôn theo bước cháu/ Dù có đến nơi nao/ Ngẩng ngắm nhìn trời cao/ Vẫn thấy ông tỏa sáng..."; Bùi Hoàng Việt (THPT Hoa Lư A) ghi lại cảnh "Chiều hạ" thật đẹp: "Chênh chao chiều nắng hạ / Gió ru bóng hàng cây / Diều em căng no gió/ Bay vút tận trời mây". Đặng Tuệ Minh (THCS Lê Hồng Phong, TPNB) viết về cảnh đẹp của công viên buổi sáng; Phạm Yến Nhi lại viết về "Bình minh trên biển"; Hà Minh Hạnh (THPT Lương Văn Tụy) thì viết ngay về Cúc Phương, khi em vừa đến. Bài "Ở rừng" thật đẹp và vui: "Cùng đi thăm bản Bống/ Dung dăng đi hái hoa/ Gặp cô Mường áo trắng/ Nghe tiếng cồng ngân nga...".
Cũng còn có những bài, những câu khá hấp dẫn của các em Hà Trung Hiếu (THPT Lương Văn Tụy), Đinh Trung Kiên (THCS Khánh Phú), Quách Lan Anh (THPT Nho Quan C), Phạm Thành Nam (THPT Yên Mô A), Bùi Ngọc Minh Hoàng (THPT Nho Quan C).. v..v...
Về văn xuôi, tuy chưa nhiều, nhưng cũng các em cũng đã rất cố gắng sáng tác và nâng cao chất lượng bài viết của mình. Đó là em Phạm Thu Hà (THPT Yên Mô A) có truyện "Cuốn sách bụi bặm" đề cập đến một đề tài lớn - đề tài chiến tranh cách mạng. Em Hà là một học sinh giỏi văn của trường, dịp thi đại học 2023 em đã được tuyển thẳng vào ĐHSP. Truyện ca ngợi mối tình sắt son, chung thủy của một chiến sỹ với một cô gái hậu phương thời chống Mỹ. Em Nguyễn Kiều Trang (THPT – sư phạm Tràng An) có 2 truyện "Cậu bé lêu lổng" và "Bạn Hiền lớp tôi" viết về chuyện bạn bè trường lớp của mình. Em Nguyễn Anh Thư (lớp 11 THPT Hoa Lư A), viết về con vật thật gần gũi, thân quen trong nhà mình như truyện "Chàng Miu", Em Đặng Ngọc Chi có truyện "Những cơn mơ xa vời" và em Phạm Thành Nam (Lớp12 THPT Yên Mô A) có truyện "Những vọng âm vô vọng" cũng khá gọn gàng, chắc tay...v.v...
Giao lưu văn nghệ tại lễ bế mạc Ảnh: MINH TUYỀN
Đội ngũ các cô giáo là những cộng tác viên của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình cũng có nhiều đóng góp xứng đáng làm cho kết quả của trại thêm phần đa dạng, phong phú và chất lượng. Cô giáo Bùi Thị Nhài (Ban văn học trẻ) có 2 bài thơ; cô giáo Lê Thu Hiền (TH Yên Sơn,TP Tam Điệp) 2 bài thơ viết cho thiếu nhi; Cô giáo Bùi Hồng (ĐH Hoa Lư) có 2 bài thơ; cô Nguyễn Thị Liên (Chi hội trưởng, chi hội Văn nghệ Nho Quan) có 3 bài thơ; Cô giáo Khánh Phượng Vũ (THPT Kim Sơn B) có 2 bài thơ; cô giáo Vũ Hiển (THPT Kim Sơn B) có 1 tản văn và 1 truyện ngắn; cô giáo Mai Lệ Hằng (THPT Hoa Lư A) có 2 bài thơ...
Theo đánh giá của lãnh đạo Hội và Ban Văn học trẻ, trại sáng tác năm 2023 đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp: an toàn, kỷ luật, các trại viên đều có tinh thần tập trung cho sáng tác và đã đạt được những kết quả tốt... Trại đã được lãnh đạo Hội chăm lo chu đáo về tinh thần và vật chất, được lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương tạo nhiều điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho trại. Tuy chưa nhiều truyện ngắn, nhiều bài thơ hay, nhưng với sức của các em và bước đầu tập viết, được như thế cũng là một điều đáng mừng, đáng trân trọng. Một số tác phẩm đã được ghi nhận và sẽ được tuyển chọn giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình trong các số tới.
T.T
(Nguồn: TC VNNB 283-8/2023)