Thứ ba, 08/10/2024

Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Ninh Bình 2019

Chủ nhật, 29/12/2019

NINH ĐỨC HẬU

Những ngày đầu năm 2020, trong không khí ấm áp của mùa xuân mới, trong niềm hân hoan chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng, chào mừng năm Du lịch Quốc gia 2020 tổ chức tại Ninh Bình. 

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Văn hoá tỉnh, Công ty THNH Vạn Bảo Ngọc tổ chức Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tỉnh Ninh Bình năm 2019 tại Không gian Văn hóa Hoa Lư (Tp Ninh Bình) nhằm công bố các tác phẩm tranh, ảnh, điêu khắc của các hội viên trong Hội và các tác giả trong tỉnh. Các tác phẩm được giới thiệu ở Triển lãm năm nay được sáng tác từ thực tiễn sinh động ở các mảng đề tài trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phản ánh khắc họa chân dung người lao động, chân dung vùng quê, vùng đất Ninh Bình và mọi miền đất nước trong lao động, xây dựng đổi mới và phát triển. Đông đảo các họa sĩ, NSNA và người yêu thích nghệ thuật đã đến dự Khai mạc Triển lãm. Các nghệ sĩ, ca sĩ Trung tâm Văn hoá tỉnh đã có một chương trình ca múa nhạc đặc sắc biểu diễn chào mừng Triển lãm. Trong lời khai mạc Triển lãm, Nhà thơ, NSNA Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội nhấn mạnh: “108 tác phẩm Nhiếp ảnh và 48 tác phẩm Mỹ thuật của 60 tác giả trong và ngoài Hội, được giới thiệu trước công chúng tại Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tỉnh Ninh Bình năm 2019 là thành quả lao động nghệ thuật của các NSNA, họa sĩ trong tỉnh. Nhiều năm qua các nghệ sĩ đã say mê sáng tạo cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật cao, đã có những tác phẩm giành được giải thưởng Quốc tế, Quốc gia và Khu vực. Đây cũng là thành quả của các nghệ sĩ Ninh Bình chào mừng 90 năm thành lập Đảng, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chào mừng Đại hội VHNT tỉnh Ninh Bình lần thứ VI…”

Cắt băng khai mạc Triển lãm

Các tác phẩm Mỹ thuật tại Triển lãm phong phú đề tài, đa dạng chất liệu. Đề tài nào, chất liệu gì cũng đều được các họa sĩ thể hiện chỉn chu, có dụng ý. Họa sĩ Đinh Đức Hưng trong chuyến đi thực tế ở Hà Giang, đã có tác phẩm “Chiều phố Cáo”. Họa sĩ Anh Đức có 2 tác phẩm “Giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương” và “Làng tôi”. Họa sĩ Nguyễn Phúc Khôi vẫn phát huy thế mạnh trong sáng tác tranh cổ động; “Ơn Đảng hoà bình, hạnh phúc ấm no”, “Chào mừng 45 năm ngày giải phóng miền Nam” là chùm tranh của họa sĩ tại Triển lãm. Họa sĩ Phan Dư có 2 tác phẩm “Lời sông” và “Sau mưa”. Họa sĩ Đào Công Huân đóng góp các tác phẩm “Khuê Văn Các”, “Phiên chợ Cán Cấu”. Tác phẩm của họa sĩ Kim Đức Thạo gồm “Tam Điệp” và “Biển là của chúng ta”. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Văn có 2 tác phẩm “Lời ru trên nương” (Chất liệu đá) và “Nỗi lòng Dương Thái Hậu” (Chất liệu khắc gỗ). Đó là tranh của các họa sĩ cao tuổi, có tay nghề, kinh nghiệm sáng tác lâu năm được bố cục đẹp, hình họa chắc, màu sắc dung dị, nhiều tác giả vẫn trung thành với gam màu trầm ấm, đậm chất trữ tình.

Các họa sĩ trẻ đã thể hiện sức sáng tạo mới mẻ, phần lớn các tác phẩm không bị lệ thuộc vào lối mòn dẫn đến nhàm và nhạt. Thay đổi phong cách, bút pháp là xu hướng mà hầu hết các họa sĩ trẻ thể nghiệm. Không còn đơn thuần là những sao chép, mà phần lớn các tác phẩm được hình thành từ cảm xúc dâng trào. Lấy nguồn cảm hứng đón chào năm Canh Tý, họa sĩ Kù Kao Khải đã có những bức tranh Chuột, vừa độc đáo, vừa nghệ thuật tạo nên một điểm nhấn khá độc đáo ở Triển lãm. Phan Tuấn Ngọc cũng thể hiện bút pháp riêng của mình trong sáng tạo. Nguyễn Trọng Văn sử dụng màu sắc hài hoà tạo nên sức hấp dẫn người xem. Bùi Liêm mềm mại tranh lụa trong tác phẩm “Mùa đông”. Phan Nguyễn với “Phố đêm”, “Phố lên đèn” tạo hình và màu sắc lạ khá ấn tượng. Ngoài tác phẩm “Phong cảnh Ninh Bình” khá đẹp, Đinh Văn Phương còn có tranh cổ động “Nông thôn mới”. Hoàng Dũng, trong một chuyến đi thực tế đã có những tác phẩm khá nổi bật “Sớm trên cao nguyên đá” và “Trên cao nguyên đá”. Lương Trịnh, Hoàng Chinh, Thanh Túc, Đặng Tuấn Hoàng, các tác giả điêu khắc với sự sáng tạo độc đáo, bàn tay khéo léo, tinh tế đã có những tác phẩm trên các chất liệu gỗ, sắt, đá… cũng làm nên những điểm nhấn trong Triển lãm. Tranh của những tác giả nữ ở Triển lãm làm người xem thích thú với sự mềm mại, dịu dàng qua tạo hình, bố cục, màu sắc… như “Phong cảnh Xích Thổ” của Phan Vi Diễn, “Khoảng lặng” của Nguyễn Thị Thu Hường, “Cồn Nổi” của Hoàng Thị Huyền.

Các tác phẩm khác của các tác giả trẻ trong Triển lãm đều để lại những ấn tượng khá tốt. Qua các tác phẩm của các tác giả trẻ, điều ghi nhận là sự nỗ lực, vươn lên, sự học hỏi tận tâm tận ý, sự sáng tạo đổi mới không ngừng,  tạo sự kích thích trí tìm hiểu của người xem.

Triển lãm giới thiệu 108 tác phẩm Nhiếp ảnh, là 108 câu chuyện trữ tình được ghi bằng ánh sáng. Một phong cảnh miền núi, một phiên chợ rẻo cao, hay phiên chợ quê đồng bằng, phong cảnh Cố đô Hoa Lư, một cánh đồng lúa, một chân dung đặc tả nỗi niềm của người lao động, cảnh sinh động ngày mùa ở nông thôn, sự hiện đại của một khu công nghiệp… được các NSNA mô tả bằng tình cảm nồng hậu và với những góc nhìn, ánh sáng, tạo hình khác nhau, tạo nên những tác phẩm đa sắc, đa hình, lôi cuốn và hấp dẫn. Phải kể đến “Mùa vàng Mù Cang Chải” “Ngày mùa ở Tam Cốc” của Bùi Duy Tư. “Mùa Xuân” của Bùi Hương Giang. “Miền Hạ Long trên cạn”, “Thềm đất Hoa Lư Ninh Bình” của Bùi Tuấn Hải. Vẫn biết tìm tòi để đổi mới phong cách trong Nhiếp ảnh là vấn đề quá khó, song không phải vì khó mà các NSNA Ninh Bình không có sự tìm tòi sáng tạo, để có những tác phẩm nhiếp ảnh mới, lôi cuốn, hấp dẫn. NSNA Bình Nguyên có tác phẩm “Miền quê cổ tích”, “Du lịch Vân Long”, Ninh Mạnh Thắng với “Mù Cang chải lúa vờn bậc thang mây”, “Ninh Bình điểm hẹn của hoà bình”, “Những cánh chim trên cao nguyên đá”; Vũ Đức Phương có những tác phẩm “Mùa cói Kim Sơn”, “Thầm lặng”, “Tâm sự”; Các tác phẩm của Đoàn Minh Chiến như “ Du lịch Ninh Bình”, “Làng quê vào hội”, “Lễ hội trên sông”; Phạm Thanh Hải với “Một sớm yên lành”, “Xứ sở thanh bình”; Phạm Thị Lệ Thanh “Bình minh trên biển”, “Chiều ven sông”; Nắng Thu có “Chiều Mã Phì Lèng”, “Nắng sớm”….

Sự tìm tòi đổi mới để tác phẩm nhiếp ảnh có hồn cốt, có phong cách riêng của Nhiếp ảnh Ninh Bình luôn được các nghệ sĩ quan tâm. Các tác giả trẻ cũng đã có những góc nhìn táo bạo, bố cục và ánh sáng lạ tạo nên những tác phẩm khá hấp dẫn. Phải kể đến “Độc huyền cầm kể chuyện Thái Vi” của Bùi Thị Nhài. Minh Tuyền có “Công nghệ cao”. Nguyễn Mạnh Linh với “Non nước Tràng An”. Tuấn Phương có “Chiều dăng nắng”, “Nhịp xoay ngày hội”. Phạm Thị Duyên với “Cầu Hiền Lương”, “Hái chè”… Và các tác phẩm của nhiều tác giả khác nữa đã đóng góp làm nên thành công của Triển lãm.

Triển lãm đón nhận sự quan tâm của đông đảo quần chúng yêu thích nghệ thuât. Đã có nhiều khán giả, các đoàn khách du lịch đến xem Triển lãm, và hầu hết người xem đều nhận xét tốt về chất lượng các tác phẩm được giới thiệu.  Theo Ban tổ chức Triển lãm “các tác giả đã tìm tòi, sáng tạo, đổi mới, thể hiện nhiều phong cách sáng tác, đem đến cho công chúng góc nhìn đa chiều, sát với thực tế và sinh động”.

                                            

                                                             N.Đ.H

 

Bài viết khác