Nguyễn Lê Huy
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; nhằm mục đích giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch, bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, địa phương tổ chức thực hiện. Trong những nội dung quan trọng đó, việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh học tập; điều chỉnh nội dung dạy học được xem là những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Theo đó, nhiều địa phương trên cả nước đã có những hoạt động tích cực trong việc tăng cường các hình thức tổ chức học tập, ôn tập cho học sinh. Trước hết, việc dạy học trên truyền hình đến nay đã quen thuộc, nhưng để thực hiện công việc này theo một kế hoạch/chương trình cụ thể thì cán bộ quản lý và giáo viên phải tìm hiểu việc dạy học trên truyền hình có ưu điểm và hạn chế gì (đối với giáo viên, học sinh); đồng thời cũng cần đánh giá để thấy được hiệu quả của việc dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến thời gian qua như thế nào, từ đó đề xuất giải pháp, điều kiện gì để nâng cao chất lượng dạy học?...
Trao đổi với chúng tôi về các vấn đề trên, nhà giáo Đặng Ngọc Khương - Trường THPT Chuyên ngữ - Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, ảnh hướng lớn đến việc thực hiện kế hoạch năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời triển khai một số giải pháp mà chúng tôi cho là rất phù hợp và cần thiết nhằm ứng phó với những tình huống bất thường như hiện nay, đó là: Thực hiện việc giảng dạy trên truyền hình; Công nhận kết quả giảng dạy và kiểm tra đánh giá trực tuyến của các trường; Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kì II năm học 2019-2020.
Vấn đề đầu tiên cần phải giải quyết chính là kết hợp thế nào cho có hiệu quả giữa việc cho học sinh tham gia học trên truyền hình với tham gia học trực tuyến do trường tổ chức. Các trường cần chủ động theo dõi kế hoạch giảng dạy trên truyền hình để triển khai song song các nội dung tại trường. Khi làm tốt được việc đó thì kênh giảng dạy trên truyền hình có thể được sử dụng như một hình thức bổ trợ thiết yếu với học sinh mà không sợ trùng lặp hay chồng chéo với lộ trình và tiến độ mà các trường đang thực hiện. Vấn đề thứ hai cũng đặt ra không ít băn khoăn cho các thầy cô giáo và học sinh trong thời điểm hiện nay đó là việc giảm tải có ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy, ôn tập cho học sinh như thế nào, đặc biệt là đối với những học sinh cuối khóa? Phương án giảm tải của Bộ đã cắt giảm được một lượng kiến thức phù hợp giúp giải tỏa áp lực cho cả người dạy và người học trong điều kiện thời gian hạn hẹp, đồng thời vẫn đảm bảo tính hệ thống của kiến thức và nội dung trọng tâm cần để kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, việc giảm tải những nội dung “không trọng tâm” sẽ tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh có thêm quỹ thời gian để học tập và ôn luyện cho tốt. Để tận dụng tối ta mặt tích cực từ giải pháp này, đòi hỏi giáo viên cần có những hướng dẫn cụ thể để học sinh hiểu đúng mức độ, yêu cầu của phần giảm tải, không lãng phí thời gian vào những nội dung đã được Bộ điều chỉnh.
Về dạy học qua truyền hình, nhà giáo Tăng Kim Huệ - Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai phân tích: khi tổ chức dạy học trên truyền hình, sẽ có điều kiện lựa chọn đội ngũ thầy cô về chuyên môn và phương pháp, kinh nghiệm để cùng xây dựng nội dung bài lên lớp; sau khi ghi hình bài dạy, cả nhóm lại góp ý cắt gọt, chỉnh sửa. Sau khi phát trên sóng Truyền hình, bài học sẽ được đăng tải lên website của nhà đài, của Sở Giáo dục và Đào tạo và trên kênh Youtube… nên học sinh có thể dễ dàng học lại nếu đã bỏ lỡ lịch phát sóng của Đài. Như vậy, học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi khi chỉ cần có thiết bị kết nối Internet; đồng thời có thể điều chỉnh nhịp học của mình nhanh hay chậm tùy thuộc vào mức độ tiếp thu của cá nhân. Đặc biệt, học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn có thể học tập được không bị ảnh hưởng do những nguyên nhân như điều kiện công nghệ thông tin yếu, không có điện thoại, không có máy tính.
Từ ưu điểm và hạn chế của dạy học trên truyền hình, nhà giáo Phan Sỹ Quý - Trường THPT Yên Khánh A – Ninh Bình chia sẻ: hầu hết các tỉnh thành đều tổ chức dạy trên truyền hình và quả thực có nhiều thầy cô, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã đầu tư kĩ lưỡng nên bài giảng có chất lượng chuyên môn khá tốt, nhận được đánh giá cao của học sinh và đồng nghiệp. Tuy nhiên, nhiều bài giảng chưa thực sự chất lượng, giảng mà như “diễn”. Để nâng cao chất lượng dạy học trên truyền hình, tôi xin đề xuất một số giải pháp: 1) Về việc chọn giáo viên giảng dạy: chuyên viên nên tham mưu với lãnh đạo Sở chọn cử giáo viên thực sự có chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề để dạy học trên truyền hình; 2) Duyệt giáo án: các Sở cần tổ chức một hội đồng chuyên môn gồm các giáo viên cốt cán đọc và thẩm định giáo án trước khi giáo viên ghi hình, tránh tình trạng việc dạy sai kiến thức cơ bản như một vài bài giảng trên truyền hình vừa qua; 3) Sở thống nhất chương trình với các trường trong toàn tỉnh để việc dạy học trên truyền hình không bị chồng chéo với việc dạy trên lớp của giáo viên tại các trường. Theo tôi, muốn dạy học trực tuyến hiệu quả cần các điều kiện: Phải có phần mềm hỗ trợ dạy học có chất lượng. Các nhà trường nên đầu tư mua bản quyền phần mềm cho giáo viên; có kế hoạch thống nhất của tổ nhóm chuyên môn trong nhà trường, tránh tình trạng mạnh ai nấy dạy; nhà trường phải lên thời khóa biểu học cụ thể từng tiết học để học sinh bố trí thời gian hợp lý. Đồng thời, mỗi trường lập 1 kênh riêng trên youtube, cử giáo viên có chuyên môn và 1 kĩ thuật viên, trang bị máy quay tốt để quay lại bài giảng của giáo viên. Giáo viên sẽ đến trường quay bài giảng, phải giảng trực tiếp trên lớp, ghi bảng như đang giảng bài cho học sinh. Nếu có trình chiếu chỉ là kết hợp để đưa các clip, các sơ đồ, bảng biểu lên thôi. Mỗi buổi quay video như thế có thời lượng bằng 1 tiết học, được phát trực tiếp trên kênh youtube của trường để học sinh có thể tương tác, đặt câu hỏi cho giáo viên. Học sinh toàn trường được gửi đường link để theo dõi. Nếu không theo dõi trực tiếp được học sinh có thể xem lại video trên kênh của trường. Tuy nhiên hình thức dạy học này cũng không tránh khỏi những hạn chế của việc dạy trực tuyến như đã đề cập phía trên: có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh nhưng vẫn rất hạn chế, việc kiểm tra đánh giá, chấm, chữa bài cho học sinh gặp khó khăn.
ở bề sâu và có tính hệ thống, nhà giáo Hồ Tấn Nguyên Minh - Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - Phú Yên phân tích: Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều đài truyền hình của các địa phương trong nước đã tổ chức dạy học, đem lại những hiệu quả nhất định giúp học sinh có cơ hội được cọ xát, được học tập, tránh sức ì khi nghỉ quá nhiều. Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đài truyền hình VTV cần chủ động hơn để chất lượng giảng dạy tốt hơn, giúp việc học trên truyền hình lan tỏa rộng hơn ở phạm vi toàn quốc. Theo tôi, để có thể bao quát được chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 trong điều kiện học sinh không thể đến trường thì Đài truyền hình quốc gia nên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công cho mỗi đài tỉnh phụ trách một phần trong chương trình của một lớp/hoặc một lĩnh vực, từ đó phát sóng trên cả nước thì mới tạo được cơ hội học tập đồng bộ cho học sinh cả nước.
Muốn dạy học trực tuyến hiệu quả, theo tôi đường truyền internet phải mạnh, cả thầy và trò cần phải được trang bị một nền tảng công nghệ thông tin vững chắc để có thể sử dụng linh hoạt, hiệu quả những công cụ hỗ trợ. Điều quan trọng có vai trò quyết định là các cấp quản lý giáo dục cần có kế hoạch, định hướng, hướng dẫn cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả việc điều chỉnh nội dung các môn học mà Bộ vừa chỉ đạo. Để học sinh tự học có hiệu quả, thầy cô giáo nên hướng dẫn học sinh bằng cách cho những câu hỏi, những bài tập tự học liên quan đến bài đó, yêu cầu học sinh trên cơ sở tự tìm hiểu, tự nghiên cứu ở nhà để trả lời. Qua việc hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra bài làm, giáo viên sẽ biết được ý thức và khả năng tự học của học sinh. Bên cạnh đó, cũng có thể tăng cường thực hiện việc dạy học theo chuyên đề/chủ đề mà tất các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đã được tập huấn, vừa giảm bớt thời gian giảng dạy mà vẫn đảm bảo giúp học sinh nắm sâu những kiến thức trọng tâm.
Về nhiệm vụ này, từ trách nhiệm của Phòng chỉ đạo chuyên môn ở Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà giáo Đậu Quang Hồng - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết: Điều chỉnh nội dung dạy học các môn học nói chung và môn Ngữ văn ở cấp Trung học nói riêng là sự điều chỉnh phù hợp với quá trình tổ chức thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Đặc biệt, điều đó lại càng có ý nghĩa thiết thực trong năm học này. Điều quan trọng dù có giảm tải, điều chỉnh nội dung dạy học thì mục tiêu của môn học cần phải được đảm bảo; những kiến thức, kĩ năng để hình thành và phát triển phẩm chất và những năng lực cốt lõi,... theo từng cấp học phải được đáp ứng. Chính vì vậy, sẽ đặt ra vai trò, trách nhiệm cho cán bộ quản lí, giáo viên các cơ sở giáo dục: Thứ nhất, đối với các cơ sở giáo dục: Cán bộ quản lí các cơ sở giáo dục cần chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình, nội dung hướng dẫn của Bộ và Sở. Đồng thời, tiếp tục giao quyền chủ động cho giáo viên, tổ nhóm chuyên môn rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với từng đối tượng và thực tiễn từng đơn vị. Các cơ sở giáo dục chỉ đạo, quản lí các tổ, nhóm chuyên môn: nghiên cứu kỹ các nội dung điều chỉnh dạy học trong học kỳ II theo hướng dẫn của Bộ; đồng thời tiếp tục thực hiện Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH ngày 01/9/2011 về hướng dẫn điều chỉnh nội dung giáo dục phổ thông; Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH, ngày 3/10/2017 của Bộ về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 và thực tiễn của đơn vị mình để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với mỗi nhà trường. Thứ hai, đối với giáo viên: bên cạnh thực hiện hướng dẫn thực hiện điều chỉnh chương trình, nội dung dạy học học kì 2 năm học 2019-2020 của Bộ, giáo viên các tổ nhóm chuyên môn cần tiến hành điều chỉnh nội dung dạy học trong từng bài học cụ thể. Điều quan trọng, cần phải xác định rõ từng đối tượng học sinh ở khối/lớp mình dạy (học sinh nào khá, giỏi, trung bình, yếu, kém, kiến thức nào vẫn còn trùng lặp) để lên kế hoạch dạy học và giáo án phù hợp. Muốn vậy, giáo viên cần thực hiện tốt khâu rà soát, xác định hệ thống kiến thức, kĩ năng cơ bản, trọng tâm và hướng tới hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cốt lõi cho học sinh. Để làm sao, học sinh lớp 9, 12 nói riêng và các lớp học, cấp học trong học kì 2, năm học này nói chung được học tập trong một chương trình, nội dung tuy đã được điều chỉnh thì cũng không ảnh hưởng đến kiến thức, kĩ năng và những năng lực, phẩm chất cốt lõi của học sinh theo từng cấp học.
Bên cạnh việc thực hiện nội dung điều chỉnh trong các bài dạy học, các giáo viên cần hết sức quan tâm đến hoạt động ôn tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 được chuẩn bị tốt nhất về các điều kiện để tự tin bước vào kì thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Như vậy, có thể nói, các ý kiến trên đây đề cập khá nhiều vấn đề liên quan đến mô hình dạy học trên truyền hình và dạy học trực tuyến, thông qua việc tiếp cận đồng bộ từ một tư duy dạy học mới: đó là đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với các hình thức tổ chức dạy học, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng lý luận dạy học hiện đại - đặc biệt là các yếu tố hình thành và phát triển phẩm chất và các năng lực cốt lõi, năng lực đặc thù của người học; sự kết nối đồng bộ giữa các kỹ năng nền, kỹ năng chuyển đổi và kỹ năng chuyên môn trong quá trình giáo dục.
Nguồn Văn nghệ số 15/2020