Hội nghị nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng (Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An), đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch đến các địa phương.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch; lãnh đạo các Vụ: Lữ hành, Thị trường; lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh, đại diện một số Sở, ban, ngành có liên quan cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện của 13 tỉnh, thành phố.
Tràng An vào hội Ảnh của TUẤN PHƯƠNG
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc, tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi, có lợi thế cạnh tranh đặc biệt về du lịch với định hướng trở thành một trung tâm du lịch của Vùng và đất nước.
Vùng đất Cố đô, nơi phát tích của ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Khởi đầu triều Lý, Ninh Bình có đến 1.821 di tích lịch sử văn hóa mà tiêu biểu nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm… Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo động lực quan trọng và điều kiện thuận lợi cho du lịch Ninh Bình phát triển và hội nhập quốc tế, đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (tripadvisor, telegraph, business insider...) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, được yêu thích. Lĩnh vực du lịch Ninh Bình đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn.
Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010 - 2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Giai đoạn 2020 -2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Ninh Bình bị thiệt hại nặng nề, tuy nhiên với những biện pháp đầu tư, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hoạt động du lịch của tỉnh năm 2022 đã nhanh chóng phục hồi trở lại; ước đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 60 nghìn khách du lịch quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đạt được kết quả này, tỉnh Ninh Bình đã chủ động, linh hoạt trong việc liên kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng để cùng nhau phát huy lợi thế cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tính liên kết vùng vẫn còn một số tồn tại. Do đó khách chủ yếu đi tham quan trong ngày, chưa lưu trú qua đêm nhiều…
Do đó, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, các chuyên gia cho rằng các tỉnh cần phải cùng thống nhất đánh giá tài nguyên du lịch, nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện của địa phương đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo thương hiệu du lịch của địa phương nhưng phải đảm bảo hài hòa với định hướng phát triển và lợi ích chung của cả vùng. Từ đó, xây dựng chương trình quảng bá xúc tiến, tạo thương hiệu để giới thiệu hình ảnh du lịch Đồng bằng sông Hồng như một điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp hẫn.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, các Hiệp hội Du lịch và một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
T.H
(Nguồn: TC VNNB 277 tháng 2/2023)