Thứ năm, 12/09/2024

Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Ninh Bình năm 2021

Thứ ba, 28/12/2021

Chào năm mới Nhâm Dần 2022, mừng Đảng 92 mùa xuân và để thiết thực đưa Nghị quyết của Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, từ ngày 28/12/2021 đến trung tuần tháng 1 năm 2022, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Văn hoá tỉnh tổ chức thành công Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tỉnh Ninh Bình năm 2021, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Ninh Bình.

Triển lãm Mỹ thuật Nhiếp ảnh nhằm công bố giới thiệu các tác phẩm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh của các hoạ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài Hội. Các tác phẩm được giới thiệu ở Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tỉnh Ninh Bình năm 2021 được các nghệ sĩ trong tỉnh sáng tác từ thực tiễn sinh động ở tất cả các mảng đề tài trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phản ánh khắc hoạ chân dung người lao động, chân dung vùng quê, vùng đất Ninh Bình và mọi miền đất nước trong lao động, xây dựng đổi mới và phát triển, và trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phát biểu Khai mạc Triển lãm

Sáng ngày 28/12/2021, trong không khí vui tươi, háo hức đón chào năm mới, các họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh và người yêu thích nghệ thuật đã đến dự khai mạc triển lãm rất tấp nập, cùng quây quần bên nhau, giao lưu trò chuyện để ngắm nhìn những thành quả lao động sáng tạo, chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm trong sáng tác.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhấn mạnh: “Các tác phẩm Nhiếp ảnh và Mỹ thuật được giới thiệu trước công chúng tại Triển lãm là thành quả lao động nghệ thuật của các NSNA, hoạ sĩ trong tỉnh. Nhiều năm qua các nghệ sĩ đã say mê sáng tạo cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật cao, có những tác giả có nhiều tác phẩm giành được giải thưởng quốc tế, quốc gia và khu vực. Đây cũng là thành quả của các nghệ sĩ Ninh Bình chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình trong hội nhập và phát triển, tiến tới chào mừng 190 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh 1/4/1992-1/4/2022. Các tác phẩm đã phản ảnh hiện thực sinh động về quê hương, đất nước, con người lao động, lực lượng vũ trang bảo vệ, giữ gìn an ninh quốc gia của tỉnh ta nói riêng và của cả nước nói chung…”.

Cắt băng Khai mạc Triển lãm 

Các tác phẩm Nhiếp ảnh như những lời tâm sự bằng ánh sáng và tạo hình của nghệ sĩ. Với hình ảnh của những chiến sĩ Biên phòng canh giữ biển đảo quê hương, chiến sĩ kiểm lâm mỗi ngày vượt qua hàng chục ki lô mét, lối mòn để bảo vệ rừng vàng cho đất nước… được thể hiện trong các tác phẩm: “Tuần tra biên giới Việt Lào”, “Biển chiều em ơi”, “Phương án bảo vệ rừng”, “Hội ý trên đường tuần tra”, “Tình quân dân”, “Sĩ quan tương lai”… đã làm nổi bật hình ảnh những người chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ sự bình yên cho đất nước. Sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp cũng là đề tài được nhiều nghệ sĩ thu vào ống kính ở nhiều góc độ, các tác phẩm đã thể hiện được vẻ đẹp của con người, và sản phẩm được tạo ra từ những bàn tay khéo léo, như tác phẩm: “Nắng sớm trên nương”, “Kéo lưới trước bình minh”, “Sắc hoa của biển”, “Hạt lúa biên cương”, “Ngày mùa ở miền núi”, “Đồng xanh”, “Nụ hôn trên đồng cói”, “Dây chuyền sản xuất gạch”, “Hàng cói xuất khẩu”, “Những người thợ mỏ Vàng Danh”,… Hình ảnh bà con nông dân đổ mồ hôi vất vả một nắng hai mưa trên những cánh đồng làm ra những mùa vàng bội thu đã được các nghệ sĩ tinh tế lựa chọn góc độ, ánh sáng, xử lý kỹ thuật tốt, từ đó tạo nên hiệu quả cao cho tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh. Mảng đề tài văn hóa xã hội cũng được các nghệ sĩ quan tâm, đi sâu vào khai khác, chủ đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của quê hương, nhất là các làng nghề truyền thống và đặc tả những người thợ thủ công, những nghệ nhân khéo tay, cần cù làm ra những sản phẩm xuất khẩu độc đáo như: “Duyên nét gốm”, “Nhuộm cói mầu”, “Làm sạch mốc hàng xuất khẩu”, “Công việc làng nghề”, “Làm nghề phụ”,… Năm nay, vì dịch bệnh Covid-19 nên nhiều lễ hội, nhiều địa điểm du lịch trong tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung đã phải tạm dừng, tuy nhiên các nghệ sĩ đã mang đến triển lãm những tác phẩm đã được ghi lại trước đó, để làm thêm sự phong phú cho triển lãm. Các tác phẩm “Đua voi”, “Hội thi bơi thuyền ở lễ hội Hoa Lư”, “Lễ Rước nước trên sông Hoàng Long”, “Lễ hội truyền thống Thái Vi”, “Nắng sớm Khả Lương Tự”, “Hoàng Long linh thiêng ngày lễ hội”, “Âm vang xứ Mường”, “Đua thuyền truyền thống”… đã làm người xem trào dâng cảm xúc luyến nhớ và mong đợi những điểm du lịch, những lễ hội sớm được tổ chức lại khi dịch bệnh đã bị đẩy lui. Phong cảnh quê hương đất nước, đặc biệt là phong cảnh Ninh Bình, một mảnh đất sơn thủy hữu tình, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng luôn thôi thúc các nghệ sĩ sáng tác. Hầu như nghệ sĩ nhiếp ảnh Ninh Bình đều đã hơn một lần đưa vào ống kính của mình phong cảnh quê hương. Một số các tác phẩm: “Trên dòng sông Tam Cốc”, “Một thoáng chùa Tam Chúc”, “Điểm hẹn du lịch”,“Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”, “Du lịch trên sông Tam Cốc”,  “Bình minh trên biển”, “Chiều thu”, “Tràng An linh thiêng hào hoa”,… đã đưa người xem vào với khung trời non xanh nước biếc, lung linh huyền ảo. Và rất nhiều đề tài khác cũng đã được các nghệ sĩ Nhiếp ảnh thể hiện trong tác phẩm bằng tình cảm nồng hậu và với những góc nhìn, ánh sáng, tạo hình khác nhau, tạo nên những tác phẩm đa sắc, đa hình, lôi cuốn và hấp dẫn.

Ở lĩnh vực Mỹ thuật, Triển lãm năm nay giới thiệu 47 tác phẩm của 28 tác giả, gồm 6 tranh cổ động, 6 tác phẩm điêu khắc, còn lại là tác phẩm hội họa. Các tác phẩm Mỹ thuật phong phú đề tài; đa dạng chất liệu: sơn dầu, acrylic, mầu nước, bột mầu, tổng hợp….; dù ở mảng đề tài nào, sử dụng chất liệu gì thì các hoạ sĩ đều thể hiện chỉn chu, có dụng ý nghệ thuật độc đáo, mang nhiều tầng ý nghĩa rộng mở.

Không gian trưng bày Triển lãm

Tham gia Trại sáng tác nghệ thuật tại Kim Sơn, cùng với các chuyên ngành Nhiếp ảnh, Sân khấu, NCST, các tác giả chuyên ngành Mỹ thuật đã có dịp công bố một số tác phẩm về Kim Sơn. Một số tác giả đã hoàn thành tác phẩm ngay tại những ngày dự trại, như: “Ngày lễ Thánh” - tác giả Nguyễn Anh Đức (Acrylic, 70x95cm); “Chùm tranh ký họa bút sắt”, “Phát Diệm vào thu” - tác giả Nguyễn Trọng Văn (Acrlic, 60x80cm); “Phong cảnh Cồn Nổi” và “Biển Cồn Nổi” (Acrlic, 60x90cm) - tác giả Nguyễn Đình Đàm; “Xóm đạo” - tác giả Đinh Trường (bột mầu, 50x70cm). Mỗi tác giả có cách thể hiện, sử dụng mầu sắc, bố cục tranh riêng, tạo nên sự phong phú và nổi bật lên hình ảnh của mảnh đất Phát Diệm, Kim Sơn vừa cổ kính vừa hiện đại. Tranh phong cảnh là đề tài thân quen với các họa sĩ. Các họa sĩ đứng trước cảnh dẹp, nhất là cảnh đẹp của quê hương thường có những rung động dạt dào cảm xúc, và dường như cảm xúc ấy được trào dâng trên ngọn cọ. Đã có khá nhiều tác phẩm phong cảnh được giới thiệu ở triển lãm, có thể kể một vài tác phẩm: “Đình làng” và “Lũy tre làng” - tác giả Đinh Văn Phương (bột mầu, 50x70cm); “Ngõ” - tác giả Đoàn Quang Thường (sơn dầu, 40x50cm); “Tây Bắc mùa hoa đỏ” - tác giả Hoàng Chinh (tổng hợp, 130x160cm). “Non nước” - tác giả Kim Đức Chính (Acrlic, 60x80cm); “Nắng thu” - tác giả Hoàng Dũng (Acrlic 80x80cm); “Ráng chiều tháng ba” - tác giả Nguyễn Thị Thu Hường (Acrlic, 80x100cm); “Chiều đông” - tác giả Lê Kim Giao (Acrlic, 100x120cm); “Đường làng” và “Bến sông” - tác giả Kù Kao Khải (tổng hợp, 100x100cm); “Được mùa” - tác giả Kim Đức Thạo (Acrlic, 100x100cm) ... Tranh phong cảnh của các tác giả đều có sự đổi mới trong cách thể hiện, có tác phẩm tả thật, có tác phẩm như trừu tượng… nên không còn cảm giác na ná, bão hòa cho người xem. Tác giả Phan Nguyễn và Phạm Vân mạnh dạn thể hiện bút pháp trong hình thức khiến người xem bất ngờ qua các tác phẩm “Đảo tình”, “Đêm biển” - tác giả Phạm Vân; “Chiều vàng”, “Nhịp” - tác giả Phan Nguyễn. Có những tác phẩm đầy cảm xúc như “Vùng lụt” - tác giả Đào Công Huân (Acrylic, 60x80cm); “Đi tìm mộ cha” - tác giả Kim Đức Thạo (Acrylic, 60x80cm); “Hạnh phúc vàng trong mùa dịch” - tác giả Hoàng Thị Huyền (Acrylic, 80x120cm) làm người xem rưng rưng cảm động, đồng cảm cùng nỗi niềm của tác giả. Tác giả Nguyễn Anh Đức trong chuyến đi thực tế ở Hà Giang đã có tác phẩm “Mùa đông trên cao nguyên đá” (Acrylic, 100x165cm) khá đẹp và khá ấn tượng. Tác giả Bùi Liêm với tác phẩm “Mế” (khắc mộc bản, 100x100cm) đã để lại ấn tượng cho người xem khi mô tả chân dung một người mẹ vùng cao lam lũ trên thể loại điêu khắc sở trường. Phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị mang tính thời sự cao là ở mảng tranh cổ động. Triển lãm giới thiệu tranh cổ động của các tác giả đã có “thương hiệu” ở thể loại này như tác giả: Nguyễn Phúc Khôi, Dương Thế, Nguyễn Văn Nguyên. Tác giả trẻ An Thị Hồng, chị còn là một tác giả văn xuôi có nhiều triển vọng, chị vừa được kết nạp vào Bộ môn Văn của Hội VHNT Ninh Bình cũng có tranh cổ động được giới thiệu. Có 6 tác phẩm điêu khắc, chủ yếu được sáng tạo trên chất liệu gỗ của các tác giả Nguyễn Phú Văn, Thanh Túc, Tuấn Ngọc, Nguyễn Phú Thọ, đều là những tác phẩm  đẹp và có tác phẩm rất mới lạ làm người xem thích thú.

Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Ninh Bình là hoạt động thường niên của Hội VHNT Ninh Bình nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Phát triển văn học nghệ thuật Ninh Bình của Ủy ban Nhân dân tỉnh theo từng giai đoạn. Từ triển lãm này, nhiều tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đẹp, có giá trị nội dung, nghệ thuật đã được người hâm mộ yêu mến, các nhà sưu tập nghệ thuật trong tỉnh và nước ngoài quan tâm, góp phần có hiệu quả trong xây dựng văn hóa con người Ninh Bình giàu bản sắc và góp phần quảng bá vẻ đẹp của Ninh Bình bằng hình ảnh, đưa du lịch Ninh Bình trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Bài: LÊ NGUYỆT; Ảnh: MINH TUYỀN

 

 

 

 

Bài viết khác