HƯƠNG LY
“Là điêu khắc, là sắp đặt, là hội họa” đó là nhận xét của nhiều người khi được chiêm ngưỡng tác phẩm “Cưới chuột” của họa sĩ, nhà điêu khắc Kù Kao Khải – tác phẩm xuất sắc giành giải Nhì giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc năm 2019 của Hội Mỹ thuật Việt Nam và giải B Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 24 năm 2019.
Kù Kao Khải – “Lão ngư” kể “Chuyện quê”
Góc cạnh, thô ráp, đó là ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy những tác phẩm của Kù Kao Khải (hay còn được biết đến với tên gọi “3K” – viết tắt từ tên của anh). Tuy nhiên nếu dành thời gian để cảm nhận, để chiêm nghiệm sẽ nhìn ra nét mềm mại ẩn sau cái xù xì, gai góc kia.
Nhà điêu khắc Kù Kao Khải chọn cho mình một lối đi khác biệt mang đậm dấu ấn của một “lão ngư” tại vùng đất Kim Sơn. Xuyên suốt hành trình nghệ thuật của anh là những “Chuyện quê” giản dị, đời thường với tôm, cua, cá như “Được mùa ngao”, “Cá biển”, “Mèo và cá”, “Ngư dân”, “Cá và lưới”, “Đôi bạn đại dương”,…
Gỗ là chất liệu thường thấy trong các tác phẩm của Kù Kao Khải bởi: “Tôi tìm đến gỗ vì nó “hợp” với tôi nhất và gỗ cũng hợp với những “chuyện quê” mà tôi muốn kể trên con đường sáng tạo của mình” - Kù Kao Khải chia sẻ. Cũng có khi anh sử dụng những chất liệu tưởng như không thể tái sử dụng: bình truyền, dây dẫn trong tác phẩm “Đỏ”; hay tác phẩm “Nhả ngọc” được cách điệu từ con thuyền cổ dài 18m được trục vớt từ đáy đại dương thành trai biển khổng lồ (dài 30m, cao hơn 6m) nhả ngọc quý, bốt gác được anh biến hóa thành ngọn hải đăng.
Với người nghệ sĩ 3K, tác phẩm nào của anh cũng phải độc, phải lạ, và quan trọng nhất là phải chạm vào tâm trí người xem, khiến độc giả phải suy ngẫm từng chi tiết nhỏ nhất: Vì sao lại chọn chất liệu này? Tại sao lại sử dụng hình thức thể hiện ấy? Tác phẩm “Cưới chuột” cũng không phải ngoại lệ.
Tác phẩm "Cưới chuột" của họa sĩ Kù Kao Khải
Từ “Trạng chuột vinh quy” đến điêu khắc sắp đặt “Cưới chuột” là một khoảng cách nhất định về tư duy sáng tạo
Lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng “Đám cưới chuột” hay còn gọi là “Trạng chuột vinh quy”, Kù Kao Khải đã sáng tạo nên tác phẩm điêu khắc sắp đặt “Cưới chuột” bằng gỗ sơn tổng hợp, kích thước 200cm x 200cm x 220cm. Tác phẩm là sự học hỏi, kế thừa từ đó nâng tầm hội hoa dân gian Việt Nam.
Xét về màu sắc, “Trạng chuột vinh quy” được vẽ trên nền giấy điệp mềm và mỏng. Màu sắc sử dụng hoàn toàn từ tự nhiên, những gam màu cơ bản: màu đen lấy từ than gỗ xoan; màu xanh lấy từ gỉ đồng hay các loại lá; màu vàng từ hoa giành giành, hoa hòe; màu đỏ từ gỗ vang và sỏi son; màu trắng lấy từ điệp. Bức tranh mang đậm dấu ấn đặc trưng của hội họa dân gian với màu sắc êm đẹp, tươi sáng và khỏe khoắn. Khác với tranh Đông Hồ, “Cưới chuột” gây nên ấn tượng mạnh về thị giác: hình ảnh những chú chuột mõm nhọn hoắt màu đỏ chót, mặt màu vàng đồng, thân hình màu đen, màu xanh điểm xuyết trên thân cô dâu chú rể. Hệ thống màu sắc chủ đạo mang hơi hướng cung đình “sơn son thiếp vàng” gồm vàng và đỏ. Từ đó góp phần nêu bật ý nghĩa câu chuyện xã hội về triều đình, tầng lớp thống trị trong xã hội đương thời.
“Trạng chuột vinh quy” là không gian 2 chiều gồm 12 con chuột tượng trưng cho 12 tháng trong năm và 1 con mèo tượng trưng cho một vị vua – đại diện quyền lực nhất của xã hội phong kiến. Vì vậy câu chuyện chỉ phù hợp với thời đại lúc bấy giờ. Sang đến “Cưới chuột” là không gian nghệ thuật sắp đặt rộng lớn gồm 24 con chuột thô khỏe, kích cỡ khác nhau đầy ngẫu hứng mang ý nghĩa nhiều nhiệm kỳ hay nhiều năm cho thấy đây là câu chuyện muôn thuở; 4 con mèo đại diện cho nhiều người, phù hợp với xã hội đương đại, con người không chỉ luồn cúi trước một người mà đôi khi phải “đút lót” cho nhiều người mới có thể sống yên ổn.
Bố cục trong “Trạng chuột vinh quy” được chia làm 2 cảnh: cảnh trên 4 chú chuột cống nạp cho mèo vằn bệ vệ, uy quyền; con đầu cầm con chim cu gáy to béo; con thứ hai xách cá chép; đằng sau là 2 chú chuột thổi kèn để mèo vằn giảm sự chú ý tới đám cưới chuột. Cảnh dưới là cô dâu chuột ngồi trong kiệu có lọng che trang trọng. Chàng rể chuột ngồi trên lưng ngựa tạo nên sự oai phong, bề thế. Xung quanh là đoàn đưa dâu gồm 8 con, mỗi con một tâm trạng: con thì lo lắng, sốt ruột nhìn trước nhìn sau; con lại vui vẻ, thỏa mãn; có con lại đau khổ, buồn rầu. Trái lại với không gian 2 chiều chật hẹp của tranh Đông Hồ, “Cưới chuột” là không gian 3 chiều rộng mở sinh động, chiếm lĩnh một không gian lớn giúp người xem “cảm” tốt hơn. Tác phẩm được sắp đặt theo bố cục tròn có tính ước lệ gồm hai vợ chồng nhà chuột cầm hình trái tim đứng trong kiệu “sơn son thiếp vàng” cùng 4 con mèo chầu trên nóc kiệu quan sát. Chứng kiến lễ thành hôn là đoàn rước dâu cầm theo lễ vật cúng tiến: cá, chim cho mèo. Đoàn rước dâu với đủ tâm trạng “hỉ, nộ, ái, ố”, đại diện cho nhiều thân phận trong xã hội. Trong cuộc vui ấy có người đang suy nghĩ, người lại lo lắng chạy chức chạy quyền, người bằng lòng với số phận, người lại vui sướng hả hê, người béo tốt, người gầy còm,… Nét tâm trạng này tương đồng với “Trạng chuột vinh quy” và được Kù Kao Khải thể hiện rất tốt với số lượng chuột gấp đôi đặt trong bối cảnh không gian 3 chiều rộng mở.
“Cưới chuột” đem lại thành công lớn cho người nghệ sỹ 3K không chỉ vì những cách tân mới lạ của hội họa dân gian mà còn bởi kỹ thuật điêu khắc điêu luyện. Chỉ trong một tác phẩm anh đã sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật, nhiều trường phái đan xen thể hiện ở nét chạm khắc, nét khảm vào áo, cá, chim bằng thủ pháp tạo chất, kỹ thuật đồ họa; tạc theo phong cách chém phá gần gũi. Tỷ lệ 1:1 được coi là tỷ lệ đẹp nhất trong điêu khắc được Kù Kao Khải sử dụng ở hình tượng con chuột tương đương với con người: độ cao 1m6, 1m5, 1m2. Cách tạo khối vẫn giữ độ mềm, không quá hầm hố, gần gũi với đời thường, diễn tả được rõ nét chú chuột thông minh, đáng yêu – loài vật đứng đầu trong 12 con giáp. Điểm gây ấn tượng mạnh ở hình tượng chuột là phần tay và chân chuột: tay chuột vươn ra trước ngực để bái mèo và cầm lễ vật tiến cúng rất “sang” và khỏe, nếu làm tay xuôi xuống nhìn chuột sẽ rất “yểu”, không lột tả được vẻ đẹp của loài chuột vàng. Đôi chân duyên dáng tạo nên sự gợi mở gần như chân người cũng gần với chân thú. Ở tranh Đông Hồ, hình tượng chuột thấy rõ lễ phục áo yếm. Nhưng với “Cưới chuột”, tác giả lại lựa chọn không tạc khắc trang phục. Có người còn nhận định rằng đây là nét rất “nuy” của tác phẩm, “nhìn vào không thấy quần áo nhưng thực chất lại rất thấy quần áo”, quan trọng nhất là không dung tục và vẫn quý phái.
Đường nét trong 2 tác phẩm tưởng như khác nhau nhưng thực chất lại là tương đồng. “Trạng chuột vinh quy” mang đậm dấu ấn hội họa dân gian với những nét vẽ mềm mại, uyển chuyển nhưng vẫn tạo nên mảng miếng chắc khỏe. Nếu nhìn thoáng qua, tưởng như Kù Kao Khải đưa người xem vào thế giới của hình khối, góc cạnh. Tuy nhiên nếu dành thời gian chiêm nghiệm sẽ thấy nét mềm mại của “Cưới chuột” bởi anh đã dựa vào độ tự nhiên của cây gỗ để chém phá. Từ những dáng gỗ khó, kích cỡ không giống nhau, thân cây xù xì, cong queo được anh biến hóa thành phần đuôi mềm mại, có con dáng thẳng, có con lại cong, gù theo chiều gỗ rất sinh động. 24 con chuột không con nào giống nhau, mỗi con một nét rất duyên và lạ. 4 con mèo cũng được chọn từ 4 cây gỗ khác nhau. Dáng mèo “ám” hổ tạo nên vẻ quyền lực, bệ vệ, góp phần lột tả rõ nét nội dung tác phẩm. Từ những dáng gỗ tự nhiên rất “đắt” khiến cho việc có tác phẩm “Cưới chuột” thứ 2 là điều không thể.
Bằng hình thức điêu khắc sắp đặt, “Cưới chuột” rất thành công trong việc kế thừa và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam, đề cao tinh thần “tình làng nghĩa xóm”: khi mỗi gia đình có đám cưới thì đây là công việc trọng đại của cả xóm làng, mọi người cùng quây quần, giúp sức, chúc phúc cho đôi tân lang, tân nương. “Cưới chuột” cũng mang hơi thở của hội họa dân gian với những đường nét chạm khắc tinh xảo. Đồng thời Kù Kao Khải đã phát triển nội dung về câu chuyện mọi thời đại: muốn lễ thành hôn của nhà chuột diễn ra yên ổn thì phải hiến tế lễ vật cho mèo – loài vật khắc tinh của loài chuột. Cũng giống như việc muốn sống được trên đời thì phải cùng nhau tồn tại, tôi hạnh phúc thì anh cũng được hưởng niềm vui. Đây là thỏa thuận ngầm trong cuộc sống mà đích đến cuối cùng là sự cam kết cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển. Hình ảnh chú chuột khép nép dò xét tình hình để ứng biến linh hoạt, rộng hơn chính là bản tính “dĩ hòa vi quý” của người Việt, luôn mềm mỏng, dễ thích ứng, cùng hợp tác sống trong hòa bình. Ẩn sau bề nổi là ý nghĩa châm biếm sâu cay chế độ phong kiến (thời xưa) và một bộ phận “bề trên” khiến những “kẻ yếu” phải chịu nhiều bất công và thiệt thòi trong xã hội đương thời ngày nay.
Với những cách tân nghệ thuật mới mẻ phù hợp với xã hội hiện đại, điêu khắc sắp đặt “Cưới chuột” đã thành công trong việc học hỏi, phát triển hội họa dân gian và xứng đáng giành giải Nhì giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc năm 2019 của Hội Mỹ thuật Việt Nam và giải B Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 24 năm 2019. Cần mẫn trên con đường nghệ thuật cũng giống như “lão ngư” khẳng định mình trên biển khơi, những giải thưởng mà anh gặt hái được là minh chứng cho việc cái tên Kù Kao Khải đang ngày càng khẳng định mình trên đỉnh cao Mỹ thuật đương đại nước nhà.
H.L