Thứ năm, 12/09/2024

Cuốn sách đồ sộ về triều đại nhà Đinh

Thứ sáu, 08/10/2021

VŨ NHO 

Tiểu thuyết lịch sử “Đinh Tiên Hoàng” của Vũ Xuân Tửu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020.    

Triều đại nhà Đinh là triều đại phong kiến của Việt Nam được các  sử gia chép mở đầu, quyển 1 của bản kỷ trong Đại Việt sử kí toàn thư, sau khi đã chép 5 quyển của phần Ngoại kỉ. Nhà Đinh là một triều đại hiển hách trong lịch sử dân tộc, đứng đầu là Đinh Tiên Hoàng, người đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn niên hiệu là Thái Bình, đúc tiền đồng Hưng Bảo. Một nhân vật kiệt xuất, một triều đại quan trọng  trong lịch sử nước ta. Tuy vậy, chưa có nhà văn nào viết Đinh Tiên Hoàng và triều đại nhà Đinh. Trong khi đó các triều Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn,… đều đã từng được các nhà văn động bút.

Trước khi viết tiểu thuyết “Đinh Tiên Hoàng”, nhà văn Vũ Xuân Tửu đã có dịp thử bút đề tài tiểu thuyết lịch sử bằng cuốn “Chúa Bầu” với nhân vật chính là Gia Quốc Công Vũ Văn Mật thời Lê - Mạc. Vì ít tài liệu thành văn liên quan, cho nên ngòi bút của nhà văn tự do, tung tẩy hơn. Tuy vậy vốn cẩn trọng, nhà văn đã bỏ công khảo sát, điền dã vùng Tây Bắc, Nghệ An, Hải Dương và Thành Nhà Bầu ở bến Bình Ca, Tuyên Quang.

Với tiểu thuyết “Đinh Tiên Hoàng” thì nhà văn có thuận lợi, nhưng lại gặp phải khó khăn khác. Đó là tài liệu thành văn cũng như huyền thoại, giai thoại về Đinh Tiên Hoàng và triều vua Đinh có rất nhiều, thật giả lẫn lộn, khó phân biệt rạch ròi. Mặt khác Đinh Bộ Lĩnh  đánh dẹp 12 sứ quân khác ở nhiều địa bàn khác nhau khắp cả nước hồi đó. Để không có những sai lạc, người viết phải nghiên cứu rất kĩ lịch sử triều đại, lại nghiên cứu lai lịch của các sứ quân, tìm hiểu những địa danh liên quan đến các nhân vật. Đọc các tài liệu lịch sử, văn học dân gian, chọn lọc những tư liệu tin cậy. Rồi điền dã nghiên cứu tại các địa điểm Phú Thọ, Việt Trì, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, đặc biệt là vùng Gia Viễn của Ninh Bình với các địa điểm Thung Lau, Thung Lá, Kênh Gà, núi Cắm Gươm,…

Rất nhiều nhà văn đã viết tiểu thuyết lịch sử theo các cách khác nhau. Người thì coi lịch sử là cái đinh để “treo bức tranh” của riêng mình. Người thì chọn cách viết để “giải mã” lịch sử. Người khác nữa thì lấp đầy những khoảng trống hay làm sáng tỏ những điều còn mù mờ. Người khác nữa thì viết theo kiểu thám hiểm lịch sử…

Nhà văn Vũ Xuân Tửu không nói mình chọn cách viết kiểu nào, mà chỉ nói là xây dựng ba nhân vật trung tâm và hàng chục nhân vật chính. Với mong muốn “thông qua bức tranh lịch sử xa xưa, để cố gắng nói được điều gì đó với thời nay” (Lời nói đầu).

Dù không nói ra, nhưng mọi người tin rằng không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lại chọn nhân vật Đinh Tiên Hoàng và triều đại nhà Đinh. Ngoài những lí do về vai trò của triều đại và nhân vật, còn có một lí do khác. Như nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết: “Chọn để viết về đề tài này, hẳn cũng là cách thể hiện niềm tự hào thầm kín của một nhà văn được sinh ra “nơi ngã ba sông dưới chân núi Non Nước”, mà ngày nay đã nằm trong một không gian Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Tràng An, vừa được thế giới công nhận”. (Tiểu thuyết Đinh Tiên Hoàng – “Nói được điều gì đó cho thời nay…”- Văn học Sài Gòn 19/02/2020).

Nói cuốn tiểu thuyết đồ sộ không chỉ bằng số trang in, số chương và cả số chữ của nó. (672 trang khổ 14,5 x 20,5cm, 5 phần, 42 chương, bản thảo lần thứ 9 = 144.540 chữ). Mà còn vì sự bao quát về thời gian khoảng hơn 30 năm từ khi Đinh Hoàn (Bản danh của Đinh Tiên Hoàng đế từ khi nhỏ đến trước khi kết nghĩa với sứ quân Trần Lãm mới mang tên Đinh Bộ Lĩnh) dấy binh dẹp loạn, cho đến khi kết thúc triều Đinh, Lê Hoàn lên ngôi, lập Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Nhưng về lịch sử thì phải kể hơn 100 năm khi Ngô Quyền ra đời vào năm Mậu Ngọ (898) đến khi Phó vương Lưu Cơ qua đời, khoảng năm Quý Sửu (1013). Có chừng dăm chục nhân vật của thời bấy giờ. Mười hai sứ quân chỉ được “Đại Việt Sử kí toàn thư” kể họ tên và vùng đất chiếm cứ, nhưng đã được nhà văn viết 14 chương, từ chương 8 “Nương tựa Trần Công” đến hết chương 21 “Trận cuối, Vạn Thắng Vương đánh dẹp Bình Kiều”. Mười hai trận đánh mỗi trận một cách, đối thủ cũng mỗi người mỗi tính, mỗi tài. Đây là chỗ nhà văn đã sử dụng hiểu biết và trí tưởng tượng cho bạn đọc thấy tài dùng binh của Đinh Bộ Lĩnh.

Từ trước đến nay, khi đánh giá tiểu thuyết lịch sử, dù mọi người thống nhất rằng nhân vật văn học không phải là nhân vật trong chính sử hay dã sử. Nhưng dù muốn, dù không người ta vẫn xem xét mức độ “sáng tạo” của nhà văn so với chính sử. Sự phê phán gay gắt hay tranh cãi thường là ở điểm mấu chốt này: nhân vật văn học có như sử sách đã chép không? Có bị bóp méo không? Có bị “xuyên tạc” không? Có trái với những điều mà mọi người đã thừa nhận một cách mặc định hay không? Tóm lại là nhà văn được quyền hư cấu, sáng tạo, nhưng không phải là tuyệt đối, mà vẫn phải phù hợp với lịch sử.

Mặc dù viết về nhiều nhân vật, nhưng các nhân vật chính trong tiểu thuyết “Đinh Tiên Hoàng” không có nhân vật nào bị bóp méo hay xuyên tạc. Ngay chuyện Đinh Hoàn mò được Ngọc Khuê, táng vào huyệt thiêng hài cốt của bố mình (thật ra là da và chút xương Rái cá) rồi đeo hai thanh kiếm vào cổ ngựa đá; khi bị chú đuổi thì được rồng đưa qua sông, … nhà văn dùng giai thoại dân gian có tính huyền bí để nói lên tài năng   khác thường của Đinh Hoàn. Điều đó đã được dân chúng thừa nhận chỉ làm tăng tính hấp dẫn của tiểu thuyết. Mà cũng không ai nghĩ đến chuyện đem tinh thần khoa học để soi và phản bác.

Một chi tiết nhỏ là tên nước “Đại Cồ Việt”. Đã có người băn  khoăn là sao lại nửa Hán nửa Nôm. Nhà văn cũng đã đọc tài liệu có giải thích Cồ là viết tắt của Cồ Đàm Ma, họ của Đức Phật Thích Ca, và đưa cho nhân vật Ngô Chân Lưu giảng là nước Việt to lớn theo đạo Phật! (tr.475). (Việc nhà Vua phong chức Tăng thống cho hòa thượng Ngô Chân Lưu, việc Đinh Liễn cho tạc 100 cột kinh Phật, sau này các nhà khảo cổ đã tìm thấy, chứng tỏ nước Việt của nhà Đinh theo đạo Phật và cách giải thích quốc hiệu là hợp lí).

Chúng tôi cho rằng tuy tác giả nói chú trọng 3 nhận vật trung tâm, nhưng Lê Hoàn và Dương thị khá mờ nhạt. Lê Hoàn kín tiếng, không xuất hiện nhiều. Còn Dương thị thì chỉ nổi bật ở cơn ghen hoa quỳnh mà thôi. Đinh Hoàn là nhân vật nổi bật với tài năng quân sự và cách ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống. Nhà văn đã mô tả Đinh Hoàn là “nhân vật thông minh xuất chúng, bản lĩnh cao cường, nhưng cũng không tránh khỏi lầm lỡ” và “tuy có học hành, tập ấm, nhưng mang tính cách nông  dân, tuy đa mưu túc kế, nhưng cũng chất phác, nhẹ dạ, cả tin” (Lời nói đầu). Hai chi tiết nhỏ nhưng chứng tỏ vị vua gốc nông dân.

 Khi các vị thân cận bàn đặt tên kinh đô Hoa Lư, liên quan đến lau, cổng làng, lò hoa, đồ nấu cơm có hoa, đồ đựng lúa, lại cũng có nghĩa nữa là mõm con lừa, nhà văn để cho Hoàng đế quyết: “Cứ có hoa, có cơm là được rồi, lừa ngựa gì cũng mặc - Hoàng đế gật đầu, hoan hỉ - Hoa Lư phải sánh với Trường An” (tr. 367).

 Khi trách mắng Đinh Liễn về tội sát hại em trai là Hạng Lang,  Hoàng đế nói: “Tao biết hết cả rồi, không phải lắm lời. Mày vẫn thói ghen ăn tức ở thôi. - Hoàng đế mắng - mày là anh nó, dưới tao là mày. Còn cái chức Thái tử ban cho trẻ con để nó vui, chứ làm gì?” (tr. 554). Không rõ việc lập Thái tử cho Hạng Lang có phải là sai lầm của nhà vua, muốn lấy lòng Ngô bà và con rể Ngô Nhật Khánh hay không. Nhưng khi nhà vua mắng Đinh Liễn thì thật thuyết phục!

Trong các nhân vật khác, thì Đinh Điền khá nổi bật với tính bộp chộp, phổi bò, thấy sao nói vậy. Nguyễn Bặc chín chắn giỏi giang, Lưu Cơ học rộng, xứng là quân sư. Còn Đinh Liễn thì đúng là cậy thế con trưởng, từng làm con tin, từng chinh chiến lập công nên cũng có tính tự phụ, có chút ngông nghênh. Nhân vật  Đinh Thúc Dự và nhân vật Lão Bộc cũng khá rõ nét.

Có thể nói, nhà văn đã dựng lại một bức tranh lịch sử hùng tráng thời đó. Tác giả không dùng các thủ pháp tân kì, cũng không dùng kĩ thuật huyền ảo, hay thủ pháp tâm linh; mà viết bằng văn phong giản dị, theo kiểu truyện kể dân gian có pha giọng văn kể chuyện của tiểu thuyết chương hồi. Nhà vua Đinh Tiên Hoàng với tất cả những phẩm chất được chép trong chính sử, được truyền tụng trong các giai thoại dân gian đã hiện lên thật sinh động cùng với các tướng lĩnh và triều đình của mình.

Chúng tôi thấy cần trao đổi thì có lẽ là việc cho Đinh Liễn đi sứ sang  Bắc Tống ở chương 31. “Đại Việt sử kí toàn thư” (trọn bộ, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2020), chép:

“Nhâm Thân, năm thứ 3 [972] (Tống, Khai Bảo năm thứ 5). Sai Nam Việt Vương Liễn sang thăm nhà Tống(*).

Quý Dậu, năm thứ 4 [973] (Tống, Khai Bảo năm thứ 6). Nam Việt Vương Liễn đi sứ về, nhà Tống sai sứ sang phong cho vua làm Giao chỉ quận vương, Liễn làm Kiếm hiệu Thái sư Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ” (trang 158).

Như vậy Đinh Liễn không hề đi sứ! Tuy nhiên việc cho Liễn đi sứ cũng không ảnh hưởng nhiều đến nhân vật này. Mà chương 31 khá sinh động, bộc lộ rõ tính cách của Đinh Liễn và khả năng sáng tạo của tác giả. Phải chăng đó là dụng ý của người viết?

Khi nêu việc Trịnh Tú đi sứ sang Tống [975], tác giả để cho Lưu Cơ, người giỏi chữ nghĩa đọc bài thơ “Sửa soạn dâng rượu”  (Tương tiến tửu của Lý Bạch) mà lại đọc bản dịch của Ngô Tất Tố thì… thật ngược lịch sử (trang 526). Lẽ ra ông ta phải đọc nguyên văn chữ Hán, rồi chú thích bằng bản dịch của nhà văn họ Ngô ở thế kỉ 20 cho bạn đọc ngày nay!

Tác giả đã kì công điền dã và xử lí tư liệu. Các năm xảy ra sự kiện đều ghi tên năm rồi mở ngoặc ghi năm. Ví dụ Ất Sửu (965), Đinh Mão (967)… Các tên thành, tên đất, tên sông, tên núi đều chú thích cặn kẽ. Thế nhưng điều cần chính xác và chi tiết thì lại bỏ qua. Chỉ ghi “Sử chép”. Sử nào? Chúng ta có Đại Việt sử kí toàn thư (Toàn thư)Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục),… thiết nghĩ cần chú rõ.

Một chi tiết khác liên quan đến Đỗ Thích. Thích bị băm nát, hai thùng xương thịt đem đổ xuống ao Giải, chuồng Hổ. Sau đó dân chúng căm thù phá nát núi Đỗ Thích là đủ. Đưa thêm chi tiết “Dân kinh thành Hoa Lư đã nhanh chân xúm vào tranh nhau bốc, mỗi người được một nhúm to bằng viên chả băm. Ai nấy cùng ăn sống nuốt tươi cho hả giận, khiến mồm mép chân tay đỏ lòm những máu là máu” (trang 572). Không rõ nhà văn có bị ảnh hưởng bởi truyện Thuốc của Lỗ Tấn hay không, nhưng chi tiết này khá phản cảm!

Tiểu thuyết “Đinh Tiên Hoàng” của nhà văn Vũ Xuân Tửu được Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao Giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Đồng thời, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng trao Giải thưởng Liên hiệp Văn học nghệ thuật cho tiểu thuyết này. Cuốn tiểu thuyết cũng được “Đề án bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” tài trợ in 2.450 cuốn. Thật là một thành công xứng đáng với tâm huyết của nhà văn.

                                                                

Chú thích: (*) “Toàn thư và Cương mục chép năm Khai Bảo thứ 3,  Đinh Tiên Hoàng sai con là Nam Việt Vương Liễn sang sứ nước Tống. Tống sử không chép việc này…. (Tài liệu “Đại Việt sử kí toàn thư”, trang 158).

Hà Nội, 21/8/2021

(Nguồn: TC VNNB 255-9/2021)

 

Bài viết khác