Chủ nhật, 03/11/2024

Thế giới trẻ thơ trong sáng tác văn chương của Nguyễn Quang Hảo

Thứ sáu, 04/10/2019

BÙI HỒNG 

Trong dòng chảy văn học dân tộc, văn học thiếu nhi luôn được xem là món ăn tinh thần bổ ích, góp phần bồi đắp trí tuệ, tâm hồn trẻ thơ, hướng tới sự hình thành và phát triển toàn diện nhân cách cho các em.

Thật đáng trân quý biết bao, ở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình, có một người đã dành trọn mấy thập kỉ sáng tác để viết cho thiếu nhi, yêu thương vun trồng và nuôi dưỡng những tâm hồn ngây thơ, trong sáng! Đó chính là nhà thơ Nguyễn Quang Hảo, ông sinh ra và lớn lên ở xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, một miền quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Giờ đây, dù sắp bước sang độ tuổi “bát thập kế chi”, Nguyễn Quang Hảo vẫn miệt mài trên hành trình tìm về với miền ấu thơ, tìm lại ánh mắt "trong veo" để khám phá, xây dựng thế giới hình tượng nghệ thuật trong sáng, tươi xinh, lung linh sắc màu cuộc sống.

Sáng tác của Nguyễn Quang Hảo phong phú về thể loại, đa dạng về đề tài, song trong các đề tài mà ông hướng đến, mảng đề tài về động vật chiếm đại đa số, bởi đây được coi là lăng kính phản chiếu tâm hồn trẻ thơ một cách hữu hiệu nhất. Thế giới động vật trong tác phẩm của ông luôn đầy ắp những khám phá diệu kì, đẹp đẽ, nhí nhảnh như chính tâm hồn các em. Viết về chú rùa, nhà thơ khiến cho độc giả nhỏ tuổi “vỡ òa nhận thức” về sự phát hiện mới mẻ của “ngôi nhà”, “xe tăng”, “nhà toán học” (Chuyện chú rùa). Hình ảnh cô Mái, chú Trống choai được nhà thơ liên tưởng với những con chữ, dấu thanh… gần gũi mà vô cùng thú vị trong cảm thức của trẻ: “Cô Mái ấp ổ trứng tròn / Chạy ra các chú gà con mới tài! / Trống choai mải chơi dông dài/ Cổ vươn vẽ dấu hỏi bài ớ…ơ…” (Chú gà Trống choai).

 

Đến với tập truyện Đường qua rừng, các em được thỏa thuê nô đùa, lắng nghe lảnh lót “tiếng chim kêu”, “tiếng gà gáy sáng”, cùng vui chơi với “thỏ con mơ mộng”, “Hổ Xám nhát gan”,… Có thể nói, hơn bất kì không gian nào với những người bạn nhỏ đáng yêu xung quanh sẽ giúp trẻ sống thật với những xúc cảm trong sáng, giàu yêu thương, mơ ước.

Viết về thế giới loài vật, Nguyễn Quang Hảo không phải lúc nào cũng chỉ thiên về đề cao cái đẹp, cái hồn nhiên, đáng yêu mà còn mang tới cái nhìn đa chiều, hướng các em phân biệt được thật – giả, thiện -  ác trong cuộc đời; giúp các em ý thức được: bên cạnh việc phát huy cái đẹp, cái tốt, cần đấu tranh, bài trừ cái xấu, cái ác để đi tới sự hoàn thiện mình. Đối lập với họ nhà Kiến hiền lành, chịu khó, đoàn kết, biết lo xa là bầy Dế đất “mình mẩy trần trụi, đen đúa… hay rỗi hơi, tục tằn và khiêu khích” (Đàn Kiến và Dế đất). Trái ngược với Thỏ con xinh xắn, thông minh là tên Hổ Xám khổng lồ, hôi hám, hung tợn với “hai hàm răng vàng khè nhọn hoắt, tua tủa…” (Xem gan Hổ Xám).

Không chỉ được trò chuyện, vui chơi với thế giới loài vật sinh động, cựa quậy, mang hơi thở ấm áp của cuộc sống, đến với tác phẩm văn chương của Nguyễn Quang Hảo, trẻ em còn được thỏa thuê chiêm ngưỡng, vẫy vùng giữa khung trời thiên nhiên bốn mùa tươi đẹp, khoáng đạt, thi vị. Mảnh vườn nhỏ của ông nội Nam là nơi đi về trú ngụ sớm tối của hàng chục loài chim nhỏ. Mỗi sớm mai, khi góc trời phía đông mới hồng lên… đã nghe những chú chim sâu “kêu rích rích… tờ rích, hệt như tiếng còi thổi báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Những sáng đẹp trời, chúng còn cất tiếng hót chiu rích tờ rích…chiu âm điệu lanh lảnh, tự nhiên, lặp đi lặp lại mà không nhàm chán, rất êm tai, nghe vừa nhởn nhơ vừa thỏa chí…” (Đường qua rừng). Không khó chịu, bức bách bởi cái nắng bỏng rát như đổ lửa, những cơn mưa giông, sấm chớp sầm sập, như vốn có trong thực tế, bức tranh thiên nhiên mùa hè trong thơ Nguyễn Quang Hảo thật trong trẻo và yên bình xiết bao: “Bè trầm giọng của cây đa/ Điệu ngân cao vút ấy là phi lao/ Mùa vàng gió hát xôn xa/ Diều lên thả tiếng sáo vào lời ru…” (Hè về).

M.Gorki, đại văn hào Nga đã từng nói: “Nghệ sĩ thật sự vĩ đại trước hết phải là nghệ sĩ của một dân tộc, một quê hương cụ thể”, bởi lẽ chỉ khi được sống, được gắn bó, nếm trải mọi niềm vui nỗi buồn với dân tộc ấy, với địa phương ấy, người ta mới khám phá ra hết những vẻ đẹp tiềm ẩn của nơi đó. Cùng với những sáng tác về thế giới thiên nhiên, loài vật, mảng đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Quang Hảo là hình ảnh đất và người Ninh Bình. Về với rừng nguyên sinh Cúc Phương, các em không khỏi bồi hồi xúc động, hiểu thêm về nguồn cội, thêm yêu quê hương, đất nước mình (Suối nhỏ hồn nhiên, Trước Động Người Xưa). Mỗi dáng núi, hình sông trong cảm nhận của nhà thơ đều có một dáng hình, tên gọi riêng, gắn với mỗi sự tích văn hóa, lịch sử kì thú, kích thích trí tò mò, ước mơ chinh phục, khám phá của các em. Núi giống như cái ấm, đĩa xôi, núi mang hình ông Bụt, hình chú cá voi khổng lồ, lại có núi Cắm Gươm, núi Mã Yên (Dáng núi hình cổ tích). Đặc biệt, dưới ánh nhìn được khúc xạ qua lăng kính trẻ thơ, núi Cánh Diều ban ngày tựa cánh diều rơi, ban đêm lại giống như nửa vầng trăng đang bay lên giữa mây trời huyền ảo (Nửa vầng trăng lên). Dòng sông Vân Sàng hiện lên đẹp như một bức tranh thủy mặc: “Sông Vân Sàng quê em/ Vắt qua lòng thành phố/ Sông mềm như dải lụa/ Nối từ nguồn ra khơi…” (Dòng sông lịch sử).

Ngoài sự thi vị, hấp dẫn về nội dung, Nguyễn Quang Hảo luôn tìm tòi, sáng tạo bút pháp nghệ thuật để có được những tác phẩm phù hợp nhất với khả năng tiếp nhận văn học ở lứa tuổi thiếu nhi. Bên cạnh thể thơ lục bát cổ truyền, mang âm điệu mượt mà, đằm thắm, tác giả còn dùng các thể thơ 4 chữ, 5 chữ… để các em dễ đọc, dễ nhớ. Đặc biệt, có những tác phẩm, nhà thơ đã mượn hình thức vãn hai, vãn ba của đồng dao, lồng ghép trong đó chất liệu của cuộc sống hôm nay nhằm cung cấp cho các em hiểu biết về những sự vật, hiện tượng cuộc sống. Với hình thức câu thơ ngắn, giọng điệu dí dỏm, tươi vui pha chút giễu nhại, bài thơ “Chú mướp” đã khắc họa sinh động hình ảnh chú mèo mướp biếng lười nhưng vô cùng đáng yêu, gần gũi: “Chú mèo mướp/ Thích ngủ ngày/ Chuột kéo tai/ Vẫn ngáy khướt…”. Câu thơ ngắn cũng góp phần tạo nên ngữ điệu trầm bổng, nhịp nhàng với lời nói của trẻ, do đó dễ nhớ hơn và âm vang hơn: “Ba là thân cây/ Mẹ như cành lá/ Thơm vòng tay mẹ/ Con là búp hoa” (Vì cây vì người)...

Trẻ em là những “bạn đọc đặc biệt”. Văn học viết cho lứa tuổi thiếu nhi phải đặc biệt quan tâm đến đặc điểm tâm lí và những sở thích của các em. Trẻ vốn rất yêu cái đẹp, vì vậy, những hình tượng nghệ thuật giàu giá trị nhân văn, kết hợp vần điệu, nhạc điệu do các nhà văn dày công sáng tạo trong tác phẩm, phù hợp với thị hiếu trẻ thơ, sẽ gây được những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn, tác động đến nhận thức, tư tưởng tình cảm ở các em.

Đối với tuổi thơ, mọi vật đều như có tâm hồn. Các em có thể làm bạn với động thực vật, đồ vật, cả những hiện tượng thời tiết... Trong thơ của Nguyễn Quang Hảo, có khi bài thơ như một lời tâm tình, thủ thỉ, nhớ mong của trẻ với chị Nắng, với bốn mùa thiên nhiên tươi đẹp (Chị nắng đi chơi, Gió trung du). Những thanh âm của thiên nhiên đối với các em, luôn có sức cuốn hút và lan tỏa kì diệu: “Tiếng kêu vợ chồng chị cuốc/ Nghe như mắc lưới bờ tre/ Ve sầu thổi còi phạt góc/ Nóng khô giọng vỡ rè rè ” (Trưa hè). Không những thế, các tác phẩm hấp dẫn các em chính nhờ ở hệ thống hình ảnh luôn được miêu tả trong trạng thái vận động và biến đổi liên tục. Nguyễn Quang Hảo tả mưa cứ như bầy trẻ thơ, mỗi người một vẻ, rất mực đáng yêu: “Mưa Ngâu là cái nũng bà/ Mưa Phùn nũng mẹ, nũng ba Mưa Dầm/ Mưa Bay chơi trẻ trốn tìm/ Mưa Xuân gọi lúa đứng lên phất cờ…” (Bé không bắt chước).

Văn xuôi thiếu nhi của Nguyễn Quang Hảo rất giàu chất thơ, được tạo nên bởi sự hoà quyện của những rung cảm của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, tình người với vẻ đẹp của ngôn từ, khơi gợi những rung động thẩm mĩ, tình cảm nhân văn, thực sự chạm đến trái tim của bạn đọc nhỏ tuổi. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở tập truyện Đường qua rừng với nhiều truyện ngắn, truyện đồng thoại có cốt truyện dung dị, nhẹ nhàng, ẩn sau là triết lí sống sâu sắc, thấm thía. Cốt truyện “Diều và Gió” đẹp như một tứ thơ hay với ngôn ngữ, giọng điệu tự nhiên, êm đềm, thư thái: “Mùa hè đã trở về. Mấy chị Gió vô tư và tinh nghịch quàng vai nhau từ phía biển Đông lướt tới mát rượi…”, chợt nhìn thấy cánh Diều ngồi chơi một mình, các chị Gió lại gần rủ Diều cùng vui chơi, ca hát và du ngoạn. Khi Diều “không cất nổi mình”, các chị Gió “xúm lại reo hò giúp Diều nâng bổng cánh bay lên cao, thật cao. Giữa bầu trời lộng gió và đầy nắng, Gió và Diều như không còn một khoảng cách khó hiểu nào. Tiếng hát của Gió và tiếng sáo của Diều cùng hòa nhập tạo thành một giai điệu của quê hương giữa chiều hè thơ mộng”. Ở truyện Phần thưởng đặc biệt, Nguyễn Quang Hảo lại cho bạn đọc nhỏ tuổi hiểu thêm và biết trân trọng những món quà vô giá của cuộc đời. Đó chính là tiếng đàn bầu của ông nội “phần thưởng đặc biệt” mà ông dành cho Nam mỗi khi được điểm tốt: “Tiếng đàn của ông không lẫn vào đâu được, nghe êm đềm như tiếng ru… Mỗi khi đi xa hoặc lâu lâu không được nghe ông đàn là Nam lại nhớ đến nao lòng… Và chính Nam cũng tặng cho ông một phần thưởng vô giá, bởi lẽ em đã hiểu được tiếng đàn của ông có ý nghĩa và giá trị như thế nào”.       

Đại văn hào Nga - Đôtxtôiepxki đã từng nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Ở lứa tuổi thiếu nhi, với tâm hồn sáng trong, thánh thiện, nhận thức về thế giới xung quanh còn thiên về cảm tính, hơn ai hết, trẻ thường bị lôi cuốn bởi cái đẹp và hướng tới cái đẹp. Khi được tiếp xúc với vẻ đẹp lấp lánh của ngôn từ qua những trang viết về thiên nhiên, cuộc sống tươi sáng, êm đềm, sẽ giúp các em rung động và cảm nhận về một thế giới bao la đầy ắp âm thanh, ánh sáng và sự huyền bí.

Có thể nói, sáng tác văn học cho thiếu nhi là một đề tài khó viết, khó hay, khó kiếm được độc giả, nhất là trong bối cảnh cuộc sống với sự bùng nổ lớn mạnh chưa từng có của thế giới công nghệ hiện đại khiến trẻ em thích thú hơn văn chương. Để viết được tác phẩm có giá trị, nhà thơ Nguyễn Quang Hảo không chỉ có tấm lòng nhân hậu, giàu yêu thương, khả năng nắm bắt tâm lí của trẻ thơ, mà trong mỗi sáng tác, dường như tác giả phải huy động tối đa trí tưởng tượng, sống lại bằng chính những kí ức tuổi thơ trong trẻo của mình, cộng với sự quan sát nhạy cảm, tinh tế, bút pháp thể hiện độc đáo, hấp dẫn. Nhà thơ gần như thoát khỏi con người thực tại - con người lớn tuổi của mình để đắm say với những trang viết hóm hỉnh, thơ ngây. Đến với tác phẩm của Nguyễn Quang Hảo, độc giả luôn tìm thấy một thế giới kì thú, chan chứa tình người, tình đời, khơi dậy những cảm xúc trong trẻo, ngọt lành của tuổi thơ, giúp các em thêm yêu cuộc sống, hướng tới giá trị Chân - Thiện - Mĩ.

                                                                  B.H

 

Bài viết khác