Truyện ngắn của NGUYỄN QUANG CỰ
Suốt mấy hôm nay, trời khi mưa khi tạnh. Nắng vừa hé lên rồi lại tắt, trời ỉu xìu như mặt trẻ con giận dỗi. Chuồn chuồn bay ra như vỡ tổ. Chúng lượn lung tung thành tầng, thành lớp trên không trung, rồi cả mắt.
Loa phóng thanh đầu xóm chốc chốc lại báo bão. Hôm qua còn là bão xa, hôm nay đã là bão gần rồi bão khẩn cấp. Người lớn ai cũng tất bật chống bão. Nhà nào nhà ấy đều lo chằng chống nhà cửa, các anh các chị thanh niên thì phát, chặt với cành cây ở hai bên đường đề phòng cây đổ làm đứt đây điện hoặc đổ vào nhà. Cảnh chống bão khẩn trương làm sao ấy. Anh em tôi không làm được gì cũng cứ chạy ra chạy vào làm mẹ tôi phát bực, quát chúng tôi vào nhà mà chơi cho người lớn đỡ vướng.
Về chiều, mưa nặng hạt, gió to dần thổi thành luồng như vịt chạy ngoài đồng. Đến đêm, mưa và gió quyện vào nhau rít lên như ngựa hý. Mưa gió đập vào tường nhà ràn rạt, nghe trong không trung tiếng vun vút như ngàn chiếc roi quất vào không khí, rợn người. Mọi cánh cửa nhà tôi đều đóng kín. Bố tôi ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn gỗ mộc. Ông khêu ngọn đèn to hơn mọi ngày như để chống đỡ với gió. Chốc chốc bố tôi lại soi đèn kiểm tra rồi áp tại vào cánh cửa như để nghe hướng gió, tìm cách chống đỡ gì đấy.
Tôi và thằng Tiến - em tôi nằm nép vào mẹ. Hình như nó sợ. Nó hỏi mẹ liên tục:
- Ai làm ra bão hở mẹ?
- Ông trời!
- Bao giờ ông trời không cho bão nữa?
- Ngủ đi! không hỏi nữa!
Trong tiếng gió mưa thét gào, tôi nghe có tiếng gì đó đổ đánh rầm. Mẹ tôi ngồi nhổm dậy. Bố tôi bảo: “Cây bưởi đổ rồi! Cả mấy buồng chuối nữa!” Tôi nhìn ra ngoài trời. Trời tối đen như mực. Tôi nghe như tim mẹ tôi đập thình thịch lo lắng. Gió mưa cứ thi nhau gào thét như trâu ngựa lồng. Tôi ôm chặt thằng Tiến nghĩ ngợi linh tinh rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng. Bão tạnh. Tôi và thằng Tiến thức dậy. Trời sáng lâu rồi. Mặt trời đã chiếu quá nửa vườn. Ánh nắng vàng hoe cứ nhạt nhẽo, buồn buồn thế nào ấy, thật khó diễn tả. Anh em tôi đem cơm ra tận cửa vừa ăn vừa xem bố, mẹ thu dọn. Ăn uống xong, tôi giúp mẹ mang những nải chuối từ vườn vào nhà.Thằng Tiến thì cứ chạy lăng xăng nhặt mấy quả bưởi rụng làm bóng, chạy lạch bạch quanh sân. Vừa đặt nải chuối xuống, mẹ tôi gọi:
- Tiến, Tùng ơi! Lại đây mẹ cho nài!
- Dạ!
Tôi quay lại. Thằng Tiến đang đá bóng cũng chạy lại. Hai bàn tay mẹ đỡ hai con chim nhỏ xíu, nó kêu chíp chíp, hai cái mỏ há ra đói khát. Bộ lông tơ của chúng còn ướt. Mẹ lấy rơm khô lót vào cái rá, đặt chúng vào rồi mẹ hướng dẫn anh em tôi cho nó ăn và sưởi ấm cho nó. Trong lúc thằng Tiến tìm cuốn vở cũ để đốt sưởi cho chim thì tôi pha mấy giọt sữa cho chim ăn. Hai con chim khô dần, ăn no, chúng đã tỉnh lại, đôi mắt của chúng cứ đảo đi đảo lại lậc láo ngơ ngác. Tí tí chúng lại kêu rít lên vẻ hoảng hốt. Tôi tưởng chúng sợ anh em tôi, tôi hỏi mẹ:
- Ăn no, ấm áp rồi, sao chúng còn kêu dữ vậy hở mẹ!
- Chúng nhớ mẹ đấy mà!
- Mẹ của chúng đâu?
- Mẹ của chúng chết rồi. Đêm qua bão làm đổ nhà của chúng, mẹ chúng lấy thân mình che chở cho con chắc đói rét kiệt sức chết rồi! Tôi nhìn chiếc tổ chim ướt sũng còn dính vào cánh bưởi nhỏ, chim mẹ mắt nhắm nghiền, cổ vẹo sang một bên. Nó chết từ lúc nào rồi! Tôi nghĩ lại, chắc đêm qua lúc mẹ tôi ngồi bật dậy, lúc tôi nghe thấy tiếng đổ rầm trong gió rít, bố tôi bảo cây bưởi đồ rồi là lúc chim mẹ dang cánh che cho các con để chịu chết là chắc.
Thật tội nghiệp chim mẹ! Nhưng may mà các con của nó vẫn sống, tôi nghĩ. Thằng Tiến khác tôi, nghe mẹ tôi nói vậy, nó chửi bậy liên:
- Mẹ cha thằng bão ác thế!
Thấy mẹ cười, Tiến hỏi:
- Mẹ ơi! Tên những con chim này là gì?
- Tên chúng là Mồ Côi.
- Hay nhỉ! - Cu Tiến nghiêng sát đầu vào hai con chim chũm miệng gọi - Mồ Côi ơi! Mồ Côi ơi!
Tôi thì biết thừa, mẹ tôi nói thế nghĩa là chúng không còn mẹ. Nhưng từ hôm ấy anh em tôi vẫn gọi chúng là chim Mồ Côi.
Đến nay chim Mồ Côi đã lớn. Lông cánh chúng đủ đầy, cái đuôi xòe ra hình cái chổi. Cả bộ lông của chúng lốm đốm màu đất giản dị dễ thương. Đôi mắt chim Mồ Côi đen lay láy có viền vàng xung quanh, lúc nào cũng đưa đẩy điệu đà. Đôi chân thì bé xíu, liên tục nhảy lên nhảy xuống như không biết mệt. Chúng tôi nuôi chim Mồ Côi trong chiếc lồng tre hình quả chuông mà bố tôi đan cho. Trong lồng có cóng đựng nước, có máng đựng thức ăn, tôi còn bắc chiếc thanh ngang làm cầu cho chúng nhảy nhót tự nhiên, thoải mái. Mồ Côi được chăm sóc ân cần. Thức ăn của chúng đủ thức nào sâu kèn, cào cào anh em tôi bắt được; nào gạo tấm trứng gà rồi chuối, kẹo, bánh quy... nghĩa là có cái gì tôi và thằng Tiến đều để giành cho chim Mồ Côi.
Bạn bè của tôi và thằng Tiến cũng rất thích những con chim Mồ Côi. Đứa nào cũng đòi chung. Chị em cái Xuyến có cái gì cũng mang cho Mồ Côi. Nó cho thằng Tiến những năm cái kẹo và cái vòng đeo tay bằng nhựa để thằng Tiến đồng ý cho chị em nó chung nuôi chim Mồ Côi. Cu Tiến thấy kẹo thèm nhỏ dãi, nó đồng ý liền.
Xuyến là con cô Xuân, hàng xóm nhà tôi. Hai nhà chúng tôi thân nhau lắm. Xuyến kém tôi một tuổi, học sau tôi một lớp. Xuyến nhanh nhẹn, mắt đen da trắng, xinh nhất xóm. Hàng ngày tôi và Xuyến tha thẩn bắt sâu kèn ngoài bờ mương. Tôi giao kèo: đứa nào bắt được nhiều sâu thì được cho Mồ Côi ăn. Ngày nào cái Xuyến cũng giành được quyền cho chim ăn. Chắc thế nên lũ Mồ Côi quý Xuyến lắm. Mỗi lần cho Mồ Côi ăn cái Xuyến cũng bảo: “Nào, Mồ Côi ăn ngoan nào!” Có lần nghe thấy, mẹ tôi bảo: “Con bé ngoan và khéo nữa”. Tôi nhìn Xuyến cho Mồ Côi ăn tức mà không sao được.
Mùa hè qua đi, chim Mồ Côi đã lớn khôn. Mảnh vườn nhà tôi đã xanh tươi trở lại. Cây bưởi, cây hồng xiêm bị bão quật đổ được bố mẹ tôi nâng dậy nay cũng xum xuê cành lá. Chúng tôi cũng sắp vào năm học mới. Một tối, sau bữa cơm, cả nhà đang ngồi nghe đài, mẹ tôi gọi tôi và thằng Tiến đến bên mẹ. Hai chúng tôi sà vào lòng mẹ, thằng Tiến còn ôm ghì cổ mẹ nũng nịu. Mẹ xoa đầu chúng tôi rồi bảo:
- Chim Mồ Côi khôn lớn, biết kiếm ăn rồi, các con thả nó về với trời đất, bạn bè nó.
- Chúng con treo lồng ở cây hồng xiêm, bè bạn nó vẫn đến mà, tôi cãi lại mẹ.
- Như thế nó vẫn bị nhốt. Chim cũng như các con ấy, nó cũng muốn có bạn, muốn đi chơi với bạn chứ.
- Con sợ nó đói. Chúng quen được chúng con chăm sóc rồi.
- Con nghĩ thế thôi, trời đất, cây cối là nhà của chim, rồi nó vẫn kiếm ăn được. Các con đừng lo - Một lát sau mẹ tôi nói tiếp - Các con thả Mồ Côi thì nó cũng chỉ quanh quẩn trong vườn nhà mình. Các con muốn cho nó ăn cũng được mà.
- Các con sắp vào năm học mới, thời gian đâu mà chim với cò! - Bố tôi nói khô khốc, chắc nịch.
Tôi biết, thế là phải thả Mồ Côi thật rồi. Tôi ghé sát tai mẹ:
- Còn chị em cái Xuyến nữa.
- Mai mẹ bảo cái Xuyến, con bé ấy ngoan lắm!
Thằng Tiến thì cứ nũng nịu: “Con ứ thả, ứ thả.”
Sáng hôm sau tôi bàn với Xuyến đem Mồ Côi sang nhà Xuyến nuôi. Xuyến bảo, mẹ tôi nói với Xuyến chuyện thả Mồ Côi ra rồi. Xuyến còn nói y hệt mẹ tôi bảo: Mồ Côi vẫn quanh quẩn nhà mình thôi, mình vẫn gặp Mồ Côi hàng ngày mà. Thế là chúng tôi quyết định thả Mồ Côi về với đất trời, cây cối.
Sáng nay, anh em tôi và chị em cái Xuyến cùng dậy sớm. Chúng tôi cho Mồ Côi ăn một bữa thịnh soạn, no nê. Chúng tôi ngồi ngắm nghía Mồ Côi rất lâu. Tôi bảo:
- Từ mai phải tự kiếm ăn rồi! Chịu khó nhé.
- Nhớ đừng đi đâu xa kẻo lạc nhé. - Cái Xuyến thì bảo Mồ Côi thế.
Thằng Tiến mở cửa lồng cho chim bay ra. Hai con chim nhìn chúng tôi ngơ ngác. Nó vẫn đứng im. Mãi chúng mới chui ra khỏi lồng.
- Thôi bay đi! Bay đi với bạn bè mày! - Tôi giục.
Chúng vỗ cánh, mắt nhìn chúng tôi như chia tay rồi bay vút lên cây bưởi, miệng kêu chim chíp. Cái Xuyến và thằng Tiến đồng thanh bảo: “Đừng đi xa nhé! Đói cứ về đây nhé!”.
Mấy ngày sau đó, Mồ Côi vẫn chỉ quanh quẩn trong vườn nhà tôi thật. Thi thoảng chúng cũng sà xuống nhặt thức ăn chúng tôi mang cho.
Bây giờ vườn nhà tôi xanh tốt hơn trước, cây cối cũng nhiều hơn. Lũ chim kéo về cũng nhiều hơn. Chúng tôi cũng lên lớp khác rồi.
Tôi không nhận được chim Mồ Côi nữa. Chúng đông và giống nhau lắm! Có lẽ bè bạn, con cháu của Mồ Côi đấy!
N.Q.C
(Nguồn: TC VNNB 255-9/2021)