Kịch ngắn của KIM CƯƠNG
(Kịch bản xuất sắc nhất Hội thi Văn nghệ quần chúng năm 2018)
Nhân vật:
Ông Thống
Bà Hoài: Vợ ông Thống
Lĩnh: Con trai ông Thống
Bà Mai: Thông gia
Huệ: Con gái bà Mai
Hình ảnh của vở kịch "Trả giá" tại cuộc thi Ảnh: tác giả kịch bản cung cấp
Kịch xảy ra tại nhà ông Thống – Trưởng ban quản lý dự án các khu công nghiệp của một tỉnh đã chuyển công tác. Tiếng đứa trẻ khóc ngặt nghẽo, Bà Hoài chạc tuổi 55 vừa ru cháu vừa lau nước mắt.
Bà Hoài: - À ơi… Khổ quá nín đi cháu. Không biết nó bị làm sao nữa? Nín đi bà thương, bà cũng đang nát hết cả ruột gan ra đây… tội nghiệp cháu tôi (đặt cháu trong nôi và đến bàn thờ thắp hương cho con dâu).
- Lan ơi, con sống khôn thác thiêng, về phù hộ cho con gái của con cho nó được khoẻ mạnh, hay ăn chóng lớn. Từ ngày con đi, con bé nó ốm quặt quẹo, có lẽ nó quen hơi mẹ nên cứ khóc suốt, chẳng chịu ăn uống gì cả, mẹ làm sao thay được con để chăm sóc con bé đây.
Âm nhạc (Bà Hoài mộng du…)
Bà Hoài: Lan ơi, có phải con không? Con đi đâu thế. Đừng đi, ở lại với mẹ, nhà của con đây cơ mà. Lannnnn… (loạng choang rồi ngã ngất, bà thông gia xuất hiện, trên tay cầm làn rau)
Bà Mai: Bà làm sao thế này, tỉnh lại đi bà ơi.
Bà Hoài: (Ú ớ gọi) Con ơi, con đâu rồi, con dâu tôi đâu rồi, nó vừa ở đây mà.
Bà Mai: Bà ơi, bà tỉnh lại đi, tôi đây mà, thông gia của bà đây mà.
Bà Hoài: Bà ơi, tôi vừa thấy cái Lan nó về, nó kêu đau đớn. Có phải nó chết oan không bà? (khóc)
Bà Mai: (Khóc) Bà ơi, không may cháu nó lâm bệnh trọng đi sớm, nên 2 thân già mới khổ thế này, bà phải giữ sức khỏe để chăm cháu nội của bà chứ… tôi cũng chỉ giúp được ít bữa rồi phải về, ông nhà tôi cũng đau ốm luôn.
Bà Hoài: Vâng, tôi cảm ơn bà, không có bà giúp đỡ tôi không biết phải làm thế nào nữa, cháu nó cứ khóc suốt bà ạ.
Bà Mai: Vâng, nó vẫn nhớ sữa mẹ đấy mà. Thế ông nhà và thằng cháu Lĩnh đi làm hả bà?
Bà Hoài: - Ông nhà tôi đi làm, còn thằng Lĩnh, chẳng giấu gì bà suốt ngày đi uống rượu, chẳng thiết gì đến công việc và gia đình, tôi mệt mỏi quá bà ạ (khóc)
(Tiếng đứa trẻ khóc thét, 2 bà hoảng hốt vồ lấy nôi ru đứa trẻ ngủ)
- Cháu ngoan của bà... tội nghiệp cháu tôi, ầu ơ... bà thương... khổ thân cháu tôi, mới có mấy tháng tuổi đã mồ côi mẹ (sụt sùi khóc)
Bà Mai: Bà đưa tôi bế cháu cho nào, tôi mang ít trứng ngon và rau vườn lên để gia đình ăn, bà rửa rồi bỏ tủ lạnh ăn dần bà ạ.
Bà Hoài: Rau ở vườn thì không phun thuốc rồi, nhưng nguồn nước tưới có thật sự sạch không bà, bà thông cảm, tôi thấy lo nên hỏi vậy.
Bà Mai: Rau ở vườn tôi tưới toàn bằng nước sạch bà ạ, nhà ở gần khu công nghiệp khói bụi và nước bẩn, chúng tôi vẫn phải lọc nước trước khi dùng … Hồi nhà máy mới đi vào hoạt động, mấy con bò uống nước ở ngòi gần đấy vậy mà lăn ra chết hết. Người thì nói bị lở mồm long móng, người thì nói uống phải nước nhiễm độc. Dân làng làm đơn kiện ồn ào mấy ngày rồi thấy lại im, nhưng bà yên tâm, rau nhà tôi là rau sạch đấy. Bón tí phân vi sinh thôi.
Bà Hoài: Sau vụ ấy thế nào rồi?
Bà Mai:: Bà hỏi chuyện gì? À, cái vụ dân kiện mấy con bò chết chứ gì?
Bà Hoài: (Lúng túng) À, không không... thôi bà bế cháu lên gác 2 yên tĩnh cho cháu ngủ, bà đi lại vất vả, cũng nên tranh thủ ngủ đi không có đêm cháu nó quấy lại mất ngủ đấy bà ạ.
Bà Mai: Vâng, vậy bà làm bữa, bà cháu tôi đi nghỉ chút bà nhé. Ờ ờ, ngoan nào.
Bà Hoài: Bà cứ nghỉ lúc nào xong bữa tôi mời bà xuống xơi cơm.
Lĩnh: (Say rượu, đi ngất ngưởng vào nhà, vừa đi vừa hát)
“Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không”. Chào mẹ.
Bà Hoài: Con nói khẽ cho con bé nó ngủ. Mà bà ngoại cũng vừa lên, đang trông cháu ở trên tầng, con nói nhỏ cho bà nghỉ. Lĩnh ơi, đằng nào chuyện cũng xảy ra rồi, con phải vượt lên để sống, để nuôi con chứ. Mày cứ nhịn ăn uống suốt ngày, định hủy hoại thân xác thế à con?
Lĩnh: Mẹ ơi, con không thiết sống nữa… huhu... Lan ơi.
Bà Hoài: - Con nói gì thế? Đến bây giờ y học cũng phải bó tay, cũng có nhiều bác sĩ chết vì ung thư đấy thôi. Gia đình mình cũng hết lòng với vợ con rồi. Mẹ biết vợ con mất là đau xót lắm. Đến mẹ còn đau đến thắt cả lồng ngực. Nhưng vì cháu, vì gia đình mẹ phải cố khỏe để chăm nuôi cho nó khôn lớn. Thôi nghe mẹ, con đừng hủy hoại thân mình như thế nữa, ở nhà mẹ nấu cho con bát cháo loãng ăn cho tỉnh người.
(Lĩnh nửa nằm, nửa ngồi trên ghế, đau khổ buồn chán).
(Ông Thống đi làm về, tay sách cặp, ăn mặc com lê ca vát)
Ô Thống: Sao không đi làm lại ở nhà vậy hả, lúc nào cũng ủ rũ, xộc xệch, nhìn con có ra hồn người nữa không?
Lĩnh: Đi làm à, nhà nhiều tiền thế làm làm gì, cứ tiêu đi. Đã có người mang tiền về cho mà tiêu. Tiền, tiền là cái gì? Mà họ tìm mọi cách kiếm tiền một cách nhẫn tâm như thế (cười mỉa mai diễu cợt)
Ô Thống: Mày nói gì? Đứa con bất hiếu.
Lĩnh: Con bất hiếu là vì ai? Con láo hỗn là vì ai?
Ô Thống: Tao cho mày cuộc sống, công việc như thế mà mày chưa hài lòng hay sao? Mày còn muốn gì nữa hả?
Lĩnh: Con muốn bố trả vợ lại cho con.
Ô Thống: Thằng này điên rồi, vợ mày đoản số không may mất sớm, giờ mày đổ lỗi cho bố mày à?
Lĩnh: Nếu ngay từ đầu với trách nhiệm của một Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp và kinh nghiệm của một kỹ sư bố phải bắt họ triệt để thi công theo bản vẽ, xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động. Đằng này đứng giữa lợi nhuận của doanh nghiệp và sức khỏe của người dân bố lại đứng về phía doanh nghiệp. Họ đã bớt xén được bao nhiêu? Họ đã cho bố được bao nhiêu?
Ô Thống: Mày đừng nói láo, nhân chứng vật chứng đâu?
Lĩnh: Bố muốn vật chứng phải không? Con đã nghe thông tin và tìm hiểu sổ sách giấy tờ của bố cách đây đã nhiều năm, con biết bố đã nhắm mắt làm ngơ cho khu công nghiệp để thu tiền tỷ.
Ô Thống: Thằng này mất dậy, thì ra tao nuôi ong tay áo.
Lĩnh: Bố thừa nhận rồi phải không? Còn nhân chứng chứ gì. Bố về làng vợ con, tổng kết xem đến nay đã có bao nhiêu người chết vì ung thư, còn bao nhiêu người đang điều trị ở các bệnh viện ung bướu, bố có trốn tránh được không? Hãy đối diện với sự thật đi bố ạ.
Ô Thống: (Nói nhỏ) Giời ơi, mày nhỏ mồm thôi, chuyện này đã qua lâu rồi, giờ nước thải và khói của Khu công nghiệp đã được xử lý sạch sẽ, không còn dấu vết, mày bới bèo ra bọ làm gì.
Lĩnh: Bố muốn giấu để ung dung sống trong thanh bình chứ gì? Bố chuyển đơn vị khác để xóa tội đúng không? Vậy bố có thanh thản khi nhìn vợ con mới hơn hai chục tuổi đầu, phải chết vì sự tham lam ích kỷ của những người như bố không? Con sẽ đưa việc này ra ánh sáng.
Ô Thống: Ối giời ơi, mày có phải là con tao không, mày muốn tao vào tù hay sao? Có đứa con nào lại vạch tội bố cho thiên hạ biết không? Tao có dạy mày như thế không? Công tao cho mày ăn học để hôm nay mày đối xử với tao như thế à?
Lĩnh: Bố ơi, chính là bố cho con ăn học, dạy con làm người nên con mới biết thế nào là phải trái. Việc làm hồi đó của bố là sai rồi, hệ lụy ấy bây giờ vợ con và bao người dân đã phải gánh chịu. Con muốn bố trả giá cho những việc đã làm.
Ô Thống: Tao nói cho mày biết, tao làm là có sự đồng thuận của nhiều người, mọi người cùng hưởng lợi, tiền tao kiếm được đem lại cho mày cuộc sống đầy đủ, sung sướng hơn bạn cùng trang lứa. Nhờ các mối quan hệ mà giờ mày mới có việc làm tốt như ngày hôm nay, mày biết chưa?
Lĩnh: Vậy thì tôi sẽ trả cho bố cái mạng này.
Bà Hoài: Con ơi, bình tĩnh lại đi con, mẹ xin con.
Lĩnh: Mẹ biết hết rồi phải không? Các việc ồn ào bên khu công nghiệp trước kia, khi mà chuối hai bên bờ sông chết hết, mấy con bò của dân uống nước ở đấy cũng chết ngay tại trận.
Bà Hoài: Mẹ, mẹ…
Lĩnh: Mà làm sao mẹ nói được chứ. Bởi vì mẹ là người phụ nữ thuần túy luôn biết nghe lời, tận tụy với gia đình và chồng con. Việc xã hội là của đàn ông, đàn bà chỉ tham gia việc bếp núc.
Bà Hoài: Chính vì những lỗi lầm bố mẹ gây ra nên gia đình mình đang gặp quả báo đấy con.
Ô Thống: (Quát) Bà chỉ ăn nói hàm hồ, cái gì mà quả báo. Đấy chỉ là tai nạn nghề nghiệp, ai ở gần khu công nghiệp mà chả bị ảnh hưởng khói bụi, nguồn nước và tiếng ồn.
Bà Hoài: Thì ra đó là sự thật, người dân đã ăn phải nước ô nhiễm, hít phải khói độc bao nhiêu năm. Ông đã biết nguồn nước và không khí ô nhiễm nghiêm trọng, sao không tìm cách xử lý mà để hậu quả như ngày hôm nay?
Lĩnh: Chính vì những đồng tiền bố đưa, mà mẹ đã không cản bố làm việc đó phải không (cười chua chát).
Bà Hoài: (Quay ra nói với ông Thống) Tôi cứ nghĩ ông làm ăn chân chính, tôi luôn trân trọng những đồng tiền ông mang về lo cho gia đình, tôi không ngờ đấy là những đồng đồng tiền tội lỗi.
Ô Thống: Bấy lâu nay tôi vất vả vì ai? Thật uổng công vô ích (định bỏ lên gác)
(Tiếng điện thoại reo) A lô, Vâng tôi đây, Tôi Thống đây, sao cơ? Lên ngay bây giờ à? Vâng vâng, tôi sẽ lên ngay (ông Thống toát mồ hôi hột, lấy khăn mùi xoa lau vội mặt rồi đi ngay)
Bà Hoài: - Con ơi, mẹ xin con, bố làm mọi việc cũng vì gia đình, vì mẹ con ta, giờ mẹ con mình trách bố làm bố đau lòng, ông ấy ốm ra đấy thì khổ lắm con ạ. Con đang mệt thì nghỉ đi, cố ăn chút gì cho lại sức đi con.
Lĩnh: Con không nuốt nổi đâu mẹ.
Bà Hoài: Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai dần con ạ
(Lĩnh không nói gì chỉ nhìn mẹ lắc đầu chán nản rồi bỏ lên gác, bà Hoài nhìn con đẫm nước mắt)
Huệ: Cháu chào bà
Bà Hoài: Dì đã lên chơi đấy à?
Huệ: Mẹ cháu đâu hả bà?
Bà Hoài: Bà đang trông cháu ở tầng trên. Dì lên chơi với cháu hay có việc gì không?
Huệ: Cháu lên đón mẹ cháu về.
Bà Hoài: Sao bà mới lên dì lại đón về luôn vậy.
Huệ: Vâng, việc đột xuất bà ạ.
Bà Hoài: Việc gì có bảo thằng Lĩnh nó làm thay được không?
Huệ: Dạ không, mẹ cháu về có chị con bác ruột cháu vừa mất.
Bà Hoài: Chị con bác ruột mất à, sao đột ngột thế, tôi có thấy bà nói chuyện gì đâu?
Huệ: Vâng, chị ấy phát hiện ra bệnh ung thư đại tràng mới được 1 tháng, nhưng là giai đoạn cuối nên mất ngay tại bệnh viện, vừa đưa về nhà sáng nay bà ạ. Cháu vừa điện thông báo mẹ cháu mới biết đấy ạ.
Bà Hoài: Cái bệnh ung thư này đúng là cướp người.
Huệ: Mà không hiểu sao làng cháu nhiều người ung thư thế không biết, cả làng đang náo loạn lên, thấy đang thi nhau viết đơn lên tỉnh kiện cáo gì ấy ạ.
Bà Hoài: Viết đơn kiện hả dì?
Huệ: Họ bảo do có khu công nghiệp mà có nhiều người bị ung thư.
Bà Hoài: (Hoảng hốt) Họ hỏi thôi chứ gì?
Huệ: Vâng, mà sao bà hoảng hốt thế ạ?
Bà Hoài: À, không, không có gì... để tôi đi gọi bà xuống.
Bà Mai: Tôi xuống rồi đây, bà ẵm cháu giúp tôi, tôi về mấy bữa rồi tôi lại lên. Nhà có việc buồn rồi bà ạ
Bà Hoài: Vâng, thế bà và dì cứ yên tâm về lo việc đi ạ. Mai nhà tôi bố trí thời gian về thắp hương cho cô ấy.
Huệ: Vâng, vậy mẹ con cháu về bà nhé.
Bà Hoài: Bà thương nào, không hiểu sao trong ruột bà như có lửa đốt thế này.
(Đúng lúc đó ông Thống đi về, bà vội đặt cháu vào nôi và hốt hoảng hỏi)Ông ơi, ông bị làm sao vậy. Ông không được khỏe à?
Ông Thống: Có chuyện rồi.
Bà Hoài: Chuyện gì?
Ông Thống: (Lấy trong cặp lá đơn) Đây, bà xem đi (ôm đầu đau khổ)
Bà Hoài: (Bà Hoài cầm giấy tay run rẩy và nói )Giấy triệu tập…thế này là thế nào hả ông? Phải làm sao bây giờ?
Ông Thống: Tôi không biết là thế nào nữa (ôm đầu)
Bà Hoài: Ông và đồng nghiệp của ông đã gây ra lỗi lầm quá nghiêm trọng. Tôi đã suy nghĩ việc này rất nhiều rồi, nhà mình có mấy mảnh đất tôi mua từ tiền sai phạm của ông, chúng ta hãy bán đi và đền bù cho những gia đình có người mất và lo phần nào kinh phí cho những gia đình họ đang từng ngày phải chạy xạ trị tại các bệnh viện, xin họ tha thứ và không tiếp tục kiện cáo nữa.
Ông Thống: (Nắm lấy tay vợ) Mình ơi, tôi biết có hậu quả như ngày hôm nay thì tôi không bao giờ dám làm những điều sai trái đó.
Bà Hoài: Ông biết lỗi là tốt rồi, theo tôi ông hãy thành thực khai báo và xin đền bù thiệt hại cho người dân, mong họ bỏ qua cho.
Ô Thống: Đơn đã lên đến lãnh đạo cấp trên, công an vào cuộc rồi không thể chối tội được nữa, mà theo luật mới, nếu truy cứu trách nhiệm đền bù rồi tôi vẫn phải vào tù, tôi thấy sợ lắm mình ơi.
Bà Hoài: (Òa khóc) Thì tôi cũng sợ lắm chứ, nhưng mình đi tù mấy năm rồi về, dù gì vẫn giữ được mạng sống, lương tâm đỡ phần nào đỡ bị cắn dứt. Mình thấy đấy, còn bao nhiêu người cái chết đang rình rập, có người đến viện không còn sống mà về nhà của mình nữa.
(Tăt điện, chuyển cảnh)
CẢNH 2: (Xoay pano cảnh 2, đọc lời bình trong lúc chuyển cảnh)
Sau hàng loạt đơn kiện của người dân, thanh tra tỉnh và các cơ quan liên quan vào cuộc đã điều tra và kết luận, căn cứ vào Khoản 3 và hình phạt bổ sung tại điểm C, Khoản 5 Điều 235 của Bộ luật Hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường, Tòa tuyên án ông Thống là Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phải chịu nộp phạt 6 tỷ và 7 năm tù giam. Bà Hoài đã bán tất cả gia sản kể cả ngôi nhà ông bà đang sinh sống để đền bù cho việc ông gây ra. Bà cùng con cháu về quê ở trong ngôi nhà đơn sơ của các cụ để lại. Hôm nay gia đình đón ông ở tù về, 1 bên tay bị liệt nhẹ buông thõng, chân đi tập tễnh).
(Hai mẹ con bà thông gia sang dọn nhà cửa giúp để đón ông Thống mãn hạn tù trở về)
Bà Mai: Con ạ, vậy mà 7 năm nhanh thật đấy, hôm nay mới được gặp lại ông thông gia, sau lần tai biến năm ngoái, sức khỏe của ông không biết đã hồi phục hẳn chưa?
Huệ: Sức khỏe của ông ổn định mà mẹ, hôm con vào thăm ông trong Trạm xá công an, họ nói là xuất huyết não nhẹ, chỉ cần chịu khó tập luyện là sức khỏe dần hồi phục. À mẹ ơi, con cứ tưởng ở trong tù thiếu thốn khổ sở lắm, thế nhưng vào thăm ông mới biết cơ sở vật chất cũng đảm bảo, chăm sóc bệnh nhân cũng tận tình và chu đáo lắm mẹ ạ.
Bà Mai: Được thế thì may quá con ạ, thôi mẹ con ta xuống bếp lo giúp bà thông gia mâm cơm, hôm nay đón ông chắc về muộn.
Bà Hoài: Ông ơi, nhà mình có đẹp không ông.
Ông thống: Ơ…
Bà Hoài: Bộ bàn ghế là thứ duy nhất tôi giữ lại, nó chứa đựng biết bao nhiêu kỷ niệm của tôi và ông.
Ông Thống:Tôi cảm ơn bà.
Bà Hoài: Ông ơi, ông nhìn xem mảnh vườn đằng trước mẹ con tôi đã dọn dẹp, trồng rau sạch cũng đủ ăn. So với trước đây nhà mình tuy có chật một chút nhưng không khí trong lành lắm, nhất là những ngày mùa lúa chín hương thơm bay vào tận nhà, cả mùi rơm rạ nữa chứ, hít thật sâu thấy lồng ngực như giãn ra thật là khỏe ông ạ.
Ô Thống: Bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ giúp bà tưới tắm vườn rau. Nhìn luống rau mơn mởn lớn lên từng ngày tôi cũng thấy vui bà ạ!
Bà Hoài: Thì ông cứ nghỉ đi đã, còn nhiều việc phần ông lắm đấy. Chỉ sợ đến lúc đấy ông lại trách tôi sao bà lười thế không làm gì, bắt tôi làm một mình.
Ông Thống: Tôi biết bà vất vả vì chồng vì con những lúc thiếu thốn bà chưa bao giờ ca thán một lời bây giờ muốn bù đắp cho bà thì tôi lại ốm đau bệnh tật thế này đây. (khóc)
Bà Hoài: Sao ông lại nói thế! Chăm chồng con là bổn phận của phụ nữ mà, tôi chỉ cần cuộc sống yên bình, thanh đạm và hạnh phúc bên chồng con thôi.
Ô Thống: Vậy thằng Lĩnh dạo này thế nào rồi?
Bà Hoài: Được thừa hưởng từ ông nên con trai ông nó giỏi giang, bản lĩnh lắm. Sau cú sốc vợ mất, bố phải vào tù. Tôi động viên mãi nó mới vực lại được tinh thần, cái hôm nó vào thăm ông nói là đi học thêm bằng thạc sĩ là nó đi luôn ông ạ, mà con mình nó đang nghiên cứu về đề tài “Xử lý nước thải công nghiệp bằng chất hữu cơ vừa nhanh vừa an toàn cho môi trường”, nó muốn được cống hiến và chuộc lại lỗi lầm của ông. Sáng kiến của nó được tỉnh rất quan tâm và hứa sẽ đầu tư thử nghiệm thực tế, nó phấn khởi lắm và nói tôi phải giấu để làm món quà bất ngờ cho bố.
Ô Thống: Thế à, con hơn cha là nhà có phúc. Thế con bé Hiền đâu? Nó lớn bằng từng nào rồi? Nó giống ai hả bà?
Bà Hoài: Nhìn mặt, giống mẹ như đúc, thông minh giống ông nội chắc lớn lên cũng giỏi giang, thành đạt lắm đây. Vậy mà nhanh thật, thấm thoắt đã được 7 năm rồi, mới ngày nào còn đỏ hỏn mà giờ đã học lớp 2, múa hát hay ra phết ông ạ.
Ô Thống: (Nắm chặt tay vợ) Tôi thật có lỗi với bà, bà đã thay tôi chăm con chăm cháu, giúp tôi yên tâm cải tạo.
Bà Hoài: Đây là nghĩa vụ của tôi, tôi chỉ thương ông đang ăn sung mặc sướng lại phải ngồi tù...7 năm trời chắc ông phải chịu khổ ải nhiều lắm... một ngày ở tù bằng ngàn thu ở ngoài.
Ô Thống: Vào tù chẳng ai nói là sung sướng, chỉ có day dứt lương tâm, tôi thật quá tham lam ích kỷ.
Bà Hoài: Ông đừng suy nghĩ nhiều nữa, ông đã kịp sửa sai, nhà mình cũng đã bán hết gia sản để đền bù cho nhân dân. Như thế cũng phần nào được thanh thản, bây giờ ông cố tập luyện để đi lại được khỏe mạnh, là chỗ dựa tinh thần cho mẹ con bà cháu tôi.
Ô Thống: Mình, tôi thật có phúc lấy được mình.
Bà Hoài: Mình…
Lĩnh: Con chào bố mẹ, con xin lỗi không đi đón được bố vì hôm nay con có cuộc họp quan trọng.
Ô Thống: Không sao, nghe mẹ nói con tiến bộ bố rất mừng, vậy đề tài nghiên cứu sáng kiến của con được duyệt chưa?
Lĩnh: Ôi bố biết rồi ạ.
Bà Hoài: Mẹ vừa kể cho bố mừng.
Lĩnh: Vậy ạ, con xin báo cáo với bố mẹ, sáng nay con đã được Hội đồng khoa học của tỉnh chính thức công nhận sáng kiến của con và đầu tư cho thử nghiệm vào thực tiễn.
Bà Hoài: (Reo lên) Thật thế hả con
Ô Thống: (Nắm chặt tay con xúc động) Bố cảm ơn con đã tha lỗi cho bố và lấy lại được danh dự cho gia đình.
Lĩnh: Là trách nhiệm của con mà bố, bố không phải suy nghĩ gì đâu.
Ô Thống: Thế con bé đâu, chưa đi học về à?
Lĩnh: Con cho cháu học bán trú để mẹ đỡ vất vả, chiều cháu về bố ạ. Nó biết ông về nên phấn khởi lắm.
Bà Mai: Chào ông, nhìn ông khỏe mạnh thế này mẹ con tôi mừng lắm.
Ông Thống:Bà ơi, tôi xin tạ tội với bà, với gia đình và bà con dân làng.
Bà Mai: Chuyện qua lâu rồi mà ông, ông đã phải trả giá đắt cho việc làm của mình rồi, tôi biết ông cũng gặp phải những chuyện khó xử… nhưng ông ơi bây giờ ở quê tôi môi trường xanh sạch đẹp lắm.
Ông Thống: Vậy thì tốt quá.
Bà Hoài: Thôi mọi người cứ nói chuyện, tôi đi bắt con gà, nấu đĩa xôi thắp hương cho cái Lan, mừng đề tài của con trai đã được tỉnh công nhận, cũng là mừng ngày ông trở về đoàn tụ với gia đình. Ôi! Hôm nay nhà mình có nhiều việc vui quá!
Hạ màn