Truyện ngắn dự thi của CẦM THỊ ĐÀO
Xuống máy bay ở sân bay Nội Bài, tôi bắt xe về thẳng Ninh Bình, cô bạn đã đặt giúp một homestay ngay tại Tam Cốc. Lần đầu tiên đến đây tôi tưởng mình lạc vào trời Tây nào, toàn dân Tây ba lô nhấp nhổm khắp quán xá. Trên bến, thuyền ken dày như lá tre, bốn mùa xuôi ngược, có lẽ đã qua đợt cao điểm nên khách du lịch rất vừa phải, không cần chờ đợi quá lâu để có thể lên một chiếc thuyền.
- Ở đây vẫn dùng thuyền truyền thống chú nhỉ?
- Tất nhiên rồi, loại thuyền này gắn kết với môi trường, đem lại cảm giác an toàn và thanh bình cho du khách, hơn thế vì chèo tay nên tốc độ thuyền chậm, khách tha hồ ngắm trời mây non nước. Người chèo thuyền giải thích, hình như thắc mắc này đã quá quen thuộc.
Tôi bất giác hỏi:
- Chú có biết bến Lau không?
- Lạ nhỉ, chưa nghe bao giờ!
Suốt một ngày đầu tiên, tôi lênh đênh trên sóng nước Tam Cốc để tìm một địa danh, đó là nơi trước khi mất nội tôi dặn dò: “Bến Lau, Hoa Lư con nhé”. Dòng sông Ngô Đồng êm đềm uốn lượn giữa những dãy núi đá vôi vạn năm sừng sững, có khi các nón tháp tụ lại liên tiếp, cũng có khi dời ra khỏi những người bạn của mình mà đứng chơ vơ, lẻ loi giữa đất trời. Tôi đã đi nhiều nơi, gặp vô vàn những dòng chảy khác nhau nhưng chưa từng thấy dòng sông nào trữ tình đến vậy. Không có đôi bờ, hai bên chỉ là những cánh đồng lúa xôn xao sắc vàng. Sông nước này thật khiến con người ta lưu luyến, mến thương. Một vài cặp le le dập dìu mặt nước. Rong rêu lặng lẽ nằm phủ kín đáy sông, thỉnh thoảng vẫy vùng vươn lên khi bị những mái chèo khuấy động. Đúng như tên gọi Tam Cốc, ở đây chủ yếu là những hang đá. Thuyền trôi qua hang Cả, hang Hai, rồi Hang Ba. Theo truyền thuyết, Hang Cả là nơi vua Trần Thái Tông phát hiện đầu tiên, người cũng xây một am nhỏ để tu hành, khoảnh đất cao kia có lẽ là Vườn Am, di tích còn sót lại sau những trầm phù của lịch sử và kiếp người.
Tôi như một kẻ mộng du về quá khứ mê mải ngắm gương mặt kinh đô đá. Những thành quách được tự nhiên chạm khắc bằng rất nhiều lần xâm thực và lùi xa của biển cả mà dấu vết vẫn còn hằn in. Các nhũ hoa, thế thạch mang đủ dạng thù hình khi nhìn vào có thể liên tưởng tới biết bao thân phận con người. Và tôi đã mất toi một ngày mà không tìm hiểu được gì ngoài thoả mãn thú ngao du sơn thuỷ.
Bến Lau ở đâu?
Tôi không hỏi những người chèo đò trên bến thuyền nữa, có thể tuổi đời của họ không bằng tuổi của những bến nước huyền thoại nơi này, theo lời giới thiệu của cô bạn, tôi tìm đến một nhà nghiên cứu lịch sử Ninh Bình.
- Cháu hỏi bến lau nào?
- Có nhiều bến thế cơ ạ?
- Ở đây, bến nào chẳng là bến lau.
- Ra vậy.
- Nhưng nơi cháu hỏi có vài khả năng: Một là Bến Thánh - nơi tập kết thuỷ quân của quân đội nhà Trần. Hai là bến đò trên sông Hoàng Long, còn gọi là Hoàng Long Độ, nơi vua Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng vàng vượt sông. Hoặc cũng có thể là một bến bờ nào đó trên sông Sào Khê. Những nơi này bây giờ rất khó xác thực.
Tôi cảm ơn rồi từ biệt bác, tiếp tục cuộc hành trình khám phá Ninh Bình, một vì vẻ đẹp trời ban của Hạ Long cạn, hai bởi lời trăng trối của nội. Tôi đã không biết bến Lau có ý nghĩa như thế nào cho đến trước khi nội mất, đó là một lời hẹn ước vang vọng từ thời thanh xuân tươi đẹp cho đến những năm chiều tà xế bóng, nội chưa thể quên, không bao giờ quên. Cũng có thể đó là một khúc mắc lớn trong lòng chưa có câu trả lời. Người muốn tôi tìm bến Lau, thật ra là tìm một cố nhân, hay ít nhất là có thể hỏi thăm tin tức của cố nhân đó, người đó có thể đã vì nội mà chết, chết rực rỡ, tức tưởi, ngay giữa mùa lau trắng bạt ngàn của kinh đô cổ.
***
Kinh thành Thăng Long. Trời quang, mây tạnh.
- Bãi triều!
Bá quan văn võ lần lượt cáo lui, Thái sư Trần Thủ Độ dường như hiểu được tâm tư của nhà vua liền nán lại.
- Bệ hạ có điều phiền muộn chăng?
Vua Trần Thái Tông dời khỏi ngai vàng, trầm ngâm:
- Ngươi nói xem, ngai vàng này của ai?
- Dạ bẩm, thuộc về bệ hạ!
- Không, nó thuộc về muôn dân. Đa tạ Thái sư đã dốc lòng dốc sức giành nó cho ta. Nhưng bây giờ, có lẽ nó đã thành gánh nặng.
- Trước kia, lòng người chưa thuận, thần lo lắng nước nhà sẽ loạn lạc. Vì vậy mới khẩn cầu người tạm gác lại nguyện vọng bản thân. Hạ thần biết hoàng thượng bao nhiêu năm qua vì giang sơn xã tắc này mà chịu không ít thiệt thòi. Bây giờ kẻ địch mạnh đã đại bại, nước non bình an, xin người ra ý chỉ.
- Phàm là bậc thiên tử tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nhưng nay Thái tử đã trưởng thành, có thể đảm đương trọng trách. Còn ta, ngày đêm nghiên cứu giáo lý, tham vấn thiền học với các vị cao tăng, một lòng hướng Phật, không xuất gia nhưng cũng là một Phật tử. Có lẽ đã đến lúc.
- Người thực sự dứt khoát rồi sao, thưa bệ hạ?
- Ngươi nghĩ xem, mấy chục năm tại vị, ta còn điều gì luyến tiếc? Quyền lực, phú quý suy cho cùng cũng chỉ là phù vân, là giấc mộng lớn của kẻ phàm trần. Còn ta, suy đi tính lại, muốn hiểu rõ nghĩa lớn của việc sống chết, toàn tâm toàn ý làm một cư sĩ.
- Bệ hạ am hiểu Phật pháp, người cũng hiểu rằng kẻ tu hành không cứ phải xuất gia, huống chi Thái tử còn cần phải dìu dắt thêm.
- Ý ta đã quyết!
- Dạ!
- Phật tại tâm, hiểu được điều đó chính là chân Phật, nhưng Phật pháp cần được ươm mầm bén rễ để ánh sáng của kinh Phật có thể thâm nhập vào cuộc sống con người. Bốn phương Nam, Bắc, Tây, Đông này, theo ngươi nơi nào có thể tịnh tâm?
- Có thể chọn Trường Yên. Thái sư dâng ý.
- Vì sao ngươi nghĩ đến vùng đất này?
- Thưa điện hạ. Chốn ấy địa linh. Vốn là đất đế đô. Lại có cảnh trí đẹp phi thường: núi non hùng vĩ, hang động huyền bí, sông xanh nước tĩnh, có thể là chốn di dưỡng tinh thần.
- Đúng hợp ý ta.
Người đi về phương Nam. Từ sông Tô Lịch xuôi về nam theo sông Nhuệ, tới sông Châu Giang, vào sông Đáy, qua ngã ba Non Nước xuôi vào sông Vân Sàng, đến ngã ba Vuông rẽ vào bến Hạ Trạo, đến vùng Tam Cốc. Sông Ngô Đồng dập dềnh sóng nước. Những hang kỳ đá lạ uy nghi, tĩnh lặng. Thượng hoàng cho xây một am nhỏ chỗ đất cao dưới chân núi phía Đông, sâu bên trong Hang Cả. Nơi này kín đáo, thật phù hợp để ẩn mình. Khi nước triều lên, hang biến mất, kẻ thù không thể phát hiện và ra vào được. Về sau, người cho xây dựng am Thái Vi làm nơi tu tập.
Vua Trần Thánh Tông ngự giá tới Trường Yên, yến kiến Thượng hoàng Trần Thái Tông ở am Thái Vi.
- Thưa Thượng hoàng, từ ngày người về đây ẩn tu trẫm luôn có một nỗi bất an.
- Ta hiểu, kẻ địch mạnh, lại hung hãn, thất bại nhục nhã, ắt giữ thù hận. Nước Nam bé nhỏ, nếu không có sự chuẩn bị, thật khó bề chống đỡ. Theo ta!
Hai cha con lên thuyền, thăm thú các hang kỳ đá lạ. Nhìn những dãy núi non sừng sững bao bọc xung quanh và phía trên, sông nước chằng chịt những hang ngầm thông nhau phía dưới, khuôn mặt đăm chiêu của hai người như dãn ra.
- Đây là đất chiến địa. Sẵn sàng tấn công, dễ bề phòng thủ, tiến thoái lưỡng nan với kẻ địch, ngoạ hổ tàng long với chúng ta. Hơn thế, ba quân có thể tập trận, ém binh lâu dài, nhất là thuỷ binh.
- Thế là Hành cung Vũ Lâm ra đời? Tôi hỏi cô bạn.
- Đúng thế, hành cung là nơi ở của vua ngoài kinh đô, nhà vua chọn động Vũ Lâm - một thung lũng bằng phẳng được bao quanh ba phía bởi núi đá vôi, phía còn lại có sông Ngô Đồng là lối ra vào để xây dựng căn cứ quân sự. Nói cách khác, tu hành với Thượng hoàng Trần Thái Tông chỉ là danh nghĩa, xây dựng căn cứ địa quân sự phòng bị kẻ thù mới là điều quan trọng. Người làm song song hai việc: đạo và đời, tâm hướng Phật để tu tập, chí lại nghĩ cho vận mệnh giang sơn xã tắc. Người dựng chùa cầu nguyện quốc thái dân an, lại cho khai hoang, lập ấp, chiêu mộ quân sĩ, chuẩn bị tiềm lực khi nạn đao binh xảy ra. Vậy nên ngay trong hành cung Vũ Lâm có bến Thánh là nơi tập kết thuỷ quân của quân đội nhà Trần.
- Liệu bến Thánh có phải là bến lau không nhỉ?
- Đến đó sẽ biết. Cô bạn nháy mắt mỉm cười.
Chúng tôi đi vào vùng lõi của di sản thiên nhiên và văn hoá thế giới Tràng An. Thuỷ đình trang trọng, cổ kính nổi trên mặt nước xanh thẫm.
- Quả là chốn bồng lai tiên cảnh. Tôi xuýt xoa.
- Vậy mà bây giờ cậu mới trở về.
Tôi trầm ngâm. Đúng thật, đáng lẽ tôi phải về đây từ rất lâu rồi, vậy mà mọi thứ cứ cuốn đi, nếu không có sự quyết liệt và cái chết của ông có lẽ tôi sẽ còn chần chừ rất lâu. Dẫu sao, đối với một người chỉ biết đến quê hương bản quán như một cái tên trong hộ khẩu như tôi thì Ninh Bình vẫn rất xa lạ. Nghĩ đến điều này tromg lòng bỗng hổ thẹn.
Trước mắt tôi, hành cung Vũ Lâm giống như một thiếu phụ tuyệt sắc thẩm thấu biết bao thăng trầm của lịch sử để trở nên thâm trầm và quý phái. Điện thờ các vị vua Trần uy nghi, trầm mặc mà vẫn toát lên linh khí vàng son một thuở. Chúng tôi dành cả ngày trời chỉ để ra vào lên xuống khắp các đền chùa, tới đâu cũng tìm dấu tích của bến Thánh nhưng không một ai biết.
- Có thể đó chỉ là những mảnh ghép của huyền thoại! Hoặc mọi thứ đã quá xa xôi rồi. Đến cụ Trương Hán Siêu sau năm mươi năm còn thảng thốt: “Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá/ Tiếc thay dấu vết luống còn lưu” nữa là gần ngàn năm trôi qua.
- Nhưng chắc chắn thuỷ quân nhà Trần đã tập luyện ở đây, giữa mênh mang sơn thuỷ này. Tôi nói.
- “Nam chu Bắc mã”, lấy thuỷ binh để chống lại bộ binh. Tổ tiên của hoàng tộc nhà Trần vốn làm nghề chài lưới. Tộc Trần rất giỏi sông nước, cậu xem những chiến thắng lớn của nhà Trần đều là những trận thuỷ chiến. Không phải ngẫu nhiên mà các vị vua Trần lại xây dựng nơi đây như một căn cứ quân sự bí mật của nhà Trần đâu. Thật đúng là những thiên tài quân sự.
***
Sau gần một tuần sục sạo quanh khu vực Tam Cốc, Tràng An mà không thu được gì tôi bắt đầu cảm thấy có lẽ nội nhớ nhầm. Nhưng câu chuyện của nội khiến tôi muốn nỗ lực thêm nữa.
“Chuyện xảy ra ở bến Lau.
Đợt ấy là cuối tháng mười. Lau bắt đầu bạt ngàn đất cố đô. Lau phất phơ trên những núi đá vôi, lau trầm ngâm quanh thành quách đền đài, lau miên man trong những hố sụt, đầm lầy. Lau phủ dày lả lướt khắp các bờ bãi. Bất kể chỗ nào có thể lau đều mạnh mẽ vươn lên. Giữa bạt ngàn lau lách, có một căn cứ bí mật được xây dựng gọi là bến Lau. Do đặc điểm địa hình, bến sát ngay một hang động nhỏ, thuận lợi làm nơi dừng chân trước khi vượt sông. Nhìn từ xa, rất khó phát hiện cửa hang bởi những lớp lau lách dày đặc.
Những năm cuối kháng chiến chống Pháp, Ninh Bình là địa phương nằm trong kế hoạch đánh cầm chân bộ đội chủ lực của thực dân Pháp. Ông nội là lính trinh sát của đại đoàn 320. Tên Hoàng. Hoàng được lệnh đi tiền trạm khảo sát địa hình trước khi đưa một đồng chí chỉ huy vượt sông để tới Rịa tham chiến. Người chèo thuyền cho Hoàng là một nữ du kích.
- Đồng chí quê ở đâu?
- Ngay Gia Viễn mình thôi!
- Ôi, thế thì nắm rõ địa hình quá rồi.
- Nhiệm vụ mà, với lại lâu không về quê, chẳng rành như du kích địa phương được. Đồng chí tên gì?
- Em tên Thơm, người Hoa Lư. Cô gái thẹn thùng thay đổi xưng hô, có lẽ cảm thấy gần gũi.
Hoàng à lên thú vị. Những câu chuyện lặt vặt kéo hai người lại gần nhau hơn.
Thơm khẽ khàng mái chèo, đưa Hoàng luồn qua những bụi lau san sát, men theo những dòng chảy quanh co. Thỉnh thoảng, Hoàng lấy tay đỡ những thân lau loà xoà mặt nước để lách đi. Đôi tay khoan nhặt của Thơm đẩy chiếc thuyền qua lại giữa những bãi bờ.
- Hay Thơm để tôi chèo giúp.
- Không được đâu, đây là nhiệm vụ của em, với lại chắc gì anh đã biết chèo thuyền. Thơm rúc rích cười, khiến Hoàng vừa ngượng vừa xao động.
Sau khi đưa một đồng chí cấp cao vượt sông an toàn, Hoàng được lệnh cắm chốt tại bến lau, phụ trách phối hợp cùng du kích địa phương đưa đón bộ đội chủ lực vượt sông.
Gần nửa tháng trung chuyển, các đơn vị bộ đội lần lượt vượt sông thành công, Hoàng cũng phải tạm biệt Thơm để nhận nhiệm vụ mới. Thế nhưng, có một tình yêu đã kịp nảy nở như cỏ lau trồi lên giữa khắc nghiệt của đá núi.
Chuyến đò cuối cùng Thơm chở Hoàng. Rất nhiều lần Hoàng định mở lời mà cổ họng nghẹn lại. Thơm bỗng dừng chèo, mặc cho con đò dạt trôi vô định rồi mắc lại ở một bụi lau xanh mướt.
- Em có chuyện muốn nói với anh.
- Em nói đi.
Thơm chần chừ một lát rồi bảo:
- Anh đi mạnh khoẻ, và…
- Anh sẽ về tìm em! Hoàng nói vội vàng.
Anh nhìn thẳng mắt Thơm kiên định. Trong đêm, trăng thượng tuần rọi vào đôi mắt Thơm như hai ngôi sao ẩm ướt.
- Hãy tìm em ở bến Lau này, nhé!
- Nhất định rồi.
Cuộc chia tay giản dị nhưng ấm áp nhất trong cuộc đời Hoàng diễn ra trên mặt nước lênh loang ánh trăng. Lời hẹn ước tìm về bến lau như một chiếc đinh găm vào trái tim chàng lính trẻ. Hoàng nhảy lên bờ, một vài đồng chí đang đợi. Anh nhìn theo bóng Thơm mờ ảo trên mặt nước đang tiến dần về phía bên kia sông.
Đoàng… đoàng… đoàng…!
Tiếng súng vang lên làm Hoàng giật nảy mình quay phắt lại. Trong phút chốc mặt sông sáng loà, Hoàng mơ hồ trông thấy bóng Thơm trườn khỏi mạn thuyền, lặn sâu vào dòng nước thăm thẳm. Rồi tiếng la hét quát tháo lẫn vào tiếng súng đì đùng. Mươi phút sau, toàn bộ bến lau rực sáng. Ngọn lửa múa lượn trên những thân lau lách mùa khô, mùi xăng xộc qua bãi bờ. Trong phút chốc Hoàng há hốc mồm chết lặng. Và bất lực. Đồng đội ngay lập tức thúc gọi Hoàng nhanh chóng thoát khỏi tập kích của kẻ địch. Còn Thơm, Thơm ở đâu? Ở đâu?
- Một thời gian sau, ông nội tớ có dịp quay lại bến lau. Cả một vùng cỏ cháy đã bắt đầu xanh tốt trở lại. Ông hỏi những người xung quanh về nữ du kích địa phương tên Thơm nhưng không ai biết chắc. Có người nói Thơm vẫn còn sống, lại có người khẳng định Thơm đã bị tẩm xăng thiêu cùng bãi lau, lại có người chắc chắn Thơm đã bị dòng nước cuốn đi…
- Thật bi tráng!
- Sau hiệp định Giơ ne vơ, ông nội đi B, rồi ở riết trong nam cho đến khi mất.
- Bây giờ chỉ còn một cách, thay vì tìm bến chúng ta nên tìm người. Có lẽ phải tìm gặp những du kích địa phương, nếu họ còn sống có lẽ cũng đã trên dưới chín mươi rồi.
Nhưng ngay cả khi hai chúng tôi bỏ ra những ngày cuối cùng của đợt nghỉ phép để tìm kiếm những cựu chiến binh hoặc du kích địa phương thì mọi chuyện vẫn lâm vào bế tắc. Di nguyện cuối cùng của ông chẳng thể thực hiện được khiến tôi day dứt mãi. Người cần tìm có khi đã ở thế giới bên kia để đợi ông từ rất lâu rồi.
***
Tôi lại trở về. Bồi hồi đứng bên bờ Hoàng Long.
Con sông thao thiết chảy. Những dãy núi đá vôi ăn ra tận lòng sông, mùa xả lũ dòng sông rộng tưởng không bến bờ. Lục bình lênh đênh trôi dạt. Hoa cỏ may lầm lũi chạy dọc triền đê.
Cách đây hơn ngàn năm, có thật rồng vàng đã đưa Đinh Bộ Lĩnh vượt sông ở một bến lau nào đó? Không, chỉ là huyền thoại, vậy người đã qua sông bằng cách nào? Có thể người đã bơi qua mênh mông sông nước này bằng cánh tay rắn chắc cuồn cuộn như đá núi, hay biết đâu cũng có người con gái nào đó, ở bến sông xưa đưa người vượt qua ranh giới của kẻ phàm trần để trở nên phi thường. Sóng Hoàng Long xô lớp này tới lớp khác, lịch sử cũng thêu dệt nên những câu chuyện mà đôi khi người ta sẵn sàng kể, sẵn sàng nghe, sẵn sàng tin cả những điều siêu thực.
Giống như câu chuyện của ông nội:
“Hoàng Long yêu quý của ông!
Không có một bến Lau cụ thể nào ở Ninh Bình, nội xin lỗi con về điều này. Nhưng câu chuyện về người nữ du kích địa phương là thật, đó là tình yêu đầu tiên của nội. Vùng đất ấy là quê hương của con, là cội nguồn gốc gác ông cha. Sở dĩ nội nói tên một địa danh chung chung và muốn con tìm về là vì nội tin rằng, bằng cách đó, con sẽ không chỉ nhìn thấy vẻ thanh tú của quê hương xứ sở mà còn nhìn sâu hơn vào những giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh, để có thể yêu một cách sâu sắc quê mình. Sau chuyến đi này, con sẽ nhìn về cố hương với một tâm thế khác. Hãy nhớ, tên của con là tên dòng sông huyền sử. Vậy nên, trái tim con, hơi thở con cũng phải đập những nhịp đập đồng điệu với mảnh đất và con người nơi đây. Yêu con!”.
Tôi lặng người đi trước di bút của nội. Thì ra, những người đã kinh qua bão giông trận mạc, lại trôi dạt xứ người như nội luôn biết cách để con cháu quện chặt cội nguồn, để dòng máu có chảy trôi phương nào vẫn hướng về nơi khởi nguồn, đó là trái tim.
C.T.Đ
(Nguồn: TC VNNB Số 296-8/2024)