Truyện ngắn dự thi của NGUYỄN QUỐC HÙNG
- Bẩm Hoàng thượng! Chúng thần đến chịu tội, xin hoàng thượng ra hình!
Hoàng đế Quang Trung đã thấy hai cận thần cúi gằm mặt đi từ chân núi lên nhưng giả vờ như không biết, giờ mới quay lại nhìn Đại tư mã Ngô Văn Sở và Tả thị lang bộ Lại Ngô Thì Nhậm đang quỳ phủ phục dưới đất, hai tay bị trói giật cánh khuỷu. Hoàng đế nghiêm giọng nói:
- Hai ngươi đứng dậy!
- Chúng thần có tội, không dám!
- Ta cho phép!
Sở và Nhậm run rẩy đứng dậy, nép vào nhau.
- Tự kể tội, không được dối giá.
- Dạ, chúng thần phụ lòng Hoàng thượng giao phó, không giữ được Bắc Thành.
- Giặc đến không dốc sức đánh, mới cự được mấy trận nhỏ mà đã lui binh, các ngươi biết mình phạm phải tội gì không! Ngô Văn Sở, là chỉ huy cao nhất sẽ bị tội nặng nhất.
Tả thị lang bước lên che chắn cho Đại tư mã, bẩm:
- Bẩm hoàng thượng, kế sách này do thần bày ra, thần xin chịu tội trước!
Hoàng đế Quang Trung ngửa cổ cười ha hả, sảng khoái:
- Khá khen cho các người biết bảo vệ nhau. Quả là trẫm đoán không sai, kế sách này chỉ có Tả thị lang nghĩ ra. Giỏi lắm. Lính! Cởi trói cho những con người biết mình biết giặc mà ứng phó. Hai người lại đây!
Sở cùng Nhậm được cởi trói nhưng vẫn khép nép tiến lại gần Hoàng đế Quang Trung.
- Tướng lĩnh phải dũng khí nên, đừng khép nép thế. Trẫm hỏi, núi Vương Ngự này ai chọn?
- Dạ, là Đại tư mã. - Nhậm thưa.
- Đúng là người có nhãn quan của võ tướng. Từ đây trẫm có thể bao quát được hết và cũng rất dễ nhìn thấy từng người lính của mình thao luyện.
Cả ba người đưa mắt quan sát địa thế. Dưới chân núi Vương Ngự là khu địa hình phức tạp nhưng để luyện quân rất phù hợp. Có nơi bằng phẳng để thi triển đội hình đông quân, có nơi dốc cao, đá dựng để quân sĩ luyện tập những bài đánh tấn công nhóm nhỏ, đột phá địa hình cao và từ vị trí núi Vương Ngự này người chỉ huy có thể theo dõi được từng thế trận mình triển khai. Trước mặt kia là đèo phía Bắc, nơi đoàn binh của Hoàng đế Quang Trung sẽ phải lần cuối vượt qua một địa hình hiểm trở để tiến ra Bắc quét sạch quân xâm lược. Phía trước đèo phía Bắc là một vùng bằng phẳng, đông dân cư sinh sống. Đó như là mảnh đất mà ông trời muốn dành làm nơi nghỉ ngơi cho khách bộ hành trước khi bước vào hành trình vất vả trên con đường thiên lý và cũng là nơi khách bộ hành sau khi vượt qua một chặng vượt đèo gian nan được nghỉ ngơi đôi chút. Con đường thiên lý khúc khuỷu như sợi dây quấn quanh những ngọn núi, lúc ẩn mình bí hiểm rồi bất ngờ lộ ra khiến người ta ngỡ ngàng hỏi, sao nó lại ở nơi ấy. Nơi ấy có khi chót vót như dẫn tới cổng trời, có khi như lao xuống vực sâu. Nơi vua tôi đang đứng đây là Đèo Giữa. Nhìn xuống phía dưới, con đường thiên lý như dải lụa đang bay cao dần lên trong cơn gió cuốn. Phía sau kia là đèo phía Nam. Hiểu tâm trạng của Hoàng đế, bất giác Ngô Thì Nhậm thốt lên:
- Qua được một đèo, một đèo, rồi lại một đèo! Cheo leo! Con người như cánh chim, lúc bay bổng lúc lại xà xuống.
Hoàng đế vỗ tay khen:
- Hay! Chữ “rồi lại” của khanh rất hay. Trẫm nghe thấy tiếng thở dài, mệt mỏi của khách bộ hành.
Ngô Văn Sở sốt ruột muốn trình bầy kế hoạch nhưng không dám làm gián đoạn cảm xúc của Hoàng đế. Sở đưa mắt nhìn một lượt đèo Ba Dội, muốn chỉ ra những vị trí trọng yếu nơi núi non hùng vĩ, liên hoàn tạo thành khối vững chắc như một bức tường thành án ngữ giữa hai miền, nơi có những vị trí khá hiểm trở có thể phòng thủ chắc chắn nhưng cũng là nơi dấu quân rồi bất ngờ tiến đánh khiến kẻ địch trở tay không kịp.
Chiều đang dần buông. Đá núi xám lại, lạnh. Đường đèo như thu mình lại, buồn. Cánh rừng đào dọc theo con đường đèo có những cánh hoa bắt đầu hé nở giống như những ngọn đèn được thắp lên làm ấm lòng khách bộ hành.
Kìa bóng ai như cánh bướm rực rỡ sắc màu đang dập dờn bay dần lên chỗ vua tôi kìa! Không phải cánh bướm sắc màu đâu ạ, đấy là các cô thôn nữ áo nâu sồng thôi thưa Hoàng thượng. Sở nhìn Hoàng đế Quang Trung đang đắm đuổi dõi theo bước chân những cô thôn nữ mà đoán. Tại nhìn cánh rừng hoa đào sắp nở rộ Hoàng đế nhớ tới công chúa Ngọc Hân đấy mà.
- Bẩm hoàng thượng! Mời hoàng thượng vào trong trại để các thôn nữ dâng bữa tối!
Hoàng đế Quang Trung như bừng tỉnh, hỏi:
- Sao các khanh bầy vẽ để cho người dân phải khổ vậy. Để cho các kiều nữ kia phải vất vả mang đồ ăn lên đây là sao.
- Dạ bẩm, người dân địa phương muốn được diện kiến hoàng thượng và muốn dâng món ăn dân dã. Chính món ăn này đã giúp quan quân chúng thần có sức khỏe để củng cố thành lũy và rèn luyện sức khỏe.
Bàn ăn của hoàng đế cùng các bàn dành cho quần thần được bày ra. Cũng như nhau, trước mặt mọi người chỉ có chiếc bát chiết yêu nền trắng cùng họa tiết vẽ hoa chanh màu lam mềm mại và chiếc thìa gỗ nhỏ. Chỉ có thế này thôi sao, ánh mắt Hoàng đế muốn hỏi vậy.
Nhưng ánh mắt của Hoàng đế Quang Trung bắt đầu vui lên khi những cô thôn nữ sau khi làm lễ lạy tạ đã đứng dậy làm công việc của mình. Kia là thôn nữ hay tiên nữ! Hoàng đế ngỡ ngàng ngắm nhìn các cô gái. Má hồng như cánh đào phai, quyến rũ. Đôi môi đỏ như cánh đào bích hé nở, mỗi khi cười là tỏa hương thơm lừng, đầy sức sống.
Món để dâng vua cũng như của quần thần chỉ là bát cháo.
Tả thị lang Ngô Thì Nhậm đứng dậy chắp tay cung kính thưa:
- Mời Hoàng thượng ngự thiện!
Hoàng đế cười ha hả:
- Rất hay! Là ý của Tả thị lang đúng không. Muốn quân thần cùng chung một món ăn. Nhưng trẫm thắc mắc, hàng ngày quan quân chỉ có món cháo thế này thì sao đủ sức?
Đại tư mã Ngô Văn Sở nói thêm vào:
- Hoàng thượng dùng bữa ạ, cũng muộn rồi!
Chưa hết bát cháo, Hoàng đế dừng lại khen:
- Ngon! Mỗi ngày được bát cháo thế này thì dư sức xung trận. - Quay sang Đại tư mã và Tả thị lang, Hoàng đế Quang Trung truyền: - Xong bữa truyền cho các tướng lĩnh sang núi Mưu Công bàn kế sách!
***
- Lệnh truyền, Hoàng thượng triệu Đại tư mã Ngô Văn Sở!
Đại tư mã khoác vội chiến bào, lật đật đi ra. Trước cửa là Hoàng thượng! Sở giật mình, chắp tay làm lễ. Trong lòng thắc mắc, đêm qua bàn việc quân muộn thế mà sao hôm nay Hoàng thượng đã dậy sớm đến gặp mình. Sở chắp tay làm lễ, nói:
- Hạ thần có lỗi, để Hoàng thượng phải xuống tận nơi!
- Tại món cháo chiều qua.
Ngô Văn Sở hốt hoảng:
- Món cháo làm sao ạ, đã báo ngự y chưa ạ.
- Không sao. Chỉ là ...
- Là sao ạ! Thần cho điều tra. Lính đâu!
- Ngươi hiểu lầm ý trẫm rồi. Món cháo hôm qua như của thần tiên ban tặng. Hương thơm dịu nhẹ như đứng trước cánh đồng lúa đang làm đòng, hạt cháo bùi, ngọt cùng với vị béo ngậy của thịt heo, ăn vào trẫm thấy hơi ấm lan tỏa trong người. Cơ thể sảng khoái và giấc ngủ tới nhẹ nhàng. Trẫm phải xuống đây sớm để cùng khanh tới gặp cô hàng cháo ấy để cảm ơn, rồi truyền, hàng ngày nấu cho quân sĩ ăn.
Đại tư mã quỳ sụp xuống, chắp tay lậy:
- Chúng thần có lỗi! Chúng thần đã cho quân sĩ dùng cháo trước khi dâng lên Hoàng thượng.
Hoàng đế Quang Trung đỡ Đại tư mã Ngô Văn Sở đứng dậy, vỗ về:
- Tại sao động tới việc gì các khanh cứ phải nhận lỗi là sao. Việc gì mà có lợi cho quân sĩ, cho giang sơn thì các khanh cứ tự quyết, giống như tự rút về đây củng cố lực lượng cũng khá khen. Trước khi vào Nam trẫm đã nói, tướng quân tại ngoại toàn quyền quyết định rồi báo lại sau. Bây giờ dẫn trẫm tới gặp những người dân đã nấu cháo cho quân sĩ!
- Đa tạ Hoàng thượng!
Mấy tháng trước. Đoàn binh do Đại tư mã Ngô Văn Sở dừng chân dưới núi Ngô Công. Chặng đường lui quân dài nhưng quân sĩ không thấy mệt mỏi. Bởi mọi người tuân thủ chiến thuật lui quân theo kiểu cuốn chiếu. Tiền quân đi được vài chục dặm, dừng lại cũng cố chiến lũy chờ đội hình trung quân tới thay thế rồi tiếp tục lui, sau đó hậu quân tới thay thế cho trung quân, cứ thế bảo vệ phía sau cho nhau. Rút thế chậm nhưng chắc, không bị rối loạn đội hình. Quan quân nhà Thanh thấy quân Bắc Hà mới đánh vài trận đã thua sinh tự mãn và cũng là thời gian cận tết rồi nên không truy kích.
Hoàng hôn vừa buông tới đỉnh ngọn núi phía tây thì các lán trại được lập xong, các đội chuẩn bị bắc bếp thổi cơm thì có người vào báo Đại tư mã, dân làng muốn dâng cháo cho quân sĩ. Không khỏi ngạc nhiên, Đại tư mã đi ra ngoài gặp dân làng. Trước mặt Sở là một thiếu nữ mặc chiếc áo xanh lá mạ, có gương mặt tròn như trăng rằm, toát ra nét dịu hiền, tươi sáng. Đôi mắt! Đúng là đôi mắt đang hút hồn Sở. Đôi mắt bừng lên giống như sắc hoa đào trong chiều hoàng hôn.
- Thưa Đại tư mã!
Giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngà ngọc khiến Sở bối rối.
- Thôn nữ là ai? ... - Sở muốn thốt lên, có phải là nàng tiên được Ngọc Đế phái xuống nhưng nhận ra như vậy sẽ bị bất nhã.
- Dạ thưa, bấy lâu nay hạ dân mở quán bán cháo ở dưới chân Tam Điệp. Là muốn giúp đỡ những người cơ nhỡ độ đường khi phải băng qua những ngọn đèo cheo leo hiểm trở này. Nay quan quân về đây, hạ dân đã huy động dân chúng hàng ngày nấu cháo dâng để tăng cường sức khỏe.
Cho dù bị hút hồn vào người đẹp nhưng Đại tư mã không quên việc quân. Đại tư mã cả cười:
- Thôn nữ có biết ăn cháo nhão ruột thì sao quân sĩ đủ sức tập luyện chứ nói gì tới ra trận. Nếu thôn nữ nói thế thì chỉ có cháo của tiên nhà trời ban tặng.
Thôn nữ cười, miệng cười như hoa thắm.
- Chỉ là tinh hoa của đất trời được dân làng chế biến thôi ạ. Mời Đại tư mã dùng thử.
Bát cháo được dâng lên.
Hơi ấm lan tỏa dần trong cơ thể Sở. Làn khói tỏa ra từ bát cháo, ngất ngây như hương thơm đang tỏa ra từ người cô thôn nữ kia. Mệt mỏi tan biến. Ngô Văn Sở khen:
- Tuyệt! Chưa bao giờ ta được bữa ăn ngon thế này. Ăn xong thấy sảng khoái, chứ không nặng nề của các buổi yến tiệc.
Thôn nữ mỉm cười hỏi:
- Thế Đại tư mã không e dè trước một người xa lạ sao?
- Ta hiểu ý cô. Cô muốn hỏi ta không sợ bị đầu độc ư. Nhìn một con người trong sáng như cô sao có thể nhẫn tâm như vậy.
Thôn nữ giấu ánh mắt thẹn thùng:
- Đại tư mã tha tội cho hạ dân vì câu hỏi bất nhã ấy. Ngày trước, người dân nơi đây có câu Quân dung đâu mới lạ nhường/ Mão mao, áo đỏ chật đường kéo ra là ý muốn nói tới đội quân của Hoàng đế Quang Trung. Lúc đầu người dân có ý sợ nhưng sau rồi thấy tin tưởng, gần gũi như người thân.
Lửa bếp được nhen lên nhưng chỉ để sưởi ấm, để không khí thêm phần vui tươi sau khi những nồi cháo vơi dần. Để rồi chiều nào cũng vậy, sau khi tập luyện hoặc củng cố chiến lũy, quân sĩ lại được ăn những bát cháo nóng hổi thấy khỏe ra, lại thấy ấm tình quân dân. Giấc ngủ đêm đến êm đềm, không thấy cái buốt giá của hơi đá tỏa ra vào những ngày cuối đông.
Vua tôi xuống núi. Ánh bình minh đang lách mình qua rừng đào, chỉ lát nữa thôi trời sẽ ấm lên. Những giọt sương trong veo từ trên cánh đào gieo mình xuống đá, tí tách. Cảnh tình thế này thì con đường thiên lý cheo leo cũng không ngăn được bước chân của hiền nhân, quân tử. Đi qua một ngôi đền nhỏ, có đông người dân đang làm lễ, Đại tư mã Ngô Văn Sở bẩm:
- Bẩm Hoàng thượng, đây là đền thờ thần Cao Sơn trấn ngự vùng núi này, ngày nào dân làng cũng tới thành kính thắp hương để nhớ tới công lao giữ cho vùng đất được bình yên.
- Vậy ta vào đi! Lần trước ra Bắc trẫm vội quá chưa vào bái tạ, thật có lỗi.
Người dân thành kính xếp thành hàng hai bên đón Hoàng đế Quang Trung vào làm lễ thần Cao Sơn. Vua tôi làm lễ xong tiếp tục đến nhà cô hàng cháo. Nhà cửa vắng hoe. Quán đơn sơ, chỉ là mấy phên nứa làm vách, mái rạ đã thâm dựng trên một phiến đá bằng phẳng. Một chiếc chõng tre và mấy chiếc ghế băng xung quanh. Hôm nay cô không bán hàng hay sao mà trên chõng chỉ có chiếc giành tích cùng mấy chiếc bát. Có lẽ để cho khách bộ hành có khát thì tự rót uống.
Sở biết các cô thôn nữ đi đâu rồi. Vua tôi kéo nhau ra cánh đồng dâu. Tiếng hát của các cô thôn nữ bay bổng như tiếng sơn ca bay vút lên trời cao rồi thả tiếng hót véo von, trong vắt xuống cánh dâu đón ánh bình minh. Những cô thôn nữ đang ở đâu trong nương dâu xanh mướt kia. Sở cất tiếng:
- Hỡi cô thôn nữ áo xanh, có anh đứng đợi bên nhành dâu non.
Có tiếng đáp lại vẳng ra từ nương dâu:
- Áo xanh lên núi mỏi mòn, ngóng chàng dũng tướng héo hon tháng ngày
Những cô thôn nữ áo gụ váy thâm như từ trong các thân dâu bước ra. Tất cả cùng bái lậy vua tôi. Sở hỏi:
- Cô hàng cháo không hái dâu cùng các cô sao. Hoàng đế muốn gặp.
Các cô cùng trả lời:
- Thần dân có tội đã không kịp nghênh đón Hoàng thượng. Bẩm Hoàng thượng, cô hàng cháo cùng một số dân làng hôm nay lên rừng tìm thêm ít dược liệu khác, còn các hạ dân hái thêm lá và vỏ cây dâu về làm thuốc chữa trị cho quan quân.
Hoàng đế cùng các quan còn chưa kịp thắc mắc thì một thôn nữ khác đã giải thích:
- Dạ bẩm, quan quân đến vùng rừng núi này chưa quen thổ nhưỡng nên dễ bị rụng tóc hay bị sốt phát ban hoặc một số bệnh khác và cũng là để lưu thông khí huyết nên cô hàng cháo dạy dân làng làm những bài thuốc từ cây dâu kết hợp với những sản vật khác của rừng nơi đây để chữa trị.
Hoàng đế Quang Trung cả mừng nói:
- Vậy là trời giúp ta rồi! Khi nãy ta cảm nhận được sự phù trợ của thần Cao Sơn, ra đây lại thấy lòng dân thế này thì thật kỳ diệu lắm. Nếu thắng trận này ta sẽ đưa đền thờ thần Cao Sơn lên đỉnh núi để thờ, còn dân làng sẽ có khao thưởng xứng đáng - Quay sang Đại tư mã, Hoàng đế thắc mắc: Cô hàng cháo phải có tên là gì chứ, cớ sao chỉ gọi chung chung như vậy?
Sở trả lời:
- Thần cũng hỏi rồi nhưng cô ấy nói tên là thế.
Các cô thôn nữ đồng thanh xác nhận:
- Bẩm Hoàng thượng, đúng tên chị ấy là vậy.
Nhìn vào ánh mắt của Đại tư mã, Hoàng đế thân mật nói:
- Này Sở, ánh mắt nhà ngươi giống ánh mắt của ta lần đầu gặp công chúa Ngọc Hân. Hôm nay rèn quân sĩ để Chỉnh quản, ngươi mau đi tìm cô Hàng Cháo mà tạ ơn nghe chưa! Trẫm xác nhận tên của cô ấy là Hàng Cháo.
Chỉ chờ câu ấy của Hoàng đế, Sở phóng người đi, loáng cái đã ẩn thân vào sau những bờ đá. Sở biết cô Hàng Cháo ở đâu. Sở băng qua các thung lũng, treo mình trên các triền núi, vào tới một động có những nhũ đá rủ xuống đẹp tuyệt vời. Chỉ có những người am hiểu nghề thuốc mới biết được các nhũ đá nào có thể kết hợp với cây cỏ ngoài triền núi kia chế ra thuốc trị bệnh công hiệu. Động Trà Tu dân ở đây gọi thế. Nghe nói rồi hôm nay Sở mới lên tới đây.
Cô ấy kia rồi! Sở định cất tiếng gọi nhưng băn khoăn, hình như không phải. Đó là ánh sáng hay tiên nữ đi lướt qua. Đây là hang Sáng. Sở đi theo ánh sáng vừa lướt qua trước mắt mình. Hang tối dần. Đây là hang Tối. Một ngách núi như một đường hầm khổng lồ. Sở dò dẫm đi vào. Có đoạn lại có ngách rẽ trái, có đoạn có ngách rẽ phải. Có lối dẫn thẳng lên trời, lại có lối thăm thẳm như đường xuống âm phủ. Nước từ các nhũ đá nhỏ tí tách như lời kích động Sở đi tiếp.
Rồi ánh sáng bỗng ùa tới ôm trùm lên mình, Sở dụi mắt cho đỡ chói. Thật là cô ấy kia rồi. Bóng áo xanh đang cắm cúi bên sườn núi. Sở gọi:
- Bớ cô Hàng Cháo!
Có tiếng nói trêu:
- Người ta có tên đẹp đẽ cớ sao lại gọi cái tên dân dã thế.
Cô Hàng Cháo đi lại mắng:
- Tên chị được vua ban như thế thì cứ gọi như thế, em làm tướng quân ngại ngùng.
Rồi quay lại Sở hỏi:
- Đại tư mã có việc gì mà lên tận đây tìm hạ dân?
Sở lúng túng:
- Là Hoàng thượng muốn gặp cô.
- Chết thật, thất lỗi với Hoàng thượng quá, thần dân phải về ngay.
- Thôi không cần nữa đâu. Hoàng thượng chỉ muốn gặp để cảm tạ tấm lòng của các cô đã dành cho quân sĩ những ngày về đây lập lũy phòng thủ. Thế cô tìm những thứ thuốc gì.
Cô Hàng Cháo hạ chiếc quẩy tấu trên lưng xuống, chỉ cho Sở xem những thứ củ mình vừa tìm được:
- Đây là sâm bố chính. Thu hoạch tốt nhất là vào tháng này. Sâm có vị ngọt, hơi nhớt, tính bình, có tác dụng bổ khí, ích huyết, chỉ khát. Quân sĩ tập luyện nhiều uống sâm này sẽ mau hồi phục sức lực. Đây là cây sinh địa. Là vị thuốc có tính mát, có tác dụng chữa sốt cao, ho lâu ngày. Những người chưa quen khí hậu vùng núi đá thì thuốc này rất có ích. Còn phải kết hợp với nhiều thứ khác, có cả lá dâu, vỏ dâu mà các chị em ở dưới thu hoạch.
- Cô thật thông tuệ về y dược!
- Dạ, chỉ là học trong dân gian thôi. Ấy chết, trời sắp ngả bóng, các chị em cũng về hết, Đại tư mã cũng về thôi kẻo đường khó đi.
- Cô cũng về luôn chứ?
- Đại tư mã về trước đi, hạ dân đường xá quen rồi, lại phải tìm thêm ít nữa. Đại tư mã về đi, hạ dân đi đây.
Cô ấy chào nhưng bước chân ngập ngừng chưa muốn bước đi. Sở muốn nói tôi đi cùng cô nhưng như thế e khó. Cô ấy ngập ngừng là có ý chờ mình đó nhưng nói gì đây? Là tướng quân giữa trận tiền Sở luôn quyết đoán nhưng nay sao lại lúng túng thế này. Giọng nói của cô ấy thật ấm áp giữa tiết trời giá lạnh. Sở ngập ngừng:
- Tôi ... tôi muốn đi cùng cô!
Cô Hàng Cháo cũng trở nên lúng túng:
- Dạ!
Không biết nói vậy là đồng ý không, Sở ngập ngừng bước theo cô Hàng Cháo. Trong dáng chiều, bóng áo xanh tha thướt. Bóng áo của các cô thôn nữ khác đâu, nãy nhìn thấy nhiều cơ mà. Hay các cô ấy đã tránh đi để hai người được riêng tư. Thế thì phải nói với cô ấy thôi. Nhưng bóng cô ấy như lướt như bay qua các triền đá nhọn. Sở vất vả theo sau. Không sao cả, đấy chính là cô ấy thử thách, thúc giục Sở phải tỏ rõ sức mạnh của một võ tướng.
Bóng chiều đã xuống thấp, các lùm cây đã bắt đầu thu mình để bước vào trời đêm. Cũng là lúc hai người phải chia tay tại ngã rẽ. Suốt từ lúc gặp đến giờ Sở đã nói được gì nhỉ. Bây giờ nói gì đây. Cô Hàng Cháo chủ động chào trước:
- Phải chia tay rồi, Đại tư mã về trại còn hạ dân xin phép về quán. Giờ này quân sĩ chắc đã ăn xong cháo. Hạ dân đã dặn ở nhà hôm nay phải để phần cho Đại tư mã hai bát thật to.
Nói rồi cô Hàng Cháo dấu miệng cười.
Còn Sở thì khổ sở suy đoán. Chẳng lẽ cô ấy biết mình hôm nay sẽ lên núi, sẽ về muộn mà dặn trước ở nhà sao. Sở ấp úng:
- Cô... Hàng ... Cháo này. Tôi gọi thế liệu có được không. Ngày mai Hoàng đế sẽ có lời trước ba quân, cô cùng dân làng tới chứng kiến nhé.
- Dạ thế Đại tư mã không mời riêng hạ dân à!
Nói rồi cô Hàng Cháo mỉm cười quay người chạy về. Tiếng của cô ấy hay tiếng vọng:
- Hẹn ngày thắng trận!
Sở đứng ngẩn ngơ. Tiếng cười của cô ấy sao đằm thắm thế, lại cả được lời như cởi tấm lòng.
***
Ba quân tướng sĩ đứng kín núi Vàng Mẹ, Vàng Con, khí thế ngút trời. Cờ hồng mao phấp phới như những ngọn lửa thắp sáng bầu trời u ám ngày cuối đông. Hoàng đế Quang Trung đầu chít khăn đỏ, áo choàng đỏ thể hiện sự quyết tâm của chuyến ra Bắc lần này sẽ dẹp tan quân xâm lược, tiến tới đốt hương tế Trời Đất. Khói hương trầm bện vào nhau bay thẳng lên trời cao. Lễ xong, Hoàng đế Quang Trung quay về phía ba quân tướng sĩ nói, tiếng vang như sấm:
- Hỡi ba quân! Dân ta vốn lấy nhân nghĩa, trung chính làm đạo lớn nhưng kẻ xâm lăng không nghĩ cho điều đó là tốt đẹp, đã kéo tới giày xéo lên mảnh đất thiêng liêng của dân Việt ta, chà đạp lên đạo lý, muốn biến dân ta làm thân trâu ngựa cho chúng. Điều đó trời không dung đất không tha. Trước khi xuất binh cứu trăm họ, trẫm đã làm lễ cáo Trời Đất lên ngôi thiên tử, truyền báo cho muôn dân phải tuân theo giáo lệnh của nhà vua, vâng theo mưu mô của vua thánh đời trước, lấy giáo hóa trị thiên hạ, lấy bình an để xây đắp muôn đời. Việc nước như lửa cháy, trẫm phải thân chinh ra dẹp. Đến Thọ Hạc, trẫm đã tổ chức lễ thệ sư, nay tuyên bố lại, sẽ đánh cho nó một chiếc xe để chạy về nước cũng không có, đánh cho nó một mảnh giáp cũng chẳng còn, đánh cho lịch sử muôn đời biết rằng nước Nam anh hùng là nơi đất có chủ. Nay tụ họp ở đây, trẫm sẽ tự đốc việc quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi. Ba quân tướng sĩ sẽ cùng trấm ăn tết trước ở Tam Điệp, rồi trong mười ngày nữa thế nào cũng quét sạch quân nhà Thanh. Hẹn ngày bẩy tháng giêng này vào thành Thăng Long trẫm sẽ tổ chức một cái tết mừng công khao thưởng thật lớn.
- Đánh!
Quân sĩ đồng thanh hô lớn. Tiếng hô dậy đất. Khí thế hừng hực.
Đại tư mã Ngô Văn Sở quay xuống nhìn đoàn quân. Nét mặt ai cũng quyết tâm cho trận đánh lớn. Phía cuối hàng quân, dân làng cũng đến hưởng ứng càng làm hăng thêm nhuệ khí. Kìa, có cả bóng áo xanh. Sở muốn đi ngay xuống nhưng quân lệnh không được phạm. Đại tư mã Ngô Văn Sở bước lên nhận gươm lệnh làm tiên phong, được ở cạnh Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đạo quân chủ lực đánh vào hai thành trì quan trọng của đối phương, đó là Hà Hồi và Ngọc Hồi.
Chỉ còn buổi tối nay nữa thôi, sau bữa tất niên sớm đoàn binh sẽ lên đường mà cô ấy đâu không thấy đến chia tay. Mấy ngày bận rộn với bữa khao quân này, Sở còn nhìn thấy cô ấy trong đám dân làng mang thực phẩm tới rồi cùng nhau chuẩn bị cỗ. Lưu luyến lắm mà chẳng ai nói được với nhau câu nào. Ánh mắt cô ấy yêu thương lắm.
Quân sĩ háo hức còn Ngô Văn Sở bần thần, chén rượu chưa được cạn một lần. Hoàng đế đi qua nhắc, mình làm tướng phải làm chỗ dựa cho quân lính, vui lên, nhớ nhung gì thì đã có lời hẹn ước, mau chóng trở về.
***
Đoàn binh ca khúc khải hoàn. Con đường như sợi tơ mành bay trước gió của đèo Ba Dội kia rồi, Đại tư mã Ngô Văn Sở sốt ruột thúc voi tiến nhanh hơn. Những ngôi nhà quen thuộc đây rồi. Chỉ còn đoạn ngắn nữa là tới điểm đầu của con đường đèo cheo leo, Đại tư mã hồi hộp đứng hẳn lên lưng voi nhìn về phía ấy. Phía có gian nhà bé nhỏ của cô Hàng Cháo. Nhưng đâu rồi. Trời đang quang mà sao không nhìn thấy. Đúng chỗ phiến đá phẳng kia trước đây là quán, còn bây giờ phiến đá vẫn đấy mà chiếc quán đâu rồi? Có đám trẻ con vừa nhẩy chân sáo vừa hát đến gần, Đại tư mã ngăn lại hỏi:
- Này các cháu, cô Hàng Cháo chuyển quán đi đâu rồi?
Những đứa trẻ không trả lời, vẫn hồn nhiên vừa đi vừa hát:
- Ăn trầu nhớ miếng cau khô/ Trèo lên Ba Dội nhớ cô bán hàng.
Voi của Hoàng đế tiến đến, thấy vẻ mặt của Đại tư mã bần thần liền hỏi:
- Sao ngày khải hoàn nhà ngươi lại vác bộ mặt ủ rũ về gặp dân làng là sao?
- Bẩm Hoàng thượng, cô Hàng Cháo... ! Cô ấy không còn...!
Vua tôi lặng lẽ đi tới phiến đá trước đây là thềm quán. Hoàng đế Quang Trung quỳ xuống, hai tay chắp ngang đầu lạy ba lạy. Quan quân không hiểu sự thể thế nào, đồng loạt quỳ xuống lạy cùng Hoàng đế. Chờ mọi người làm lễ xong, Hoàng đế nói:
- Thánh nữ giáng trần giúp chúng ta, dân làng dốc sức giúp chúng ta, ơn này ví như trời bể. Để tỏ lòng thành, truyền lập đền thờ để có nơi dân chúng tưởng nhớ công ơn. Có bát cháo nóng của thánh nữ, của dân làng mà vua tôi ta đã đồng lòng dốc sức lập công. Cả công ơn Thánh nữ đã dậy cho dân làng trồng dâu, chăn tằm, dệt vải cũng đáng lập đền thờ. Lệnh truyền, quân sĩ sẽ nghỉ tại Tam Điệp để khao thưởng dân làng và xây đắp đền thờ Thánh nữ. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng giêng sẽ mở lễ hội để dân thập phương tới hành hương, thắp nhang thành kính dâng lễ tỏ lòng biết ơn. Trẫm đã hứa với thần Cao Sơn, sau khi đánh đuổi quân xâm lược xong sẽ rước Ngài lên núi để thờ, việc này cũng không thể quên. Còn đối với công ơn của muôn dân trăm họ, từ trẫm tới người lính phải luôn khắc ghi trong lòng, không để quên. Hãy nhớ lời trẫm dặn.
N.Q.H
(Nguồn: TC VNNB Số 297-92024)