Truyện ngắn dự thi của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
1.Bốn mươi tuổi có lẻ, tôi là giáo viên âm nhạc, đam mê gui - ta và thích sáng tác - nhiều người gọi tôi nhạc sĩ tỉnh lẻ. “Lẻ” nhưng mẹ rất hạnh phúc, khoe với xóm giềng: mình không biết gì nhạc nhùng nhưng nghe thằng con đàn sao mà mê mẩn, lại còn có bài hát phát trên Đài truyền thanh truyền hình tỉnh nữa chứ. Kì lạ, mỗi lần nghe ca sĩ hát, mắt già cứ rơm rớm chực khóc.
Thấy xấu hổ ghê gớm với những lời ấy của mẹ. Cũng muốn làm được nhiều hơn nhưng trước giờ cứ giậm chân tại chỗ, mỗi thứ biết một ít và mỗi thứ làm được một chút. Nhìn lên chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống cũng chẳng ai hơn mình. Chắc vì tâm lí ấy mà trước giờ cứ bằng lòng với “một chút” rồi không có ý thức bứt phá. Vừa rồi, khi tỉnh tổ chức đêm nhạc tưởng niệm một nhạc sĩ lớn, tôi có cơ hội được tự đàn tự hát bài ca của mình. Một nhạc sĩ uy tín khen tôi có tiềm năng kèm theo lời động viên: Chú đang chờ cháu phát sáng. Tôi vừa phấn khởi vừa buồn rầu, giật mình vì một thời gian dài không tạo được điểm nhấn.
Tôi tự gia hạn cho mình, trong vòng năm nay, nếu không làm được hơn nữa sẽ ngoan ngoãn gác kiếm, chuyên tâm đi dạy, lấy vợ sinh con cho mẹ có cháu ẵm bồng. Hơn bốn mươi tuổi còn độc thân vui tính. Mẹ lo trõm mắt. Loanh quanh với giấc mơ phù phiếm như vậy đủ rồi. Đã đến lúc xác định với mình, điều gì mới là đích thực. Mẹ là hạnh phúc, là may mắn của đời tôi. Mẹ con gái tơ nhưng lấy ba tôi gà trống nuôi con. Lấy về được mấy năm, qua một lần lỡ dở (hư thai), chưa kịp mang thai lần nữa thì ba tai nạn mất. Tôi đã chứng kiến cảnh mẹ đớn đau vật vã (âm thầm) sau tang chồng và hằng đêm ôm tôi thủ thỉ. Tin không, mẹ ở vậy nuôi con chồng tới giờ. Chắc tại được mẹ cưng chiều quá rồi thành hư. Mẹ không phàn nàn chuyện tôi lãnh lương đầu tư hết cho phòng nhạc của mình. Tối ngày đàn địch, ly (amly), loa … - bác tôi càm ràm nhưng mẹ thì không. Mẹ chỉ “rón rén” hỏi chuyện vợ con, tôi cứ gãi đầu nói muốn có chút sự nghiệp rồi tính. Và cứ thế, mỗi lần thấy tôi ăn diện bảnh bao đi ăn cưới bạn bè, mẹ nhìn theo bằng ánh mắt đứt ruột. Và cứ thế, sự nghiệp của tôi vẫn cứ “một chút”.
Có muộn không khi vừa rồi đi đám tang nhà thằng bạn, thấy đôi mắt u buồn lạc lõng của thằng con trai mồ côi mẹ mà giật mình. Điều ân hận lớn nhất đời là chỉ đem lại lo lắng cho mẹ - nó nói mà nước mắt chảy đầm. Cuộc đời quả vô thường, sum họp đó, biệt ly đó. Nhìn những chùm hoa huệ trắng, tôi nghĩ đến người mẹ trời bể của mình dạo này đêm nằm hay có những cơn ho. Mẹ đã đến bên chàng trai mồ côi mẹ này như một phép màu. Sống với mẹ, chưa bao giờ tôi phải hờn tủi vì mình sớm mồ côi, thiếu tình thương ruột thịt. Vậy mà khi đã trưởng thành, tôi vẫn là nỗi trăn trở lớn nhất của mẹ. Đủ rồi, tôi sẽ “dừng bước giang hồ”, sẽ trở thành một người chồng tốt, một người cha đàng hoàng như tâm ý mẹ - sau chuyến đi này.
“Chuyến đi này” là tham gia trại sáng tác ở Ninh Bình. Ngông ngạo - không phải tính cách tôi. Nhưng cá tính phóng khoáng tôi không chịu được khuôn phép nên chưa từng tham gia trại viết. Tôi không hình dung sẽ sáng tác thế nào giữa một tập thể huyên náo và ngồn ngộn nội quy nên bỏ qua nhiều trại sáng tác. Nhưng lần này đổi ý. Động cơ hoàn toàn “vị nghệ thuật”. Thử thay đổi một lần, biết đâu lại “tái ông thất mã”. Chắc chắn rồi. Khi người nghệ sĩ vẫn đang trong cơn bão thất tình thì cảm xúc dễ thăng hoa, sẽ dễ tức cảnh sinh tình nhất. Hơn mười ngày ở Khu tắm ngâm nước nóng Cúc Phương hứa hẹn sẽ có tác phẩm… nặng kí. Nghĩ vậy nên xốc ba lô lên. Phấn chấn. Đi.
Đoàn đi có hai nữ sĩ trẻ: một họa sĩ, một nhà văn.
Nàng họa sĩ bỏ qua rất nhiều chỗ trống, chen vào ngồi cạnh tôi. Mùi nước hoa thơm nức, hai chân không an phận mà cựa quậy liên hồi, miệng tía lia, khuôn mặt roi rói. Nàng này thuộc tuyp phụ nữ “đời xưa mấy mặt đời này mấy gan”. Luôn trong tâm thế chủ động, nói chuyện tự nhiên chủ nghĩa, tới mức không ngại nói những từ nhạy cảm mà đàn ông gan thép (cỡ tôi) nghe xong cũng phải đỏ mặt. Nghệ sĩ nên chấp nhận chứ “thường dân” sẽ bị tôi trừ điểm nặng. Chắc bà mụ nặn nhầm - tôi chỉ dám nghĩ lén. Những chuyện cười nàng kể dọc đường đi 100% … “mặn”. Kể và cười ha há, rất đắc ý. Tôi trêu: Nhạt chút đi em, kẻo mấy chàng xách dép chạy cắm đầu á! Nàng khoái chí cười kho kho… Sau chuyến đi này, ta sợ em sẽ có biệt danh “bậc thầy của truyện “ngôn tình””. Ối dào, truyện “ngôn tình” không mặn - như - em đâu. Nữ họa sĩ cố tình nhấn nhá chữ “mặn - như - em” làm tôi tắt đài. Nàng khoái chí cười nắc nẻ.
Còn nàng nhà văn kia, người yếu như cọng bún. Mới lên xe đã nôn tới mật xanh mật vàng, mặt mày tái nhợt như người bị bệnh từ tiền kiếp. Khi đã quen với mùi xe, nàng ngồi dậy thẳng thớm, tôi nhìn qua thấy vẻ hiền lành nhưng bộ dạng lạnh lùng như … tượng đá. Lúc chúng tôi lặng im nghe “chuyện mặn” rồi hưởng ứng bằng những tràng cười, nàng chắc cũng nghe nhưng chẳng thèm nhếch môi. Hay thiệt. Máu lạnh chính hãng. Không hòa nhập cũng đồng nghĩa chảnh. Và tôi, gã trai làm nghệ thuật rất không ưa người có máu chảnh. Tóm lại, trại viết lần này hai cô gái đều trẻ trung xinh đẹp nhưng nhìn giò cẳng không thuộc tuýp truyền cảm hứng - ít ra là với tôi. Tôi ít nhiều thất vọng.
2.Nhập trại, nghỉ ngơi một đêm, chúng tôi lên xe đi thực tế liền. Tính ra, trực giác của tôi không tốt. Mới nhìn tưởng nhà văn Trúc Ni thuộc dòng máu lạnh nhưng đích thị sôi nổi và rất “con nít”. Nhão ơi nhão, giọng nói dù không cao, không thấp vẫn nghe như muốn khóc (đơn giản như phải đối mặt với một nấc đá khó leo cũng hu hu…). Dù vậy vẫn tự bò lên các nấc chứ không để Đãng cầm tay dìu lên khi anh chàng tỏ ý rất vui được giúp người đẹp. Là tên Đãng nôn nóng muốn thổ lộ, cầm tay dắt ào lên cấp. Nàng rút tay ra, nói rất nghịch: xin “cát hạ” tự trọng rồi cười hi hi. Bị “khiển trách” rất khéo, Đãng ta phải đạo mạo nói, xin lỗi “tại hạ” đã lỗ mãng. “Nhắc nhở” rất duyên. Kiêu kiểu vậy không nam nhi nào nỡ giận (có khi còn thấy thích), tôi nhìn cảnh ấy rất ưng, tự cười mỉm. Thi sĩ Đãng sợ tôi nhào vô tranh thị phần nên tranh thủ “rào”: nàng rất đặc biệt, ta thích mẫu “không đụng hàng”. Trời đất, nói mà không chớp mắt luôn. Trời nắng bể đầu, đâu có tiếng sét nào, làm gì mới nhập trại đã kết nứt niềng. Lại nói tính tôi, với phụ nữ, dù có cảm tình nhưng nếu thấy bạn bè của mình đã dòm ngó thì tôi cũng tự động tránh xa.
Chúng tôi men trên con đường nhỏ, dẫm lên đá sỏi, len lỏi dưới những tán cây để thâm nhập Cúc Phương. Qua một đoạn đường rừng, ngước mắt nhìn chẳng thấy mặt trời đâu, khí hậu mát mẻ, tôi cảm giác cả đoàn đã bị rừng bao bọc. Chui ra khỏi rừng cây, ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra một trảng cỏ trổ hoa trắng li ti. Quá hay! Giữa đại ngàn có một biển cỏ. Một đám thuần cỏ, từng cây cỏ mảnh khảnh vươn cao, bông nở đồng loạt. Tôi suýt đã đánh mất cơ hội ngàn năm nếu lại từ chối trại sáng tác lần này. Thật may đã tỉnh ngộ đúng lúc. Hay có sự thôi thúc nào đó của tâm linh vũ trụ chăng? Chẳng biết nữa, nhưng đến lúc này, tôi nghĩ mình sẽ không hối hận với chuyến đi xa này. Mới nghĩ vậy thì trước mắt hiện ra một cảnh tượng khiến người chứng kiến sững sờ. Ơ hay, chỉ trong một khoảnh khắc, tôi một gã trần tục đã lọt vào chốn bồng lai tiên cảnh. Trùng trùng điệp điệp những cánh bướm xập xòe, lả lướt trong gió, bồng bềnh cùng lá. Bướm đu trên tóc trên lưng, lượn lờ trên từng bước chân du khách. Tôi có cảm giác như có một chúa tể bướm đã triệu tập tất cả những cánh bướm trên thế giới tụ họp về đây cho cuộc thi Hoa hậu bướm. Đẹp trên cả đẹp. Mỗi cánh bướm đều cố khoe vẻ duyên dáng và rực rỡ nhất của mình. Vô khối những màu sắc. Bướm dệt một bức tranh rực rỡ mà không chói lóa. Đại ngàn hùng vĩ nhưng thừa thơ mộng, thật là sự kết hợp hoàn hảo, tôi nghĩ đây cũng là thương hiệu độc đáo khó lẫn của Cúc Phương. Cố bước chậm vì sợ đánh động vũ điệu bướm. Tôi thấy mình tan chảy trong tuyệt vời của thiên nhiên. Bỏ lỡ khoảnh khắc này trong đời cũng như mất nửa cuộc đời vậy. Giữa muôn ngàn cánh bướm, mấy nhiếp ảnh gia bấm máy liên tục khoảnh khắc ngàn năm có một. Tiếc là chốn bồng lai tiên cảnh lại thiếu mỹ nhân, giá có nàng ấy, người con gái sùng bái cái đẹp. Ôi, nghĩ xong lại tự rủa xả mình, cái thằng đa tình khùng điên hạng nhất, đau chí mạng rồi mà vẫn còn tơ tưởng viễn vông.
Đi một đoạn đường dốc, băng qua chiếc cầu dài hơn 100m, đến dãy núi đá vôi, lên cao độ 45m, vượt qua hơn 200 bậc thang đá và sắt, chúng tôi đến Động Người Xưa. Động Người Xưa. Mới nghĩ người cũ lại đến chỗ Người Xưa. Người Xưa chỉ còn là vết tích. Cảnh còn nhưng người đã thành thiên cổ. Tàn nhẫn nhưng đó là quy luật muôn đời. Sinh diệt, sum họp rồi chia phôi, đâu có sức mạnh nào ngăn cản được. Quật pin vào sâu trong động. Một bó hoa trắng tươi còn ngậm sương. Sao giống bó hoa chiều qua tôi thấy được cắm sẵn trong nước đặt trang trọng trên bàn ở dưới nhà ăn và sáng sớm cô gái phục vụ nhà ăn đã nổ xe chạy sớm. Không lẽ? Lúc đoàn đi lên, tôi có thấy một nàng bước nhẹ nhàng từng bước từ trên xuống, vai cô cụng vào vai tôi lúc đối diện nhau ngay một nấc đá. Cô mang khẩu trang nên không nhìn rõ mặt. Hình như cô gái đang mang một câu chuyện hoang đường nào đấy. Tôi nghĩ rồi lại cười công kích mình, cái đầu thật giỏi suy diễn…
Nàng họa sĩ không ngừng “quăng lưới”. Mới ở Động Người Xưa về, nàng rủ dạo chơi trên con đường nên thơ và vườn hoa cỏ trước khu chúng tôi đang ở. Nàng nhờ tôi chụp hình, tôi chỉ qua nhiếp ảnh gia. Nàng bảo tôi chảnh, tôi cười khì, trả lời mình không có khả năng lột tả vẻ đẹp của phụ nữ qua những bức ảnh. Đi một mình tôi không chịu thì nàng chủ động rủ thêm thi sĩ Đãng cùng phòng và nữ sĩ “linh hồn tượng đá” nữa. Nàng họa sĩ cá tính, ăn mặc phong phanh gợi tình, bước một bước, đánh mông một cái, y như những nàng chân dài trên sàn catwalk. Tên Đãng trêu:
- Kiểu này chắc đề nghị trại bổ sung nội quy cấm tuyên truyền “văn hóa” khiêu dâm quá.
Nàng cong môi trả:
- Èo, ra là đàn ông “chít nhát”. Vậy mà em tính mời anh làm mẫu vẽ tranh nude.
- Kêu nhạc sĩ mĩ nam kìa.
- Thiên hạ vẽ mẫu đẹp nhan nhản rồi, em thích mẫu độc cơ. Cá là không họa sĩ nào tìm được mẫu nam có bộ dạng lênh khênh, gầy quắt như xác ướp Ai Cập, đôi mắt lờ đờ nhưng thấy gái đẹp thì lóe lên thứ ánh sáng rực rỡ - phải gọi mẫu này ấn tượng từ A tới Z.
Tôi lại không nhịn được cười, cứ cố ghép nàng với chàng rồi lảng đi chỗ khác với hai chú nhà văn. Nàng họa sĩ nói với theo:
- Làm gì sợ tui như sợ Diêm Vương vậy trời?!
Tôi lầy đây:
- Anh dễ yếu lòng lắm, em đừng làm anh… hoang mang.
Những ngày sau đó, trại tổ chức đi chơi, đi cho cùng khắp Ninh Bình cho thỏa khát khao nhưng tôi không. Trước khi “bung lụa”, tôi muốn thực hiện âm mưu chiến lược. Một bản thất tình ca ám ảnh. Cứ dây dưa chùng chình, không khéo tự phá hủy “giấc mộng lớn”.
Một mình, tôi tìm về mối tình Đại học. Bây giờ, thi thoảng vẫn thấy cô ấy trên ti vi, youtube. Vẫn xinh đẹp mặn mòi. Người ta tuổi trẻ tài cao, sự nghiệp ca hát có đường, cặp bồ đại gia, có đâu lỏng chỏng như mình mà nhớ… Thực ra, đã cố quên mối tình vô vọng nhưng khó quá, càng muốn quên lại càng thêm nhớ. Tôi chẳng muốn dày vò mình thêm nên không cố quên nữa. Cứ nhớ cho khẳm khê, làm quái gì phải sợ.
Nhưng tôi đã kết thúc chuyến tìm về quá khứ bằng con số 0 tròn trĩnh. Kí ức tôi đã nhạt nhòa hết rồi. Trảng cỏ, chiếc ghế tình yêu của hai đứa đã úa nhầu, chỉ là trong kí ức mà dấu vết yêu đương bị thời gian đào thải không thương tiếc. Ngay trảng có tình yêu đó, Lâm Tuyền từng bảo, muốn được nằm chết trên cánh tay tôi. Tôi mặc cảm cảnh nghèo, nàng khảng khái nói có thể nghèo tiền nhưng không được nghèo tình, nghèo chí. Vậy đấy. Nói rất hay. Yêu nhau hết mức có thể nhưng nàng không chọn tôi - cái thằng một mẹ một con, nghèo giãn lưng quần. Khi ô tô, biệt thự, công ty xuất hiện, tôi trở thành “cái gai trong mắt cái xương trong thịt”.
Đời không như… mơ. Bị đá, tôi thất tình điên đảo.
Gom hết nhớ nhung, tôi viết bản tình ca, tựa chỉ vẻn vẹn “Mộng xưa”, Nhưng cũng chỉ được cái tựa, chẳng có cảm xúc để nhào nặn ra tiếp. Bèn nghĩ đến nữ sĩ, mượn nàng ấy đóng thế để tìm cảm xúc. Nàng thuộc mẫu dễ lôi cuốn nên người đối diện sẽ dễ mất trọng tâm, khó đỡ. Nghệ sĩ mà không nghệ sĩ. Bẽn lẽn, nhút nhát. Và thông minh. Câu nói dù hàm ý kín cỡ nào cũng giải mã được. Có những lúc bắt gặp nàng ngẩn ngơ đi dạo một mình xung quanh trại viết, tôi ít nhiều xao động. Tôi đặc biệt thích cá tính này. Khó nắm bắt lại càng kích thích. Lúc lặng lẽ, khi ầm ào. Lúc thơ ngây khi già dặn. Nhưng cũng chỉ đến vậy, cảm xúc đã bị đóng khung. Bất lực.
Tôi xuống nhà ăn, kêu một li cà phê, đem ra bộ bàn ghế dưới gốc cây na ná cây si, có những chùm rễ buông dài lắt léo ngồi chờ thời. Cô gái bê ly cà phê ra “mời anh”. Ồ, cái dáng và khuôn mặt này, hình như đã gặp ở đâu đó. Ồ, cô gái ngược đường đụng vai trong Cúc Phương. Không thể bỏ qua cô gái hoang đường này. Tôi hy vọng lời mời này sẽ không là bất nhã.
- Liệu anh có vinh dự được mời em cà phê sáng nay?
- Không cần quá khách sáo. Nếu anh có nhã ý thì ok thôi ạ.
Tôi khá bất ngờ vị sự dạn dĩ này. Nàng vào trong và ra thật nhanh, trong một bộ đầm màu nhã nhặn. Người ta có phép biến hóa hả trời? Trong khoảnh khắc đã đẹp mong manh như cánh bướm trắng ở Cúc Phương rồi.
Chúng tôi trò chuyện cởi mở, tôi hỏi nhiều về công việc ở Khu tắm nước nóng, đại khái có nhiều đoàn nghệ sĩ đến không, có khách nước ngoài rồi hỏi thêm về Cúc Phương ngoài những điều đã trải nghiệm. Nàng nói, Cúc Phương còn một đặc sản nữa, đó là đom đóm. Làm thế nào để thưởng thức đặc sản đó. Anh hãy rủ thêm vài người, nếu đủ duyên, chúng ta sẽ hội ngộ cùng đom đóm. Đây là thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng đom đóm Cúc Phương.
Nàng cùng chúng tôi năm người đến cắm trại qua đêm ở cổng Vườn để tha hồ ngắm cuộc sống về đêm của sinh vật, đặc biệt nàng nói đây là nơi thăng hoa của vũ điệu đom đóm. Rừng trở thành sân khấu lớn cho những nghệ sĩ đom đóm trình diễn. Những chú đom đóm tản ra lấp lánh rồi tụ vào nhau tỏa sáng như những quả cầu nhỏ lung linh. Ánh sáng huyền ảo của thiên nhiên kì diệu quá, đẹp đến tận cùng. Nhưng thời gian để thưởng thức khung cảnh tuyệt đẹp này không nhiều. Vì càng ít nên càng quý hiếm mà. Cũng như tình yêu vậy, yêu nhiều quá có khi lại thành thừa - tôi cay đắng tự nói. Lại đau. Đúng là đồ khùng - tôi mắng mình không thương tiếc. Mải chật vật với chút cảm xúc vụn vặt chẳng đâu vào đâu của mình mà không để ý đến người con gái “Người Xưa” - tôi đã tự đặt nick cho nàng ấy như vậy sau khi xác định nàng chính là cô gái đặt hoa ở Động Người Xưa. “Người Xưa” ngồi co ro vì đêm xuống, chiếc áo khoác chắc không đủ dày. Chẳng có ý định gì nhưng tự dưng tôi lại lấy chiếc áo khoác của mình phủ lên vai nàng. Rồi tự nhiên ngồi bên trò chuyện như đã quen từ tiền kiếp.
- Hình như em có tình cảm đặc biệt nào đấy với động Người Xưa?
- Không biết nữa. Hồi nhỏ em được rừng Cúc Phương cứu mạng, giờ lớn lên không muốn quên ơn, chỉ có vậy.
- Chuyện nghe rất li kì.
- Hơn cả li kì. Mẹ (mẹ nuôi) đã nhặt em trước cửa Động Người Xưa. Chẳng hiểu vì sao có một cô bé đỏ hỏn, bọc trong một tấm vải thô đặt ở nơi thâm sơn cùng cốc giữa đại ngàn. Giữa hoang sơ diệu vợi, em nằm chơ vơ nguyên thúy bên hang vách đá vôi. Người con gái chưa chồng đã nhặt món quà của “Người Xưa” về làm con. Chuyện đã đủ hoang đường chưa?
- Mẹ vẫn làm ở nhà ăn với em?
- Dạ.
Chúng tôi ngồi lặng im bên nhau cho đến sáng, không nói tiếng nào nữa. Không biết cô ấy có nghĩ giống tôi, Cúc Phương này có nhiều bí ẩn quá. Em đến Động Người xưa đặt hoa vào mỗi sáng thứ hai, em nâng niu từng nhành cây ngọn cỏ quanh em, em bế những con thú cơ nhỡ về chăm sóc rồi lại thả chúng về nơi hoang dã sau khi đã đủ lông đủ cánh.
- Em là thiên sứ của rừng xanh.
- Nó sẽ là mái nhà đầu tiên và vĩnh cửu của em. Em tin, đời này chỉ có tình yêu với Cúc Phương là bền chặt.
Tôi đã nảy nở ý tưởng từ những câu nói của “thiên sứ rừng xanh”. Tôi rải cảm xúc vào những nốt nhạc và lời ca. Du dương, da diết. Chẳng hiểu sao sau đêm cùng ngắm đom đóm với nàng “Người Xưa”, tôi không còn ý nghĩ nhỏ nhoi nào về người cũ nữa. Dĩ vãng nhạt nhòa hết rồi. Chỉ có thằng điên mới u mê với quá khứ. Tôi viết “Tình khúc xanh”. Viết nhanh và say mê như kẻ lên đồng. Lần đầu tiên tôi hoàn thành tác phẩm nhanh kỉ lục như vậy.
Khi bài hát được chính “khổ chủ” thể hiện trong đêm giao lưu của trại với đoàn văn nghệ sĩ địa phương, nó được hưởng ứng mạnh. Tác giả tôi rất phấn khích. Một nhạc sĩ có tên tuổi ở Đà Nẵng hỏi thăm, tôi được trưởng đoàn giới thiệu đầy ưu ái: vào hội khi còn là sinh viên năm nhất, nổi tiếng trong giới tri thức trẻ khi tự đệm đàn hát với một giọng nữ ở các phòng trà thời sinh viên. (Lại vô tình chạm vào nỗi đau). Tôi cười miễn cưỡng. Sau những câu giới thiệu, tôi nhận được nhiều ánh nhìn, cả chúc mừng lẫn ganh tỵ.
Tôi lại hẹn “Người Xưa” cà phê mà từ chối du ngoạn Tràng An cùng đồng đội. Gưi - ta bập bùng, tôi đàn, tôi hát “Tình ca xanh”. Một mình em là khán thính giả.
- Cảm giác của em?
- Giai điệu ok nhưng phần lời, còn đôi chỗ không ổn, theo suy nghĩ của em.
- Không cần khách sáo. Cụ thể?
- Giai điệu thiết tha, cảm xúc ăm ắp nhưng một hai chỗ lời hơi đuối, không theo được nhạc. Lời phải chắt lọc hơn, hình ảnh hơn, trừu tượng hơn thì bài hát mới…
Đây mới là kinh ngạc lớn nhất từ khi đến với Cúc Phương. Nàng tự tin nói một hơi mà chẳng thèm quan sát thái độ tôi. Chắc chỉ bức vách mới thấy tôi ít nhiều lắc lư. Bị chê, cũng y như bất ngờ bị dội nước lạnh vào mặt vậy. Cảm giác tẽn tò chứ không đơn giản hụt hẫng. Chỉ là cô gái phụ bếp với mẹ thôi, sao lại có khả năng phi phàm này? Hay vì cô ấy được “Người Xưa” sinh ra?
Ra ghế đá cũ ngồi một mình. Lại bập bùng gui - ta. Lại gọi về kỉ niệm. Hình như cô nương “Người Xưa” nói đúng. Lời hát có chỗ nào đó không chở hết tâm tư, cảm giác còn lưng chừng, hát thấy thỏa mãn nhưng lại không khỏi bứt rứt. Tôi “hạ mình” mời uống cà phê và nhờ “Người Xưa” tư vấn cụ thể phần lời.
- Nhưng nói trước, kết quả và hiệu quả là hai chuyện hoàn toàn khác nhau nhá.
- Không áp lực.
Tôi thích tác phong làm việc của em. Tập trung tối đa. Em như quên đi sự hiện diện của tôi. Gió nhẹ nhàng lùa vào rèm cửa, em để mặc những sợi nắng lưa thưa rớt vào mắt, đậu trên tóc mà chỉ chau mày nghĩ ngợi. Lúc chau mày dưới nắng, em đẹp hơn ánh sáng. Tôi không gia hạn mình được nữa, ngơ ngẩn nhìn em lồng lộng dưới nắng mai, vô thức đưa điện thoại lên bấm “tách, tách”.
Tôi hát đi hát lại sau khi đã đặt lời mới, lần nào nghe em cũng gật đầu đắc chí.
Xong việc thì đứng dậy về chứ không nán lại một phút giây nào. Thái độ rất sợ “đèo bồng”. “Người Xưa” vừa ra tới cửa, tôi nói theo như một sự giãi bày:
- Tình đầu, non nớt nhưng khó quên.
- Đừng ám thị. Quá khứ như trăng đáy nước, chỉ có thể thấy nhưng không thể chạm. Tình yêu phải thiên biến vạn hóa ...
Chỉ nói vậy rồi đi, bỏ tôi ngồi ngẩn ngơ.
Hôm sau và hôm sau nữa, tôi tìm cách tiếp cận nhưng “Người Xưa” đều tìm cách né tránh. Không chịu, không dám nhìn thẳng vào mắt nhau nhưng tôi biết, cả hai đều hiểu điều người kia đang nghĩ. Đừng hòng trốn được tôi, tôi mà đã yêu thì như Hỏa Diệm Sơn vậy. Chờ mãi, gọi mãi vẫn bặt tin. Tôi tìm xuống bếp hỏi, chính mẹ em bảo đã vào Sài Gòn, thời gian vừa qua là nghỉ phép nhưng vẫn vào phụ mẹ để được gần Cúc Phương. Ôi trời, tôi bị mắc lừa rồi. Nhưng tim vẫn không ngừng xao xuyến.
3.Bài “Tình ca xanh” được hưởng ứng mạnh sau khi phát hành. Kì lạ, mỗi khi lời hát cất lên, tôi không còn bất cứ ý niệm hão huyền nào về mối tình đầu tưởng vĩnh cửu nữa. Thời gian qua đi, cũng giống như cục tẩy được đưa qua đưa lại trên tờ giấy có chữ. Mọi thứ cứ dần mờ nhạt, rồi sạch bách hồi nào không hay biết. Chỉ có “Người Xưa” thì cứ hiển hiện. Tôi mail cho em, những bức thư của tên nhạc sĩ đa tình. Em không hồi âm. Kệ, tôi cứ gửi thư vì trái tim cứ thôi thúc…
Sáng nay, đọc được bài tự sự của nàng trên báo, tôi nhận ra nhờ bút danh “Người Xưa”:
… Mười lăm tuổi, em chẳng có cách nào để kể bí mật của người bố nuôi yêu ma cho mẹ biết. Đó là một buổi sáng hãi hùng. Ở cái tuổi trăng rằm, vầng trăng em đã bị khuyết. Vỡ nát hết những mộng mơ thiếu nữ. Những vuốt ve thô nhám man rợ cứ ám ảnh tâm trí. Em đã lớn lên bằng cảm giác sợ hãi và hoang mang tột độ. Giờ ngồi kể mà vẫn thấy toàn thân đau nhức vì những cái cắn tứa máu ngày xưa. Em đã cố quên đi, xem nó là một sự cố nhỏ của số phận. Em cũng thử sống và tập yêu như cái cách của các cô gái tinh khiết, nhưng không được. Không thể được. Em nhỏ bé và bẩn thỉu như một hạt bụi. Xin lỗi anh, em lại chọn cách chạy trốn….
Đừng chạy nữa cô gái! Đừng tự xiết chặt các ốc vít đớn đau của quá khứ, nó chỉ làm em đau hơn. Hãy ở yên đấy, anh sẽ chạy về phía em, như em đã/ đang chạy về với Cúc Phương vậy…
N.T.B.N