Truyện ngắn dự thi của ĐỖ XUÂN THU
1. Từ ngày vợ mất, ông Vân bị hụt hẫng ghê gớm. Một mình ông thui thủi vào ra nom tội lắm. Hai đứa con trai ông công tác ở phố, lấy vợ rồi chúng ở luôn trên đó. Đã mấy lần, hết anh lại đến em thay nhau về đón ông ra phố ở nhưng ông không đi. Đứa con gái lấy chồng xa cũng vào hùa với hai anh của nó bảo ông bán đất, bán nhà, ra phố với anh em để chúng yên tâm. Đi thế nào được khi mộ vợ ông vẫn còn chưa xanh cỏ? Mà kể cả xanh cỏ đi chăng nữa thì đất tổ quê cha, cả dòng họ ông bao đời ở đây, ông lại là trưởng họ, trách nhiệm đổ tất lên đầu ông, ông đi để “quân vô tướng, hổ vô đầu à”?
Nghỉ hưu chưa được bao năm thì bà Nguyệt, vợ ông mắc bệnh trọng bỏ ông mà đi. Rõ khổ! Thương cho bà ấy quá! Cả đời vò võ nuôi con để ông rảnh rang chinh chiến. Hết chiến tranh biên giới phía bắc ngỡ tưởng ông được về với bà nào ngờ ông vẫn ở lại trong quân đội để rồi lên đến đại tá, làm tới chức “sư trưởng” rồi mới nghỉ hưu. Bà ở nhà một nách ba con, trực tiếp lo cho chúng ăn học, rồi dựng vợ, lo việc cho hai thằng. Ông chỉ có mỗi việc về dự đám cưới của chúng thôi. May còn đứa con gái út, nghỉ hưu rồi ông mới có điều kiện để cùng bà lo việc trăm năm cho nó. Thì vợ lính phải thế chứ biết sao giờ? Thế nên, ông Vân tâm niệm rằng khi nào nghỉ hưu sẽ bù đắp cho Nguyệt, nào ngờ… Số bà ấy đúng là vất vả thật.
Đêm về, một mình trong căn nhà rộng mênh mông ông Vân càng ngấm nỗi cô đơn, càng hiểu và thương vợ hơn bao giờ hết. Ở đơn vị, ông còn có người nọ người kia, có chiến sỹ ngày đêm phục vụ ông chu đáo. Vợ ông ở nhà thì có ai? Việc thì nhiều, con thì bé, ấy là chưa kể lúc chúng ốm đau, sài đẹn. Một mình Nguyệt xoay sở, chân đăm đá chân chiêu, việc đồng việc nhà lại còn cả việc họ nữa chứ? Dâu trưởng cơ mà? Đầu tắt mặt tối là cái chắc. Mình chỉ có mỗi việc hằng tháng gửi tiền về cho Nguyệt là xong. Ở nhà, bao nhiêu khoản phải chi chứ ít à? Vậy mà Nguyệt vẫn lo đâu vào đấy cả, không hề kêu ca phàn nàn gì. Thế mà đến lúc sướng thì lại không được hưởng, bà ấy lại bỏ mình mà đi. Sao mà khổ thế cơ chứ!
Nghĩ Tần lại nghĩ Hán, hình ảnh Nguyệt cứ hiện lên trong đầu ông Vân. Bà ấy tốt quá, thương chồng, thương con quá, suốt đời hy sinh cho mình. Công danh, sự nghiệp, con cái của mình được như ngày hôm nay là nhờ bà ấy cả. Nhưng mà Nguyệt ơi! Tôi có tội với bà. Cả đời bà chung thuỷ với tôi, còn tôi thì… phản bội lại bà. Một người và một lần duy nhất thôi bà ạ. Ngoài bà và người ấy ra, tôi không còn ai khác nữa đâu. Thật đấy. Chỉ một phút xiêu lòng, thương người ta mà tôi đã đắc tội với Nguyệt. Bà mà có biết hoàn cảnh của người ấy chắc bà cũng sẽ hiểu cho tôi và họ. Ừ, người ấy tên là Phong, cô giáo cắm bản. Chẳng biết có phải tôi tên là Vân nên cứ tơ vương vấn vít với Nguyệt và Phong không nhỉ? Mây, trăng rồi giờ lại thêm cả gió nữa? Bà bảo heo hút vùng cao như thế, không có đối tác thì làm sao mà Phong lấy được chồng? Quá lứa lỡ thì, cô ấy đánh liều xin tôi một đứa con. Mấy lần năn nỉ cầu xin tôi mới đồng ý cho đấy. Là phụ nữ Phong cũng có quyền làm mẹ phải không bà? Pháp luật cho phép rồi còn gì? Thế là chỉ một lần duy nhất đó rồi thôi. Chẳng biết có ăn thua gì không mà sau đó Phong chuyển trường rồi bặt vô âm tín luôn. Cô ấy đúng như làn gió thoảng qua đời tôi vậy. Chỉ có thế thôi Nguyệt ơi! Bây giờ tôi cũng chẳng biết Phong ở đâu nữa đâu? Đến hình ảnh của cô ấy tôi cũng chẳng còn lưu lại được nữa là...
Mải nghĩ lung tung, ông Vân mệt quá, thiếp đi lúc nào không hay. Hình ảnh Nguyệt, hình ảnh Phong cứ hiện về nhạt nhoà. Không biết có trách cứ, hờn dỗi gì không mà hai người chẳng nói năng gì chỉ đứng lặng nhìn ông với ánh mắt xa xôi vời vợi lắm. Các bà có biết bây giờ tôi như đám mây chì cô đơn sũng nước chỉ chờ giông gió sấm chớp là tan ra, rơi xuống, ngấm vào đất để thành suối, thành sông không? Vân chẳng còn là đám mây hồng bồng bềnh rong ruổi như xưa nữa đâu Nguyệt và Phong ạ. Trăng sáng mây hồng, gió thổi mây bay, tha hồ rong ruổi khắp nơi phải không? Bây giờ, mây vẫn đây còn trăng thì đã khuất núi, gió thì đang phiêu dạt phương nào? Trăng ơi, gió ơi? Và kìa, vợ của tôi ơi! Sao ánh mắt bà trông khác thế? Trách tôi lắm phải không? Thì tôi đã tạ tội với bà rồi mà? Bà chờ tôi với nhé! Tôi cũng đang đến với bà đây. Tôi sẽ đi cuối đất cùng trời với bà bù lại những năm tháng chúng ta xa nhau, bù lại lỗi lầm mà tôi đã đắc tội.
2. Chi hội cựu chiến binh làng Cổ Cò có chuyến đi tham quan danh thắng Tràng An nhân dịp 10 năm tổ chức UNESCO công nhận là di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nơi này thì ông Vân biết rồi vì ông cũng đã từng đến đó đôi lần. Ngay từ những lần ấy, ông đã có ý định khi nghỉ hưu sẽ đưa vợ tới thăm nơi này. Thì vợ ông chả ao ước được một lần tham quan Tràng An, vãn cảnh chùa Bái Đính đấy là gì? Vậy mà bệnh trọng ập đến bà, cuốn hút cả ông và bà vào vòng xoáy bệnh viện để rồi nó cướp trắng bà trên tay ông. Thôi, nguôi ngoai rồi, giỗ hết bà rồi, bà để cho tôi đi cùng anh em đồng đội nhé. Tôi sẽ thăm cả suất của bà, sẽ thắp hương thay bà cầu xin trời phật để bà siêu thoát, cho con cháu và dòng họ bình an. Tôi sẽ kể, sẽ tả cho bà nghe về khu danh thắng này. Chắc giờ thay đổi nhiều lắm bà ạ. Chứ ở nhà thì tôi biết làm gì? Đi cho khuây khoả bà nhé. Anh em họ cứ tha thiết mời, chả lẽ tôi lại không đi?
Nghĩ vậy, ông Vân gửi nhà cửa cho đứa cháu gần đó trông coi rồi hào hứng lên đường. Khu du lịch sinh thái Tràng An hấp dẫn lắm. Lại đang tuần văn hoá lễ hội “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”. Vui phải biết. Nơi này nổi tiếng với hệ thống núi đá vôi cùng hệ sinh thái rừng, hang động, đầm lầy phong phú vô cùng, với lịch sử hình thành hàng trăm triệu năm chứ có phải ít đâu? Tràng An sở hữu 31 hồ đầm được nối thông bởi 48 hang động. Hệ thống hang động này đã làm nên sự độc đáo cho khu du lịch sinh thái với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Các nhà khoa học đã ví nơi này như “cánh rừng nguyên sinh” dưới nước đấy là gì? Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và sự đa dạng sinh học đã tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có cho Tràng An.
Cùng với lịch sử hình thành của thiên nhiên, Tràng An còn được biết đến như “cái nôi” tiến hóa của người Việt cổ. Qua các đợt khai quật khảo cổ, người ta đã phát hiện ra cộng đồng cư dân tiền sử đã định cư trong các hang động, mái đá ở vùng lõi Tràng An từ hàng vạn năm trước. Họ là những người tiếp cận và khai thác biển đầu tiên ở Việt Nam, sáng tạo ra tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì kỹ nghệ ghè đẽo, làm đồ gốm và trồng trọt trong thung lũng đầm lầy... Đó là nét độc đáo làm nên giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu của di sản này. Ngoài ra, Tràng An còn gắn liền với các di tích như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, đền Trần, phủ Khống, hành cung Vũ Lâm, đền Cao Sơn... để tạo thành những hành trình tham quan hấp dẫn cho du khách.
Đang mùa lúa chín, cả Tam Cốc phủ một màu vàng ươm. Màu vàng trải dài theo sông Ngô Đồng, hai bên dọc theo chân núi nhìn như một bức tranh. Đây là thời điểm cánh đồng Tràng An đẹp nhất trong năm. Chính màu vàng này đã tôn màu xanh của núi đá, của mây trời soi bóng xuống hồ, xuống suối, làm cho mây núi càng thêm nổi bật lung linh hơn. Được ngồi trên thuyền đi giữa màu vàng bát ngát ấy, ngắm trời mây non nước ấy thì còn gì bằng. Bao phiền muộn, mệt nhọc sẽ tan biến đi hết.
Trung tâm bến thuyền, thuyền đậu nhan nhản như những chiếc lá châu đầu vào bến. Sao lại nhiều thuyền, nhiều người đến thế. Đúng là mùa lễ hội, tuần văn hoá của khu du lịch nổi tiếng có khác. Người khắp nơi nườm nượp kéo về. Cờ phướn rợp trời tung bay trước gió. Tuy đông người nhưng rất trật tự, văn minh. Tiếng nhạc, tiếng loa rộn ràng, dìu dặt. Đoàn ông Vân lục tục xuống thuyền. Ông cảm thấy khoan khoái lâng lâng vô cùng.
Vừa bước lên thuyền, ông Vân chợt sững người lại khi nhìn thấy cô gái đang đứng ở mũi thuyền. Sao có vẻ quen thế nhỉ? Cao ráo, trẻ trung, xinh đẹp. Khuôn mặt kìa, cái miệng nữa, cả mái tóc đen dài kia sao trông có vẻ như mình đã gặp ở đâu rồi nhỉ? Ai? Sao không nhớ nổi thế này? Cô này khoảng 25, 26 tuổi, trẻ đẹp thế thì mình đã gặp bao giờ đâu? Với lại, ở đời này thiếu gì người giống nhau? Thôi, không nghĩ nữa, để mắt mà ngắm cảnh.
Mọi người ổn định chỗ ngồi thì tiếng cô gái vang lên:
- Kính thưa các bác! Cháu xin chào buổi sáng các bác và chúc các bác có một chuyến tham quan Tràng An thật vui vẻ, khám phá được nhiều điều bổ ích và lý thú.
Đang líu ríu chuyện trò, cả tám người trong đoàn ông Vân chợt im bặt. Tất cả cùng quay về phía cô gái. Đứng ở đuôi thuyền, hai tay cô gái đẩy mái chèo khiến con thuyền từ từ rời bến. Các thuyền bên cạnh cũng lần lượt xuất hành. Không có thuyền nào dùng cole, máy nổ. Tất cả đều chèo bằng tay. Chả trách không khí ở đây thanh bình, yên ả thật. Mặt nước trong xanh nhìn thấy đáy.
- Các bác cho cháu hỏi quê các bác ở đâu ạ? - Cô gái tiếp tục hỏi.
- Chúng tôi quê ở Phú Thọ chị ạ - Ông An nhanh nhảu đáp lời - Toàn cựu chiến binh cả đấy. Nghe tiếng danh thắng Tràng An đã lâu, hôm nay mới tổ chức nhau đi tham quan đấy. Có người đi lần đầu. Có người đến mấy lần rồi vẫn muốn đi. Tôi đây này, ba lần rồi chị ạ. Công nhận đẹp thật.
- Vâng. Quê cháu may có danh thắng này nên trở thành khu du lịch đấy các bác ạ. Các bác quê Phú Thọ, đất tổ cội nguồn, cố đô Văn Lang, về đây cố đô Hoa Lư. Vậy cháu với các bác là cùng các miền cố đô với nhau rồi đấy. Cháu cũng mấy lần ra Phú Thọ rồi nha.
- Thế hả? Thế thì bác cháu mình hợp nhau rồi. Mà cháu tên gì để anh em chúng tôi còn gọi cho dễ nhỉ?
- Dạ, cháu tên là Vân ạ.
- Vân? Thế là trùng tên với ông đại tá Vân trong đoàn chúng tôi đấy - Ông An loe xoe - Ông Vân đâu rồi? Lên tiếng nhận người quen đi?
Bị giật mình từ lúc cô gái xưng tên, lại bị ông An kéo tay chỉ trỏ, ông Vân liền quay lại nhìn cô gái.
- Có tôi đây - Ông Vân nói - Chào cháu nha. Bác cháu mình cùng tên à?
- Wow! Bác… bác cũng… cũng tên… là… à… là… Vân ạ?
Vân ấp úng kêu lên rồi cứ thế đứng trân trân nhìn ông. Chiếc thuyền trôi theo quán tính. Có lẽ nào? Chả lẽ lại là bác này? Phú Thọ? Mặc dù ông mặc thường phục nhưng vẫn trông giống lắm? Bao câu hỏi bật lên trong đầu Vân. Cùng lúc đó, ông Vân cũng cảm thấy có điều gì khác lạ ở cô gái. Có vẻ như cô ta ngỡ ngàng giống như chính ông lúc nãy khi nhìn thoáng qua cô ấy. Chắc cũng lại nghĩ ông là người quen hoặc đã gặp ở đâu đó rồi chăng?
Tự dưng bị buông chèo, chiếc tuyền trôi chậm lại rồi tụt dần về phía sau. Thấy vậy, mấy người liền cầm những bai chèo để sẵn trong khoang, khua nước. Ai cũng biết những bai chèo đó dành cho du khách để trải nghiệm bơi thuyền và trợ sức cho người lái. Cô gái sực tỉnh vội lấy đà, nhấn tay tiếp tục chèo lái.
- Này, cháu gái ơi! Cháu có thể giới thiệu qua cho các bác biết về khu du lịch này được không?
Vẫn ông An hỏi. Nhớ tới nhiệm vụ của mình, lấy lại tư thế, Vân nói:
- Vâng. Giới thiệu với các bác, chúng ta đang đi trên sông Ngô Đồng. Đây là một con sông nhỏ, chi lưu của sông Sào Khê. Nó chảy từ vùng trũng trong lòng hệ thống núi đá vôi của quần thể di sản thế giới Tràng An, khởi đầu từ khu vực đền Suối Tiên len qua các vách núi và cánh đồng lúa rồi đổ nước vào hệ thống sông Vạc. Điều đặc biệt là sông Ngô Đồng không có bờ, nó là rạch nước giữa những cánh đồng và thung nước mênh mông. Các bác nhìn kìa, màu vàng đồng lúa đẹp chưa? Quá đẹp phải không ạ? Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An là đây đấy, các bác nhé.
Mọi người trầm trồ. Vân hào hứng nói tiếp:
- Quần thể Tràng An được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014. Hệ thống dãy núi đá vôi quanh đây có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển lúc tiến, lúc thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm đấy các bác ạ. Danh thắng này là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa. Hệ thống núi đá, sông suối, rừng và hang động ở Tràng An rất hiểm trở nên được vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X và sau đó nhà Trần sử dụng làm hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Hiện nay, nơi đây còn nhiều di tích lịch sử thời Đinh và thời Trần. Liên khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động - cố đô Hoa Lư - rừng đặc dụng Hoa Lư hiện được quy hoạch chung vào quần thể danh thắng Tràng An, trở thành di sản thế giới kép đầu tiên ở Việt Nam với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và kiến tạo địa chất. Đây cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế các bác ạ.
- Tuyệt quá! Rất xứng đáng để tôn vinh như vậy.
- Đẹp miên man thế kia cơ mà.
- Cháu học du lịch ra hay sao mà nắm chắc hiểu rõ Tràng An đến thế?
Mọi người xì xào bàn tán, hỏi han. Ông Vân ngồi lặng yên lắng nghe, ngắm núi, ngắm trời. Trong bụng ông vẫn chưa thôi băn khoăn. Ông vẫn đang cố lục tìm trí nhớ xem đã gặp cô gái này ở đâu?
- Thì cháu quê ở đây mà bác - Vân xởi lởi - Thú thật, cháu cũng học xong trung cấp du lịch trường tỉnh rồi ạ.
- Thảo nào nói hay thế? Thế cháu làm nghề này lâu chưa?
- Cũng hơn ba năm rồi bác ạ. Ở đây, mọi người vừa chèo thuyền vừa làm hướng dẫn viên luôn. Thuyền nào cũng vậy cả. Các bà, các bác nhiều tuổi không qua trường lớp nào thì được tập huấn thường xuyên, nhất là trước mỗi mùa lễ hội. Ai cũng phải đăng ký hành nghề và được ban quản lý di tích xét duyệt kỹ càng, lên lịch phân công chạy đò cụ thể. Cứ theo lịch mà làm. Vé do sở phát hành, ban quản lý trực tiếp bán nên không có cảnh giành khách đâu ạ.
- Thảo nào… Quy củ, văn minh thật - Mọi người tấm tắc.
Câu chuyện giữa cô lái đò và khách trong đoàn mỗi lúc lại rôm rả thêm. Một số bác lấy điện thoại livestream, chụp ảnh. Ai cũng trầm trồ xuýt xoa trước cảnh đồng lúa vàng, núi đá cây xanh, nước trong gió mát… Đẹp thật! Nhìn những con dê trên núi kìa! Chúng đang nhởn nhơ ngoạm bứt lá cây, đứng chênh vênh trên vách đá mà không ngã mới tài chứ? Thì giời sinh ra chúng thế mà lị. Hôm nay trời đẹp quá. Mây trắng lững lờ trôi soi bóng xuống dòng sông. Trời xanh, núi xanh, sông xanh… sao mà tĩnh lặng, bình yên đến thế. Ông Vân để ý thấy cô gái thi thoảng vẫn nhìn trộm mình. Thì ông cũng vậy còn gì? Như có điều gì đó liên hệ giữa ông với cô gái lái đò thì phải?
3. Cơm tối xong, ông Vân tách đoàn, theo địa chỉ ông đến nhà cô lái đò. Nhà Vân cách bến thuyền không xa. Vân niềm nở đón khách. Vừa bước vào nhà, ông sững lại nhìn lên ban thờ. Trên đó là ảnh một người đàn bà mà ông trông rất quen. Bà này có nhiều nét hao hao giống Vân. Ông đứng ngây ra một lúc khiến Vân phải lên tiếng giải thích:
- Mẹ cháu đó bác ạ? Mẹ cháu mất hồi đầu năm.
- Thế hả? Bác chia buồn với cháu nhé. Bà trông trẻ thế mà đã đi rồi à?
- Vâng. Mẹ cháu mất mới được 57 tuổi thôi. Bị ung thư phổi, phát hiện được thì đã giai đoạn cuối rồi bác ạ. Tội lắm bác ơi!
- Rõ khổ! Thế mẹ cháu tên gì?
- Mẹ cháu tên là Đinh Như Phong bác ạ.
- Đinh… Như… Phong?
Ông Vân nhắc lại từng tiếng. Vân gật đầu xác nhận. Lấy tay ôm ngực gần như là khuỵu xuống, vội vịn lấy thành bàn, ông trân trân nhìn tấm hình trên ban thờ. Qua ánh điện, ông đã nhìn rõ những đặc điểm của người trong ảnh. Đúng là Phong của ngày xưa đây rồi! Ánh mắt ấy, khoé miệng ấy, khuôn mặt ấy sao lẫn vào đâu được? Thảo nào khi xuống thuyền nhìn Vân, ông cứ nghi nghi, nghĩ mãi không ra ai? Bây giờ thì… Những kỷ niệm về Phong cứ thế ập về như những thước phim tua nhanh.
- Kìa! Bác! Bác làm sao thế? - Vân lo lắng hỏi ông Vân.
- Không. Bác không sao cả - Ông Vân xua tay nói - Chắc bị choáng chút thôi. Lâu ngày không đi xa, không được ngủ trưa nên nó vậy đấy. Cháu cho bác hỏi, bố đẻ của cháu đâu? Cả chồng con của cháu nữa? Cháu có mấy chị em ruột?
- Chồng cháu đưa thằng cu con cháu vừa được nghỉ hè về nội sáng nay rồi. Còn bố cháu thì vẫn chưa tìm thấy bác ạ. Mẹ cháu chỉ được mỗi một mình cháu thôi.
- Thế bố cháu đâu mà phải tìm?
- Chuyện dài lắm bác ơi! Bác cứ ngồi xuống đây uống nước đã rồi cháu cho bác xem cái này, biết đâu, bác giúp được gì cho cháu chăng?
Ông Vân nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, đón lấy chén trà nóng từ tay cô gái. Vân lặng lẽ mở ví lấy một bức hình ra đưa ông.
- Bố cháu đây bác ạ.
Cầm tấm ảnh đen trắng 4x6, ông Vân đưa vào sát tròng kính, nheo nheo mắt để nhìn. Đoạn, ông hấp tấp tháo kính ra lau rồi lại đeo vào để nhìn cho rõ. Trời ơi! Ảnh ông hồi thượng tá! Sao Phong lại có bức hình này? Thôi đúng rồi, Phong đã lấy nó ở trên bàn làm việc của ông khi cô ấy đến với ông. Mặt ông Vân biến sắc. Hết nhìn tấm hình mình, ông lại ngước lên bàn thờ nhìn vào di ảnh bà Phong. Sau đó nhìn Vân, miệng ông méo xệch, giọng run run:
- Đây là ảnh của… của bác đấy… Vân ơi!
- Ảnh của bác?
- Đúng rồi.
- Thảo nào…
Đến lượt Vân ngây người đứng như trời trồng giữa nhà. Ông Vân lập cập đến trước ban thờ thắp ba nén hương rồi chắp tay đứng lặng. Vân hết nhìn ông lại nhìn lên ảnh mẹ. Trong ảnh, ánh mắt bà Phong như mỉm cười cùng con gái. Không gian chùng xuống, lặng như tờ.
Lát sau, hai người cùng ngồi xuống và bộc bạch. Vân cho biết, mẹ cô trước là giáo viên vùng cao rồi chả biết vì sao mà sau đó mẹ lại bỏ việc về quê ở Hải Dương để sinh cô. Đó là năm 1999, cách nay 25 năm rồi. Khi lớn lên Vân mới biết vì sao mà mẹ con cô lại vào ở Ninh Bình. Đó là vì mẹ cô chạy trốn cái tiếng “không chồng mà có con”. Hơn nữa, trong này có bạn của mẹ tạo điều kiện cho nơi ăn chốn ở, cả việc làm nữa. Mẹ nhận hợp đồng vệ sinh quét dọn khu du lịch Tràng An này, tần tảo sớm hôm tích cóp xây nhà dựng cửa, nuôi cô ăn học bằng chị bằng em.
Khi mẹ cô lâm bệnh nặng, bà mới đưa tấm ảnh này ra thều thào nói đó là bố cô và giục cô đi tìm theo địa chỉ như thế, như thế… Bà còn đưa cho cô một bức thư ngắn gọn dặn nếu gặp bố thì đưa cho ông ấy. Chưa kịp đi thì bệnh tình bà mỗi ngày một nặng hơn. Hai mẹ con đi hết viện này rồi viện khác. Sau đó, người ta trả bà về và nguy kịch ập đến. Vân không dám rời mẹ nửa bước. Bà mất trên vòng tay Vân.
Chôn cất mẹ xong, Vân liền mở lá thư mà mẹ viết cho bố. “Anh Vân! Người cầm lá thư này gặp anh là con gái anh đấy. Đúng như cam kết, em không làm phiền đến cuộc sống gia đình anh, chỉ xin anh một đứa con thôi. Nó là kết quả cuộc gặp của chúng ta ngày đó. Em đặt tên nó trùng với tên anh để suốt đời nhớ anh, ghi ơn anh. Em sẽ từ giã cõi đời này nhưng con sẽ phải biết bố nó là ai và nó phải tìm về nguồn cội. Em nghĩ, chị nhà sẽ tha lỗi cho anh và cả cho em nữa. Chết là hết phải không anh? Anh hãy nhận con và bù đắp cho nó nhé. Em vẫn mãi là ngọn gió lang thang cô đơn thổi cho mây bay, để mây vui cùng trăng sao vũ trụ. Vĩnh biệt anh! Em: Đinh Thị Như Phong”. Sau đó, Vân lặn lội lên Phong Châu (Phú Thọ) tìm bố. Cả ba lần cô đi đều không kết quả gì. Huyện Phong Châu đã giải thể, cô tìm cả hai huyện cũ tái lập lại là Lâm Thao và Phù Ninh cũng không ai biết người trong ảnh.
Vân nghẹn ngào thủ thỉ kể cho ông Vân nghe. Cô đưa lá thư của mẹ mình cho ông Vân. Ông Vân vừa đọc vừa rơm rớm nước mắt. Đoạn ông ngẩng đầu lên nhìn Vân với ánh mắt tràn trề yêu thương:
- Lại đây con! Lại đây với bố!
Giơ cả hai tay ra, ông ôm Vân vào lòng. Vừa thoáng chút ngỡ ngàng bối rối lại vừa như thân thuộc tin yêu, Vân nói trong ngàn ngạt nước mắt:
- Bố! Thế là cuối cùng ông giời đã cho con được gặp bố. Mẹ ơi! Con gặp bố rồi! Mẹ ơ… ơ… ơi!
Cứ thế, vừa nhìn ảnh mẹ, vừa ôm chặt ông Vân, Vân oà lên nức nở. Ông Vân vỗ về:
- Thôi nào! Nín đi con gái. Có bố đây rồi, con!
Sau cơn xúc động, Vân hỏi thăm tình hình bố mình. Ông Vân kể sơ qua gia cảnh cho Vân nghe.
- Vậy là con không được gặp mẹ già rồi! Sao hai mẹ khổ thế cơ chứ? Cả bố nữa. Lúc sum họp đoàn tụ thì các mẹ đều bỏ bố mà đi.
- Thì bố còn có con, có các anh các chị của con ngoài kia nữa thôi.
- Vâng. Chúng con sẽ chăm sóc bố chu đáo - Vân nói - Bố không phải lo gì cả. Chắc các anh chị con sẽ chấp nhận con chứ bố?
- Dĩ nhiên rồi! Giọt máu đào hơn ao nước lã. Các con đoàn kết thương yêu nhau là bố vui rồi. Dưới suối vàng các mẹ con cũng mãn nguyện. Ngày mai đoàn của bố về, bố sẽ ở lại ra thắp hương mộ mẹ con. Sau đó, bố con mình ra Phú Thọ, bố sẽ điện các anh, các chị về, cũng làm mâm cơm kính báo tổ tiên, mời họ hàng, làng xóm chứng kiến để bố nhận con gái của bố chứ? Được không con?
- Thế thì còn gì bằng! Con hạnh phúc quá bố ạ.
Vân sụt sịt lau nước mắt. Ánh mắt cô ngời lên sung sướng. Khuôn mặt ông Vân giãn ra. Không ngờ ông lại có thêm cô con gái xinh đẹp giỏi giang này nữa. Nguyệt ơi! Phong ơi! Các em bỏ anh đi trước nhưng đã để lại cho anh những đứa con ngoan, thành đạt và hiếu nghĩa. Anh biết ơn các em nhiều lắm, vợ à, Phong à! Bóng hình các em vẫn hiện lên qua mỗi đứa con của chúng mình đây này.
Ngoài sân, trăng sáng vằng vặc. Không gian khu danh thắng ngời lên trong trăng. Những đỉnh núi đá của “Hạ Long cạn” Ninh Bình trầm mặc trong đêm. Trên trời, mây trắng lững lờ trôi soi bóng xuống những dòng sông, con suối, những hồ đầm nơi đây. Mây và trăng và gió cứ quấn quýt bên nhau để Tràng An chưa đẹp thế bao giờ…
Đ.X.T