Truyện ngắn dự thi của BÙI HỒNG
Tôi về đến Tràng An, trời lất phất mưa bụi, những dãy núi bao quanh khu di sản nhuốm màu trắng mịn màng, hư hư ảo ảo. Gió lạnh cuối mùa mềm mại thi thoảng lướt qua, đủ lạnh cho những chàng trai vòng tay ôm lấy eo người bạn gái đang sóng đôi trên con đường muôn sắc màu của các du khách khắp nơi về với Tràng An.
Tôi về đến Tràng An, trời lất phất mưa bụi, những dãy núi bao quanh khu di sản nhuốm màu trắng mịn màng, hư hư ảo ảo. Gió lạnh cuối mùa mềm mại thi thoảng lướt qua, đủ lạnh cho những chàng trai vòng tay ôm lấy eo người bạn gái đang sóng đôi trên con đường muôn sắc màu của các du khách khắp nơi về với Tràng An.
Đến đầu xóm núi nằm trong vùng lõi của di sản, tôi vào quán nước hỏi đường đến nhà ông Tùng. Cô chủ quán sốt sắng:
- Bác cứ đi thẳng, qua chừng hơn chục cái Homestay rồi hỏi nhà bác Tùng thương binh, dân ở đây ai cũng biết.
Tuần trước, ông Tùng điện cho tôi: “Ninh Bình chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày Unesco công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới... Ông thu xếp vào tôi chơi nhá. Tôi cũng đã điện cho ông Lý, ông Tuấn, các ông ấy cũng đã nhận lời rồi đấy.” Đợt này sức khỏe tốt, lại rảnh, nên tôi thu xếp đi ngay. Bây giờ tôi đang ở đây rồi, chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ gặp lại Tùng, người bạn cũ với bao nhiêu kỷ niệm thời trai trẻ...
***
Sau ngày giải phóng miền Nam, cứ ngỡ từ nay cuộc sống yên lành sẽ đến với đất nước, ngờ đâu lại xảy ra biến cố biên giới Tây Nam. Lúc bấy giờ quân Khmer đỏ xâm lấn sâu vào lãnh thổ nước ta. Chúng tàn ác, giết chóc, cướp bóc gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng. Không để cho chúng hoành hành và để ngăn chặn nạn diệt chủng đang diễn ra ở nước bạn, quân ta đã mở chiến dịch tiêu diệt quân xâm lược, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng dã man.
Tôi và Tùng nhận được lệnh lên đường nhập ngũ khi đang học năm đầu của trường Trung cấp kế toán Công nghiệp Nam Giang. Chúng tôi được huấn luyện tân binh ở làng Sưa. Tôi, Tùng và hai tân binh nữa được bố trí ở nhờ nhà bác Tân. Ở trường chuyên nghiệp, chưa có dịp quen nhau, thành thử tôi chẳng biết, chẳng hiểu gì về Tùng. Có lẽ ấn tượng nhất là vẻ bề ngoài của cậu ta thôi. Tùng cao nhất lớp, người gầy, khuôn mặt hơi gẫy, mái tóc rễ tre cứng quơ đen bóng, mắt to, mũi thẳng, cặp môi lúc nào cũng chực hé cười. Đặc biệt nhất, Tùng có giọng nói vang, ấm và khi cậu ta cất tiếng cười, người nghe cũng thấy thật sảng khoái. Bốn đứa ở chung nhà nhưng mỗi đứa mỗi quê. Tôi - Thái Bình, Lý - Hà Nam, Tuấn - Nam Định, còn Tùng người Ninh Bình. Qua hai, ba tháng, chúng tôi đã trở nên thân thiết, có cảm giác như anh em một nhà vậy. Những lúc rảnh rỗi, lính trẻ nhớ nhà chúng tôi mang chuyện quê ra kể. Đứa nào cũng lớn tiếng khoe cái hay cái đẹp của quê mình. Khoe chán chê xong, chuyển sang khích bác quê nhau. Ví như, cậu Lý Hà Nam bị gọi là “tõm”, chả là, thói quen “xử lí đầu ra” ở quê cậu khá là đặc biệt. Tuấn Nam Định bị gọi là “hai ngón” bởi ga Nam Định hồi ấy nổi tiếng vì nạn móc túi. Tôi thì bị chế giễu là dân “bị gậy” vì Thái Bình “tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành”, còn Tùng mang biệt danh dân “Ninh vầy” chả là, người ta bảo như thế này, hoặc như thế ý, thì câu Tùng cứ như “vầy”, làm như “vầy” thật chẳng giống ai. Nhiều lần khích bác, gièm pha nhau dẫn đến to tiếng. Lý “tõm” khích bác quê “Ninh vầy”: “Vâng quê ông nhiều núi, lắm hang, nhiều hốc, nên các ông thuộc tộc người “ăn lông ở lỗ”. Tùng như bị xúc phạm liền túm ngực áo Lý, tay vo lại thành một nắm đấm, vung cao lên chuẩn bị giáng... nhưng cậu ta kịp hạ tay xuống, nghênh cái mặt gẫy lên bảo: “Định cho thằng “tõm” một quả trời giáng vào giữa mặt, xong người “Ninh vầy” quê tao luôn biết kìm chế, lấy thời cuộc làm trọng, chả dại gì ăn kỉ luật, có khi còn ra tòa án binh...”. Để xoa dịu tình hình đang có chiều hướng căng thẳng, Tùng như một triết gia giảng giải: “Muôn sự ở đời, hành xử thiếu bình tĩnh, hành động nông nổi chỉ mang lại hậu quả khôn lường. Ngay như việc quốc gia đại sự, nhà vua hành xử nông nổi không biết lúc cương lúc nhu cũng dễ mất nước!”. Tôi lè lưỡi lắc đầu, hỏi: “Cậu học ở đâu cái tính như ông cụ non vậy?” - Câu trả lời của Tùng làm tôi khá bất ngờ: “Cụ tớ dạy lại cho ông tớ, ông tớ dạy lại cho bố tớ, bố tớ dạy lại cho tớ. Còn người dạy cho cụ tớ chính là những người Việt cổ, khai thiên lập địa ở Hoa Lư đấy.”
Thực tình tôi bắt đầu nể anh bạn đồng ngũ này. Cứ ngỡ anh chàng trông có vẻ ngờ nghệch lại uyên thâm ra trò. Càng ngày tôi càng thân thiết với Tùng, bởi tôi nhận ra ở Tùng có gì đó khác với chúng tôi. Những ngày mới nhập ngũ, chúng tôi đang độ tuổi “ăn không biết no”, thế mà bữa cơm nào Tùng cũng làm như vô tình sẻ cho tôi không ít thì nhiều khẩu phần ăn của cậu. Thức ăn, có bữa mỗi người chỉ được một miếng thịt, có bữa Tùng không ăn, có bữa cậu ta cắn làm đôi, bằng cách này hay cách khác, cậu ta chuyển sang bát của tôi hoặc của Lý hay Tuấn.
Hôm ấy chúng tôi đá bóng. Tiểu đội tôi đá với tiểu đội 2. Hai đội quần nhau dễ chừng phải hai, ba tiếng dưới cái nắng nóng của vùng bán sơn địa. Trận đấu kết thúc, trong lúc mồ hôi mồ kê đang còn ướt sũng, nhưng vì nóng quá, tôi nhảy luôn xuống ao. Cứ ngỡ không hề hấn gì, ai dè ngay tối về tôi bị cảm. Đến tối, người tôi nóng ran. Tôi bị sốt. Tiểu đội trưởng phải báo cáo lên trung đội, rồi y tá đơn vị đến khám, tiêm, cho thuốc uống. Thế nhưng cơn sốt vẫn không giảm. Mọi người xúm quanh tôi. Tùng xòe tay, sờ trán, sờ đầu, lật mi mắt tôi lên, còn bấm đèn pin soi, cứ như bác sĩ vậy. Xem một lúc, bỗng Tùng cười:
- Tưởng gì. Đơn giản. – Đoạn lớn tiếng: Lý “tõm” cầm đèn pin soi đường, Tuấn “hai ngón” cầm rổ, theo tớ ra vườn.
Lý hỏi:
- Ra vườn làm gì?
Tùng quát:
- Quân lệnh, không hỏi.
Tùng dẫn Lý và Tuấn ra vườn, bờ ao, bờ rào của nhà bác Tân và mấy nhà quanh đấy. Lý soi đèn pin, Tùng tìm quanh quẩn, lật cây này, bới bụi nọ, một lúc cái rổ Tuấn bê theo đã đầy các loại lá. Tùng mang vào, lại sai Tuấn rửa lá, xuống bếp mượn cối chày giã lá. Xong xuôi, Tùng vớt lấy cái bã lá, nắm thành một nắm, sau đó dát mỏng, và đắp lên trán, hai bên thái dương, và cả ở ngực tôi. Nước lá còn lại, đổ ra bát, trông cái nước xanh không ra xanh, đen chẳng ra đen, lại nhầy nhầy, muốn phát “nôn”. Tùng bảo tôi phải uống. Thấy tôi chần chừ, Tùng đưa cái bát lên miệng, uống ực một ngụm, bảo: “Nước này ngon nhất trần đời nước Nam”, tôi biết, đấy là cách Tùng làm cho tôi không sợ, không kinh, lẽ nào tôi dám từ chối. Tuy nhiên tôi cũng phải nhắm mắt, nhăn mày, nhăn mặt tu một hơi hết bát nước. Ái chà, vừa đắng, vừa nhặng, lại nhầy nhụa, tôi cố ghìm cái “ọe” từ cuống họng cứ chực trào lên miệng.
Tùng cười hỉ hả:
- Giỏi lắm, ngon không, cậu yên tâm đi, thuốc tiên gia truyền đấy, hạ sốt cực nhạy luôn.
Không biết có phải thuốc tiên thật không, nhưng chỉ chừng gần tiếng sau, tôi hạ sốt, nhổm dậy, bụng đói cồn cào đòi ăn cháo.
Tùng lại cười sằng sặc:
- Biết ngay mà, thể nào cũng đòi ăn cháo sau khi hết sốt, nên tớ chuẩn bị sẵn rồi đây. Thì ra, khi cho tôi uống bát thuốc, Tùng đã chạy xuống bếp, xin gạo bác Tân nấu một bát cháo.
Ăn cháo xong, mồ hôi vã ra, tôi cảm như mình không hề bị ốm sốt gì cả. Không riêng gì tôi, cả Lý và Tuấn cũng há hốc mồm, trợn ngược mắt lên nhìn Tùng vừa kinh ngạc, vừa thán phục. Tôi lí nhí hỏi:
- Tùng ơi, cậu học Kế toán chứ có học Y đâu?
Tùng tủm tỉm cười, cậu ta bảo:
- Ở đây có cậu nào biết đến Gia Viễn, huyện chiêm trũng quê tớ không? Vùng đất lịch sử ấy không những chỉ sinh ra Đinh Tiên Hoàng Đế, mà còn là quê hương của bao nhiêu tài nhân khác, trong đó có Thiền sư Nguyễn Minh Không. Ông là một danh y nổi tiếng, người Việt Nam đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu. Thiền sư dạy, cây cỏ xung quanh chúng ta phần đa là cây thuốc chữa bệnh... Không nói khoác đâu, rất nhiều người Hoa Lư có biệt tài chữa bệnh bằng thuốc Nam đấy... hì hì... Có khi tớ cũng hưởng hồng phúc của cụ Nguyễn Minh Không để lại chứ chả đùa.
Không biết Tùng có thừa hưởng tinh hoa chữa bệnh của Thiền sư Nguyễn Minh Không hay không, nhưng rõ ràng tôi khỏi bệnh bằng những cây lá ngoài vườn là có thật. Trong mắt tôi, anh chàng Tùng này đang dần trở nên một “điểm nhấn” đặc biệt.
Thời gian huấn luyện, đơn vị tôi có kết nghĩa với chi đoàn xã địa phương, theo kế hoạch của hai chi đoàn, trước ngày đơn vị lên đường vào chiến trường, hai đơn vị tổ chức đêm văn nghệ. Chúng tôi chuẩn bị cho đêm văn nghệ bằng việc tập luyện một tiết mục hoạt cảnh chèo. Thoạt đầu, các lãnh đạo rất lúng túng vì không biết viết hoạt cảnh chèo như thế nào, rồi hát chèo ra làm sao. Ấy vậy mà khi họp ở tiểu đội, Tùng xung phong viết, xung phong hướng dẫn cho mọi người diễn và cậu ta cũng chủ động nhận đóng vai chính luôn. Thực ra, trước đó, tôi biết Tùng có năng khiếu hát chèo. Mỗi lần sinh hoạt tiểu đội, Tùng đều hát tặng mọi người một bài chèo khá hay. Tùng đứng trước ánh đèn, với đôi mắt ngời sáng, cái miệng khá duyên, giọng hát trong trẻo, mềm mại: “Duyên phận...í a..ta phải chiều...”. Làn điệu ấy, khuôn mặt ấy, giọng ca ấy của Tùng để lại ấn tượng đậm nét trong mọi người. Lần này, Tùng hí hoáy viết, vì là hoạt cảnh nên Tùng bảo: “Cũng không khó lắm, nội dung đơn giản thôi. Một đôi trai gái yêu nhau da diết, họ chuẩn bị xin ý kiến gia đình để đi đến hôn nhân. Đất nước có biến cố vì quân xâm lược nhăm nhe xâm lấn biên giới. Chàng trai gác lại tình riêng, hăng hái tòng quân lên đường đánh giặc. Cuộc chia tay của họ diễn ra bên bến sông quê. Cô gái nắm chặt tay người yêu và thề thốt đợi chờ anh ngày chiến thắng trở về...”. Tiết mục được chúng tôi tập luyện khá vui, vui nhất là cậu Lý phải đóng vai con gái. Mỗi lần cậu ấy hát giả giọng con gái là chúng tôi lại được phen bò ra cười. Đêm văn nghệ thành công ngoài ý muốn. Cậu Tuấn giả làm phóng viên, cuộn tờ báo làm cái micro phỏng vấn nghệ sĩ Tùng: “Xin nghệ sĩ cho biết, để có một giọng hát chèo hay như vậy, nghệ sĩ đã phải rèn luyện ra sao?”. Tùng cũng giả vờ gãi đầu gãi tai, e hèm hắng giọng: “Thưa đồng chí phóng viên! Hoa Lư quê tôi là cái nôi của hát chèo. Thời nhà Đinh có bà Phạm Thị Trân được tôn vinh là bà tổ của nghệ thuật hát chèo. Hang Múa là nơi bà dạy cho các kỹ nữ nghệ nhân tập luyện múa hát để phục vụ triều chính. Tôi thiển nghĩ, người Hoa Lư có giọng hát chèo cũng là do hưởng lộc lá của tiên tổ...”
***
Chúng tôi được lệnh hành quân vào biên giới Tây Nam. Lúc bấy giờ, bọn Khmer đỏ vẫn còn hung hăng, lì lợm, điên cuồng gây tội ác cho nhân dân nước ta và nước bạn. Khi vào đến chiến trường, Tùng bảo với chúng tôi: “Ở đây, cái chết luôn rình rập, sự nguy hiểm tính mạng có lẽ sẽ xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ ai, các cậu phải nhớ là bọn giặc cũng không phải loại vừa đâu, cho nên phải hết sức cẩn thận, không được phép chủ quan khinh địch. Ở chiến trường xảy một li đi một dặm”. Trong thâm tâm tôi thán phục Tùng. Mấy đứa cùng tuổi, cùng nhập ngũ một ngày, cùng huấn luyện, nhưng có vẻ như Tùng hơn chúng tôi nhiều, kể cả kinh nghiệm, lẫn trách nhiệm.
Tôi luôn nhớ lời dặn dò của Tùng, ấy thế mà trong chiến trận đôi lúc cũng sơ sẩy. Trận đánh ở Kandal ấy, tôi và Tùng cùng chung một chiến hào, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đánh chặn không cho quân Khmer đỏ tấn công chiếm lại những vị trí chúng đã mất. Bọn địch như những con thú say mồi, chúng bất chấp cái chết, ồ ạt tấn lên. Nhưng đợt tấn công nào của chúng cũng bị chúng tôi đánh bật trở lại. Tiếng đạn pháo cứ vèo vèo, ùng oàng, mùi khói lửa khét lẹt, xen vào đó là những tiếng kêu thất thanh của cả ta và địch. Đánh nhau dễ chừng mấy tiếng đồng hồ, bọn địch rút quân. Tuy nhiên chúng cũng để lại một lực lượng yểm trợ. Sợ chúng nghi binh, chúng tôi được lệnh không truy kích. Đơn vị án binh bất động. Thi thoảng lại có tiếng đạn bắn lén “chíu chíu” rẹt qua. Chỗ tôi nằm phục kích, ai dè đúng chỗ một ổ kiến lửa. Tôi bị bọn kiến bu vào chân, chui qua tất đốt khiến tôi bị ngứa, thấp thỏm, nhổm lên nhổm xuống gãi. Liếc mắt nhìn, Tùng quát lên:
- Muốn chết à. Nằm im đi.
Tôi cắn răng chịu ngứa, nghe lời nằm im. Được một lúc thấy yên yên không súng nổ lại nhổm lên gãi. Bỗng nhiên tôi thấy Tùng lao đến, cậu ta xô ngã tôi. Cùng lúc một tiếng “rẹt” qua. Viên đạn bắn lén của địch găm trúng người Tùng. Máu từ người cậu ấy phọt ra. Tùng nằm vật xuống, người đè lên người tôi. Tôi hốt hoảng:
- Tùng! Tùng... Cậu bị thương rồi.
Tùng không trả lời tôi. Cậu ấy ngất lịm đi. Tôi run run gọi:
- Tiểu đội trưởng ơi!Tùng bị thương...
Tôi được lệnh cõng Tùng quay về hậu cứ. Đưa được Tùng đến bệnh xá thì trời nhá nhem tối. Tôi ở lại bên Tùng cho đến lúc các bác sĩ phẫu thuật lấy viên đạn trong người cậu ra, tôi mới quay lại đơn vị.
Chúng tôi tiếp tục hành quân vào sâu đất Campuchia. Từ đó, tôi không biết tin tức gì về Tùng nữa. Mãi sau này khi đất nước bạn được giải phóng, qua một số bạn bè đồng ngũ, tôi mới biết. Lần đỡ đạn cho tôi, Tùng bị thương khá nặng, cậu ấy nằm ở bệnh xá sư đoàn hơn một tháng, rồi chuyển tiếp về Thành phố Hồ Chí Minh chữa trị. Hơn một tháng đó, Tùng được Bích - cô y tá người Thái Nguyên chăm sóc, và tình cảm của họ nảy nở. Các bạn tôi bảo, không ngờ anh chàng Tùng ấy lại có cả tài làm thơ tán gái. Vết thương nặng, đau đớn thể xác là thế, nhưng rảnh lúc nào là cậu ấy lại làm thơ tình tặng Bích. Nghe đâu thơ của cậu ta cũng không đến nỗi như thơ con cóc, thậm chí có bài nếu gửi báo Văn nghệ cũng sẽ được in. Cô Bích, yêu Tùng một thì say thơ Tùng mười. Những câu thơ viết ở chiến trường mà cũng rất lãng mạn. Đâu như khi tình yêu của hai người bắt đầu chớm nở, Tùng tặng Bích: “Trăng hồng em nở trong mơ / Mảnh vườn sỏi đá bất ngờ lên hương /Trong veo hạt ngọc mắt sương /Đậu lên bối rối vấn vương tơ lòng...”. Rồi đến khi mối tình đã vào độ kết nụ đơm hoa, một đêm trăng, bìa rừng nơi bệnh xá đứng chân, Tùng cũng khá hơn về sức khỏe, cậu ta đưa Bích đi dạo. Dưới ánh trăng ngà ngọc, Tùng bất ngờ ôm Bích, và anh chàng mạnh dạn đặt lên đôi môi của Bích những nụ hôn nồng cháy. Đêm đó, Tùng thao thức viết cho Bích: “Một nụ hôn đẫy đà trăng lụa /Óng ả lên đôi mắt thiên thần/ Giọt trăng non dường như rười rượi /Trên môi hồng ngọt đến ngàn năm...”. Những bài thơ của Tùng tặng Bích không biết sao lại lọt ra ngoài. Không những thương bệnh binh ở bệnh xá, mà cả các y bác sĩ đều thích. Họ hỏi Tùng sao biết làm thơ, Tùng lại tự hào khoe với mọi người, quê anh là nguồn gốc văn học viết ở nước ta, người Hoa Lư dường như ai cũng thẫm đẫm tâm hồn văn chương... Hơn một năm sau, cả hai cùng xuất ngũ, họ làm lễ cưới, Bích về quê chồng làm y tá ở trạm xá xã. Tùng không theo học kế toán nữa, anh chuyển sang làm trang trại nông nghiệp... nuôi gà, nuôi heo, nuôi cá, trồng rau củ sạch, cũng làm ăn được lắm. Sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thiên nhiên của nhân loại, khách du lịch trong và ngoài nước về tham quan ngày một đông. Ẩm thực cũng phát triển, đặc biệt món đặc sản thịt dê được khách du lịch rất chuộng. Để cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho thị trường, Tùng chuyển sang trang trại nuôi dê.
Từ bấy đến nay đã mấy chục năm, anh Tùng thủa nào nay đã lên chức ông nội, ông ngoại. Ngoài sáu mươi rồi nhưng ông vẫn say mê chăn nuôi dê. Dê không chỉ mang đến lợi nhuận kinh tế, mà còn mang đến cho ông những niềm vui. Buổi sáng lùa dê đi ăn, buổi chiều lùa chúng về chuồng. Nghe tiếng mõ lốc cốc buộc ở cổ con dê cụ đầu đàn, ông Tùng háo hức lắm... Đàn dê nhà ông hơn một trăm con, ông bảo: dê được thả ở môi trường tự nhiên, thậm chí có chỗ còn hoang dã, chỗ núi đá vôi nhiều cây lá, chứa nhiều vị thuốc. Ăn thịt dê núi quê ông không những ngon, lành mà còn tăng độ dinh dưỡng. Rồi ông Tùng cười sang sảng bảo tôi; “Đợt này, ông Lý, ông Tuấn và ông ở lại đây, đi chăn dê với tôi... các ông sẽ được thưởng ngoạn di sản Tràng An bồng lai tiên cảnh…”
Trên đường về Tràng An, tôi bâng khuâng nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ. Tôi nhớ nắm lá hái ngoài vườn chữa cơn sốt. Tôi nhớ miếng ăn được san sẻ. Tôi nhớ người đã chấp nhận thương tích để che chắn cho tôi. Tôi nhớ một con người luôn lấy quê hương mình làm niềm tự hào và kiêu hãnh... Đó là Tùng, một người con của Tràng An.
B.H
(TC VNNB Số 292-4/2024)