TRẦN LÂM BÌNH
Ai đã từng xuôi dòng sông Đáy, khi thuyền đi qua khúc sông dưới chân núi phía Đông Bắc của Dục Thúy sơn, đều có thể nhìn thấy tấm bia khá lớn và khá đẹp đang hiện hữu trên một vách đá bằng phẳng, dựng đứng.
Đó là bia ma nhai khắc bài thơ “Xuân Mậu Thân” của Qúy Hương Nguyễn, tên tự của Nguyễn Hữu Tường, quan Tuần phủ Ninh Bình, triều Nguyễn.
Bia khắc ở vách đá cao của núi Dục Thúy, soi bóng xuống giữa dòng sông Đáy, nước luôn chảy xiết. Nói về một nửa sườn núi Dục Thúy nằm chờm ra giữa dòng sông Đáy, tấm bia Đăng Hộ Thành san trên vách núi Dục Thúy của vua Thiệu Trị đã khắc: “Núi này chỉ có một ngọn cao, dựng đứng, một nửa nằm chờm ra giữa dòng sông lớn, uốn lượn quanh co, cúi xuống nhìn thì mặt nước ăn sâu vào vách núi” (Trần Lâm Bình, “Bút tích thơ xưa khắc đá vùng Hoa Lư và đèo Tam Điệp” – Nxb Văn hóa Dân tộc, năm 2019, Tr. 498). Trên vùng đất cố đô Hoa Lư và đèo Tam Điệp có lẽ đây là một trong những tấm bia khó tiếp cận nhất, bởi vị trí bia nằm trên vách núi cheo leo dựng đứng và soi mình xuống giữa dòng sông, nước luôn chảy xiết. Tuy nhiên với phương pháp thủ công, chúng tôi đã đứng trên nóc buồng lái một con tàu lớn thả neo giữa dòng sông, dùng các gậy trúc nhẹ buộc lại với nhau có đánh dấu số đếm để đo đạc độ cao của bia so với mặt nước và kích thước tấm bia. Bia chạm khắc ở độ cao cách mặt nước sông Đáy 4,5 m, có hình chữ nhật ngang, kích thước 192 cm x 123 cm. Vách núi khá rộng, dựng đứng, tương đối bằng phẳng và cạnh đó có một số loài cây hoang dại mọc cheo leo trên vách đá. Để tạo mặt phẳng khắc chữ, những nghệ nhân xưa đã chạm khắc vào vách đá chỗ sâu nhất 11cm, chỗ nông nhất 2 cm so với mặt bằng vách núi. Sau khi để diềm bia rộng 8 cm, ranh giới giữa diềm và mặt bia là một đường “phào” uyển chuyển, duyên dáng rộng 1cm.
Chữ Hán trên mặt bia khắc chìm vào thớ đá theo trình tự từ trên xuống dưới, từ phải sang trái, tất cả gồm có 9 dòng. Theo đó, dòng thứ nhất khắc niên đại bia và cũng là đầu đề bài thơ “Mậu Thân xuân” (xuân Mậu Thân) với cỡ chữ nhỏ hơn so với cỡ chữ trong nội dung bài thơ. Từ dòng thứ 2 đến dòng thứ 6 chạm khắc trọn vẹn nội dung bài thơ tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 7 chữ), trong đó 5 dòng đầu mỗi dòng khắc 5 chữ và dòng thứ sáu có 3 chữ “Dữ tiền tu” được chạm khắc sâu hơn, to hơn so với nét chữ của 5 dòng trước đó. Chữ Hán trên mặt bia khắc thể “chân” rõ ràng, dứt khoát, đường nét thanh thoát, sắc sảo trong từng nét sổ, nét mác biểu hiện bàn tay tài hoa của người thợ chạm khắc đá xưa. Phía trái bia có 2 dòng lạc khoản với cỡ chữ nhỏ bằng 1/3 so với cỡ chữ trong nội dung bài thơ tứ tuyệt. Trong đó, dòng thứ nhất ghi “Ninh Bình phủ viện Quý Hương Nguyễn” và tiếp đến dòng thứ hai “Trùng tu Sơn Thủy tự, chi tác” (nghĩa là: Tại dinh Tuần phủ Ninh Bình, Quý Hương Nguyễn nhân trùng tu chùa Sơn Thủy khắc bài thơ này).
Căn cứ những ghi chép tại hiện trường và các ảnh chụp khi khảo sát thạch dã nguyên bia trên vách núi, chúng tôi chép lại bài thơ chữ Hán, phần lạc khoản và sử dụng bản dịch của tác giả viết bài này, đã in ấn trong tập “Thơ Ninh Bình ngàn năm trên vách đá”:
戊申春
岑嶔碧洞繞寒流
物換星移 经幾秋
靈蹟芳徽深景仰
重營多愧與前修 o
寧平撫院貴鄉阮
重修山水寺之作 o
Phiên âm: Mậu Thân xuân/ Sầm khâm bích động nhiễu hàn lưu/ Vật hoán tinh di kinh kỷ thu/ Linh tích phương huy thâm cảnh ngưỡng/ Trùng doanh đa quý dữ tiền tu/ Ninh Bình phủ viện Quý Hương Nguyễn/ trùng tu Sơn Thủy tự, chi tác.
Dịch nghĩa: Mùa xuân năm Mậu Thân(1848 hoặc 1908)/ Núi cao chót vót, động xanh biếc, có dòng nước lạnh chảy vòng qua/ Vật đổi sao dời, đã trải bấy thu/ Dấu tích chùa linh thiêng, cảnh vật nơi đây tiếng đẹp sâu đậm/ Trùng tu lần này, còn nhiều hổ thẹn khiêm nhường so với việc người xưa đã từng làm (trùng tu chùa)/ Tại dinh Tuần phủ Ninh Bình, Quý Hương Nguyễn nhân/ trùng tu chùa Non Nước, khắc bài thơ này.
Dịch thơ: “Xuân Mậu Thân/ Núi cao, động biếc, dòng sông lạnh/ Vật đổi sao dời, bấy nắng mưa/ Tiếng đẹp, dấu thiêng nơi tiên cảnh/ Sửa chùa, vẫn thẹn với người xưa”. (Trần Lâm Bình dịch - Thơ Ninh Bình ngàn năm trên vách đá - Nxb Hội Nhà văn, 2010, Tr. 208)
Hiện tại, tất cả các chữ Hán trên mặt bia còn rõ nét và dễ đọc. Riêng chữ “nhiễu” (繞) do dòng nước “mó” bào mòn nên đã biến dạng. Vì vậy, chúng tôi phải dựa vào ý cả câu và những nét còn lại của chữ này để xác định cho chính xác.
Về niên đại tấm bia và tên thật của tác giả: Lạc khoản trên mặt bia chỉ khắc duy nhất có 3 chữ “Mậu Thân xuân”. Nhưng từ sau công nguyên đến nay có nhiều lục thập Hoa giáp ứng với thiên can, địa chi Mậu Thân, gần đây nhất là những năm 1788, 1848, 1908, 1968. Căn cứ phần lạc khoản, lịch sử chạm khắc bia đá trên núi Dục Thúy và tìm hiểu nguồn gốc việc xây dựng và sửa chữa chùa Non Nước, thời điểm xuất hiện các địa danh có liên quan... chúng tôi xác định niên đại chạm khắc tấm bia trên, dựa vào những chứng cứ sau:
Địa danh Ninh Bình có từ năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) khi đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình, đến năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) đạo Ninh Bình đổi thành trấn Ninh Bình và 2 năm sau, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831) tỉnh Ninh Bình mới chính thức được thành lập. Trong đó, dòng lạc khoản thứ hai trên mặt bia có ghi “Ninh Bình phủ viện” (nghĩa là: Tại dinh phủ Ninh Bình). Như vậy bia được xác định khắc sau năm 1831 - thời điểm chính thức có địa danh và chính quyền cấp tỉnh (Ninh Bình), nơi Quý Hương Nguyễn đã xúc cảm viết bài thơ tại dinh Tuần phủ và khắc đá trên vách núi Non Nước.
Mặt khác, căn cứ các dòng lạc khoản ở những bia thơ khác khắc trên núi, trong đó có tấm bia khắc đá sau cùng ở đỉnh phía Đông Dục Thúy sơn với dòng lạc khoản “Bảo Đại thập bát mạnh đông nguyệt cán, Ninh Bình Tuần phủ Từ Bộ Thực” (nghĩa là: Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 18, thượng tuần tháng đầu mùa đông (đầu tháng 10, năm 1943), Tuần phủ Ninh Bình là Từ Bộ Thực). Đồng thời, tiếp xúc với những cán bộ quản lý ngành Văn hóa địa phương và nhất là những bậc cao niên đã từng coi giữ di tích danh thắng núi Dục Thúy, thì từ sau năm 1943 (thời điểm khắc tấm bia đá cuối cùng của Tuần phủ Từ Bộ Thực đến nay, trong đó có thời điểm năm Mậu Thân - 1968), trên núi Dục Thúy không có văn bia nào được chạm khắc thêm (trừ tấm biển chữ quốc ngữ ghi mốc thời gian “Kỷ niệm hoàn thành cầu Ninh Bình ngày 10 tháng 4 năm 1953” ở chân núi phía Đông Nam và khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, khắc ở vách núi phía Bắc của Dục Thúy sơn).
Qua những lập luận trên, chúng tôi xác định bia “Xuân Mậu Thân” được khắc vào mùa xuân năm Mậu Thân, thời đoạn sau năm 1831 đến trước năm 1943, ứng với can chi lục thập Hoa giáp là năm 1848 hoặc 1908.
Tuy nhiên, khi xem xét một cách chỉnh thể về hệ thống văn bia trên núi Dục Thúy, ta gặp một tấm bia cùng hướng Đông Bắc phía sông Đáy, chạm khắc bức Đại tự với 4 chữ Hán lớn “Y nhiên thiên cổ” (Ngàn xưa vẫn thế). Phía trái bức Đại tự có dòng lạc khoản “Phủ viện Quý Hương Nguyễn đề” và dòng lạc khoản phía phải “Duy Tân nhị niên xuân” (nghĩa là: Tại dinh phủ Quý Hương Nguyễn viết và khắc bức Đại tự vào mùa xuân niên hiệu Duy Tân thứ 2 (mùa xuân năm 1908). Đồng thời, tại tấm bia phía Nam, cạnh lối đi lên đỉnh núi, dòng lạc khoản ghi là “Ninh Bình tuần phủ Quý Hương Nguyễn Hữu Tường phụng đề” với niên đại bia “Thành Thái Bính Ngọ thu” (nghĩa là: Tuần phủ Ninh Bình Quý Hương Nguyễn Hữu Tường đề thơ vào mùa thu, đời vua Thành Thái (mùa thu năm 1906).
Như vậy, từ dòng lạc khoản của 2 tấm bia chạm khắc 2 bài thơ và bức Đại tự, chúng ta có đầy đủ căn cứ để xác định niên đại tấm bia “Mậu Thân xuân” của Phủ viện Quý Hương Nguyễn. Theo đó, tấm bia “Dục Thúy tự danh sơn” của Tuần phủ Ninh Bình Nguyễn Hữu Tường và bức Đại tự “Y nhiên thiên cổ” của Phủ viện Quý Hương Nguyễn là bút tích cùng một tác giả đề vịnh và cho khắc chữ. Từ đây, chúng ta có thể xác định được bia “Mậu Thân xuân” do Nguyễn Hữu Tường viết và tạo lập vào mùa xuân, năm Mậu Thân - 1908, nhưng dùng tên tự Quý Hương Nguyễn chạm khắc ở dòng lạc khoản. Tác giả Nguyễn Hữu Tường, vào thời điểm ấy là quan Tuần phủ tỉnh Ninh Bình đương nhiệm, đã chạm khắc trong phần lạc khoản tên thường gọi Nguyễn Hữu Tường và tên hiệu Quý Hương trên tấm bia “Dục Thúy tự danh sơn”; tên tự Quý Hương Nguyễn trên tấm bia “Mậu Thân xuân” và bức đại tự “Y nhiên thiên cổ”.
Vĩ thanh: Đến thời điểm này, chúng tôi chưa thấy có tài liệu nào ghi chép chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ tấm bia ma nhai trên của Quý Hương Nguyễn (kể cả tài liệu của thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tài liệu lưu trữ của Viện Văn học Việt Nam). Tuy nhiên, bất kỳ ai đã từng xuôi dòng sông Đáy, khi thuyền đi qua khúc sông nước chảy xiết dưới chân núi phía Đông Bắc của Dục Thúy sơn đều có thể thấy “nhãn tiền” tấm bia “Mậu Thân xuân” bề thế và khá đẹp đang hiện hữu trên một vách đá bằng phẳng. Một câu hỏi được đặt ra là: Một tấm bia khá lớn, cầu kỳ khắc một bài thơ hay trên vách đá, cùng với những bia thơ của các bậc vua chúa, trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa và bao tao nhân mặc khách trong bảy thế kỷ qua, xuyên suốt chiều dày các triều đại phong kiến Việt Nam ở núi Dục Thúy. Nhưng tại sao với những bài thơ khác thì đã được người xưa sưu tầm, in ấn cho ra mắt bạn đọc, riêng bia đá khắc bài thơ “Xuân Mậu Thân” của tác giả Quý Hương Nguyễn cho đến nay mới được sưu tầm, dịch thuật...?
T.L.B