Thứ sáu, 13/09/2024

Lớp học của các loài chim

Thứ ba, 31/01/2023

Truyện ngắn của TRƯƠNG TẤN SANG

Học sinh lớp 11A, Trường THPT Ninh Bình - Bạc Liêu

(Giải Nhì Cuộc thi Sáng tác Thơ, Truyện ngắn ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình năm 2022)

Tôi sinh ra và lớn lên, trên một vùng quê nghèo của một xã miền núi, nơi mà mọi người vẫn thường gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Gia đình tôi có hai anh em trai. Anh tôi là Hiếu, còn tôi là Sang. Các cụ sinh ra bố mẹ chúng tôi đông anh chị em lắm, mỗi bên đều có tới tám người con, theo như các cụ xưa thì “đôi bên gia đình của bố mẹ tôi là có phúc” thì mới đông con như thế. Bố mẹ tôi làm nghề tự do, không có công ăn việc làm ổn định. Khi hai bố mẹ tôi đến với nhau chỉ bằng hai bàn tay trắng, không có của cải để lại. Bố mẹ tôi chịu thương, chịu khó, chăm chỉ, làm việc, làm lụng vất vả, cần mẫn nuôi con, lo cho anh em chúng tôi ăn học. Sống chung trong ngôi nhà nhỏ ấy, gia đình tôi có nhiều thế hệ cùng chung sống. Thời buổi kinh tế eo hẹp, thiên tai hạn hán kéo dài, khiến gia đình chúng tôi càng trở nên nghèo túng. Ở quê nghèo đó, công ăn việc làm ngày càng khó khăn. Việc kiếm đồng tiền ngày càng khan hiếm. Nhà tôi ở xa trường nên việc đi lại, học tập của anh em chúng tôi cũng gặp nhiều trắc trở. Một hôm, bố mẹ tôi bàn nhau:

- Vợ chồng mình sức dài vai rộng mà cứ ở vùng quê nghèo này thì cũng đến túng quẫn mất!

- Nghe nói ngoài thành phố kiếm công ăn việc làm dễ lắm!

- Ra ngoài đó cho các con đi học thuận lợi.

Một ngày hè nọ, bố mẹ tôi quyết định đưa chúng tôi ra thành phố để kiếm sống. Đi ra thành phố nhưng bố mẹ tôi không có một đồng dự trữ. Cả nhà tôi ra đi hai bàn tay trắng để lập nghiệp nơi thành thị. Ban đầu, bố tôi đi thuê một phòng trọ chỉ có mấy mét vuông thôi, để ở tạm. Chủ nhà đồng ý cho ở, nhưng sau đó họ bắt đặt cọc tháng đầu. Lúc đó mới xuống, bố mẹ tôi đã làm gì đâu mà có tiền để trả. Bố tôi xin khất mấy bữa để đi làm có tiền rồi sẽ trả nhưng họ không nghe. Đang đêm, họ đuổi cả nhà tôi ra ngoài khóa cửa lại. Đêm đó cả nhà chẳng biết đi đâu, đành trải chiếu, nằm ngủ tạm ngoài đường. Bố mẹ tôi thức để quạt, đuổi muỗi cho hai anh em tôi ngủ. Mặc dù ngủ say, nhưng tôi vẫn nghe thấy bố mẹ tôi bảo: “Muỗi ở thành phố sao mà to thế!”. Đến tận khuya, bác hàng xóm cạnh phòng trọ, mở cửa ra mới biết cơ sự của gia đình tôi, bác vội bảo:

- Ấy chết, sao anh chị lại để các cháu ngủ ngoài đường thế này!

- Anh chị đưa các cháu ngay vào nhà tôi ngủ tạm đi, sáng mai rồi hãy tính!

 

Nhận được lời mời, lời đề nghị của bác, bố mẹ tôi mừng rối rít. Vừa vào đến nhà, bác chủ nhà vội hỏi:

- Chắc anh chị và các cháu chưa được ăn uống gì phải không?

- Dạ! - Tiếng dạ của bố tôi rụt rè làm bác chủ nhà biết ngay là cả nhà tôi chưa được ăn uống gì. Chính vì nể bác đã cho nhà tôi vào ngủ qua đêm nên bố tôi không muốn phiền bác thêm nữa. Thực tình bữa tối của cả nhà tôi mỗi người mới chỉ có nửa cái bánh mì rồi uống nước cho qua bữa. Thấy vậy bác chủ nhà bảo:

- Anh chị và các cháu cứ đi tắm giặt thoải mái đi. Tôi đi nấu chút gì cho anh chị và các cháu ăn!

Thoáng một lúc sau, bác chủ nhà đã nấu xong một mâm cơm khá “thịnh soạn” đãi gia đình tôi - Những người khách bất đắc dĩ. Thế là cả nhà tôi được một bữa cơm ngon no nê. Tối hôm ấy, cả nhà tôi lại có chỗ nghỉ tử tế, quạt điện, điều hoà mát lạnh. Sự giúp đỡ của bác chủ nhà đối với gia đình tôi trong lúc sa cơ, lỡ vận thật quý, đáng nhớ mà tôi không sao quên được.

Sáng hôm sau, bố mẹ tôi lại tích cực rong ruổi đi tìm nhà. Bố mẹ tôi chia nhau ra đi vào các con hẻm nhỏ để tìm nhà cho rẻ. Đến gần chiều, tại một phố nhỏ, bố tôi hỏi thuê được một phòng trọ khép kín rộng chỉ vẻn vẹn có mấy mét vuông thôi. Bố tôi xin khất chủ nhà, đi làm có tiền rồi sẽ trả, xin mãi, cuối cùng họ cũng mở lòng thương cho hoàn cảnh nhà tôi. Mặc dù chật chội nhưng vì không có điều kiện nên gia đình tôi đành chịu ăn ở tạm vậy. Cả nhà tôi đều nghĩ: “Thế là tốt lắm rồi, miễn là có chỗ ở”. Ổn định chỗ ở, bố mẹ tôi đi tìm xin cho anh em tôi vào trường học gần nơi ở trọ. Lúc đó tôi bắt đầu vào lớp một, còn anh tôi vào lớp tám. Thế là cả nhà tôi đã có chỗ ở, anh em tôi cũng đã ổn định chỗ học tập. Tuy phòng chật hẹp nhưng cả nhà tôi ai cũng ao ước: “Bao giờ nhà mình có căn phòng như thế này”. Cứ tối cả nhà trải chiếu ra ngủ, ban ngày lại dọn lên làm chỗ nấu ăn, chỗ học tập cho anh em tôi.

Hằng ngày, bố mẹ tôi đi tìm chỗ làm thuê. Ban đầu mới và lạ lẫm nên bố mẹ tôi rất khó kiếm được việc làm. Có nhiều ngày tìm mãi cũng chẳng được ai thuê. Những hôm đó, cả nhà tôi đành nhịn đói. May mà các bác hàng xóm nơi trọ tốt bụng đã cho anh em tôi ăn cơm. Dần dần bố tôi cũng tìm được công việc bốc vác thuê, còn mẹ tôi đi rửa bát thuê cho một nhà hàng ăn uống. Có được chút công việc làm, thì gia đình tôi mới có tiền để lo việc cơm nước hằng ngày. Ở thành phố, cái gì cũng đắt đỏ nên mấy đồng bạc bố mẹ tôi kiếm được cũng chẳng đủ để trang trải cuộc sống cho cả gia đình.

Hôm ấy, sắp đến ngày khai giảng, bao nhiêu mơ ước đẹp đẽ cứ hiện ra trước mắt anh em tôi: Toàn là những thứ đồ tốt đẹp, nào là quần áo, sách vở,...; rồi anh em tôi được gặp thầy cô và bạn bè mới cùng trang lứa; ở đó chúng tôi sẽ được học tập, được vui chơi, nô đùa cùng bè bạn. Nhiều đêm, anh em tôi thao thức không sao ngủ được. Ngày khai trường đã đến, sáng hôm ấy, cả nhà tôi dậy thật sớm để chuẩn bị đi khai giảng. Anh em tôi không có quần áo mới, không có dép đẹp, cặp cũng chỉ là một chiếc cặp cũ mà mẹ tôi xin của một người bạn về sửa và khâu lại,... Anh em chúng tôi đều biết điều kiện nhà mình đang khó khăn nên đành vui vẻ vậy. Chúng tôi không dám đòi hỏi, bởi có đòi hỏi, lúc này cũng không có.

Tôi được mẹ dắt đến trường. Trên đường đi, hai mẹ con nắm tay nhau nói chuyện vui vẻ. Chẳng mấy chốc, ngôi trường đã hiện ra trước mắt. Khi đến cổng trường, đôi chân tôi như sững lại, tôi rất ngạc nhiên bởi ngôi trường đẹp quá! Trên sân trường, các thầy cô giáo, các anh các chị lớp lớn và các bạn đang tất bật chuẩn bị cho buổi khai giảng. Hôm nay, học trò kéo nhau về đây dự ngày khai giảng đông vui như trẩy hội. Các bạn, ai cũng có quần áo mới, giày dép đẹp, ai nấy đều rất vui, trò chuyện với nhau tíu tít. Lúc đó tôi như muốn kéo mẹ lại, tôi cúi đầu xuống nhìn bộ quần áo cũ kỹ của mình và đôi dép rách đã sứt mũi mà mẹ đã mua từ lâu. Tôi nhìn lên, thấy nét mặt mẹ tôi thoáng buồn, chắc mẹ cũng cảm thấy tủi thân cho tôi. Rồi mắt mẹ chớp chớp, đỏ hoe, hai hàng nước mắt lăn trên gò má chai sạm. Lúc này, tôi cảm thấy thương mẹ quá! Nhìn sâu vào mắt mẹ, tôi bảo:

- Mẹ ơi, mẹ không phải buồn! Con ăn mặc thế này không sao đâu! Sau này con sẽ cố gắng học giỏi là được!

Tạm biệt mẹ, tôi bước vào lớp với nét mặt tự tin, vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Tôi lễ phép chào các thầy, các cô và làm quen với các bạn. Ban đầu nhìn thấy tôi ai cũng cảm thấy e ngại, khó gần. Nhưng thấy đồ của tôi tuy cũ nhưng gọn gàng, sạch sẽ, nét mặt hiền lành, ngoan ngoãn, vui vẻ, nên ai cũng quý mến. Lớp tôi do cô Hương làm chủ nhiệm. Cô có giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, ngọt ngào mà ân cần, thân thiện, làm cả lớp ai cũng quý mến cô. Sau khi khai giảng xong, chúng tôi trở về lớp học. Buổi học đầu tiên diễn ra thật vui vẻ, tôi được cả lớp tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Ra về, tôi tung tăng tay trong tay với các bạn cùng lớp. Tôi rảo bước bước trên những con phố nhỏ, mà lòng đầy phấn khởi.

Từ đó tôi chăm chỉ học tập, chữ viết của tôi cũng rất đẹp, ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ khen ngợi. Bởi vậy, tôi được thầy cô và bạn bè yêu mến. Tôi không những học giỏi mà còn có ý thức tốt. Trong lớp tôi luôn giữ trật tự và lắng nghe cô giáo giảng bài để hiểu bài và hoàn thành bài ngay tại lớp. Tôi còn biết giúp đỡ các bạn học yếu, nên bạn nào cũng tiến bộ. Tôi luôn nhắc nhở các bạn trong lớp phải biết giữ vệ sinh chung, giữ gìn của công trong nhà trường, để ngôi trường luôn an toàn, xanh, sạch, đẹp.

Cứ mỗi buổi chiều tà, mặc dù rất bận rộn, nhưng bố tôi vẫn tranh thủ thời gian ít ỏi, dẫn tôi đi bộ thong dong trên vỉa hè khu công sở của thành phố. Trước các công sở là những hàng cây cổ thụ cao vút, sum suê rợp bóng mát. Tại đây, cứ đến xẩm tối là các loài chim ở đâu bay về rất đông. Chúng đậu trên những vòm cây cao hót ríu rít. Lúc đó tôi mới sáu tuổi, cái tuổi đầy hồn nhiên, ngây thơ, tôi hỏi bố:

- Bố ơi, ở đây sao có nhiều chim vậy? Chúng đang làm gì trên cây mà vui nhộn thế?

Bố kéo tay tôi, ngồi xuống nghỉ giải lao và bố giải thích cho tôi hiểu:

- Trên mỗi ngọn cây cao kia là một lớp học. Tất cả các lùm cây cao kia là trường học của các loài chim đấy con ạ! Ban ngày chúng mải đi kiếm ăn, tối đến chúng rủ nhau về đây học tập. Ở đó có đủ các bạn chim: nào là vành khuyên, vàng anh, chào mào, chích chòe, sáo nâu, khướu, họa mi, sẻ, chích,... - Bố tôi nói chưa hết tôi đã vội hỏi một thôi:

- Thế lớp học của các bạn chim có bàn ghế không? Lớp học có bảng không? Các bạn ấy viết bằng gì hả bố? Cô giáo dạy các bạn ấy là ai?...

Bố tôi lại chậm rãi giải thích, cắt nghĩa cho tôi:

- Lớp học của các bạn chim không kê được bàn ghế, bảng như lớp học của các con đâu. Các bạn ấy đứng trên các cành cây để học tập, ấy thế mà các bạn học tập rất giỏi và chăm chỉ con ạ! Vở viết của các bạn là những lá cây, còn bút viết của các bạn ấy chính là cái mỏ đấy! Cô giáo dạy các bạn ấy là cô Sơn Ca. Cô Sơn Ca dạy rất giỏi, cô có giọng hát rất hay!

- Thế các bạn ấy học những môn gì? Có học toán, tiếng Việt như chúng con không? - Tôi hỏi bố.

- Không! Các bạn ấy học chương trình riêng của các loài chim. Các bạn ấy cũng tập đọc, đánh vần, tập viết và làm toán,… Nhưng các bạn ấy học nhiều về môn âm nhạc, mĩ thuật, tức là học hát, học vẽ nên các bạn ấy hát rất hay.

- Thế các bạn ấy vẽ những gì? Sao các bạn ấy đứng trên cành cây mà không sợ bị ngã bố nhỉ? - Tôi hỏi thêm.

- Các bạn ấy vẽ hoa, vẽ lá, nên cây cối lúc nào cũng nở hoa, cây lá lúc nào cũng xanh um, tươi tốt đấy con ạ! Con biết đấy! Tất cả các bạn chim ai cũng gắng khổ luyện thành tài đấy!

- Đúng là các bạn ấy có công mài sắt, có ngày nên kim!

- Còn con có biết tại sao các bạn ấy đứng trên cành cây mà không sợ bị ngã? Vì chính là các bạn ấy chăm chỉ học tập, rèn luyện, nên tất cả ai cũng có một đôi cánh tri thức vững chắc. Bởi vậy các bạn ấy rất tự tin. Dẫu cành cây có gãy hay bão táp mưa sa, thì đôi cánh ấy vẫn có thể bay cao, bay xa lên bầu trời.

- Thế đôi cánh tri thức là gì hả bố? - Tôi lại hỏi tiếp.

- Đôi cánh tri thức là do quá trình học tập chăm chỉ, siêng năng, cần cù, sáng tạo, lâu dần sẽ tích lũy cho ta có nhiều vốn sống, vốn hiểu biết, nhiều vốn kiến thức văn hóa trong sách vở cũng như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đời thường. Với các bạn chim kiến thức được tích lũy vào cho đôi cánh thêm vững chắc, để các bạn ấy có thể bay thật cao, thật xa mà không biết mỏi khi không có cha mẹ ở bên.

Nghe bố giải thích tôi đã hiểu và rất vui! Bố tôi còn căn dặn thêm:

- Sau này con phải học tập chăm chỉ, siêng năng như các bạn chim! Để sau này lớn lên có một hành trang trí thức để tự bước vào cuộc sống, kiếm công ăn việc làm ổn định và làm những điều có ích cho xã hội. Ở nhà các con phải biết nghe lời ông bà, cha mẹ, người lớn. Đến trường, các con phải biết lễ phép, vâng lời thầy cô và yêu quý bạn bè!

            Từ đấy, cứ mỗi buổi chiều đến tôi lại mong ngóng để được cùng bố qua lớp học của các loài chim để xem chúng học tập và nghe chúng ca hát. Những lúc nghe chúng học bài chăm chỉ, say sưa, trong lòng tôi thầm hứa: “Mình sẽ thi đua học tập với các loài chim, mình càng phải chăm chỉ học tập để chắp cho mình đôi cánh tri thức”.

Tuy nhà nghèo, nhưng tôi luôn biết chia sẻ cùng mọi người. Một hôm, trên đường đi học về, tôi nhặt được một bọc tiền của ai đánh rơi. Tôi mừng lắm:

- Ôi!... Tiền! - Cầm bọc tiền trên tay, tôi nghĩ: “Nếu nhà mình có được số tiền nhiều thế này thì gia đình cũng bớt khó khăn, tôi sẽ có quần áo mới, chiếc cặp mới, đôi dép đẹp, bố mẹ tôi cũng đỡ vất vả hơn”. Nhưng tôi chợt nhớ lời cô giáo dạy: “Khi nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất” và tôi nghĩ “Nếu người đánh mất tiền cũng có hoàn cảnh khó khăn như nhà mình thì sao?”. Tôi thấy thương cho họ, chắc lúc này họ cũng đang buồn lắm! Thế rồi tôi quyết định đem túi tiền đến gặp cô giáo và nhờ cô trả lại người đánh mất.

Cô Hương xoa đầu tôi và bảo:

- Em ngoan lắm, em thật đáng khen, cô rất tự hào về em!

 Tôi bước ra về trong lòng thật vui vì tôi đã làm được một việc tốt. Mỗi buổi đi học về, tôi tranh thủ giúp đỡ cha mẹ những việc làm vừa sức. Những lúc rỗi rãi tôi lại mang sách ra học. Ở xóm trọ, tôi có một bạn cùng lớp tên là Nghĩa. Hai chúng tôi rất thân thiết với nhau. Mỗi buổi đi học về, chúng tôi cùng nhau vui chơi, cùng nhau học tập. Những lúc gặp bài khó tôi và Nghĩa thường trao đổi với nhau, tìm ra kết quả nên chúng tôi học tập ngày càng tiến bộ. Đôi bạn chúng tôi đã trở thành học sinh giỏi của lớp. Tuy chúng tôi thân nhau, nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Nhà Nghĩa bố mẹ  làm việc nhà nước có đồng lương nên gia đình cũng ổn định. Còn nhà tôi, cha mẹ làm nghề tự do, công việc không ổn định nên nhà tôi rất nghèo. Nghĩa thương tôi nên hễ có cái gì ăn, Nghĩa cũng để một phần cho tôi. Được bạn chia sẻ những lúc khó khăn, tôi vô cùng cảm động.

Vào một buổi tối, cả nhà khép cửa để anh em tôi học bài. Bỗng tôi nghe thấy tiếng lạch cạch bên ngoài, tôi bảo mẹ mở cửa ra thì thấy quần áo bị thằng nghiện vơ hết và chạy mất hút. Thế là chúng đã lấy những bộ quần áo đẹp nhất của anh em tôi. Nhà tôi đã khó khăn mà chúng cũng chẳng tha. Càng nghĩ tôi càng tiếc của và tôi lại không còn quần áo đẹp nữa.

Mỗi ngày trôi qua, là mỗi ngày tôi đều qua lớp học của các loài chim để nghe chúng ca hát. Ngày nào mà không ra được hoặc những ngày mưa to, gió lớn là tôi lại thấp thỏm “Không biết hôm nay các bạn chim học gì, lớp học của các bạn ấy có được an toàn không?”. Sau khi học hết kì một của năm học, thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Đại dịch xảy ra như là chiến tranh. Lúc đó, xe cứu thương suốt ngày đêm gầm rú, chở bệnh nhân Covid-19 đi cấp cứu. Cảnh các bác sĩ trong bệnh viện ngày đêm mất ăn, mất ngủ, chịu đói, chịu khát để tranh thủ từng giờ, từng phút cứu sống lấy tính mạng bệnh nhân. Cùng với các bác sĩ là lực lượng các chú công an, bộ đội, dân phòng, các tổ dân phố, phụ nữ, đoàn thanh niên, tổ Covid-19 cộng đồng, các nhà hảo tâm,... tất cả cùng tham gia chống dịch. Tất cả họ phải hy sinh hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cá nhân, để lao vào tâm dịch. Lúc này, chủ trương của Đảng, của Chính phủ và ngành Y tế phát động thông điệp “ai ở đâu thì ở yên đó”. Ai không có công việc thiết yếu, không cần thiết thì không được ra đường, vì vậy tất cả mọi người đều ở yên trong nhà. Học sinh chúng tôi phải nghỉ học ở trường và học trực tuyến ở nhà. Lúc ấy, nhà tôi đến ăn còn không có, huống chi là thiết bị học trực tuyến. Bố mẹ tôi chỉ có cái điện thoại “cục gạch” để nghe gọi nên tôi chẳng có gì để học. Mất mấy ngày đầu tôi không được học, suốt ngày ngồi trong nhà chẳng biết làm gì. Mấy hôm sau, bố mẹ Nghĩa hiểu cho hoàn cảnh nhà tôi, nên bố mẹ Nghĩa gọi bảo:

- Anh chị ơi, anh chị cho cháu Sang sang bên nhà em học chung máy với cháu Nghĩa nhà em đi! Chắc mấy hôm rồi cháu Sang không học hành được gì! Anh chị đừng ngại, cứ cho cháu sang đây! Dạo này mọi người đều ở nhà nên chắc an toàn, không lo dịch bệnh đâu!

Thấy bố mẹ Nghĩa nói vậy, bố mẹ tôi mừng lắm. Thế là tôi lại tiếp tục được học tập. Những lúc rảnh rỗi tôi lại được cùng Nghĩa vui chơi.

Từ ngày dịch bệnh ập đến, ở nhà học trực tuyến, tôi không còn được nghe các loài chim ca hát. Không ra được, tôi luôn lo âu và thấp thỏm, tôi hỏi bố:

- Bố ơi, dịch bệnh thế này, không biết các bạn chim có được đến trường học trực tiếp không? Hay các bạn ấy cũng phải học trực tuyến như chúng con? Không biết các bạn có đủ máy tính, điện thoại để học không? Những bạn không có máy để học thì không biết có ai cho các bạn học nhờ hay tặng máy cho các bạn không nhỉ?

Bố tôi liền bảo:

- Có chứ, các bạn ấy cũng học trực tuyến như các con mà! Bạn nào không có máy để học cũng sẽ được bạn bè, hàng xóm giúp đỡ như con. Những bạn khó khăn còn được tặng máy tính hoặc điện thoại của chương trình “Sóng và máy tính cho em” cơ đấy!

Thấm thoát đã một tuần trôi qua, bố mẹ tôi phải ở nhà phòng dịch bệnh nên lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu của nhà tôi đã hết. Mấy hôm nay, nhà tôi chỉ gọi là ăn uống để cầm hơi. Thấy vậy, đến bữa, bố mẹ Nghĩa lại gọi tôi sang ăn cơm cùng. Lúc đó tôi cảm thấy thật sung sướng. Tôi thầm nghĩ, sao mà bố mẹ Nghĩa tốt thế! Trong lòng tôi luôn cảm thấy biết ơn cô chú ấy! Tôi được ăn uống no nê nhưng lại nghĩ thương anh, thương bố mẹ nên mặt tôi lại buồn. Thấy tôi buồn bố Nghĩa liền tỉ tê hỏi:

- Sang ơi, sao cháu lại buồn vậy? Nhà cô chú có điều gì làm cháu không hài lòng à?

- Dạ, không có gì chú à! - Tôi ấp úng trả lời.

Thấy vậy bố Nghĩa lại gặng hỏi:

- Sang à, cháu là đứa rất ngoan, chú cô rất quý cháu, coi cháu như con, nên có điều gì cháu đừng giấu cô chú! Thế là tôi buộc phải nói sự thật:

- Chú à, cháu được cô chú yêu quý, cho cháu ăn no, cháu no rồi, thì cháu càng thương bố mẹ và anh cháu không có gì mà ăn, chắc đang đói lắm!

Nghe tôi nói vậy, bố mẹ Nghĩa cười xòa và xoa đầu tôi. Mẹ Nghĩa chạy vào mở thùng gạo ra, tôi thấy cô ấy nhìn chăm chăm vào thùng rồi lại quay ra nhìn tôi vẻ phân vân. Tôi biết chắc chắn gạo nhà cô chú ấy cũng chẳng còn. Nhưng không hề lưỡng lự, cô ấy vét nốt số gạo cuối cùng còn lại mang sang cho nhà tôi. Bố mẹ tôi cảm động lắm. Bố mẹ tôi không quên cảm ơn cô chú ấy. Tôi biết đến lúc này nhà cô chú ấy gạo cũng đã hết, thế mà vẫn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo với gia đình tôi.

Những ngày sau đó, nhà tôi đã được bà con lối phố, tổ Covid-19 cộng đồng giúp đỡ, sẻ chia. Hàng ngày họ mang lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đến chia sẻ. Họ treo ở trước cửa rồi gọi mẹ tôi ra nhận. Lúc đó, mẹ tôi cầm bình xịt khuẩn ra xịt rồi mang vào, bỏ lớp túi ni lông đi là an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, trong một thời gian dài ngày nào gia đình tôi cũng như các gia đình khó khăn khác đều nhận được những xuất ăn miễn phí. Được những bữa ăn ngon, ăn no, cả nhà tôi vô cùng sung sướng. Bữa nào mà không có sự giúp đỡ trực tiếp, kịp thời, thì bố mẹ tôi cũng như bao nhiêu người khó khăn khác thực hiện 5K và đến cây “ATM gạo” và các “Siêu thị 0 đồng” để lấy lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu về dùng. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đã thoát qua cơn hoạn nạn đáng sợ của dịch bệnh này. Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi ngày qua đi là chuỗi những tháng ngày vất vả của mỗi gia đình. Tôi thầm nghĩ: “Sao trong lúc dịch bệnh nguy hiểm, phức tạp thế này mà lại xuất hiện nhiều tấm lòng thơm thảo, nhiều sự sẻ chia của các nhà hảo tâm đến vậy!”. Đang lúc rối bời, bố mẹ tôi nhận được cuộc gọi điện thoại của chủ nhà cho thuê gọi đến, bố tôi cầm điện thoại nghe mà lo sợ:

- A lô, bác chủ nhà đấy à, tôi xin nghe đây ạ! - Giọng bố tôi run run.

- Anh à! - Nghe đến đây, bố tôi đã giật mình thon thót, bởi bây giờ chủ nhà mà đòi tiền thuê trọ thì cả nhà tôi chỉ có mà ra đường. Mà dịch bệnh thế này thì đi đâu? Bác chủ nhà nói tiếp - Tình hình dịch bệnh căng quá, cuộc sống càng ngày càng khó khăn!

- Dạ! - Tiếng “dạ” của bố tôi với chủ nhà sao mà yếu ớt, dè dặt.

- Tôi biết anh chị và các cháu đang trong hoàn cảnh khó khăn! Nên tháng tiền thuê nhà này, cũng như các tháng tiếp theo, cho đến khi hết dịch bệnh. (Nghe đến đây, bố tôi không còn bình tĩnh được nữa bởi số tiền quá lớn với gia đình tôi).

- Tôi sẽ miễn toàn bộ tiền thuê nhà, tiền điện nước cho anh chị và các cháu, mặc dù tôi cũng không dư dả gì!

Nghe đến đây bố tôi mới hoàn hồn, ông vô cùng sung sướng như muốn nhảy cẫng lên hò reo:

- Tôi cảm ơn bác! Cảm ơn bác, bác tốt quá! Trong lúc khó khăn dịch bệnh thế này mà được bác giúp đỡ, chia sẻ thế, vợ chồng chúng em không biết lấy gì để đền ơn bác đây!

Rồi bố mẹ tôi bảo hai anh em chúng tôi:

- Trong lúc khó khăn mới thấy nhiều tấm lòng thơm thảo! Đúng là một miếng khi đói, bằng một gói khi no các con à! Nhà mình mà không có mọi người giúp đỡ, chia sẻ thì không biết sẽ ra sao! Chúng ta phải biết ơn các tổ chức, cá nhân, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm,... đã cứu giúp kịp thời không thì cả nhà mình chết đói mất! Mình cũng phải biết ơn Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo rất kịp thời! Sau này, các con cố gắng học tập để thành người và luôn phải làm những điều tốt nhất cho xã hội, cho mọi người!

Lòng mong mỏi và ước mơ của bố mẹ tôi, xây dựng cho anh em tôi một cuộc sống bình yên nơi đô thị phồn hoa đã tan thành mây khói. Một hôm, cả bố mẹ tôi đều bị mắc Covid-19. Họ đưa bố mẹ tôi đi cách ly tập trung. Do vất vả, lam lũ, ăn uống thiếu thốn nên bố mẹ tôi đều bị kiệt sức. Ngày bố mẹ tôi đi cách ly cũng là cái ngày “Định mệnh” mà anh em tôi không còn được gặp lại bố mẹ nữa. Bố mẹ tôi đã không qua khỏi cơn nguy kịch, bố mẹ tôi ra đi mãi mãi về cõi vĩnh hằng, không một lời trăng trối, không một lời vĩnh biệt. Nhận được tin bố mẹ tôi đã chết vì Covid-19 hai anh em chúng tôi vô cùng tuyệt vọng. Thế là mọi mơ ước cuộc sống thành phố của bố mẹ tôi đang còn dang dở. Anh em chúng tôi chỉ còn biết ôm nhau mà khóc. Ở đây, anh em chúng tôi không còn nơi nương tựa, không còn người thân thích. Chúng tôi đã trở thành những đứa trẻ bơ vơ, dịch Covid-19 đã buộc anh em chúng tôi trở thành những đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Ước mơ tươi sáng của anh em chúng tôi đã bị đứt gãy. Chúng tôi đau xót vì ngày mai chúng tôi sẽ sống ra sao?

Anh em tôi thắp hương cho cha mẹ mà không cầm được nước mắt!

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và sự quyết tâm của ngành Y tế, dịch bệnh dần cũng đã được khống chế. Số ca nhiễm mỗi ngày cũng giảm, nhất là bệnh nhân nặng cũng giảm đi rõ rệt. Ngày quay trở về quê của hai anh em chúng tôi cũng sẽ không xa. Trong lúc anh em chúng tôi mất cha, mất mẹ, chúng tôi đã được hàng xóm cưu mang, quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, động viên cho anh em tôi nên sự đau xót, mất mát cũng vơi đi phần nào. Bố mẹ Nghĩa động viên và đề nghị anh em chúng tôi:

- Hai cháu ở lại cùng với Nghĩa, làm con nuôi chú cô đi! Chú cô sẽ coi các cháu như con và sẽ nuôi cho các cháu ăn học thành tài!

- Chúng cháu rất biết ơn chú cô! Lúc này anh em cháu cũng chưa biết quyết định thế nào! Chú cô để chúng cháu suy nghĩ thêm đã ạ! - Anh em tôi nói với chú.

Một ngày kia, hai anh em chúng tôi được người thân ra đón quay trở về quê sinh sống. Ngày gia đình tôi bước chân ra thành phố hồ hởi, phấn khởi bao nhiêu, thì ngày trở về đau xót, buồn tủi bấy nhiêu. Ngày đi có cả cha lẫn mẹ, còn ngày trở về chỉ còn hai đứa trẻ mồ côi tay ôm hai hũ tro cốt của cha mẹ trong vòng tay nhỏ bé... Bà con phố xóm đứng thành hai hàng dài tổ chức tiễn đưa cha mẹ chúng tôi. Hai anh em tôi lững thững bước đi giữa hai hàng nước mắt sụt sùi của mọi người.

Lúc này Nghĩa vội chạy ra túm lấy áo tôi và khóc:

- Sang ơi, cậu đừng đi! Cậu hãy ở lại với tớ đi!

Thế là cả hai chúng tôi đều khóc nức nở, tôi không sao cầm được nước mắt. Hàng xóm cảm động quá, cùng khóc theo. Buổi tiễn đưa, buổi chia tay là một ngày đẫm lệ.

Tạm biệt thành phố thân yêu, tạm biệt những người bạn thân thiết, tạm biệt hàng xóm nghĩa tình, anh em tôi quay trở về quê hương yêu dấu, nơi chôn rau cắt rốn, nơi chúng tôi đã cất tiếng khóc chào đời... Ở nơi đó chúng tôi còn có những người thân đang hằng ngày, hàng giờ mong đợi để chở che, để chia sẻ cho chúng tôi,... Ngày quay trở về quê, là một khoảnh khắc đáng nhớ, đã khắc ghi trong lòng chúng tôi... Còn nơi đô thị phồn hoa đầy yêu thương vẫn là niềm mong mỏi, niềm mơ ước thiết tha của anh em tôi...

Đến bây giờ, những lời bố tôi căn dặn, dạy bảo, tôi đã hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống. Trong lúc khó khăn hoạn nạn mới thấy được tình người, tình cảm yêu thương đùm bọc sẻ chia giữa con người với con người. Một số gương đã cống hiến, đã “chia lửa” tất cả vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng mà không màng danh lợi. Một số gương đã dũng cảm hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Họ ra đi không một lời trăng trối, không một lời tiễn biệt, nhưng trong lòng họ luôn mang theo hai chữ  “Đồng bào”. Trong lúc đất nước gian lao thì tinh thần yêu nước, thương nòi lại trỗi dậy mạnh mẽ. Đó là bản chất đẹp đẽ của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam ta mà không đâu trên trái đất này có được. Còn với tôi, sự hy sinh của cha mẹ với con cái như trời biển là không gì có thể so sánh được, điều đó luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng học tập thật giỏi để không phụ tấm lòng cha mẹ và đền đáp công ơn mọi người đã giúp đỡ sẻ chia với gia đình mình. Điều tôi đã hiểu và tâm đắc nhất về “Lớp học của các loài chim” mà bố tôi đã kể, chính là bố tôi mong muốn tôi học tập thật giỏi để có vốn sống, vốn tri thức sau này phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, vững vàng trên mọi bước đường cuộc sống, nên đã lấy hình ảnh các loài chim để nhắc nhở tôi hằng ngày chăm chỉ học hành, luyện tập, có kết quả học tập tốt để ngày mai lập nghiệp. Những lời dạy đó, như chắp thêm cho tôi đôi cánh, tôi đã khắc ghi trong lòng, cũng là mơ ước của tôi, mà tôi vẫn đang hằng ấp ủ.

T.T.S

(Nguồn: TC VNNB  273+274/2022)

 

 

 

Bài viết khác